Lời Chúa cntn 16a _ mọc chung với cỏ lùng

MỌC CHUNG VỚI CỎ LÙNG
Sở dĩ chúng ta biết chịu đựng, biết kiên nhẫn, biết rộng tha thứ v.v. cũng là do chúng ta sống với những người hay làm phiền ta, luôn luôn muốn gây gỗ với ta…
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Trước hết dụ ngôn lúa phải mọc chung với cỏ lùng là do sự Chúa an bài, chúng ta sẽ lập được nhiều công phúc do phải sống với những con người không hoàn thiện (Mà chính chúng ta là những con người không hoàn thiện). Sở dĩ chúng ta biết chịu đựng, biết kiên nhẫn, biết rộng tha thứ v.v. cũng là do chúng ta sống với những người hay làm phiền ta, luôn luôn muốn gây gỗ với ta… Mặt khác, trong bất cứ cuộc bách hại nào, ở bất cứ nơi đâu cũng như trong bất cứ thời đại nào, cũng có những người yếu lòng tin: bỏ Chúa, bỏ đạo, nhưng đồng thời cũng có biết bao con người sẵn sàng hy sinh vì Chúa để chứng minh sự hiện hữu của Chúa, để chứng minh những chân lý của đạo.
Còn dụ ngôn về hạt cải và men trong bột nói lên sự phát triển của nước Chúa. Khởi thủy nước Chúa chỉ là do mấy vị tông đồ nghèo nàn, ngu dốt, nhút nhát, nhưng rồi chính các vị này, với ơn Chúa, đã làm nước Chúa phát triển khắp hoàn cầu về mọi phương diện.
Thánh Philippê Phan Văn Minh (tử đạo ngày 3.7.1853, 38 tuổi) khi chưa thụ phong linh mục, đã cùng đức cha Taberd, soạn hai cuốn từ điển La Việt và Việt La. Phan Văn Minh cũng soạn nhiều tập thơ:
Dưới chủ đề “Nước Trời ca”, ngài đã sáng tác 29 bài thơ. Dụ ngôn hạt cải, được ngài ghi thành mấy vần thơ như sau:
Nước trời ví với vật chi ?
Ví như hột cải tí ti đen tròn
Gieo vào đất, một thời gian,
Mọc lên đâm dược, nảy nhành xum xuê,
Chim trời bốn hướng bay về,
Nắng thì núp bóng mưa thì che thân.
Ngài cũng là tác giả tập thơ “Gia Tô Cơ Đốc” gồm 44 bài. Sau đây là một bài trong 44 bài đó:
Gia Tô Cơ Đốc Đấng con trời
Đặc cách lâm phàm cứu khắp nơi
Chẳng lấy lợi danh mà tạo nghiệp
Không dùng vương bá để xây trời
Vâng lời Thiên Mệnh đành thân diệt,
Gánh tội nhân gian chịu máu rơi.
Dĩ nhược thắng cường mệnh chứng tỏ
Kiếp sau hiện hữu sống muôn đời.
Phan Văn Minh sinh năm 1815, trong một gia đình đạo đức, thuộc làng Cái Mơn, huyện Mỏ Cầy, (Vĩnh Long). Cha mẹ cậu mất sớm, mọi việc trong gia đình đều do một người chị đảm đang. Người chị này đã hết lòng lo cho các em, cả về vật chất lẫn tinh thần. Câu Minh được học hỏi giáo lý chu đáo để rước lễ lần đầu, rồi lãnh nhận Bí Tích thêm sức năm 13 tuổi. Sau đó cậu được Đức Cha Taberd nhận cho đi học chủng viện Lái Thiêu, nhưng chỉ ít lâu, do sắc lệnh cấm đạo 1833 của vua Minh Mạng, chủng viện phải giải tán.
Thầy Minh bấy giờ 18 tuổi, theo Đức Cha Taberd lánh nạn sang Thái Lan, rồi được đến học tại chủng viện Pénang. Giữa năm 1835, Đức Cha Taberd đi Calcutta (Ấn Độ), Thầy Minh có vinh dự được Đức Cha gọi sang để cộng tác với Ngài soạn hai cuốn từ điển La Việt và Việt La. Với vốn trí thức và tinh thông nhiều ngôn ngữ, nhất và Việt, Hán, La, danh xưng Phan Văn Minh đã được gắn liền với Taberd trong việc biên soạn hoàn chỉnh và ấn thành hai cuốn từ điển năm 1838. Khi Đức Cha Taberd qua đời ngày 30.7.1840, Thầy Minh trở lại Pénang tiếp tục học thần học, chuẩn bị thụ phong linh mục. Các giáo sư và bạn học đều quý mến người chủng sinh xuất sắc, học giỏi và đạo đức này.
Hết thời gian học ở Pénang, khoảng đầu năm 1844, Thầy Minh về nước và được Đức Cha Cuenot Thể phong chức phó tế, rồi trở về phục vụ địa phận Tây vừa được thành lập.
Khi ấy vua Minh Mạng băng hà, Giáo Hội được hưởng một thời kỳ dễ thở hơn dưới triều Thiệu Trị (1841-1847). Thầy Minh có thể đi thăm viếng, dậy kinh bổn cho các tín hữu vùng Tiền Giang, Hậu Giang. Cuối năm 1846 Thầy được Đức Cha Thể phong Linh Mục. Khi Vua Tự Đức lên ngôi năm 1847, việc cấm đạo vẫn còn lắng dịu ít lâu, nhưng rồi mấy năm sau lại trở nên ác nghiệt.
Trong hơn 6 năm (1846-1852), bất kể nguy hiểm của thời gian cấm đạo, Cha minh chuyên cầu đi thăm viếng hết các họ đạo trong vùng: Đầu Nước, Xoài Mút, Chợ Bưng, Ba Giồng, Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi Xan, Giồng Rùm, Cái Đôi, Rạch Ụ, Mặt Bắc… Đồng thời Cha Minh chăm lo thánh hóa bản thân, chuyên cần cầu nguyện như khi còn ở trong chủng viện. Cha còn quan tâm đến việc đào tạo những tông đồ tương lai, lựa trẻ em có đức hạnh và sáng trí, nuôi làm đệ tử, dậy dỗ và gửi đi chủng viện.
Sau chiếu chỉ tháng 8 -1848, và nhất là chiếu chỉ tháng 3 -1851, truyền phải chém đầu thả trôi song, Tây dương đạo trưởng Gia Tô, và xử tử các Giáo sĩ bản quốc cố chấp, phát lưu những người theo Gia Tô tà đạo. Trong tình hình hết sức khó khăn, Cha Minh vẫn bình tĩnh chu toàn phận sự của một mục tử.
Cha vẫn đi lại khuyến khích tín hữu, mở lớp giáo lý và trao ban các bí tích.
Khi ấy ở làng Mặt Bắc (Vĩnh Long) một người tên Nhẫn, vì có lần xin tiền Cha Lựu không được, nên để tâm thù oán và đi tố giác với quan.
Ngày 26-2-1853 quan sai lính đến vây nhà Ông trùm Lựu, nhưng Cha Lựu đã được bài sai đi nơi khác, Cha Minh mới đến nhận giáo xứ. Để cứu Cha Minh, Ông trùm Lựu đứng ra nói: “Bẩm quan, không có đạo trưởng nào tên Lựu ở đây. Chính tôi tên là Lựu.”
Quan không tin và bảo lính tiếp tục lục soát. Khi đó Cha Minh sợ quan quân, vì mình, mà hại gia đình ông trùm Lựu, nên ra mặt, nhận mình là linh mục. Thế là cùng với bảy quý chức trong vùng, Cha bị bắt trói, đeo gông và đẩy xuống thuyền đưa về giam tại thị trấn.
Tại thị trấn Vĩnh Long, quan tổng trấn hạch hỏi Cha về các linh mục khác, những nơi đã trú ẩn, song quan đã không khai thác được gì. Những ngày sau, quan làm mọi cách, khi dụ dỗ, khi dọa nạt, khi sai lính kéo qua thập giá để bắt Cha chối đạo. Nhưng Cha Minh vẫn trung thành với Đức Kitô và Giáo Hội. Thấy Cha còn trẻ, mới 38 tuổi, lại là con người hiền lành, học thức, các quan muốn tìm cách cứu Cha, họ không bắt Cha bước qua thập giá nữa, chỉ cần Cha nói miệng là: “đã bỏ đạo” thì cũng được tha. Nhưng Cha Minh vẫn một mực từ chối. Không làm gì hơn được nữa, các quan cho lính đưa Cha về giam tại Tuyến Phong chờ ngày lãnh án.
Khi án tử từ Kinh Đô gửi về. Cha Minh quỳ gối tạ ơn Chúa, rồi an ủi các anh em bạn tù nên vui lòng tuân theo ý Chúa, hẹn tái ngộ trên nước trời, Cha nói:
“Xin anh em vững lòng tin và hết dạ cậy trông Chúa, người chẳng từ bỏ ai, và sẽ thưởng công trọng hậu cho những ai tôn thờ Người.”
Cha cũng căn dặn một tín hữu ở ngoài, tiền bạc của Cha, nếu còn, thì đừng phí tốn ma chay lớn, cứ đem phân phát hết cho người nghèo.
Ngày 3-7-1853 cha bị điệu đi xử. Cha mặc áo dài, dáng vẻ điềm tĩnh, hiên ngang, tiến ra pháp trường, vừa đi vừa lần chuỗi Mân Côi. Qua bờ sông Long Hồ tới Cái Sơn Bé, Quân lính dọn bữa ăn sau cùng cho Cha, Nhưng Cha không ăn gì. Cha cầu nguyện: “Lậy Chúa, xin thương xót con. Lậy Chúa Giêsu, xin cho con sức mạnh, can đảm chịu khó, để tôn vinh danh Chúa. Lậy Mẹ Maria, xin nâng đỡ con.”
Lưỡi gươm lý hình đã kết liễu cuộc đời cha. Thi thể được an táng dưới nền một ngôi nhà thờ mới bị đốt phá tại quê hương cái Mơn.
Năm 1900 hài cốt đấng tử đạo được di chuyển về đại chủng viện Sàigòn. Năm 1960 Di cốt được đưa vào vương cung thánh đường Sàigòn trong dịp lễ cung hiến.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề tựa của Lm. HK