Lời Chúa cntn 30a _ mến Chúa yêu người

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
“Tôi chưa thấy ai hay giúp đỡ kẻ nghèo khó lại túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa sao? Chúa đã cho chúng ta sống, tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng.” (Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh)
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Mến chúa yêu người là giới răn trọng nhất trong đạo. Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh đã đặc biệt nêu gương cho chúng ta trong việc tuân giữ giới răn “mến Chúa, yêu người”
Đối với ông Quỳnh, tài sản, trí năng Chúa ban cho là để phục vụ mọi việc, nên thay vì thu tích cho bản thân, ông quan tâm phục vụ dân nghèo cách tận tình. Đối với họ, ông chữa bệnh miễn phí, săn sóc và đôi khi còn tặng họ tiền. Khi vợ con lên tiếng kỳ kèo, ông trả lời rằng:
“Tôi chưa thấy ai hay giúp đỡ kẻ nghèo khó lại túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa sao? Chúa đã cho chúng ta sống, tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng.”
Ông khuyên các con: “Cha đã sinh dưỡng các con từ nhỏ, nay đã lớn khôn, các con sẽ lo tất cả cho gia đình. Cha muốn dành tiền bán thuốc để chia sẻ với bà con nghèo khổ.” Lòng thương người của ông được biểu lộ rõ rệt hơn khi làng ông gặp thời ôn dịch. Ông bỏ ra hàng trăm quan tiền để phát thuốc, nuôi dưỡng và săn sóc bệnh nhân.
Nguyễn Hữu Quỳnh sinh năm 1768 tại làng Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cha là Antôn Nguyễn Hữu Hiệp, mẹ là Mađalêna Lộc. Theo gia phả ông Quỳnh là con cháu 15 đời của đệ nhất công thần Nguyễn Trãi (1380-1442). Vì là con thứ năm, nên thường được gọi là Quỳnh Năm.
Thời niên thiếu, Quỳnh xin làm đệ tử đức cha Labartette, và muốn học làm linh mục. Nhưng vì hai người anh trai đã xin đi tu, nên gia đình gọi cậu về để nối dõi tông đường. Năm 1800, để thi hành nghĩa vụ quân sự, anh gia nhập quân đội, và được thăng tới chức vệ úy (võ quan cấp tá). Đến khi đất nước đã thống nhất (1802), Gia Long lên ngôi, ông thấy cuộc đời binh đao không thích hợp, liền xin giải ngũ trở về quể nhà, ông mua một nửa đất canh tác và buôn bán thêm để sinh sống. Đồng thời ông dành nhiều thời giờ học thêm ngành thuốc, và trở thành một lương y nổi tiếng khắp vùng. Nhờ đó gia đình ngày càng khá giả.
Ông vâng lời đức cha Labartette phụ trách dạy giáo lý trong hạt. Để phục vụ con người trọn vẹn cả xác lẫn hồn. Ông Quỳnh Năm nhận lời làng Mỹ Hương giữ chức trùm họ.
Thời cấm đạo, các linh mục, thầy giảng phải rút vào bong tối, vai trò của những người như ông rất cần thiết. Nhà ông biến thành lớp học giáo lý, thành nơi tiếp nhận các linh mục. Ông đứng ra điều khiển tổ chức mọi sinh hoạt kinh nguyện tang lễ và bác ái trong vùng. Tuổi càng cao ông càng sắp xếp công việc một cách chu đáo hơn, do đó ông được mọi người quý mến. Dầu bận rộn với hoạt động tông đồ, ông vẫn lo chăm sóc, dạy đỗ con cái sống trong Tin Mừng. Cô gái lớn gia nhập dòng Mến Thánh Giá, sau làm bà nhất cả dòng trong địa phận. Những người con khác theo gương ông: sống đức tin và cùng với ông quên lợi ích riêng để lo cho công ích.
Năm 1838, vua Minh Mạng ra lệnh truy nã thừa sai Candalh Kim. Ông Quỳnh đưa cha lên Kim Sen (Quảng Bình), một trang trại cũ của tổ tiên mình, đem theo một số sách vở, ảnh tượng của giáo xứ Mỹ Hương. Thấy ông vắng nhà lâu ngày, quan sai lính đến khám xét. Họ lôi các đầy tớ ra đánh đập tra khảo, một người sợ quá đã khai ra. Khi đó quan định bắt luôn cả bà Quỳnh và hai cô con gái út, một cô 14 tuổi, một cô 10 tuổi đang ở nhà. Quan cưỡng bức ba mẹ con xuất giáo, nhưng không ai tuân lệnh. Quan tức giận cho lính đánh vào chân hai cô bé để ép buộc bước qua Thánh Giá, hai cô vẫn không chịu khuất phục. Bọn lính liền xông đến kéo hai chị em bước qua. Dĩ nhiên với tuổi nhỏ sức yếu, hai cô bé không thể cưỡng lại được, nhưng vẫn một mực kêu khóc mình bị áp bức, chứ lòng mình hằng tôn kính Thánh Giá. Quan không giấu được sự thán phục tấm lòng son sắt của đàn bà con gái, nên đã tha cho cả ba mẹ con.
Tiếp đó quân lính kéo nhau đến vây trại Kim Sen. Sau khi bắt được ông Quỳnh và tịch thu một số sách đạo, họ liền áp giải ông về Đồng Hới. Giữa đường ông nhắn tin cho một số người kín đáo đến gặp, và hối lộ cho lính 50 quan để xin đốt sổ ghi tên những người tín hữu trong họ đạo.
Tại trại giam Đồng Hới, ông Quỳnh được gặp linh mục Cao, linh mục Điểm và linh mục Khoa cùng thầy Tự. Nhiều lần ông bị tra tấn chung với các vị ấy. Nhưng lần nào ông vẫn cứ một mực giữ vững đức tin: thà chết chứ không chối Chúa dù chỉ trong giây lát. Có lần quan cho lính lôi ông qua Thập Giá, ông lớn tiếng thanh minh rằng:
“Việc này quan làm, nếu có tội là quan phạm tội, chớ không phải tôi.” Câu nói đó làm quan bực mình truyền đóng gông giải về ngục. Mấy bữa sau quan hỏi cha Cao: Tại sao ông Năm cứng đầu cứng cổ đến thế. Vị thừa sai trả lời: “Những người bước qua Thánh Giá là vì họ không hiểu rõ giáo lý và nhát gan, chứ ông Năm am tường lẽ đạo, lại vững đức tin, quan lới cưỡng bách mấy cũng vô ích, chẳng có lợi gì đâu.”
Thầy Tự và ông Quỳnh Năm bị xử giảo giam hậu.
Trong một bức thư gởi về các bề trên hội thừa sai Paris, cha Miche Mịch giải thích lý do nhà vua trì hoãn việc xử ông Quỳnh như sau: “Ông Antôn quen biết hầu hết các quan, lại đã từng chữa bệnh cho nhiều ông. Rất nhiều người biết đến nhân đức và tài năng của ông nên trọng nể. Do đó ông có ảnh hướng lớn trong dân. Đối với vua quan, cướp được con mồi lớn như vậy khỏi tay Đức Giêsu là một chiến thắng lớn. Thế nên chẳng lạ gì hỏa ngục phải tìm trăm phương nghìn cách để dành lại phần thắng sắp mất.”
Phần ông Quỳnh, dầu đã 72 tuổi, vẫn can đảm và nhẫn nại. Suốt ngày ông đọc kinh cầu nguyện, giữ chay, và thương giúp mọi người. Nghề lang y của ông vẫn có cơ hội dùng đến, có lần ông chữa cho một viên quan ở Đồng Hới, nhất là chữa trị cho các bạn tù.
Đã qua đi 2 năm, thời gian không làm nản chí được ông Quỳnh, vua Minh Mạng chấp thuận cho quan tỉnh Quảng Bình xử giảo ông ngày 10.7.1840.
Một trăm lính dẫn ông ra pháp trường cùng với thầy Tự. Đến nơi, hai vị hỏi chỗ xử đức cha Cao và hai linh mục Khoa và Điểm năm trước, rồi dừng lại đúng chỗ đó mà cầu nguyện:
“Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa cho con được ơn phúc như các ngài…” Nguyện cầu xong ngồi xuống, ông Quỳnh bình tĩnh hút hết điếu thuốc lào được quan trao cho.
Hai người con đến từ giã, ông Quỳnh nhắc chúng qua chào thầy Tự, xin thầy về bên Chúa nhớ cầu cho các con. Thế rồi ông nói:
“Cha gởi lời chào các viên chức và anh em giáo hữu Mỹ Hương. Cầu chúc mọi người bình an, trung thành giữ đạo. Hãy thương yêu nhau và sống đạo đức, các con sẽ gặp lại cha trên Thiên Đàng.”
Nói xong ông nằm xuống trên chiếu giải sẵn, giang tay ra nói: ”Xưa Chúa đã phải giang tay thế này để chịu đóng đinh.” Thầy Tự cũng nằm xuống, lính tròng giây qua cổ hai chứng nhân. Giữa tiếng thanh la ngân vang, họ xiết chặt hai đầu giây. Thi hài hai đấng Tử đạo được đưa về Nghệ An chôn cất.
Ít lâu sau con cháu đưa hài cốt ông Quỳnh về họ Kim Sen.
“Nghĩa khí nêu cao trên đất nước,
Oan linh phù hộ khắp non song”
Đó là hai câu thơ ghi khắc trên mộ ông Antôn Quỳnh Năm ở Kim Sen, nơi ông được chôn cất với tổ tiên dòng họ.
Đề tựa của Lm. HK