Lời Chúa cntn 17a _ đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu

ĐẦU TƯ CHO CUỘC SỐNG VĨNH CỬU
Có những việc làm chỉ đem lại những lợi ích tạm bợ nơi trần gian. Nhưng cũng có những của cải mối mọt không thể gặm nhấm, trộm cắp không thể chạm đến. Là Kitô hữu, chúng ta dành ưu tiên cho loại hình đầu tư nào?
Lm. Mt
Khi nói đến đầu tư, chúng ta thường hiểu cách đơn giản là bỏ tài sản và công sức ra để làm một việc gì đó, với hy vọng sẽ thu về nhiều lợi nhuận hơn, như cổ nhân nói: “một vốn,bốn lời.”
Muốn đầu tư phải có vốn, cũng cần để công tìm hiểu xem, điều gì và cách nào đem lại cho mình nhiều thành quả nhất, sau đó can đảm bắt tay vào công việc để biến điều ước mong thành hiện thực. Mỗi người đều được Thiên Chúa ban cho những tài sản riêng như: thời gian, sức khỏe, tài năng…
Có những đầu tư ngắn hạn, cũng có loại dài hạn và trong một số trường hợp, giá phải trả là cả một cuộc đời.
Người nông dân không tiếc công và chẳng tiếc của cho đồng ruộng, với hy vọng sẽ có một mùa bội thu.
Người trẻ dành thời giờ công sức cho việc học tập với mơ ước một tương lai tốt đẹp, bớt lam lũ và đỡ vất vả hơn thế hệ cha ông.
Những người làm việc từ thiện, đánh đổi thời gian, tiền của để mua lấy ơn phúc cho bản thân và con cháu.
Người tu hành lấy cả cuộc đời của mình, để đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu.
Người Kitô hữu cũng giống như mọi người sống trên trần thế này, họ có những bổn phận phải thực hiện và nhiều việc cần làm nhằm đáp ứng các nhu cầu cuộc sống. Nhưng vì tin vào Thiên Chúa và nhận biết sự sống vĩnh cửu, nên họ còn cố gắng để thuộc trọn về Đấng là sự sống và suối nguồn hạnh phúc.
Khi nói về “kho tàng vô giá” là Nước Trời, Đức Giêsu dùng hình ảnh người biết thửa ruộng có kho báu và nhà buôn đi tìm ngọc quý. Cả hai đã đánh đổi tất cả những gì mình có để mua bằng được điều quý giá mà họ phải hao tốn nhiều thời gian và công sức mới gặp được.
Nhiều năm trước, dù chưa được ánh sáng Tin Mừng soi dẫn, tác giả Thánh Vịnh 118 đã bày tỏ niềm xác tín về giá trị ưu việt của Lời Chúa: “Mệnh lệnh Ngài, con yêu quý, quý hơn vàng, hơn cả vàng y.” (Tv 118, 127) Cùng một nhận định như thế,vua Salômôn không xin Chúa ban cho được sống lâu và giàu sang, hoặc mạng sống quân thù, nhưng tha thiết cầu mong có được tâm hồn biết lắng nghe lời của Đấng Tối Cao. Xin như thế là chọn phần tuyệt hảo, nên Chúa đã ban gấp vạn lần điều Vua cầu mong: bản thân được khôn ngoan, quốc gia cường thịnh và các nước lân bang nể phục.
Ngày nay, những ai chuyên chăm học hỏi Lời Chúa, họ sẽ có nhiều cơ hội nhận ra Đấng được Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, Đấng là kho tàng vô giá được ban tặng cách nhưng không cho nhân loại và cho từng người. Cảm nhận hồng ân cao quý ấy, thánh Phaolô đã viết: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô.” (Pl 3, 8) Muốn có Chúa là gia nghiệp, các tín hữu cần vận dụng mọi khả năng để tìm gặp và sống kết hợp với Đức Giêsu như Đức Maria và các thánh đã làm.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự hưởng thụ và tiền của được đề cao. Nhiều người, trong đó cũng có các Kitô hữu tự buông mình vào cơn lốc xoáy của thị trường. Họ mải mê tìm kiếm những gì đem lại sự thỏa mãn nhất thời mà bỏ quên các giá trị lớn hơn như: sự công bằng, tình yêu thương, lòng quảng đại, đức tin và sự sống đời sau. Vì lo tìm kiếm những lợi lộc trước mắt, có người sẵn sàng bỏ tham dự thánh lễ để đi làm hay theo một buổi học thêm. Người khác, dù tham gia các sinh hoạt đạo đức với cộng đoàn, nhưng lối ứng xử lại giống như người không có đức tin, cũng dối trá, lừa gạt, hận thù, ly dị, phá thai… Dẫu vậy, quanh chúng ta không thiếu những người đang âm thầm đầu tư trọn cuộc đời để làm vinh danh Chúa, mưu ích cho tha nhân và chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống vĩnh cửu.
Một linh mục cao tuổi được bề trên cho nghỉ hưu. Gần 80 tuổi đời, nhất là với 47 năm trong sứ vụ mục tử, ngài luôn tận tụy phục vụ Chúa và Giáo Hội, hết lòng chăm lo cho bổn đạo. Đặc biệt, gần 20 năm qua, khi được trao nhiệm vụ coi sóc một giáo xứ miền quê, ngài đã xây dựng nhà thờ, nhà xứ, phòng giáo lý, và quan tâm nhiều đến việc cổ võ, vun trồng ơn gọi. Chẳng những thế, ngài còn ngược xuôi tìm nguồn tài trợ để bê tông hóa nhiều con đường và xây gần chục cây cầu, giúp việc đi lại dễ dàng hơn. Ngài cũng âm thầm nâng đỡ nhiều gia đình nghèo và học sinh hiếu học, không phân biệt lương giáo. Trước khi rời cộng đoàn đã gắn bó nhiều năm, ngài còn “tái đầu tư”, khi cho các giới, đoàn thể và những người giúp việc một số tiền khá lớn. Có người thương mến ngài nên chân thành góp ý:
-        Sao Cha Cố không để lại ít tiền, phòng khi đau ốm lúc tuổi già?
Ngài trả lời cách đơn sơ:
-        Mình về hưu, mọi sự Giáo Phận lo. Giúp họ một chút, sau này nghe tin mình chết, có ai đó nhớ cầu cho một kinh, kinh gì cũng được, thế là tốt rồi!
Có thể nói, Cha Cố đã đầu tư cả đời cho cuộc sống vĩnh cửu. Chắc rằng, những ngày tháng nơi nhà hưu dưỡng, bằng lời cầu nguyện và những hy sinh âm thầm, ngài vẫn tiếp tục phục vụ Chúa và Hội Thánh; đồng thời, chuẩn bị kỹ hơn cho hành trình tiến vào quê trời.
Có những thương vụ thua lỗ, khiến chủ nhân phải tán gia bại sản. Có những việc làm chỉ đem lại những lợi ích tạm bợ nơi trần gian. Nhưng cũng có những của cải mối mọt không thể gặm nhấm, trộm cắp không thể chạm đến. Là Kitô hữu, chúng ta dành ưu tiên cho loại hình đầu tư nào?
Lạy Chúa là phần gia nghiệp của chúng con, ngoài Chúa ra, chúng con không tìm đâu được hạnh phúc, xin cho các Kitô hữu biết tận dụng mọi cơ hội và khả năng Chúa ban để tìm kiếm Nước Trời và khi cần, dám đánh đổi những gì đang có để đạt đượcsự sống vĩnh cửu.