Tìm hiểu Lời Chúa _ Lễ cầu cho các linh hồn

NGÀY 2 THÁNG 11
CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI I, II, III
LỄ I
BÀI ĐỌC I: G 19, 1. 23-27a
1 Bấy giờ, ông Gióp lên tiếng nói: 23 Ôi, những lời tôi nói đây, phải chi có người chép lại, phải chi có người ghi vào sách, 24 có người đục bằng sắt, trám bằng chì, tạc vào đá cho đến muôn đời! 25 Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. 26 Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. 27 Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ.”
ĐÁP CA: Tv 26
Đ. Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban
trong cõi đất dành cho kẻ sống
. (c 13)
1 CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa?
4 Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền CHÚA tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng.
7 Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu, xin thương tình đáp lại. 8b Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài, 9a xin Ngài đừng ẩn mặt.
13 Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. 14 Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào CHÚA.
BÀI ĐỌC II: Rm 5, 5-11
5 Thưa anh em, trông cậy không làm chúng ta phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. 6 Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta. 7 Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. 8 Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. 9 Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. 10 Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy. 11 Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 6, 40
Hall-Hall: Chúa nói: Ý của Cha tôi là tất cả những ai tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Hall.
TIN MỪNG: Ga 6, 37-40
37 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

THÁNH THỂ, NGUỒN HẰNG SỐNG
Đối với niềm tin của người Công Giáo sự chết không phải là tận tuyệt, ai đã được sống kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể thì cũng được mai táng với Ngài, mà ai đã cùng chịu đau khổ với Ngài, thì cùng được chia phần vinh phúc vĩnh hằng với Ngài trong thế giới Phục Sinh. Do đó, dù sống đời này ta còn gặp đau khổ như ông Gióp: nội trong một ngày Chúa cho ma quỷ cướp hết tài sản và con cái của ông, nó còn làm cho thân xác ông lở loét từ đầu đến chân, khiến bà vợ không muốn nhìn ông mà còn mỉa mai Đức Tin của ông: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!” Nhưng ông Gióp đáp lại: “Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 2, 9-10) Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không để cho môi miệng thốt ra lời tội lỗi. Vì ông Gióp tin vào sự sống lại: “Đấng bênh vực tôi hằng sống, và sau cùng Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da thịt tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân này tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy, không phải người xa lạ” (G 19, 25-27: Bài đọc I).
Đối với người Công Giáo sống Đức Tin và yêu Chúa hết lòng hết linh hồn hết trí khôn, thì nỗi đau khổ nhất của họ là cảm nghiệm chính mình gặp yếu đuối tư bề, điều tốt muốn lại không làm, điều xấu ghét lại cứ thi hành (x. Rm 7, 18-19). Nếu không có Chúa ra tay cứu vớt, thì với con người tội lỗi ấy đã thuộc về quyền quản lý của thần chết. Tuy thế ta đừng thất vọng, “vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.” (Rm 5, 5-10: Bài đọc II). Như thế Đức Kitô đã không tiếc chúng ta điều gì, nên bây giờ cho “dù chúng ta còn phải chết vì tội đã phạm, thì Thánh Thần cũng làm cho chúng ta được sống, vì chúng ta đã được trở nên công chính trong Chúa Giêsu” (Rm 8, 10).
Trở nên công chính trong Chúa Giêsu”, có nghĩa là được kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, vì Ngài là nguồn sống. Bởi thế Ngài nói: “Tất cả những người Chúa Cha đã ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi sẽ không bị loại ra ngoài, vì tôi từ trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 37-40: Tin Mừng).
Vậy “tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban, trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 27/26, 13: Đáp ca).
Ta biết rằng khi được hiệp thông Thánh Thể, thì ta đã được đồng hóa với Chúa Giêsu (x. Gl 2, 20), không phải chỉ có ta mà còn tất cả những người được Chúa Giêsu cứu độ, vì họ cũng là chi thể của ta trong Ngài. Các chi thể trong một thân mình, chi thể này được tồn tại và phát triển là nhờ sống cho chi thể khác và ngược lại. Vì vậy, người Công Giáo chăm sóc nhau là chăm sóc thân thể mình trong Chúa Giêsu.
Một người phụ nữ người ta đặt tên là Bà Chằng, vì rất hợp với bản tính khó nết, ích kỷ của bà. Lúc bà vừa tắt thở, quỷ lôi bà đi ngay, vì nó biết bà này không ai ưa, thì chắc chắn phải xuống Hỏa Ngục không cần đợi Chúa xét xử!
Thiên thần bản mạnh của bà giằng co với quỷ và kêu nài với Chúa:
-             Xin Chúa xét xử cho bà này theo lòng thương xót của Ngài. Không thể để quỷ lôi bà đi ngay được!
-             Con hãy mở sổ Nhật Ký xem bà có làm một điều gì tốt cho ai không? Thiên Chúa nói với thiên thần.
Thiên thần mau mắn lật từng trang Nhật Ký về đời sống Bà Chằng, lật cả mấy ngàn trang rồi mà chẳng thấy có việc tốt nào cả… À, may quá, thiên thần reo lên và thưa với Chúa:
-             Lạy Chúa, có một lần bà này đã cho người lối xóm một cọng hành ạ!
-             Thế thì con hãy dùng cọng hành đó mà kéo bà lên! Chúa bảo thiên thần.
Thiên thần mau mắn làm ngay. Bà Chằng bám vào cọng hành và được thiên thần nín thở kéo lên. Thấy vậy nhiều người dưới Hỏa Ngục vội bám lấy bà mong được “ăn theo”, Bà Chằng nổi sùng giãy đạp, chửi thề …! Làm cọng hành đứt phựt, thế là cả chùm người rơi xuống Hỏa Ngục!!
Hãy nhớ lời Thánh Kinh dạy:
Đức ái phủ lấp muôn vàn tội lỗi!” (1 Pr 4, 8). Vì “ai có lòng nhân ái thì được thắng án, án xử chỉ tàn nhẫn cho kẻ bất nhân!” (Gc 2, 13).
***
Nhân ngày lễ Các Linh Hồn, chúng ta ôn lại giáo lý về thế giới mai sau: Thiên Đàng, Hỏa Ngục, Luyện Tội và Ngục Tổ Tông.

NỀN TẢNG GIÁO THUYẾT VỀ ĐỜI SỐNG MAI SAU
1/ Luyện Ngục. Trong Mạc Khải không nói rõ có Luyện ngục, nhưng qua hai Công Đồng Florence số 1439 và Công Đồng Vat. II trong Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân số 49 dạy: “Trong các môn đệ của Chúa có những kẻ tiếp tục cuộc hành trình nơi dương thế, có những kẻ hoàn tất cuộc sống và đang tinh luyện (Luyện ngục), và có những kẻ được hiển vinh đang hưởng hạnh phúc cùng Thiên Chúa.”
Hội Thánh định tín như trên là dựa vào Mạc Khải:
-             2 Mcb 12, 43: Phải cầu nguyện cho những người quá cố: Như vậy người qua đời đã đi vào thế giới khác.
-             Mt 12, 32: Tội phạm đến Thánh Thần đời này hay đời sau cũng không được tha. Đó là Hỏa ngục.
-             Mt 5, 25-26: Các ngươi không thể ra khỏi nơi đó bao lâu chưa trả nốt đồng xu cuối cùng: Đồng xu cuối cùng là tội nhẹ, cũng phải được thanh luyện trong thế giới mau sau.
-             1Cr 3, 13-15: Công việc của mọi người sẽ được tỏ lộ ra, được mạc khải trong lửa cháy: Như vậy công việc của mọi người còn được thanh luyện sau khi chết.
-             Kh 21, 25-27: Cổng thành Giêrusalem trên trời không bao giờ đóng cả ngày đêm, nhưng không một người phàm tục nào lẻn vào được. Như vậy, chỉ có những ai đã được thanh luyện tinh tuyền mới được vào Thiên Đàng.
2/ Ngục Tổ Tông:Tiếng Do Thái là Shéol, có nghĩa là nơi ở của các vong linh (x. Ds 16, 23). Kinh Thánh đề cập nhiều đến Âm Phủ:
-             Cv 2, 31: Đức Kitô không bị bỏ rơi trong Âm Phủ, và thân xác Ngài không thấy cảnh hư nát.
-             1Pr 3, 19: Đức Giêsu Kitô đã đi rao giảng cho các thần linh trong Âm Phủ.
Vậy Âm Phủ là gì? Ta biết rằng Luật được ban qua Môsê, nhưng ơn nghĩa và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có (Ga 1, 17). Mà Luật như một tấm gương soi bóng linh hồn (x. Gc 1, 23), để nhờ Luật ta mới biết mình có tội (x. Rm 3, 20; 7, 7). Luật chỉ có giá trị như quản giáo dẫn ta đến gặp Đức Giêsu mới được ơn giải phóng thoát án phạt của Luật (x. Gl 3, 24). Hậu quả của tội là sự chết, còn ân huệ của Thiên Chúa là sự sống đời đời trong Chúa Giêsu Kitô (x. Rm 6, 23).
Mặt khác, Cựu Ước chỉ là hình bóng của Tân Ước. Thế nên nếu Ngôi Hai không giáng trần, thì Cựu Ước chỉ là chuyện lừa bịp, là thần thoại. Nhưng nhờ Ngôi Hai nhập thể đã làm hoàn hảo những điều được viết trong Cựu Ước (x. Mt 5, 17).
Vậy Kinh Thánh nói Chúa Giêsu sau khi chết Ngài xuống Âm Phủ, có nghĩa là Ngài cứu những người sống trung thành với Lề Luật Cựu Ước, để đưa họ vào chế độ ân sủng do Ngài thực hiện. Nói cách khác, những kẻ chỉ bám víu vào Luật Cựu Ước, là những kẻ ở trong Âm Phủ, họ phải được ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu dẫn lối vào chốn trường sinh.
3/ Hỏa Ngục:
Nhiều người lầm tưởng rằng Thiên Chúa là tình yêu, nên không có Hỏa Ngục để hành hạ con người, nếu có nói đến Hỏa Ngục, đó chỉ là cách dọa nạt cho người ta sợ đừng phạm tội thôi. Nhưng Chúa Giêsu nói rõ về Hỏa Ngục:
-             Mt 24, 49-51: Kẻ nào chỉ lo ăn uống say sưa và tra tay đánh đập đồng loại, nó sẽ bị khai trừ, và bị đồng hóa với lũ giả hình, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng.
-             Mt 25, 1-13: Những cô trinh nữ khờ dại không được vào dự tiệc cưới.
-             Mt 25, 44-46a: Kẻ nào không thương giúp đồng loại, để hướng lòng họ về với Chúa, thì sẽ phải vào chốn cực hình đời đời.
Những hình ảnh Hỏa Ngục trên đây, chỉ là cách nói bình dân cho dễ hiểu về hình khổ đời sau, mà sợ để xa lánh tội lỗi. Thực ra Chúa không làm ra Hỏa Ngục để phạt ai. Nhưng có Hỏa Ngục là do người ta ngoan cố không làm theo ý Chúa mà làm theo ý mình. Trong Thánh Kinh, có nhiều cách diễn tả con người phải khổ vì không chọn Chúa:
-             Ga 15: Chúa Giêsu là cây nho, ta là ngành, ngành nho nào tách lìa khỏi thân thì tự khô héo. Như vậy dù thân cây có tiết ra nhựa để nuôi cành, thì cành vẫn chết!
-             Mt 7, 26: Người không xây dựng đời mình trên Giáo Lý của Hội Thánh, thì tai họa ập đến, giống như người ngu xây nhà trên cát, khi mưa giông bão tố xảy đến, nhà đó bị sập, thì không thể đổ lỗi cho Chúa được, mà phải tự nhận lấy hậu quả do mình không làm đúng kỹ thuật.
-             Mt 12, 43-45: Kẻ đã thuộc về Chúa, lại tạo điều kiện cho bảy quỷ dữ đến, thì tình trạng người đó lại tệ hơn trước.
-             Kh 19, 7-8: Nước Trời như tiệc cưới, ai mặc áo trúc bâu, là mặc lấy Chúa Kitô, mặc lấy công đức của các thánh, thì họ như cô dâu được đưa vào tiệc cưới. Vậy ai không có Chúa Kitô, không có công đức, thì như cô dâu khỏa thân, chàng rể có muốn đưa cô vào, thì cô cũng phải tìm cách chạy trốn. Như thế, Hỏa Ngục còn là nơi Chúa thưởng kẻ “trần truồng” vì không “mặc” lấy Ngài, cũng không mặc lấy công đức của các thánh.
-             Dnl 30, 15-20: Chúa đặt trước mắt mỗi người nước và lửa, sự sống và sự chết, ai chọn gì thì lãnh cái đó.
Thánh Tôma Tiến sĩ cho ta một ví dụ để tin Hỏa Ngục hay không? Ngài nói:
-             Nếu bạn không tin có Hỏa Ngục là đúng, bạn không có gì phải sợ, sống thoải mái vui thú xác thịt được tối đa 100 năm; nhưng nếu bạn sai vì có Hỏa Ngục mà bạn không sợ, cứ sống phóng túng, chắc chắn bạn mất phúc đời đời.
-             Nếu tôi tin có Hỏa Ngục là sai, vì không có Hỏa Ngục mà tôi cứ sợ hãi, nên phải kìm chế xác thịt, tôi mất phúc tối đa 100 năm; nhưng nếu tôi tin có Hỏa Ngục là đúng, tôi sợ không phạm tội, chắc chắn tôi sẽ được phúc đời đời.
Vậy cứ tin có Hỏa Ngục luôn luôn có lợi!

LỄ II
BÀI ĐỌC I: Is 25, 6a. 7-9
6a Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc:7 Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. 8 Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. ĐỨC CHÚA phán như vậy. 9 Ngày ấy, người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là ĐỨC CHÚA chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ.”
ĐÁP CA: Tv 24
Đ. Lạy Chúa, chẳng ai trông cậy Chúa, mà lại phải nhục nhằn tủi hổ. (c 3a).
6 Lạy CHÚA, nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. 7c Xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
17 Lòng đau như thắt, xin làm cho thanh thoả, và giải thoát con khỏi bước ngặt nghèo. 18 Xin Chúa thấy cho cảnh lầm than khổ cực và tha thứ hết mọi tội con.
20 Xin bảo toàn sinh mạng và giải thoát con, đừng để con tủi nhục, bởi vì con ẩn náu bên Ngài. 21 Ước gì lòng trong sạch và ngay thẳng che chở giữ gìn con, vì con trông cậy Chúa.
BÀI ĐỌC II: Rm 8, 14-23
14 Thưa anh em, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. 15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi! "16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. 17 Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.
18 Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. 19 Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. 20 Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy21 là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. 22 Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. 23 Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Mt 25, 34
Hall-Hall: Chúa nói: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi, ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Hall.
TIN MỪNG: Lc 23, 33. 39-43
33 Bấy giờ, khi đến nơi gọi là "Đồi Sọ", họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái.
39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! "40 Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! "42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! " 43 Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

ƠN CỨU ĐỘ DO LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Con người, ai cũng mong sống trường sinh bất tử, nên ai cũng sợ thần chết đến gõ cửa nhà làm thất kinh bát đảo! Chỉ có những ai tin vào Chúa mà tham dự tiệc của Ngài đã dọn sẵn trên núi, mới thoát tay tử thần, như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo: “Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. ĐỨC CHÚA phán như vậy. Ngày ấy, người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là ĐỨC CHÚA chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ.” (Is 25, 6a. 7-9: Bài đọc I).
Bữa tiệc này chính là tiệc Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã dọn sẵn cho muôn dân trên núi Sọ trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, và Ngài truyền cho Hội Thánh làm hiện tại hóa Hy Tế này cho đến ngày cánh chung. Ai đến tham dự thì được sống hạnh phúc dồi dào muôn đời, vì đã được đồng hóa với Con Một Thiên Chúa: cùng một xương thịt, cùng một sự sống (x. Gl 2, 20; Dt 2, 11; Ga 6, 57). Do đó biết mở miệng như trẻ sơ sinh còn nằm trên nôi thưa với Thiên Chúa là “Abba” (lạy Cha), mà đã là con thì cũng được thừa kế, tức là đồng thừa kế với Đức Kitô, một khi cùng chịu đau khổ với Người, thì chúng ta cùng được hưởng vinh quang trong Ngài. Nhờ đó các tạo vật cũng được tham dự vào vinh quang Thiên Chúa (x. Rm 8, 14-23: Bài đọc II). Như thế, nếu ta không được Chúa cứu độ, ta đã phá hủy công trình kỳ diệu Thiên Chúa sáng tạo.
Sự tốt đẹp Chúa ban cho chúng ta hơn lòng mong ước, đến nỗi dù suốt cả đời ta làm nô lệ cho Satan như tên trộm bị đóng đinh bên Đức Giêsu (lúc Ngài dâng Lễ), nhưng anh đã biết sám hối, xin Ngài thương xót, tức khắc Ngài tuyên bố: “Hôm nay anh ở trên Thiên Đàng với Ta” (x. Lc 23, 33. 39-43: Tin Mừng).
Vậy “lạy Chúa, chẳng ai trông cậy Chúa mà lại phải nhục nhằn tủi hổ” (Tv 25/24, 3a: Đáp ca).
Ta biết hiệu quả của Thánh Lễ là được Chúa ban ơn cho hết mọi loại người, người sống cũng như người đã qua đời. Thậm chí người cô thế cô thân, hoặc quả phụ, mồ côi, nghèo khó, lại được Chúa ưu đãi hơn: “Đấng xử công minh cho kẻ mồ côi quả phụ, cho nó cơm ăn áo mặc” (Dnl 10, 18). Đó là lý do Chúa đòi chúng ta phải ưu tiên cho quả phụ, mồ côi. Ai xúc phạm đến họ, Ngài thẳng tay trị tội (x. Xh 22, 20-23; Dnl 14, 28-29; Dnl 24, 17-22).
Chính vì vậy Thánh Lễ nào Hội Thánh cũng cầu nguyện cho hết thảy mọi người, cả những người chúng ta không biết lòng tin của họ (Kinh Nguyện Thánh Thể thứ 4). Do đó không có linh hồn nào mồ côi, nếu nghĩ là không được ai cầu nguyện cho!
Vậy tốt nhất ta hãy xin Lễ ưu tiên cho những người còn sống biết thực hành Lời Chúa, và xin Lễ cầu nguyện cho những người mà ta đã gây cớ vấp phạm cho họ, hoặc ta đã mang ơn họ mà không có cách nào đáp đền. Sau cùng ta mới xin chỉ cho những người đã qua đời. Có cầu nguyện cho mọi người như thế, ta mới hiệp thông với toàn thể Hội Thánh. Đó là Tín Điều Các Thánh Cùng Thông Công, thì chẳng những người mà ta cầu nguyện cho họ được ơn, mà cả ta cũng được Hội Thánh cầu nguyện cho, vì được liên kết trong Đức Ái với Chúa và hết thảy anh em trong đại Gia Đình Hội Thánh. Có như thế ta mới làm ứng nghiệm Lời Chúa Giêsu chúc phúc: “Nào những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi, ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25, 34: Tung Hô Tin Mừng).
Có một Giáo lý viên (glv) kia xin Chúa cho được tham quan đời sống hạnh phúc trên Thiên Đàng và những đau khổ dưới Hỏa Ngục, để có kinh nghiệm cụ thể trong việc dạy giáo lý giúp học tránh tội tích cực hơn! Và Chúa đã cho Glv ấy được toại nguyện, Ngài nói: “Con xuống Hỏa Ngục xem trước, rồi lên Thiên Đàng sau” . Glv ấy vừa mừng vừa sợ, vì nếu xuống Hỏa Ngục lửa cháy phừng phực, quỷ dữ đông vô số, lại còn rắn rít, bò cạp … lỡ không khéo là đi đứt! Nên glv xin được bám chặt vào tay thiên thần dẫn đi.
Lạ thay, khi bước xuống Hỏa Ngục, glv ngạc nhiên thấy Hỏa Ngục không đau khổ như nhiều người mô tả. Vì nơi đây nhà cao cửa rộng, gió mát trăng thanh…! Glv được thiên thần dẫn vào nhà cơm: trước mắt glv là một cái bàn tròn lớn, đường kính không dưới 10m, đặt giữa nhà. Trên bàn đã dọn sẵn nhiều cao lương mỹ vị, nhưng chỉ có một đôi đũa dài bằng chiều rộng cái bàn. Một hồi chuông bỗng vang lên, có tiếng nói trong loa phóng thanh: “Chúng mày chỉ có 30 phút ăn thôi, sau đó phải nhanh chân về lại trại giam”, vừa dứt lời, một đoàn người nối đuôi nhau tiến vào bàn ăn, ai nấy ngồi vào chỗ của mình. Glv rất thắc mắc tại sao bàn ăn nhiều cao lương mà người nào cũng ốm nhom ốm nhách!
Vừa ngồi xuống ghế là mọi người nhao nhao ai cũng giành lấy đôi đũa gắp món ăn cho mình, nhưng vì đũa quá dài, nên gắp được miếng nào, chưa kịp đưa vào miệng đã bị rớt xuống đất! … Cứ như thế cho đến hết giờ mà chẳng ai ăn được gì?!
Glv ấy mới ngộ ra: thảo nào ai cũng ốm o gầy còm!
Sau đó, thiên thần dẫn glv lên tham quan Thiên Đàng, lên đến nơi, glv vô cùng ngạc nhiên vì cảnh trí ở đây cũng đâu có khác gì dưới Hỏa Ngục: bàn ăn thịnh soạn, và cũng chỉ có một đôi đũa dài! Một hồi chuông báo hiệu giờ ăn, trên loa phóng thanh có tiếng nói: “Xin các ngài nhớ giờ cơm chỉ có 30 phút, sau đó về nhà nghỉ ngơi, để không trễ giờ kinh chiều, giờ Lễ.” Thế là một đoàn người tiến ra, người nào cũng mạnh khỏe, xinh xắn, hồng hào ngồi vào bàn ăn và bắt đầu cầm đũa, người này gắp món ăn đút cho người đối diện, và cứ luân phiên như thế cho đến hết lượt. Cuối cùng chưa hết giờ ăn mà trên bàn đã hết sạch mọi món.
Glv ấy mới nhận ra rằng: trên Thiên Đàng ai cũng lo cho nhau; trái lại, dưới Hỏa Ngục, ai cũng chỉ dành quyền lợi riêng cho mình!
Chính vì vậy mà giữa lúc các Tông Đồ đang đói, họ chỉ còn có năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa lại bảo họ: “Chúng con cứ cho họ ăn trước đi”, và cuối cùng ai cũng ăn no và còn dư 12 thúng đầy! (x. Mt 14, 13-21).

LỄ III
BÀI ĐỌC I: 2 Mcb 12, 43-45
43 Khi ấy, ông Giu-đa Ma-ca-bê quyên góp được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. 44 Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. 45 Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức, thì đây là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện. Đó là lý do khiến ông xin dâng hy lễ đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi.
ĐÁP CA: Tv 41
Đ. Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống
. (c 3a)
2 Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.
 3 Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?
5bcd Tôi tiến về lều thánh cao sang đến tận nhà Thiên Chúa, cùng muôn tiếng reo mừng tán tạ, giữa sóng người trẩy hội tưng bừng.
BÀI ĐỌC II: Kh 21, 1-5a. 6b-7
1 Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. 2 Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. 3 Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: "Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. 4 Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”
5a Đấng ngự trên ngai phán: "Này đây Ta đổi mới mọi sự. 6b Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền. 7 Ai thắng sẽ được thừa hưởng hồng ân đó. Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy, và người ấy sẽ là con của Ta.”
TUNG HÔ TIN MỪNG: x. Mt 11, 25
Hall-Hall: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Hall.
TIN MỪNG: Ga 11, 17-27
17 Khi đến Bê-ta-ni-a, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. 18 Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. 19 Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. 20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.”23 Đức Giê-su nói: "Em chị sẽ sống lại! "24 Cô Mác-ta thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.”25 Đức Giê-su liền phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không? "27 Cô Mác-ta đáp: "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

CHẾT ĐƯỢC SỐNG LẠI NHỜ CHÚA GIÊSU
Chỉ có Kitô giáo mới đáp ứng khát vọng thâm sâu của con người là ai cũng khao khát được hồn xác trường sinh bất tử. Nghĩa là dù có chết cũng hy vọng xác hồn được sống lại để hưởng phúc vinh muôn đời. Chỉ có Chúa Giêsu mới đáp ứng khát vọng chính đáng này của loài người, vì Ngài đã khẳng định: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết" (Ga 11, 25-26: Tin Mừng).
Như thế Chúa Giêsu đã nói rõ: Sự sống thật chỉ có sau khi được sống lại. Để minh chứng chỉ có Chúa Giêsu mới có quyền phục sinh kẻ chết, nên trong đời của Ngài đã ba lần trong ba trường hợp, Ngài cho kẻ chết sống lại:
-             Con gái ông Giairô vừa mới chết (x. Mc 5, 35t).
-             Con trai bà góa thành Naim chết được một ngày, người ta đang khiêng đi chôn (x. Lc 7, 11t).
-             Ladarô, em của Matta, Maria đã chết an táng được bốn ngày (x. Ga 11).
Nhưng những người trên đây mới nêu dấu chỉ sự sống Phục Sinh trong ngày cánh chung, bởi vì họ vẫn còn phải chết. Trừ có Chúa Giêsu, Ngài tự quyền sống lại và thân xác Ngài được thần hóa, được tôn vinh muôn đời, vì chỉ có Ngài đánh gục thần chết!
Chính vì thế mà làm cho chúng ta cất lời cầu xin Chúa: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời là Chúa Trời hằng sống” (Tv 42/41, 3a: Đáp ca).
Do đó xác hồn chúng ta chỉ được sống lại vinh hiển giống Chúa Giêsu vào ngày cánh chung (x. 1Ga 3, 2). Còn bây giờ chúng ta đang sống trong niềm hy vọng, “hy vọng mà thấy được ai còn hy vọng nữa, nhưng nếu ta hy vọng điều ta không thấy, thì ta cứ kiên vững đợi trông” (Rm 8, 24).
Niềm hy vọng trong thời cánh chung, Chúa đã cho ông Gioan nhìn thấy trong thị kiến: “Một trời mới đất mới, trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển (sào huyệt quỷ thần) cũng không còn nữa, ta như một tân nương trang điểm để đón Tân Lang Giêsu vào thành thánh Giê-ru-sa-lem mới trên trời. Đây là nhà tạm của Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người là Thiên Chúa ở cùng họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất. Thiên Chúa sẽ ban cho ai khác được uống nơi nguồn nước trường sinh mà không phải trả tiền, vì người ấy là con Thiên Chúa” (Kh 21, 1-5a. 6b-7: Bài đọc II).
Ngày cánh chung Chúa hoàn tất cuộc tạo dựng con người từ bụi đất trở thành “kẻ bé nhỏ” trong Nước Thiên Chúa (x. 1Ga 2, 1. 12. 14. 18. 28). Trong gia đình ai nhỏ nhất thì được cả nhà chăm sóc, nhỏ mà trở nên như vua trong nhà! Đó là mầu nhiệm ơn cứu độ mà Chúa đã mạc khải cho Hội Thánh như Đức Giêsu nói: “ Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn” ( Mt 11, 25: tung hô Tin Mừng) .
Trong một giấc mơ, tôi thấy cảnh một đoàn người đông vô số kể, thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội. Ai cũng chen nhau đến trình diện Chúa, để được vào Thiên Đàng trước!
Một vị mặc áo vua, đội mũ cà - cuống, cầm gậy ròng bằng vàng tiến đến trước ngai Chúa. Ngài hỏi:
-             Ngươi là ai?
-             Thưa con là Hồng Y Tổng Giám mục , một Giáo sĩ cao cấp nhất trong nước đấy ạ.
-             Hồng Y Tổng Giám mục à? Đứng qua bên đợi đã.
-             Một vị khác tiến đến, mặc áo dòng, tay cầm cuốn Thánh Kinh, Chúa hỏi:
-             Ngươi là ai?
-             Dạ, con là cha sở nhà thờ Chánh Tòa đây ạ!
-             Cha sở Chánh Tòa à? Hãy đứng qua bên, hậu xét.
……………
Rồi thêm bao nhiêu bậc vị vọng tiến đến trình diện Chúa, ai cũng bị chận lại … Đến lượt một cụ già chống gậy bước tới. Chúa hỏi:
-             Ngươi là ai?
-             Bẩm Chúa, con là “con nít” ạ!
-             Con nít à? Vô lẹ đi con!
Vì vậy Chúa Giêsu nói: “Ai không hoán cải trở nên giống trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời!” (Mt 18, 3).
Niềm tin Phục Sinh đã khởi sự trong Do Thái giáo từ năm 166 – 160 trước Công nguyên: khi những chiến sĩ Do Thái tử trận vì đeo bùa, thì ông Giuđa Macabê quyên góp được khoảng hai ngàn quan tiền và gởi về Giêrusalem để xin dâng lễ tạ tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này, vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn (x. 2 Mcb 12, 40-44: Bài đọc I).
Bởi đó Giáo Luật số 946 nói về ý nghĩa bổng Lễ người ta xin: “Các tín hữu đóng góp vào thiện ích của Giáo Hội bằng việc dâng cúng ấy, họ góp phần nâng đỡ các thừa tác viên và các hoạt động của Hội Thánh.”
Vì “không ai ra trước nhan Chúa với bàn tay không” (Hc 35, 4), nhưng khi dâng cúng phải nhớ lời thánh Phaolô dạy: “Gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì Thiên Chúa mới chuộng” (2Cr 9, 6-7).
Khi ta xin Lễ, hãy bỏ thói độc quyền, tức là không muốn chủ tế cầu nguyện cho ai khác ngoại trừ linh hồn ta đã đưa bổng Lễ, như thế là đã tự bắt Thiên Chúa chỉ chú ý đến mình, trái với Kinh Lạy Cha, Ngài dạy chúng ta cầu nguyện “xin cho chúng con.” Bởi vì Thiên Chúa là Cha chung mọi người, nơi Ngài sung mãn mọi ơn, và Ngài ban phát cho con người không bao giờ vơi cạn. Thế nên nếu xin Lễ mà ta còn tính ích kỷ, làm sao Chúa quảng đại đối với ta!?
Ông Gióp khi quá đau khổ, ông chỉ than thân trách phận, Chúa vẫn chưa ban ơn, nhưng về sau ông đổi ý cầu nguyện cho hết thảy mọi người đang đau khổ, lúc đó Chúa mới ban cho ông giàu có gấp đôi hơn trước và Chúa lại cho ông sinh đủ số con là bảy trai ba gái, chúng khôn ngoan, khỏe mạnh, xinh đẹp hơn những người con của ông đã bị quỉ làm hại (x. Gióp 42, 10t).
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh