Tìm hiểu Lời Chúa _ Lễ Đức Mẹ Lên Trời (lễ vọng)

NGÀY 15 THÁNG 8
LỄ MẸ LÊN TRỜI
LỄ VỌNG
1Sb 15, 3-4. 15-16 ; 16, 1-2 ; 1Cr 15, 54b-57 ; Lc 11, 27-28
BÀI ĐỌC I: 1Sb 15, 3-4. 15-16 ; 16, 1-2
15             3 Ngày ấy, vua Đa-vít triệu tập toàn thể Ít-ra-en về Giê-ru-sa-lem để rước Hòm Bia của Đức Chúa lên chỗ vua đã dọn sẵn. 4 Vua cũng tập hợp con cháu ông A-ha-ron và các thầy Lê-vi. 15 Con cháu Lê-vi mang Hòm Bia Thiên Chúa đúng như ông Mô-sê đã truyền theo lệnh của Đức Chúa, là dùng đòn mà khiêng trên vai. 16 Vua Đa-vít truyền cho những người đứng đầu các thầy Lê-vi bố trí các ca viên, anh em của họ, để những người này dùng nhạc khí như đàn sắt, đàn cầm, não bạt mà tấu khúc hoan ca.
16         1 Người ta đưa Hòm Bia Thiên Chúa vào đặt giữa Lều vua Đa-vít đã dựng sẵn. Rồi họ dâng lễ toàn thiêu và lễ kỳ an trước nhan Thiên Chúa. 2 Khi đã hoàn tất việc dâng các lễ toàn thiêu và lễ kỳ an, vua Đa-vít nhân danh Đức Chúa chúc phúc cho dân.
ĐÁP CA: Tv 131
Đ. 8 Lạy Chúa, xin đứng dậy,
để cùng với hòm bia oai linh Chúa, ngự về chốn nghỉ ngơi.
6 Này đây khi ở Ép-ra-tha, chúng tôi đã nghe nói đến hòm bia, chúng tôi tìm thấy hòm bia đó tại cánh đồng Gia-a. 7 Nào ta tiến vào nơi Chúa ngự, phủ phục trước bệ rồng.
9 Ước chi hàng tư tế của Ngài mặc lấy sự công chính, kẻ hiếu trung với Ngài được cất tiếng hò reo. 10 Vì vua Đa-vít, trung thần của Chúa, xin đừng xua đuổi đấng Chúa đã xức dầu phong vương.
13 Vì Đức Chúa đã chọn Xi-on, đã thích lấy chốn này làm nơi Người ngự. 14 Người phán: "Đây là chốn Ta nghỉ ngơi đến muôn đời, Ta sẽ ngự nơi này, vì Ta ưa thích.
BÀI ĐỌC II: 1Cr 15, 54b-57
54b Thưa anh em, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng!55 Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?56 Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. 57 Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Lc 11, 28
Hall-Hall: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa. Hall.
TIN MỪNG: Lc 11, 27-28
27 Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! "28 Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

NHỜ LỜI NÂNG CON NGƯỜI LÊN BẬC THẦN THÁNH
(Ga 10, 34)
Những người sống đồng thời với Đức Giêsu, họ chỉ biết Ngài là con bác thợ mộc, và Mẹ Ngài là bà Maria theo liên hệ huyết nhục (x Mt 13, 55). Do đó một phụ nữ chứng kiến Đức Giêsu giảng rất hấp dẫn và chị chưa từng thấy có ai ăn nói khôn ngoan uy tín được như thế, chị cất tiếng khen: “Phúc cho người mẹ nào đã cưu mang Thầy và cho Thầy bú mớm” (Lc 11, 27: Tin Mừng). Lời khen ấy bộc lộ lòng kính phục Mẹ Ngài, vì đã sinh được một người con hết sức thông minh và chắc chắn bà đã giáo dục con mình trở nên bậc Thầy khôn ngoan không ai sánh bằng, và chị thèm khát sinh được người con giống như thế thì hạnh phúc biết mấy! Đức Giêsu nghe chị khen Mẹ Ngài, thì đáp ngay: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ biết lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28: Tin Mừng). Ngài nói như thế là muốn xác định cho đúng danh dự của Mẹ Ngài, là không hệ tại ở điều đã sinh ra Ngài theo xác thịt, mà vinh quang của Mẹ Ngài cũng như của bất cứ ai hệ tại nơi tâm hồn biết: “Lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28: Tung Hô Tin Mừng). Bởi vì Đức Giêsu đã nói: “Xác thịt không sinh ích gì, Thần Khí mới làm cho sống, Lời tôi nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6, 63), thế thì Thiên Chúa không chỉ muốn ban riêng cho Đức Maria được vinh dự giữa loài người, mà Ngài còn muốn mọi người phải đạt vinh hiển như Mẹ Maria, một khi biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa (x Lc 11, 28). Nhưng sự yếu hèn của xác thịt con người không ai có khả năng thực hành được Lời Chúa cách hoàn hảo, thậm chí cả đến Đức Maria được Chúa ban đặc ân gìn giữ vô nhiễm tội ngay khi được tượng thai trong lòng bà Anna, cũng phải khiêm tốn nhận biết mình chỉ là dụng cụ Chúa dùng để làm cho Lời Chúa trở thành hiện thực, nên Mẹ đã thưa cùng Chúa: “Xin Chúa làm cho con điều Chúa nói” (Lc 1, 38). Bởi vì “Lời Chúa ngỏ với loài người tuy trong ngôn ngữ người phàm - nhưng như Lời Thiên Chúa, đích thực là thế, và Lời ấy đang thi thố quyền năng nơi những người tin” (1Tx 2, 13).
Xưa kia vua Đavid cho tổ chức cuộc rước Hòm Bia Thiên Chúa về lều của ông, một cuộc rước vô cùng linh đình, long trọng, nào là đàn sắt đàn cầm, nào là não bạt kèn trống, chung hòa hoan ca cùng với mọi người trong đoàn rước để ca tụng Thiên Chúa, rồi vua cho tổ chức dâng lễ toàn thiêu và kỳ an trước tôn nhan Chúa, để chúc tụng tạ ơn Ngài. Đoạn vua nhân danh Chúa mà chúc phúc cho toàn dân (x 1Sb 15, 3-4. 15-16 ; 16, 1-2: Bài đọc I). Cuộc rước ấy đã tiên báo vào thời Tân Ước, Đức Maria để cho sứ thần Chúa đặt Lời vào tâm hồn và thân xác Mẹ (x Lc 1, 26t), và Hội Thánh qua Phụng Vụ cũng viết Lời bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không viết trên hai tấm đá như xưa, nhưng trên tấm bia lòng bia thịt của người tín hữu (x 2Cr 3, 3). Như vậy nhờ Lời Chúa đã làm cho Đức Maria và con cái của Mẹ trở thành Hòm Bia Thiên Chúa bằng xương thịt, và trở thành Đền Thờ đích thực cho Thiên Chúa ngự (x 1Cr 3, 16). Nhờ đó thân xác những người được Chúa cứu độ, “một thân xác đáng phải chết lại được mặc lấy sự bất tử. Vì ứng nghiệm Lời Kinh Thánh: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (x 1Cr 15, 45b. 55: Bài đọc II). Thánh Phaolô xác quyết như thế là ông muốn nhấn mạnh ai sống cũng phải có Luật, “mà tội lỗi có sức mạnh sinh ra nọc độc tử thần là hệ tại có Luật” (1Cr 15, 56: Bài đọc II), nhưng người được Chúa gìn giữ vô tội chính là Đức Maria, hoặc như chúng ta được Chúa tha thứ mọi tội lỗi, dù có chết vẫn “được thông phần chiến thắng Phục Sinh, nhờ Chúa Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (1 Cr 15, 57: Bài đọc II).
Thuở xưa ông Avimêléc cầm quyền cai trị Israel, ông này đã gây cho thân phụ mình giết 70 người anh em. Ông Avimêléc mạnh đến độ bách chiến bách thắng mọi kẻ chống đối ông. Thế mà có một ngọn tháp kiên cố giữa thành và tất cả đàn ông, đàn bà cùng toàn thể các thân hào trong thành đều trốn vào tháp ấy; họ ẩn náu bên trong và leo lên lầu của ngọn tháp. Ông Avimêléc đi tới và tấn công tháp ; ông đến sát lối vào tháp để châm lửa đốt. Bấy giờ có người đàn bà liệng một phiến đá cối xuống đầu ông Avimêléc làm ông bể sọ. Ông liền gọi cận vệ của mình lại và bảo: “Hãy tuốt gươm giết ta đi, kẻo người ta lại nói về ta rằng: Một người đàn bà đã giết hắn.” Người cận vệ đâm ông và ông đã chết. Người Israel thấy ông Avimêléc đã chết thì bỏ đi, ai nấy về nhà mình (x Tl hay Qa 9, 22-57).
Người đàn bà liệng phiến đá xuống đầu ông Avimêléc làm ông bể sọ, để cứu tất cả mọi người đang ẩn náu trong thành, chính là hình ảnh diễn tả Đức Maria ôm Chúa Giêsu (Đá Tảng) dộng vào đầu Satan để giải phóng cho chúng ta là con cái của Mẹ đang ẩn náu trong thành trì Hội Thánh, được thoát án tử thần do Satan gây ra.
Vậy Đức Maria đã trở nên bảo chứng giúp con cái Mẹ thắng mọi sự dữ, vì “Chúa đã đứng dậy cùng với Hòm Bia oai linh Chúa (Mẹ Maria) ngự về chốn nghỉ ngơi” (Tv 132/131, 8: Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Chúa Giêsu xác nhận: “Mẹ và anh em tôi là những người nghe và thực hành Lời Thiên Chúa” (Lc 8, 21).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH