MỘT TRẺ SƠ SINH BỌC TÃ,
NẰM TRONG
MÁNG CỎ
Thiên Chúa yêu thương con người và muốn mọi
người đáp lại bằng lòng yêu mến Ngài và yêu thương nhau.
Ngày nay, nói đến
Noel là cả người giáo lẫn lương đều nghĩ ngay tới hang đá, máng cỏ, đèn sao,
nghĩ tới các nhân vật trong hang đá là Chúa Hài Đồng Giêsu, Thánh Giuse, Mẹ
Maria, các Thiên thần, các mục đồng và chiên bò lừa. Hang đá gợi nhớ cảnh giáng
sinh nghèo khó của Con Thiên Chúa làm người. Chính Thiên Thần loan báo cho các
mục đồng: ‘‘Anh em cứ dấu này mà nhận ra
Đấng Cứu Thế : Anh em sẽ thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc
2,12). Đấng Kitô là Đức Chúa, thật khiêm nhường hạ sinh trong máng cỏ bò lừa
ngoài đồng vắng giá rét đêm đông. Ngài là Thiên Chúa, Đấng duy nhất có quyền kiểm
tra dân số (2 Sm 24,10) nhưng đã cùng với cha mẹ tuân lệnh hoàng đế Augúttô đi
khai dân số (Lc 2,5). Ngài là Thiên Chúa, không chọn sinh ra trong cung điện
cao sang nhưng lại sinh ra ’trong máng cỏ’, ngoài đồng vắng ‘vì hai ông bà không tìm được chỗ trọ’
(Lc 2,7).
Thánh Phanxicô
Assisi đã làm máng cỏ đầu tiên vào năm 1223. Từ Rôma về Assidi để mừng lễ Noel,
ngài nói với các thầy: “để thể hiện nỗi
cơ cực và khổ đau của Chúa ngay từ lúc còn thơ để cứu chuộc nhân loại, chúng ta
hãy làm một hang đá giống như thật với cỏ khô, rồi chúng ta dẫn một con lừa và
một con bò vào để cho giống với con bò con lừa đã chầu quanh Chúa Hài Đồng năm
xưa.” Từ đó mỗi dịp Noel về là khắp nơi trên thế giới đều làm hang đá, máng
cỏ.
Bên Hang Đá,
thinh lặng chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu giang đôi tay chúc lành; Máng Cỏ Bêlem tỏ
bày nhiều ý nghĩa.
1. Máng Cỏ tỏ bày một Thiên Chúa yếu đuối
Hài nhi nằm
trong máng cỏ biểu thị sự yếu đuối của Thiên Chúa. Một sự yếu đuối mà Người đã
tự ý chọn lựa. Thiên Chúa trong hình hài một bé thơ. Một Thiên Chúa yếu đuối. Trí
khôn con người không thể nào hiểu và chấp nhận nổi. Mọi lý luận đều bất lực trước
nghịch lý thần linh này. Thiên Chúa Đấng khôn tả của triết học bỗng dưng trở
thành diễn tả được. Thiên Chúa Đấng vô hình của tôn giáo đã chọn cho mình một
thể thức xuất hiện hữu hình. Thiên Chúa Đấng cứu độ đã mạc khải qua các ngôn sứ
giờ đây ngỏ lời trực tiếp với con người qua Hài Nhi bé bỏng nắm trong Máng Cỏ. Chúng
ta hãy từ bỏ ngôn ngữ của lý tính ở đây và thinh lặng để cho con tim thán phục.
May chi ngôn ngữ tình yêu có thể bập bẹ đuợc điều gì đó chăng? Quả thực, sự yếu
đuối của Thiên Chúa là sự yếu đuối của tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa được biểu
lộ dưới những hình thức khác nhau, như lòng thương xót, lòng trắc ẩn và sự âu yếm.
Một Thiên Chúa uy quyền trong sự yếu đuối của tình thương… Chúa Giêsu, Vua Vũ
Trụ lên ngôi trên thập giá. Thành công cuối cùng của Chúa Cứu Thế là sự phục
sinh nằm bên kia cái chết, và con đường dẫn tới đó phải khởi đi từ Máng Cỏ đến
Núi Sọ. (Lm Nguyễn Hồng Giáo).
Tại miền Nam nước
Pháp, có một máng cỏ khá nổi tiếng. Trong số các nhân vật đứng và quì nơi máng cỏ
này, du khách thường chú ý tới một con người nhỏ bé với hai bàn tay trống trơn
và mở rộng, nhưng gương mặt lại để lộ một vẻ ngạc nhiên khó mà diễn tả nổi. Vì
thế, người ta đã đặt cho nhân vật này cái tên gọi là Ngạc Nhiên. Dân địa phương
thường giải thích về sự ngạc nhiên của anh bằng một mẩu chuyện như sau.
Hôm đó, tất cả
các nhân vật nơi máng cỏ, kể cả mấy chú bò lừa đều tỏ ra khó chịu đối với anh,
bởi vì anh không có gì để mang tặng cho Chúa Hài Nhi, ngoài hai bàn tay trống
trơn của mình. Và thế là họ bắt đầu xỉ vả anh:
- Mày không biết xấu hổ hay
sao? Mày đến thăm Chúa Hài Nhi mà không mang theo gì cả ư?
Thế nhưng, anh
không để lộ một phản ứng nào, ngoài cặp mắt mở to và chăm chú nhìn vào Hài Nhi
Giêsu. Những lời rủa xả vẫn cứ tiếp tục trút xuống trên anh, đến nổi Mẹ Maria
phải lên tiếng bênh vực cho anh.
Quả thực, mặc
dù đã đến với Chúa Hài Nhi bằng đôi bàn tay trắng, thế nhưng anh đã mang tới một
món quà cao đẹp nhất, đó là sự ngạc nhiên của anh. Điều này có nghĩa là Tình
Yêu bao la của Thiên Chúa đã chiếm trọn tâm tư anh. Và Mẹ Maria đã kết luận như
sau:
- Thế giới này sẽ kỳ diệu biết
bao nếu như luôn có những người giống anh, biết ngây ngất và ngạc nhiên trước
quyền năng và tình thương vô biên của Thiên Chúa.
Trước Máng Cỏ
Bêlem, thật ngạc nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra tình thương bao la của Thiên
Chúa. Lời hứa từ thuở ban sơ, hôm nay đã được thực hiện. Thiên Chúa tỏ bày tình
thương bằng cách trao ban chính Con Một của Ngài cho nhân loại. Thánh Phaolô diễn
tả: Thiên Chúa bước xuống phận con người, để con người tiến lên ngôi Thiên Chúa.
2. Máng Cỏ tỏ bày một Thiên Chúa Tình Yêu
Trong đêm Giáng
Sinh, Sứ thần loan báo cho các mục đồng: “Này
tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là tin mừng cho toàn dân:
Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng
Kitô, là Đức Chúa“ (Lc 2, 11). Khung cảnh thật đơn sơ, thanh bạch, nghèo
hèn: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người:
anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,12).
Mẹ Maria và
Thánh Giuse vất vả một hành trình xa xôi từ Nadarét về Bêlem để kê khai nhân hộ
khẩu. Các quán trọ khinh người nghèo hất hủi. Hài Nhi Giêsu chào đời nơi đồng
hoang giá lạnh. Chẳng có ai thân thích. Chỉ có các mục đồng và bò lừa sưởi ấm.
Chẳng có gì kỳ
diệu, không có gì ngoại thường, không có gì huy hoàng được trưng dẫn như một dấu
chỉ cho những mục đồng. Tất cả những gì họ thấy chỉ là một Hài Nhi bọc tã, một
hài nhi như bao hài nhi khác, cần sự chăm sóc của người mẹ; một Hài Nhi sinh ra
trong chuồng súc vật, và như thế, không nằm trong nôi nhưng là trong máng cỏ. Dấu
chỉ của Thiên Chúa là một hài nhi cần sự trợ giúp và đang sống trong nghèo khó.
Chỉ bằng con tim, những mục đồng mới có thể thấy nơi hài nhi này sự viên mãn lời
hứa của tiên tri Isaia: “Một trẻ thơ đã
chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền
bính trên vai” (Is 9,5).
Dấu chỉ của
Thiên Chúa thật là đơn sơ. Đó là một Hài Nhi mới sinh. Dấu chỉ của Thiên Chúa
là Ngài trở nên bé nhỏ vì chúng ta. Ngài không đến với quyền lực và một bề
ngoài xa hoa. Ngài đến như một hài nhi cần sự giúp đỡ của chúng ta. Ngài không
muốn choáng ngợp chúng ta với sức mạnh của Ngài. Vì thế, Ngài đã hóa chính mình
thành nhỏ bé. Ngài không muốn điều gì khác nơi ta ngoại trừ tình yêu, qua đó
chúng ta phải học biết cách tiếp cận với cảm giác, tư duy và ý chí của Ngài. Chúng
ta học biết sống với Ngài và thực hành với Ngài sự khiêm hạ từ bỏ mình là điều
tinh túy nhất của tình yêu. Ngài đã hóa thành nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu
Ngài, chào đón Ngài, và yêu thương Ngài.
3. Máng Cỏ tỏ bày một Thiên Chúa Cứu Độ
Theo Thánh
Kinh, biến cố lớn nhất đánh dấu lịch sử nhân loại là Thiên Chúa làm người vì
tình yêu. Hài Nhi Giêsu ra đời trong cảnh nghèo hèn chính là một vị Thiên sai. Ngài
đã cắt đôi dòng lịch sử loài người thành hai phần: trước công nguyên và sau
công nguyên. Em bé ấy không phải là một nhà bác học, không phải là một nhạc sĩ
mà chính là Thiên Chúa, là Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, Đấng cao sang, quyền
năng, Đấng sáng tạo vũ trụ, hôm nay đã làm người. Ngài giáng sinh làm người
trong thân phận một em bé yếu ớt nằm trong máng cỏ hang lừa chứ không phải
trong một cung điện sang trọng lầu son gác tía.
Thiên Chúa làm
người trong thân phận một bé thơ yếu ớt nhưng chất chứa một tình yêu lớn lao. Một
trẻ thơ sinh ra vào một đêm đông giá rét trong hang đá bò lừa ngoài đồng hoang
nghèo hèn. Dưới con mắt người đương thời không những bình thường mà còn tầm thường
hơn những trẻ thơ khác. Nhưng sự chào đời của Hài Nhi Giêsu là một niềm vui cao
cả, trọng đại, đặc biệt. Một niềm vui khởi điểm cho mọi niềm vui và vượt lên
trên mọi niềm vui.
Hài Nhi giáng
sinh là một sự kiện đặc biệt của lịch sử nhân loại, là sự “hoàn tất” Lời Hứa của
Thiên Chúa, là trung tâm của nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa, là đỉnh cao và
là chủ đích của Thánh Kinh.
Chính nơi Ngôi
Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn toàn tỏ mình và ban chính mình cho nhân loại. Ngôi
Lời Nhập Thể là tuyệt đỉnh thời gian viên mãn đối với Ba Ngôi Thiên Chúa.
Hài Nhi Giêsu
đã trở nên một sự tái tạo mới. Tái tạo khởi đi từ tha thứ và yêu thương của
Thiên Chúa Ba Ngôi.
Mầu nhiệm Nhập
Thể và mầu nhiệm Cứu Độ làm nên trọng tâm sứ điệp của đức tin Kitô giáo. Từ thế
kỷ này đến thế kỷ khác, Giáo Hội công bố niềm tin ấy dọc dài thời gian giữa những
thách đố của thế giới. Giáo Hội uỷ thác cho con cái mình như kho tàng quí giá để
gìn giữ và chia sẻ cho người khác. Nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh ra tại Bêlem,
Thiên Chúa nhận lấy thân phận con người, để chúng ta có thể đến được với Thiên
Chúa và để thiết lập giao ước với loài người và con người giao ước liên đới với
nhau.
Giáng Sinh trở
thành một đại lễ của nhân loại. Giáng Sinh là ngày hội lớn duy nhất trên trái đất
được đón mừng bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. Từ núi cao,
trong rừng sâu, xuống đồng bằng, vào thị tứ giàu sang… Qua đủ mọi hình thức:
nhóm vài cây củi trên rừng, thắp ngọn nến đơn sơ trong ngôi nhà thờ bé nhỏ
nghèo nàn vùng quê hẻo lánh, hay trăm ngàn ánh đèn muôn mầu rực rỡ chốn đô hội
văn minh tráng lệ, khắp nơi đón mừng và cùng hát lên tâm tình:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14)
Giáng Sinh, đất
trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của tình yêu cứu độ. Thiên Chúa làm
người, nối nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, bắc nhịp cầu nối
liền giữa con người với nhau. Thiên Chúa yêu thương con người và muốn mọi người
đáp lại bằng lòng yêu mến Ngài và yêu thương nhau. Máng Cỏ luôn làm cho con người
thổn thức bùi ngùi xúc động, vì đối diện với một Tình Yêu khiêm tốn. Máng Cỏ
mang ý nghĩa của thập giá và hướng về mầu nhiệm Thánh Thể. Qua Hài Nhi Giêsu
trong Máng Cỏ Bêlem, chúng ta hiểu được phần nào tâm tình của Thiên Chúa muốn
ngỏ với loài người. Qua Máng Cỏ Bêlem, Thiên Chúa trở nên thật gần gũi và đáng
yêu. Từ suối nguồn yêu thương của Thiên Chúa “tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.” (Ga 1,16). Tình
yêu thương ấy là ánh sáng soi đường và là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn chúng ta. Niềm
vui giáng sinh không nhất thiết phải đến từ những bữa tiệc thịnh soạn hay khung
cảnh huy hoàng lộng lẫy bên ngoài. Niềm vui giáng sinh đến từ nội tâm khi chiêm
ngắm Máng Cỏ Bêlem. Noel này, bạn hãy dừng lại nơi hang đá máng cỏ, dành thời
gian thinh lặng để ngắm nhìn và suy niệm, bạn sẽ khám phá thật nhiều sự kỳ diệu
của tình yêu Thiên Chúa nhập thể làm người và ở cùng chúng ta.