Lời Chúa cnmv 3b _ Thiên Chúa ẩn mình đang chờ chúng ta

THIÊN CHÚA ẨN MÌNH
ĐANG CHỜ CHÚNG TA
Thiên Chúa thích ẩn mình vì tôn trng t do ca con người... Thiên Chúa ẩn mình đang đợi chúng ta phát hiện và chỉ cho anh em.
Logos
Ngày kia, người cha thấy đứa con gái nhỏ khóc nức nở về nhà. Ôm con vào lòng, người cha hỏi:
-         Sao con khóc, có ai bắt nạt con không?
Cô bé nấc trong vòng tay cha hồi lâu, dịu lòng đôi chút, nó nói giữa tiếng nấc nghẹn:
-         Tụi nó bỏ con!
-         Ai bỏ con, sao tụi nó lại bỏ con?” Người cha hỏi.
-         Các bạn rủ con chơi trốn tìm rồi các bạn bỏ con đi đâu mất tiêu!
Thì ra cô bé trốn kỹ quá các bạn không thể tìm thấy. Cuộc chơi đã kết thúc từ lâu mà cô bé không biết. Khi ra khỏi chỗ trốn thì chẳng còn bạn nào, bé tủi buồn khóc nức nở.
Lời của thánh Gioan: “… có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.” (Ga 1, 26b) cho chúng ta nghĩ về một Thiên Chúa ẩn mình. Con người không nhận ra Thiên Chúa có thể vì Thiên Chúa ẩn mình quá kỹ hoặc có thể vì nhiều vật cản che khuất tầm nhìn giới hạn của con người.
Thiên Chúa thích ẩn mình
Ngài ẩn mặt vì Ngài tôn trọng tự do của con người. Con người sống bất công, Ngài không vội phạt, Ngài chờ; con người sống ngay lành, Ngài không lộ liễu tưởng thưởng ngay, Ngài luyện lòng yêu mến cho con người; con người cầu khấn, Ngài như không nghe để con người tập đức cậy trông; con người xúc phạm đến Ngài, Ngài im lặng kiên nhẫn vì Ngài không muốn mất con người…
Do vậy, con người có cảm giác Thiên Chúa không hiện diện. Vì khó cảm nghiệm niềm vui linh thánh và không dễ nhận ra ơn huệ thiêng liêng nên con người bị cám dỗ đi tìm niềm vui trần thế dễ nhìn và tìm phúc lộc cụ thể dễ thấy. Con người vốn cần có Thiên Chúa để hiện hữu và tồn tại như các sinh vật cần đến không khí; vốn cần có Chúa để thăng tiến phát triển như cây cỏ cần ánh sáng mặt trời. Tuy thế, sống trong tình trạng hưởng ân huệ thường xuyên dễ làm cho ta quên Đấng ban ân huệ. Con người luôn cần đến Thiên Chúa nhưng lại hay quên Thiên Chúa. Sự quên lãng và mù tối đó chính là mối nguy cho con người. Nó là tiền đề cho sự chối bỏ Thiên Chúa, gạt Chúa ra khỏi cuộc sống và dẫn đến tình trạng nghèo nàn và tiêu diệt mình.
Đức Kitô, bảng chỉ đường về nhà Cha
Thiên Chúa không muốn để con người sống trong u tối. Sau tội Adam-Evà, cửa Thiên Đàng đã khép, con người như mù lòa không nhận ra đường về nhà Cha. Hình ảnh chiều chiều Adam được Chúa hiện ra đàm đạo trong vườn địa đàng đã lui vào dĩ vãng (x. St 3, 8; 24). Tuy thế, Thiên Chúa là tình yêu không thể bỏ con người dù họ quay lưng lại với Ngài. Lúc con người bỏ Chúa mà đi cũng là lúc Thiên Chúa lên đường đi tìm con người. Mầu nhiệm Nhập Thể chính là mầu nhiệm Thiên Chúa chạy theo con người. Đức Kitô là con đường sáng để ta lại nhìn thấy Thiên Chúa. Ngài là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống để ta biết lối về nhà Cha, biết minh định đâu là thật là giả và để lại nhận được ân huệ phục sinh.
Đức Kitô là Đấng được Chúa Cha sai đến với con người để đưa con người đang nghèo tình yêu được nên giàu có; đang đổ vỡ tình nghĩa với Chúa và với nhau được hàn gắn lại, đang bị tội lỗi trói buộc được tự do. Tấm lòng của Thiên Chúa quá bao la. Quyền phép Chúa thật toàn năng. Chúa đã nhờ Đức Kitô như bảng chỉ đường cho ta biết lối về nhà Cha.
Kitô hữu là bảng chỉ đường dẫn đến Đức Kitô
Vai trò này được thánh Gioan Baotixita thể hiện xuất sắc với tư cách vị tiền hô cho Đức Kitô. Đến phiên chúng ta, Đức Kitô lại nhờ chúng ta, sau khi đã biết và trở về với Chúa, hãy trở nên bảng chỉ đường cho anh em đến với Ngài.
Trung thành với đời sống khổ hạnh được an bài, bằng lời kêu gọi sám hối: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1, 23), Gioan đã trở nên ngọn đèn soi lối cho mọi người đến và đón nhận Đức Kitô. Gioan là đầy tớ cho Đức Kitô là chủ, là âm thanh vang lên cho mọi người hiểu được nội dung của Lời. Gioan tuyệt đối không bao giờ che lấp Chúa. Bằng thái độ thẳng thắn, khiêm tốn, thánh nhân không bao giờ để cho người khác ngộ nhận về mình: “Tôi không phải là Đấng Kitô… Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Nơi khác, ngài nói thêm: “Có Người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi vì có trước tôi.” Ngài tỏ ra vui khi Đức Giêsu được nể trọng như phụ rể mừng khi tân lang được vinh vang: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3, 30). Bảng chỉ đường phải được đặt bên vệ đường, bảng chỉ đường mà đứng giữa đường cản lối đi thì chỉ đáng phá bỏ.
Thánh Gioan Maria Vianney được sai đi làm cha sở xứ Ars, một nơi nổi tiếng hai điều: một là nhà nhà khô khan việc đạo, hai là người người đều biết khiêu vũ! Ngày cha sở về chẳng ai thèm đón. Phương tiện về nhận xứ là một chiếc xe bò chở vài chiếc vali áo lễ, đồ lễ, sách vở và ít vật dụng cá nhân. Tới một ngã ba, phân vân không biết đi đường nào, cha Gioan gọi một em bé lại và hỏi: “Con làm ơn cho cha hỏi: Nhà thờ xứ Ars đi lối nào?” Em bé ngạc nhiên trố mắt nhìn. Cha nói tiếp: “Con chỉ cho cha đường đến nhà thờ rồi cha sẽ chỉ cho con đường lên thiên đàng!” Quả thế, cha Gioan Maria Vianney đã tận tụy 40 năm tại xứ Ars để chỉ cho biết bao người biết con đường về với Chúa bằng đời sống khổ hạnh, cầu nguyện, giải tội, khuyên bảo không ngơi nghỉ. Ngài đã trở nên bảng chỉ đường cho mọi người đến được với Đức Kitô.
Mọi kitô hữu cũng phải trở nên bảng chỉ đường về Đức Kitô bằng đời sống cầu nguyện và bác ái mẫu mực. Ước mong người ta thấy được Chúa nơi người kitô hữu như cụ già nhân chứng nơi tòa án phong thánh cho cha Gioan Maria Vianney đã nói: “Tôi đã thấy Thiên Chúa nơi một con người.”
Thiên Chúa ẩn mình đang đợi chúng ta phát hiện và chỉ cho anh em, đó là sứ mạng của mỗi kitô hữu.