Lời Chúa cnps 5a _ chết để được sống

CHẾT ĐỂ ĐƯỢC SỐNG
 “Lạy Thánh Giá là gường Chúa tôi nằm chết thay cho nhân loại, Thánh Giá là hình ảnh đức Tin đạo Công Giáo mà hết mọi người phải thờ kính, nếu muốn được ơn Cứu Độ.” (Thánh Đaminh Trạch)
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Mở đầu bài Tin Mừng Chúa bảo chúng ta :
“Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào thầy.”
Trong lúc ngồi tù vì đạo Chúa,  khuôn mặt cha Đaminh Trạch (tử đạo ngày18.9.1840, 47 tuổi) lúc nào cũng vui vẻ, cha thường nói:
“Tôi tuy sức yếu, nhưng đã vì đạo mà bị bắt, tôi chẳng sợ gì, cũng chẳng hối tiếc chi.”
Trước tòa, lần nào cha cũng bị tra hỏi về Cha Vọng, vị thừa sai ngoại quốc mà quan chưa bắt được. Quan còn hứa trả tự do nếu chịu bước qua Thánh Giá, song Cha không chịu. Mặc dầu ốm yếu, quan cũng bắt nọc cha cha ra đánh nhiều trận, bắt cha mang gông và giam trong cầu tiêu. Một lần nữa, cha ra tòa, Trịnh Quang Khanh chỉ vào Thánh Giá đặt dưới đất, và nói: “Đây Thập Tự, một là bước qua, hai là chết.” Cha Đaminh không trả lời, tự động quỳ xuống hôn Thánh Giá và thờ lạy, rồi lớn tiếng nguyện rằng: “Lạy Thánh Giá là gường Chúa tôi nằm chết thay cho nhân loại, Thánh Giá là hình ảnh đức Tin đạo Công Giáo mà hết mọi người phải thờ kính, nếu muốn được ơn Cứu Độ.” Cầu nguyện xong, cha ngẩng mặt nhìn quan: “Bẩm quan, tôi chọn cái chết để khỏi phạm tội rất nặng là bước qua ảnh Thánh.”
Cha Đaminh Trạch (Đoài), quê Ngoại Vôi, giáo xứ Ngoại Bồi (Nam Định), sinh năm 1793. Cậu Trạch ở với cha xứ từ hồi nhỏ. Thời thanh bình triều Gia Long, cậu có hoàn cảnh được học đầy đủ chương trình tiểu và đại chủng viện, thụ phong linh mục năm 30 tuổi. Năm sau cha xin vào dòng Đaminh và khấn ngày 3.6.1825. Cha Trạch là một linh mục sống nhiệm nhặt là kỷ luật. Tuy bị chứng bệnh lao phổi, cha vẫn giữ luật ăn chay hãm mình và chu toàn mọi công tác. Cha coi xứ Quần Cống, rồi về Lục Thủy đễ dưỡng bệnh, nhưng cũng nhận việc linh hướng các chủng sinh. Năm 1839, cha bị bắt ở Ngọc Cục, nhưng được dân làng bỏ 200 quan tiền để chuộc. Từ đó cha trọ nhà ông lang Thiện và ông trùm Bảo ở Trà Lũ.
Ngày 11.4.1840, khi lên thăm hai linh mục Vinh và Thản ở Ngưỡng Nhân, cha bị quân lính phát hiện, do tình trạng bệnh hoạn, sức yếu chân chậm, không chạy trốn được trên đường về Tử Liêu, cha bị bắt và dẫn về phủ Xuân Trường. Sau một thời gian tra hỏi ở đây, cha Trạch được chuyển qua ngục thất Nam Định. Sự hiện diện của cha trong ngục là niềm vui và an ủi cho nhiều phạm nhân đang bị giam ở đó. Mặc dù sức đã kiệt, cha Trạch vẫn cố gắng khuyên các giáo hữu và giải tội cho họ, đặt biệt cha đã giúp thầy Tôma Toán, sau khi đạp lên Thánh Giá lần thứ hai, thống hối trở về với Chúa. Cha kêu mời anh em cùng cầu nguyện, nhất là đọc kinh Mân Côi.
Quan tổng đốc biểu lính khiêng cha qua Thánh Giá, nhưng cha co chân lên mặc cho lính đánh đập. Các quan đồng thanh kết án xử cha. Ngày 18.9.1840, bản án được vua Minh Mạng châu phê ra tới Nam Định, và bản án được thi hành ngày hôm ấy. Tại pháp trường Bảy Mẫu, sau mấy phút cầu nguyện, cha cúi đầu lánh nhát gươm tử Đạo. Thi thể cha được an táng tại chỗ, năm sau các tín hữu cải lên rước về nhà chung Lục Thủy
Thánh Phaolô Đổng sinh năm 1820 tại họ đạo Vực Đường giáo xứ Cao Xá (Hưng Yên). Ông Đổng từng giữ chức thủ hạ, trông coi sổ sách, tài sản họ đạo trong nhiều năm.
Chiếu chỉ 5.8.1861 như sau: Mọi tín đồ Gia tô giáo phải thích tự vào hai bên má, một bên chữ "Gia tô tả đạo” một bên tên xã huyện của tội nhân.
Thi hành chiếu chỉ cấm đạo, các quan đi tới từng làng công giáo, đặt tượng thánh giá ở nhiều lối đi, ép buộc mọi người phải đạp lên. Ai không chịu đạp Thánh Giá thì bi trói lại, đóng gông giải về tỉnh. Ông Đổng bị bắt trong  trường hợp đó ngày 25.11.1861.
Ông bị giải về phủ Ân Thi. Tại đây, quan hứa sẽ cho nhiều tiền nếu ông bỏ đạo. Nhưng ông nhất mực từ chối và khẳng định với quan về  lòng trung thành với Chúa Kitô. Do đó ông bị hành hạ, mang xiềng xích nặng. Sau đó lính được lệnh giải ông về Hưng Yên. Vừa tới cửa thành, ông Phaolô Đổng thấy một Thánh Giá đặt trên mặt đất, ai muốn qua phải đạp lên. Ông nhất quyết đứng lại và không chịu bước qua. Lính đánh đập ông tàn nhẫn, nhưng vẫn không cưỡng bức được Ông. Sau cùng, họ nhốt ông vào một cái cũi chật hẹp để khiêng qua.
Gần một năm trong tù, sống cực khổ, ông Đổng ban ngày phải mang gông, đêm đến chân chịu cùm xích. Nhiều lần bị quan tra hỏi, trước sau như một, ông cương quyết giữ vững Đức Tin. Lính đánh đập ông nhiều lần một cách dã man, khiến thân mình Ông đầy thương tích đẫm máu.
Khi bị lính dùng sức mạnh thích bốn chữ: "Gia tô tả đạo", cụ đã gạch xóa đi chữ "tả" rồi nhờ người bạn tù viết thế vào đó chữ "hữu" quan xem thấy nổi giận ra lệnh cấm cốc và lên án tử hình, bản án được vua châu phê tức thời.  
Ngày 3.6.1862, khi nghe tin mình bị trảm quyết ông Đổng chẳng những không tỏ vẻ lo sợ, lại vui mừng sấp mình xuống đất tạ ơn Chúa, cầu nguyện sốt sắng và đọc kinh “Ăn năn tội.” 
Trên đường ra pháp trường, thánh Phaolô Đổng (tử đạo ngày 3.6.1862, 60 tuổi) bình tĩnh dọn mình chết và đọc kinh "Phó Dâng": "Lạy Chúa tôi, tôi xin phó dâng linh hồn và xác tôi ở tay Chúa tôi... chớ gì sống chết tôi được giữ một lòng kính mến Chúa tôi. Amen."
Một nhát gươm của đao phủ đã đưa linh hồn Ông về cõi trường sinh bất diệt
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề tựa của Lm. HK