Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ bảy tuần 17 thường niên

THỨ BẢY SAU CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN
NĂM CHẴN
Gr 26, 11-16. 24; Mt 14, 1-12
BÀI ĐỌC: Gr 26, 11-16. 24
11 Bấy giờ, các tư tế và ngôn sứ nói với các thủ lãnh và toàn dân rằng: "Con người này đáng lãnh án tử, vì ông ta đã tuyên sấm chống lại thành này, như chính tai các ông đã nghe! "
12 Nhưng ông Giê-rê-mi-a đã trả lời tất cả các thủ lãnh và toàn dân như sau: "Chính Đức Chúa đã sai tôi tuyên sấm mọi lời liên quan đến Nhà này cũng như thành này mà các người đã nghe. 13 Vậy giờ đây, các người hãy cải thiện đường lối và hành vi của các người và hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của các người; bấy giờ Đức Chúa sẽ hối tiếc về tai hoạ Người đã quyết định để lên án các người. 14 Còn tôi, này tôi ở trong tay các người, các người cứ xử với tôi thế nào như các người coi là tốt đẹp và chính đáng. 15 Có điều xin các người biết rõ cho rằng: Nếu các người giết tôi, thì chính các người sẽ phải chuốc lấy máu vô tội cho mình, cho thành này và dân cư trong thành.  Vì quả thật là Đức Chúa đã sai tôi đến với các người để công bố cho các người nghe tất cả những điều trên đây.”
16 Bấy giờ, các thủ lãnh và toàn dân nói với các tư tế và ngôn sứ: "Con người này không đáng lãnh án tử, vì ông ta đã nói với chúng ta nhân danh Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta.” 24 Còn ông Giê-rê-mi-a thì được ông A-khi-cam con ông Sa-phan ra tay che chở cho khỏi rơi vào tay dân mà bị giết.
ĐÁP CA: Tv 68
Đ.  Lạy Chúa, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày.  (c 14c)
15 Xin Ngài kéo con lên cho khỏi lún xuống chỗ sình lầy, cho con thoát tay thù, thoát dòng nước thẳm. 16 Xin đừng để sóng cồn cuốn con đi, đừng để cho vực thẳm nuốt con vào, và miệng hố sâu ngậm lại, chôn sống.
30 Phần con đây, thật khốn cùng đau khổ,lạy Chúa Trời, xin cứu vớt đỡ nâng.  31 Tôi sẽ hát bài ca chúc mừng Danh Thánh,sẽ dâng lời cảm tạ tán dương Người.
33 Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên, người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi.  34 Vì Chúa nhận lời kẻ nghèo khó,chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Mt 5,10
Hall-Hall: Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.  Hall
TIN MỪNG: Mt 14, 1-12
1 Thời ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giê-su,2 thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.”
3 Số là vua Hê-rô-đê đã bắt trói ông Gio-an và tống ngục vì bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của nhà vua. 4 Ông Gio-an có nói với vua: "Ngài không được phép lấy bà ấy.”5 Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. 6 Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. 7 Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. 8 Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: "Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm.”9 Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. 10 Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. 11 Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. 12 Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giê-su.

ĐỒNG HIẾN TẾ VỚI CHÚA GIÊSU
Là người Công Giáo ai cũng hiểu rằng việc Đức Giêsu hóa bánh nuôi dân là báo trước Ngài lập Bí tích Thánh Thể, khởi đi từ mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.  Đây là trung tâm là cùng đích ơn cứu độ.  Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể không phải Ngài chỉ muốn lấy thịt máu mình mà nuôi ta, mà còn muốn hết thảy những ai tin theo Ngài, cụ thể như các môn đệ cũng phải cộng tác với Ngài để làm cho mọi người được sống.  Chính vì vậy trong trình thuật hóa bánh Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng con hãy cho dân ăn, không cần bảo họ phải đi đâu mua thức ăn” (Mt14,16).
Để minh xác chân lý trên, chúng ta hãy nhìn vào cơ cấu Tin Mừng Nhất Lãm: Mt 14,1-21; Mc 6,17-44; Lc 9,7-17: Trước khi Đức Giêsu hóa bánh nuôi dân, cả ba ông Matthêu, Marcô và Luca đều nhắc đến cái chết của ông Gioan Tẩy Giả, vì ngăn cản vua Hêrôđê không được cướp vợ anh mình.  Chính vì lòng can đảm liều mạng bảo vệ chân lý mà ông Gioan bị Hêrôđê ra lệnh cắt đầu.  Các thủ hạ đã tuân lệnh vua, vào ngục chặt đầu ông Gioan đặt trên mâm đưa vào phòng tiệc trong ngày mừng sinh nhật của vua, để trao cho cô gái con bà Hêrôđia, vợ của anh vua, mà vua đã chiếm đoạt! (x. Mt 14, 1-12: Tin Mừng).  Mọi người đang ăn tiệc, khi thấy có người bê mâm vào, thì lẽ ra trên mâm phải là món ăn tiếp bàn, thế mà tiệc mừng sinh nhật vua Hêrôđê lại tiếp đầu ông Gioan Tẩy Giả, để nuôi sống những ai sinh vào đời (mừng sinh nhật) bởi ý muốn xác thịt của cha mẹ!
Như thế, ông Gioan Tẩy Giả đã hiến mạng sống vì loan báo ý Chúa, mạng sống của ông đã trở nên dấu chỉ báo trước Đức Giêsu và hết thảy những ai theo Ngài cũng sẽ phải chết vì chân lý cho mọi người được hạnh phúc.  Đúng là “phúc thay ai bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10: Tung Hô Tin Mừng).          
Sự cố ấy cho chúng ta xác tín rằng: Chúa Giêsu muốn hết thảy những ai tin theo Ngài, hãy phục vụ đồng loại như chính Ngài, dù phải chết cách đau thương như ông Gioan Bt, để được cùng với Ngài trở nên “Bánh Hằng Sống”, mà Hội Thánh theo lệnh Chúa Giêsu truyền dâng Lễ mỗi ngày để ban phát ơn cứu độ cho dân Ngài đến tham dự.  Thánh Tông Đồ đã sống chân lý này, ông nói: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em.  Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
Như thế bản chất của Thánh Lễ là đồng tế, nghĩa là Chúa Giêsu Thập Giá cùng với các Kitô hữu chịu đau khổ vì Tin Mừng cùng đồng tế.  Và “một khi chúng ta đã cùng chịu đau khổ với Đức Giêsu Kitô, chúng ta cùng được chia phần vinh hiển với Ngài” (Rm 8,17b).  Vì thế Giáo Luật số 906 quy định: “Nếu không có lý do chính đáng và hợp lý, tư tế không được cử hành lễ Thánh Thể nếu không có ít là một vài giáo dân tham dự”.
Cho nên mọi phần tử trong Hội Thánh, nhất là các Giám mục, Linh mục, khi cử hành Bí tích Thánh Thể không phải chỉ mở Sách “làm một ván Lễ” cho giáo dân đến “xem Lễ” như đi xem kịch, mà từ chủ tế tới giáo dân phải chịu khổ vì sống Chân Lý như ông Gioan Bt, như các Tông Đồ đều phải đổ máu vì sứ mệnh rao giảng Tin Mừng mới được đồng tế với Chúa Giêsu, để trở nên một tấm bánh như những hạt lúa miến được xay nghiền, như trăm ngàn trái nho chín được ép làm nên một tấm bánh, một ly rượu trong Hy Tế của Chúa Giêsu.  
Chân lý này đã được báo trước bằng đời sống gian khổ của ngôn sứ Giêrêmia, chỉ vì ông muốn nói sự thật cho dân.  Thế mà ngay các tư tế, ngôn sứ lại nói với các thủ lãnh và toàn dân rằng: “Con người này đáng lãnh án tử, vì ông ta đã tuyên sấm chống lại thành này, như chính tai các ông đã nghe! "Nhưng ông Giê-rê-mi-a đã trả lời: "Chính Đức Chúa đã sai tôi tuyên sấm mọi lời liên quan đến Nhà này cũng như thành này mà các người đã nghe. Vậy giờ đây, các người hãy cải thiện đường lối và hành vi của các người và hãy nghe tiếng Chúa của các người; bấy giờ Chúa sẽ hối tiếc về tai hoạ Người đã quyết lên án các người.  Còn tôi, này tôi ở trong tay các người, các người cứ xử với tôi thế nào như các người coi là tốt đẹp và chính đáng.  Có điều xin các người biết rõ cho rằng: Nếu các người giết tôi, thì chính các người sẽ phải chuốc lấy máu vô tội cho mình, cho thành này và dân cư trong thành.  Vì quả thật là Chúa đã sai tôi đến với các người để công bố cho các người nghe tất cả những điều trên đây.” Ngôn sứ Giê-rê-mi-a dám chết vì công bố chân lý, nên ông lại không bị giết, bởi lẽ Chúa đã soi lòng mở trí cho các thủ lãnh và toàn dân nhận ra lời ông công bố là đúng ý Chúa, lại được ông A-khi-cam ra tay che chở khỏi rơi vào tay dân định giết ông”(Gr 26, 11-16. 24: Bài đọc năm chẵn).
Ngôn sứ Giêrêmia nhờ ông Akhicam che chở không thể sánh bằng những ai thuộc về Chúa Kitô Giêsu, được chính Ngài che chở, thì càng thêm can đảm, hăng hái loan báo Tin Mừng cứu độ từ bàn tiệc Thánh Thể.  Vì nơi Bàn Tiệc này, hằng ngày Chúa ban toàn xá cho cả loài người, hơn thuở xưa người Do Thái cứ năm mươi lăm mới có một năm toàn xá: “Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, (các) ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào ngày Xá tội.  Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó.  Mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình.  Nếu các ngươi bán cái gì cho người đồng bào hoặc mua cái gì từ tay người đồng bào, thì đừng ai làm thiệt hại người anh em mình.  Nhưng (các) ngươi phải kính sợ Thiên Chúa” (Lv 25,9-10. 14. 17: Bài đọc năm lẻ).  Mà chi có Bí tích Thánh Thể mới thực là Bí tích Toàn Xá.  Thánh Phaolô nói: “Ai ở trong Chúa Giêsu thì không bị lên án nửa! Và nếu có chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng làm cho sống vì đã được trở nên công chính trong Chúa Giêsu” (Rm 8,1. 10).  Bởi đó Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy: “Bí tích Thánh Thể là trung tâm và tột đỉnh của đời sống Hội Thánh, vì trong Bí tích này, Đức Kitô liên kết Hội Thánh và tất cả các chi thể của Người vào Hy Tế chúc tụng và tạ ơn được dâng lên Chúa Cha trên thập giá một lần cho mãi mãi.  Qua Hy Tế này, Người tuôn đổ các ân sủng cứu độ trên Thân Thể của Người là Hội Thánh.  Bởi vì đã được tha thứ các tội nhẹ và gìn giữ khỏi các tội trọng” (x. GLHT số 1407 và 1416).  Được như thế, ta mới có khả năng lôi kéo được muôn dân cùng đến hiệp dâng Thánh Lễ với Chúa Giêsu để nhờ Người,với Người và trong Người cùng cất lời xin Chúa Cha cho được no thỏa khát vọng: “Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài” (Tv 67/66,4: ĐC năm lẻ).
Muôn dân đến dự Lễ mới thực là đồng thanh cảm tạ Chúa, làm cho Tấm Bánh Hằng Sống càng thêm mùi thơm ngon.  Bởi đó lời cầu nguyện trước khi ban Phép Lành Chầu Thánh Thể, vị chủ sự xướng: “Chúa đã ban Bánh bởi Trời cho nhân loại”, mọi người đáp: “Bánh đó đủ mọi mùi thơm ngon”.  Mùi đó là của Chúa Giêsu, của những người Công Giáo đã hết lòng phục vụ Tin Mừng, “tỏa hương thơm xông ra giữa những người được cứu độ và những kẻ bị hư đi” (2Cr 2,15),và Chúa sẽ nói: “Ta sẽ đón tiếp các ngươi như hương thơm làm Ta ưa thích” (Ed 20,41a).
Vậy nếu không nhờ Hy Tế của Chúa Giêsu, thì dù có đầy quyền lực trong tay như tiểu vương Hêrôđê đã hạ lệnh cắt đầu đấng thánh Gioan Bt vẫn được mọi người kính trọng, thì lương tâm cũng không ổn,lúc nào cũng cắn rứt lo sợ! Vì “ác nhân luôn luôn chạy trốn dù không ai đuổi bắt” (Cn 28,1a).  Đúng thế, khi vua Hêrôđê vừa nghe danh tiếng Đức Giêsu, ông tưởng ông Gioan Bt sống lại báo oán, như ông đã thốt lên: “Đó chính là Gioan Bt, ông đã từ cõi chết chỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ” (Mt 14,2: Tin Mừng).  Và có chết vì đương đầu với sự ác mà không có Chúa Giêsu ở cùng thì cũng như con thiêu thân (x. Gv 3,18-19).  Nhưng nhờ Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã được mai táng làm một với Đức Giêsu, để cùng được đồng tế trong Hy Lễ của Ngài, chúng ta cũng được thông phần vào sự sống Phục Sinh vinh hiển của Ngài, cho ta bước đi trong đời sống mới (x. Rm 6,4).  Đúng là “Chúa đã kéo con lên khỏi lún xuống chỗ sình lầy, cho con thoát tay thù, thoát dòng nước thẳm.  Lạy Chúa, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày” (Tv 69/68,15. 14c: ĐC năm chẵn).
THUỘC LÒNG
Làm lành mà phải khổ nếu Chúa muốn thế, còn hơn là làm sự dữ! (1 Pr 3,17).
  Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH