Phỏng vấn Cha Pi-ô Ngô Phúc Hậu:
“Tôi thấy
lo lắng cho giới trẻ bây giờ!”
Ban
Truyền thông Hội SVCG TGP Hà Nội đã có cuộc phỏng vấn với Cha Pi-ô Ngô Phúc Hậu
về chủ đề tình yêu và hôn nhân Công Giáo, và những thách đố trong đời sống đức
tin của người trẻ hiện nay.
LTS:
Cha Pi-ô Ngô Phúc Hậu là một tác giả nổi tiếng với nhiều cuốn sách, bài chia sẻ
rất được bạn đọc khắp nơi quan tâm, ngưỡng mộ. Nhân dịp cha đến tham dự và chia
sẻ với sinh viên trong Lễ truyền thống Hội SVCG TGP Hà Nội lần thứ 17 tại giáo
xứ Nỗ Lực – Hưng Hóa, ban Truyền thông Hội SVCG TGP Hà Nội đã có cuộc phỏng vấn
với ngài về chủ đề tình yêu và hôn nhân Công Giáo, và những thách đố trong đời
sống đức tin của người trẻ hiện nay.
Mặc
dù tuổi cha đã cao, tóc đã bạc, nhưng khi cha chia sẻ lại rất trẻ trung, gần
gũi với các vấn đề rất có ích cho cuộc sống mà giới trẻ cần phải quan tâm, tìm
hiểu . Ấn tượng ban đầu của chúng tôi về cha Pi-ô là: Khác với vẻ ngoài tươi
tỉnh, đôn hậu như chính cái tên của ngài – Ngô Phúc Hậu – bên trong tâm tư của
ngài luôn mang một nỗi niềm lo lắng cho thế hệ trẻ ngày nay.
Pv: Thưa Cha, con được biết Cha mới về
chung vui Lễ Truyền thống SVCG TGP Hà Nội, sức khỏe của Cha thế nào rồi ạ?
Cha Pi-ô: Tôi cũng về được một lúc rồi. Vừa vào đến quảng
trường thấy các bạn sinh viên năng động, bao nhiêu mệt mỏi của tôi đều tan biến.
Tôi rất vui khi được về chung vui với các bạn.
Pv: Thưa Cha, trong cương vị một người lớn
tuổi, Cha nhận xét thế nào về quan niệm và cách sống của giới trẻ nói chung,
sinh viên Công giáo nói riêng về vấn đề tình yêu, hôn nhân?
Cha Pi-ô: Các bạn giới trẻ bây giờ có nhiều cơ hội tiếp xúc
với nền văn minh hiện đại, cộng với tri thức học đường. Nhưng với sinh viên
Công giáo nói riêng, tôi ao ước các bạn sẽ sống theo một hướng tích cực, một xu
hướng phát triển của những người trẻ, chứ không phải đi theo hướng đi xuống.
Tôi nghĩ, các bạn sinh viên Công
giáo nên sống tích cực. Tôi không nói các bạn phải sống “đúng” vì chính tôi cũng không dám khẳng
định thế nào là “đúng.” Nhưng cũng có một số bạn thì vẫn theo lối sống lệch lạc.
Pv: Chúng con được biết Cha sẽ chia sẻ với
sinh viên về “Tình yêu, hôn nhân trong Đức Kitô,” cha có thể “bật mí” cho chúng
con một chút về những điều mà Cha sẽ chia sẻ được không ạ?
Cha Pi-ô: Tình yêu, hôn nhân là những đặc ân thiêng liêng nhất
mà Thiên Chúa ban cho mỗi người. Với thực vật, chúng có thể đơm
hoa, kết trái, sinh sôi, nảy nở giống nòi bởi vì chúng có sự tình cờ giao phối,
giữa chúng không có tình yêu. Nhưng đây cũng là sự an bài của Chúa dành cho thực
vật. Sang đến động vật, động vật sống
theo bản năng. Chúng giao phối với nhau theo những bản năng định sẵn trong cơ
thể chúng. Giữa chúng thì không có tình yêu, và cũng không thể có sự ràng buộc
của hôn nhân, vì chúng đơn giản sống theo bản năng của chúng. Nhưng Chúa cũng
đã an bài cho chúng để chúng có thể sinh sôi, nảy nở, di truyền giống nòi và
phát triển như vậy.
Còn riêng với con người, tình
yêu, hôn nhân là điều thiêng liêng, là hồng ân, có nghĩa phải có
sự tương tác giữa Thiên Chúa và con người. Chúa đã an bài cho con người có ơn gọi
hôn nhân, một vợ một chồng. Người con trai thì phải lìa xa cha mẹ của mình để
mà kết hợp với người nữ, trở nên một thân thể, để phát triền giống nòi. Tình
yêu và tình dục luôn có mối liên hệ chặt chẽ và tương tác hai chiều với nhau,
tình yêu của con người bao gồm cả tình dục. Tình yêu có tình dục thì tình yêu
thăng hoa. Nhưng nếu không có tình yêu mà chỉ có tình dục thì đó không phải là
tình yêu mà là do bản năng của giống loài.
Vì vậy, thực vật thì tình cờ mà phát triển, động vật
thì có tình dục, nhưng con người (ý tôi muốn nói là những người sẽ sống đời hôn
nhân) mà muốn phát triển thì phải có tình yêu lẫn tình dục. Hay nói chính xác
hơn, tình dục tốt đẹp phải được diễn tả trong và vì tình
yêu. Tất cả mọi sự của con người, Thiên Chúa đã an bài, không thể thay đổi được
nữa.
Pv: Vâng, vậy thưa Cha trong trường hợp có
một đôi bạn trẻ có tình cảm với nhau và muốn tiến tới hôn nhân, nhưng một bạn
theo Công giáo, còn một bạn thì không. Theo Cha, gia đình của bạn theo Công
Giáo có được phản đối cuộc hôn nhân này hay không?
Cha Pi-ô: Không được phép phản đối. Ngay cả Giáo Hội cũng
không được phép ngăn cản bất cứ trường hợp nào như vậy hoặc những trường hợp
tương tự. Tuy nhiên, gia đình cũng như Giáo Hội sẽ phải có trách nhiệm khuyên bảo
các bạn không nên làm thế. Vì một người nam và một người nữ, vốn đã có sự khác
nhau rất nhiều, nhưng trong trường hợp hai người khác
nhau về tôn giáo, thì cuộc hôn nhân đó sẽ không được đảm bảo. Khi hôn nhân
không được đảm bảo thì có nghĩa, nạn nhân sẽ có thể là những đứa trẻ (lẽ ra là
thành quả tốt đẹp của cuộc hôn nhân) nhưng lại thành nạn nhân và có thể kéo
theo nhiều hệ lụy khác nữa. Nói như vậy, không phải Giáo Hội đang can ngăn, mà
Giáo Hội phân tích cho các bạn hiểu. Giáo Hội vẫn sẽ chuẩn hợp hôn nhân nếu đôi
bạn trẻ vừa kể thực sự vẫn muốn đến hôn nhân.
Pv: Thưa Cha, nói đến hôn nhân, thì có một
vấn đề hết sức quan trọng hiện nay với giới trẻ, đó là vấn đề sống thử của một
số bạn trẻ. Cha nghĩ thế nào về vấn đề này?
Cha Pi-ô: Tôi thấy lo lắng cho giới trẻ bây giờ. Tôi thấy
các bạn tự quyết nhiều, thậm chí cả về vấn đề tội-phúc của các bạn. Sống thử không bao giờ đúng. Các bạn phải hiểu rằng: Khi các bạn tự ý sống thử,
hợp thì các bạn sẽ kết hôn, không hợp thì các bạn chia tay. Các bạn đã sống như
vợ chồng, rồi sau đó, các bạn lại sống như những người li dị mà chưa hề có bất
cứ một khế ước hôn nhân nào, cả bên đạo lẫn bên đời. Chúng ta có thể chấp nhận
một người li dị một lần, nhưng khi đã li dị quá hai lần thì có nghĩa, người đó
không có tư cách, không đủ phẩm chất để đảm nhận đời sống hôn nhân.
Pv: Thưa cha, còn một trường hợp như sau:
có một đôi bạn trẻ Công giáo kết hôn với nhau theo phép Đạo, họ cũng đã có những
đứa con. Sau một khoảng thời gian, cả hai đều có những mâu thuẫn. Họ thường
xuyên cãi vã và không còn tình yêu cho nhau nữa. Họ lo lắng sự mâu thuẫn, cãi
vã đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con cái họ. Và họ quyết định li dị. Theo Cha,
trường hợp này có được chấp nhận hay không?
Cha Pi-ô: Con người làm cái bát có thể hỏng, cái đũa có thể
cong. Nhưng với Thiên Chúa, đã an bài hôn nhân thì không bao giờ hỏng được. Như
tôi đã nói, Thiên Chúa đã an bài cho tình yêu, hôn nhân của con người. Trường hợp
này không được chấp nhận, lý do họ đưa ra chỉ là cái cớ ngụy biện. Sự thiếu sót trong trường hợp này là quá trình chuẩn bị tâm lý hôn nhân. Khi học giáo lý
hôn nhân, Giáo hội còn chú trọng nhiều đến kinh sách mà chưa đi sâu vào tâm lý
của đối tượng. Người này phải hiểu cho người kia thì hôn nhân mới bền lâu và vững
chắc.
Pv: Vâng, con cảm ơn Cha đã cho bớt chút thời
gian cho cuộc phỏng vấn này. Chúc Cha luôn mãi bình an và tràn đầy hồng ân
Chúa. Xin Cha thêm lời cầu nguyện cho chúng con luôn biết tìm đường đi cho đúng
trong cuộc sống tương lai.
Cha Pi-ô: Sinh viên bây giờ năng động quá. Tôi thấy các bạn
chủ động hơn nhiều rồi. (Cười). Cảm ơn các bạn. Chúc các bạn luôn can đảm vượt
qua mọi thử thách, để tìm thấy chân lý cuộc sống.
Mira – Ban Truyền Thông Hội SVCG TGP Hà Nội