Lời Chúa cntn 30a _ giáo huấn Phúc Âm

GLPÂ CHÚA NHẬT XXX QUANH NĂM, NĂM A
Xh. 22, 20-26; 1Tx. 1, 5c-10; Mt. 22, 34-40
I.                  Giáo Huấn Phúc Âm
 “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”
Mến Chúa yêu người là hai điều răn cao trọng ngang nhau.
II.               Vấn nạn Phúc Âm
Tại sao mến Chúa yêu người lại cao trọng ngang nhau?
Vì Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Chúa.
“Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất."Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (STK. 1.26-27)
Con người rất cao trọng vì giống Thiên Chúa có linh hồn, có trí khôn và được làm bá chủ vũ trụ.
Vì sống hòa thuận yêu thương là yếu tố để Chúa khấn nhậm lễ tế.
“Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).
Vì Chúa tạo dựng con người và vũ trụ vạn vật bất toàn, để con người kiện toàn bằng tình yêu thương bác ái.
Cụ thể: Bản thân mỗi người chúng ta, từ thân xác cho đến tâm hồn bao gồm những thiếu sót và bất toàn. Có bao giờ chúng ta hoàn toàn thỏa mãn với chính chúng ta về cả thân xác và tâm hồn. Chúng ta thường ƯỚC được như thế nầy thế khác. ƯỚC, có nghĩa là chưa được.
Trong đời sống vợ chồng hay gia đình, có bao giờ chúng ta mãn nguyện hoàn toàn với người phối ngẫu hay với những thành phần trong gia đình. Có đôi lần chúng ta mơ ước gia đình mình được như gia đình của một ai đó. Vợ chồng phản bội nhau là kết quả của thất vọng hay mộng đẹp chưa tròn.
Muốn kiện toàn, chúng ta phải có tình yêu thương bác ái và quảng đại tha thứ cho nhau. Kiện toàn đời sống cá nhân, gia đình hay xã hội bằng tình yêu thương bác ái là lý do chúng ta được sinh ra và sống trên trần đời. Hạnh phúc thật lớn lao khi chúng ta được thực thi bác ái và làm gì đó mang ích cho người khác.
Vì ngày chung thẩm, Chúa phán xét dựa trên tiêu chuẩn bác ái.
“ Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm". Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?" Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy". (Matt. 25. 35-40)
Tất cả Luật Môsê và các sách Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy. Thế nào về luật giữ ngày Chúa Nhật, có liên quan gì đến giới răn mến Chúa yêu người?
Nói về luật giữ ngày Chúa Nhật và các lễ buộc.
Giáo luật qui định về việc giữ ngày Chúa Nhật và lễ buộc:
Điều 1246 §1: Tất cả các ngày Chúa nhật là ngày cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua theo truyền thống Tông đồ, ngày đó phải được giữ như là ngày lễ buộc chính yếu trong Giáo Hội toàn cầu.
Cụ thể là:
Bốn lễ kính mầu nhiệm của Đức Kitô: lễ Sinh Nhật Đức Giêsu Kitô, lễ Hiển Linh, lễ Thăng Thiên, lễ Mình và Máu Rất Thánh Đức Kitô;
Ba lễ kính Đức Maria: lễ Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm và lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời;
Ba lễ dành cho các Thánh: lễ Thánh Giuse, lễ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, lễ Các Thánh.
Điều 1246 §2: Tuy nhiên, Hội Đồng Giám Mục có thể xin Tông Toà huỷ bỏ hoặc chuyển một số lễ buộc sang ngày Chúa Nhật.
Tại Việt Nam, các Đức Giám Mục, theo Điều 2 và 1246 §, duy trì các đặc ân vẫn có đối với các lễ buộc, nghĩa là: Tại Giáo tỉnh Hà Nội, ngoài các ngày Chúa Nhật, chỉ buộc giữ “Tứ Quý”, tức là 4 ngày lễ trọng: lễ Giáng Sinh, lễ Chúa Thăng Thiên, lễ Đức Mẹ Lên Trời và lễ các Thánh Nam Nữ.Tại các Giáo tỉnh Huế và Giáo tỉnh Sàigòn, ngoài các ngày Chúa nhật, chỉ buộc giữ lễ Chúa Giáng Sinh. Canada ngoài các ngày Chúa Nhật có hai lễ buộc là Giáng Sinh và lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa ngày đấu năm dương lịch 1.1
Ở Mỹ, có sáu ngày lễ buộc là: Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa ngày 1.1; Lễ thăng thiên, chỉ áp dụng ở các ít thành phố như Boston, Hartford, New York, Newark, Omaha, và Philadelphia; Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 15.8; Lễ các thánh nam nữ 1.11; Lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội 8.12 và Lễ Giáng Sinh 25.12
Luật buộc giữ ngày Chúa Nhật và những lễ buộc dành cho những tín hữu đã được rửa tội trong Giáo Hội Công giáo hay đã được nhận vào Giáo Hội Công Giáo đã sử dụng đủ trí khôn và đã được 7 tuổi trọn.
Tham dự lễ ngày Chúa Nhật có liên quan gì đến việc yêu người?
Tham dự lễ ngày Chúa Nhật chúng ta tuyên xưng rằng: Chúa là Thiên Chúa, Đấng đã sáng tạo, đã cứu chuộc và đã thánh hóa chúng ta và Chúa là Đấng chúng ta phải tôn thờ và tìm kiếm trong cuộc sống.
Tham dự lễ ngày Chúa Nhật chúng ta tỏ lòng tri ơn với Đấng Tạo Hóa.
Tham dự lễ ngày Chúa Nhật chúng ta tuyên xưng rằng: Chúng ta có nhiều người anh chị em cùng có Thiên Chúa là Cha và chúng ta cùng nhau tôn thờ Chúa và thực thi bác ái huynh đệ. Dự Thánh lễ Chúa Nhật giống như con cái về nhà Cha Mẹ m2inh để hỏi thăm sức khỏe Cha Mẹ cũng như để nhận ra nhu cầu của nhau.
III.           Thực hành Phúc Âm
Giống (Gender) Nam và Nữ (Male and Female)
Nếu chúng tra có dịp quan sát thì nhiều tờ khai cá nhân không còn dùng từ phái tính, tức Nam hay Nữ (SEX: M or F) Nhưng dùng từ giống loại với 3 ô: Nam, Nữ hay giới tính khác (Gender: M, F, or other) Mặc nhiên người ta chấp nhận nhân quyền cho những người lưỡng tính hay hôn nhân đồng tính.
Người ta bôm vào tâm trạng con người vấn đề: Sống theo luật Chúa và luật Giáo Hội là vô lý. Có những anh chị em tỏ ra bất cần luật Chúa và Giáo Hội trong việc hôn nhân. Họ lý luận rằng: Chúa dựng nên con người và bảo họ làm vợ làm chồng sinh sản cho đầy mặt đất. Chúa nào có dạy phải học giáo lý hôn nhân hay vào nhà thờ làm đám cưới….Chỉ có vậy! Còn luật Giáo Hội về hôn nhân thì mới thành hình sau nầy…gọi là muốn chứng minh vai trò của Giáo Hội thôi.
Không đâu! Có người Cha nào mà đặt ra luật lệ để hãm tài con mình? Giáo Hội là Mẹ chúng ta, không lẽ Giáo Hội muốn điều bất hạnh cho chúng ta? Vì thế có luật: chuẩn bị hôn nhân để giúp đôi hôn nhân nguội lại hay bình tĩnh và có giờ suy nghĩ về giai đoạn quan trọng mà họ đang bước vào. Hãy mang ơn Giáo Hội và tuân hành luật lệ Giáo Hội. Rất tốt cho chúng ta!
Ngày nào đó con sẽ thấy:
Người Cha đã 70 tuổi – Người con trai út chỉ ngoài 30. Hai cha con hè hụt khuân những đồ vật mua từ tiệm vật liệu xây dựng về để sưa sang bên ngoài nhà. Thanh niên 30 tuổi sức vóc: làm nhanh, vác khỏe mà hơi thở vẫn nhẹ nhàng. Người Cha 70 tuổi chậm chạm, chỉ mang vật nhẹ mà lại còn thở nặng nhọc nhằn. Anh con trai 30 tuổi bảo: Ba xuống sức quá rồi, mới vác có vài món đồ mà đã thờ hồng hộc. Cha già 70 nghe con trai mình nhận xét, mỉm cười, quẹt mồ hôi trán và nói: Ngày nào đó con sẽ thấy!
Chúng ta sẽ thấy: chả được gì khi tiếc một giờ bỏ lễ Chúa Nhật – Cha được gì khi không biết lắng nghe người lớn và Giáo Hội – Chả được gì nếu sống vô kỷ luật – Chả được gì nếu từ chối giúp đỡ người khác. Ngày nào đó chúng ta sẽ thấy cái hậu quả của những tự hào do thiếu kinh nghiệm sống ở đời. Người lớn tuổi, có những giới hạn nhưng họ có kinh nghiệm thăng trầm của cuộc sống. Chúng ta sẽ thấy khi về già.
 Lm Phêrô TrầnThế Tuyên