Sống đức tin _ nhớ về ĐTC Gioan Phaolô 2

Trìu mến nhớ về Đức Thánh Giáo hoàng
GIOAN PHAOLÔ II
Chính khi được đứng bên Ngài để cùng Ngài dâng thánh lễ, tôi đã thực sự được Ngài kéo tôi lên với Chúa.
ĐGM. GB Bùi Tuần
1. Đời tôi được gặp nhiều người tốt. Những người tốt ấy đã góp phần đào tạo con người tôi. Trong số những người đáng kể nhất, có một người hiện nay đã được phong thánh. Đó là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
     Đức Thánh Gioan Phaolô II đã ảnh hưởng nhiều đến tôi, không những do những thông điệp, huấn từ, quyết định của Ngài, mà nhất là do những liên hệ trực tiếp mà Ngài đã dành cho tôi.
2. Tôi được trực tiếp nói chuyện với Ngài nhiều lần ở bàn giấy của Ngài, ở bàn ăn của Ngài, ở những hành lang cạnh nhiều hội nghị. Nhưng chính khi được đứng bên Ngài để cùng Ngài dâng thánh lễ, tôi đã thực sự được Ngài kéo tôi lên với Chúa.
     Khi đứng bên Ngài để đồng tế, tôi được nghe giọng Ngài nói, thấy khuôn mặt của Ngài, đôi khi được cảm thấy hơi thở của Ngài. Qua những gì được cảm thấy, được xem thấy, được nghe thấy, tôi rất xúc động chứng kiến Đức Thánh Cha gặp gỡ Chúa một cách thân mật.
3. Giờ phút Đức Thánh Cha gặp gỡ Chúa trong thánh lễ bỗng trở thành linh thiêng khác thường, do sự thánh thiện của Đức Thánh Cha toát ra.
     Những giây phút ấy, tôi như quên hết mọi sự, chỉ còn đắm mình vào tình yêu Chúa mà thôi.
     Sau này, nhất là hiện giờ, khi một mình nhìn lại, tôi mới ghi nhận được khá rõ những ơn đặc biệt, Chúa đã ban cho tôi, nhờ sự thánh thiện của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thánh lễ. Xin được phép kể ra sau đây.
4. Ơn thứ nhất là ơn quan tâm nhiều hơn đến đời sống chiêm niệm.
     Trong thánh lễ, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II toả ra qua thân xác, nhất là qua khuôn mặt của Ngài, một sự sống chiêm niệm sâu thẳm lạ lùng.
     Tôi thấy chiêm niệm nơi Ngài là cung kính ngắm nhìn Chúa, là tập trung lắng nghe Chúa, là khiêm tốn vâng phục ý Chúa. Nhìn Ngài chiêm niệm, tôi như được lôi cuốn theo, để tìm gặp Chúa là Đấng thiêng liêng sống động, vô cùng yêu thương, vô cùng quyền năng. Tôi khao khát thuộc về Chúa. Tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu phán xưa: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
     Chiêm niệm nơi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, mà tôi đã được chứng kiến, giúp tôi xác tín về sự quan trọng của chiêm niệm trong đời tông đồ của tôi.
5. Ơn thứ hai là ơn quan tâm nhiều hơn đến việc sám hối.
     Ngay từ đầu thánh lễ, Đức Thánh Giáo Hoàng đã tự giới thiệu mình là kẻ có tội. Ngài đọc kinh “Sám hối” một cách rất khiêm nhường và xác tín. Đứng bên cạnh Ngài lúc đó, tôi có cảm tưởng là Ngài không thực hiện một lễ nghi, mà là thực hiện một sự hoán cải trở về với Chúa một cách hồn nhiên do động lực của tình yêu chân thành tha thiết. Tôi nhớ lại lời thánh Gioan tông đồ: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, thì Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, Người sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1 Ga 18-9).
     Sám hối của Đức Thánh Gioán Hoàng là cậy tin vào Đức Giêsu Kitô, như lời thánh Gioan tông đồ dạy: “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha, đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính. Chính Đức Giêsu Kitô đã là của lễ đền tội cho chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2,1).
     Sám hối của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là không những xin Chúa tha tội, mà còn là xin lỗi người khác. Trong cuốn sách “Khi Đức Giáo Hoàng xin lỗi”, tác giả Luigi Accattoli, đã kể ra 21 vụ việc trong lịch sử, mà Đức Thánh Giáo Hoàng xét thấy là Hội Thánh Công giáo đã phạm sai lầm, và Ngài đã công khai lên tiếng xin lỗi.
6. Ơn thứ ba là sự quan tâm nhiều hơn đến việc hy sinh cho đoàn chiên.
     Được đứng bên Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thánh lễ, tôi rất xúc động, khi thấy chính bản thân Ngài là một của lễ hy sinh cho đoàn chiên.
     Xưa, Chúa Giêsu phán: “Tôi là mục tử tốt lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi. Như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,14). Hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, đó là điều tôi đã thấy nơi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài hy sinh suốt đời, hy sinh từng ngày, từng giờ, từng phút. Điều đó đã dạy tôi rất nhiều, nhất là trong những khi tôi gặp phải những đớn đau, trắc trở, và cả trong việc dùng thời giờ và các phương tiện, sao cho cớ sự hãm mình, vì phần rỗi của đoàn chiên.
7. Đứng bên cạnh Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tôi thấy khá rõ những dấu tích nơi Ngài, như những thương tích của một của lễ Ngài dâng cho Chúa, để thông phần vào của lễ Chúa Giêsu dâng, trong chương trình đền tội cho nhân loại. Thánh lễ bàn thờ của Ngài là một của lễ hy sinh. Thánh lễ cuộc đời của Ngài cũng là một của lễ hy sinh. Tôi được gương sáng đó của Ngài khích lệ rất nhiều.
     Gương sáng của Ngài dạy tôi phải phấn đấu không ngừng. Một đời sống an phận, vô cảm sẽ có lúc xảy đến cho tôi, nếu tôi không tỉnh thức, càu nguyện và phấn đấu.
8. Với ba ơn trên đây mà tôi nhận được từ Chúa, qua gương sáng Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tôi xác tín vai trò gương sáng của các mục tử là rất quan trọng.
     Hiện nay, gương sáng về đời sống chiêm niệm, đời sống sám hối, đời sống hy sinh cho đoàn chiên đang là một đòi hỏi khẩn thiết mà Chúa đặt ra cho các mục tử. Nhân loại đang rất cần những mục tử như vậy. Việt Nam đang rất chờ những mục tử như thế.
     Lạy Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, con tin Ngài đang ở bên Chúa trên thiên đàng, xin Ngài thương tiếp tục dẫn đưa con trên đường ơn gọi làm người mục tử tại Việt Nam hôm nay. Con yếu đuối lắm, xin Ngài đỡ nâng con.
     Xin Ngài cũng nhìn đến hoàn cảnh đạo đức đang xuống dốc tại nhiều nơi trong Hội Thánh Việt Nam, để cầu xin Chúa thương cứu. Con tin chỉ có Chúa mới cứu được. Con xin tạ ơn Chúa.
     Long Xuyên, ngày 24 tháng 6 năm 2014