Lễ suy tôn Thánh Giá _ thập giá và tình yêu

THẬP GIÁ VÀ TÌNH YÊU
“Chiến thắng mang tính Kitô giáo luôn luôn là thập giá, nhưng thập giá đồng thời cũng là lá cờ chiến thắng người ta cầm với một sự dịu dàng đối kháng với các cuộc tấn công của cái xấu.” (ĐTC Phanxicô - Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng)  
Lm. Mt
Khi nói đến Thánh Giá, các Kitô hữu liên tưởng ngay đến cây thập tự Đức Giêsu đã vác lên đồi Calvê, bị đóng đinh và chịu chết để trở nên nguồn ơn cứu độ cho muôn dân.
Thánh Giá là bằng chứng và dấu chỉ của tình yêu. Vì yêu mến, Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 8) Khi Ngôi Lời nhập thể và chịu khổ hình thập giá để cứu độ muôn dân, Người minh chứng tình yêu vô bờ bến mà Thiên Chúa dành cho mọi người trên dương thế: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16)
Thập giá gồm hai thanh gỗ tạo thành hình chữ thập, dùng để đóng đinh các tội nhân đã phạm những điều gian ác. Nhưng khi Đấng vô tội đón nhận khổ hình thập giá, Người nối kết trời với đất và làm cho nhân loại được giao hòa cùng Thiên Chúa. Hơn nữa, Đức Giêsu Kitô còn phá đổ bức tường ngăn cách là sự hận thù và chia rẽ, để muôn dân được nên một trong tình yêu và ân sủng của Người.
Sống nơi trần thế, mỗi người phải gánh chịu nhiều đau khổ nơi thân xác hoặc trong tâm hồn. Người Kitô hữu cũng không được miễn trừ khỏi quy luật ấy. Nhưng từ khi Đức Giêsu chịu khổ hình thập giá, các tín hữu đã gọi khổ đau và trái ý trong cuộc sống là Thánh Giá cuộc đời. Những ai đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô, thất bại không làm chùn chân bước, khổ đau và ngay cả sự chết không làm họ bật lên tiếng kêu than vô vọng, nhưng là cơ hội minh chứng niềm tin và lòng mến Chúa yêu người.
Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3, 13-15) Tin vào Đức Giêsu sẽ được hưởng ơn cứu độ, nhưng đức tin cần thể hiện bằng việc làm, lòng mến phải được minh chứng bằng những cố gắng để trở nên giống Đấng đã chết vì yêu. Và khi các tín hữu xác tín rằng: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.” (Rm 8, 18) Bấy giờ đau khổ sẽ giúp họ nhìn ra những chân trời mới.
Thật vậy, đau khổ giúp chúng ta nhận ra sự giới hạn và thân phận tro bụi của mình, nhờ vậy biết sống khiêm tốn và tín thác vào Chúa hơn.
Nhờ nhận biết ý nghĩavà giá trị của đau khổ, chúng ta chấp nhận những bất hạnh xảy đến trong đời, để đền tội và lập công, nhất là được liên kết mật thiết với Đức Kitô Khổ Nạn và Phục Sinh, Đấng là sức mạnh và là sự sống của các tín hữu: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.” (1 Cr 1,18)
“Có đau mắt mới biết thương người mù”, vì thế, thập giá còn là cơ hội giúp chúng ta biết quan tâm, bày tỏ sự cảm thông và dấn thân phục vụ tha nhân, đặc biệtlà những người đang trượt ngã trước sức nặng của khổ giá; đồng thời, can đảm loại bỏ bất công, hận thù, ganh ghét… là những gánh nặng chúng ta vô tình hay hữu ý đặt thêm vào thập giá của tha nhân.
Tình yêu đã tỏa sáng từ cây Thập Giá nên nhiều người sống triệt để theo lời dạy và mẫu gương của Đức Kitô: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15, 13) Nữ bác sĩ Gianna Beretta Molla là một trong muôn vàn tấm gương ấy.
Gianna sinh năm 1922 tại Milan, nước Ý, là con thứ 10 trong gia đình có 13 anh chị em. Trưởng thành, cô lập gia đình với Pietro Molla và sinh được ba người con. Năm 1962, khi đã 40 tuổi và sau 13 năm không sinh nở, Gianna mang thai lần thứ tư. Khi khám sức khỏe định kỳ, bà biết thai nhi phát triển khá tốt nhưng một khối u nằm cạnh thai nhi đang lớn dần. Là bác sĩ chuyên khoa giải phẫu, nên Gianna biết rất rõ, nếu cắt bỏ khối u, thai nhi sẽ chết, nhưng nếu muốn con bà chào đời an toàn, tính mạng của bà sẽ lâm nguy. Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện, Gianna quyết định chấp nhận hy sinh tính mạng, và chịu đựng mọi đau đớn để con bà được sống.
Thứ 6 Tuần Thánh năm 1962, Gianna chuyển dạ, bà nói với nữ tu y tá trong bệnh viện:   
-     Thưa Sơ, chắc tôi không thể sống được một tuần nữa, nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả, miễn là đứa trẻ được sinh ra mạnh khỏe.
Tối thứ bảy Tuần Thánh, các bác sĩ trong bệnh viện phải phẫu thuật đưa bé gái con bà ra đời an lành mạnh khỏe. Sau lễ Phục Sinh đúng một tuần, Gianna thở hơi cuối cùng. Bà hy sinh cho con bà được sống, đã vui lòng chấp nhận thánh giá cuộc đời và chu toàn trách vụ người mẹ cách trọn hảo. Năm 1994, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước và 10 năm sau, chính ngài tôn phong hiển thánh cho bà.
Có người chỉ thấy cành gai mà không thấy bông hồng, nhưng với người hiểu biết thì trên đỉnh của cành hồng đầy gai nhọn là đóa hoa khoe sắc và ngát hương. Cũng vậy, người bi quan và không có niềm hy vọng sẽ thấy cuộc đời là một chuỗi khổ đau; người có đức tin sẽ nhận biết thập giá là phương thế giúp họ nên giống Đức Giêsu, vì thế họ vui lòng đón nhận mọi thử thách để được kết hợp với Người trong tình yêu, dám chấp nhận thua thiệt vì hạnh phúc của đồng loại.
Nếu đau khổ có mặt khắp nơi và đè nặng trên cuộc đời mỗi người, thì Thánh Giá là dấu chỉ tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa cũng hiện diện khắp chốn: trên nóc giáo đường, nơi bàn thờ gia đình, tại phần mộ của các tín hữu đã qua đời, mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh Giá…
Trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết: “Chiến thắng mang tính Kitô giáo luôn luôn là thập giá, nhưng thập giá đồng thời cũng là lá cờ chiến thắng người ta cầm với một sự dịu dàng đối kháng với các cuộc tấn công của cái xấu.” (số 85) Chúng ta có muốn cùng với muôn vàn thần thánh thông dự vào cuộc vinh thắng của Đấng đã chịu treo trên thập giá vì hạnh phúc của nhân loại không?
Khi nhìn lên cây Thánh Giá, xin cho mọi người nhận ra tình thương Thiên Chúa dành cho họ, và các Kitô hữu được ơn đón nhận thập giá đời mình với niềm tin yêu hy vọng, vì xác tín rằng khi cùng chịu đau khổ với Đức Kitô, chúng ta sẽ được đồng hưởng vinh quang với Người.