TIẾNG GỌI PHỤC SINH
Hôm nay, niềm vui của tôi càng được tăng
lên gấp bội, khi tôi nhận thấy xung quanh tôi nhiều người đang là của lễ hy
sinh.
1. Trong
những ngày này, tôi nghĩ nhiều tới Tuần Thánh. Tôi nghĩ đến những gì đã xảy ra
xưa trong ba ngày Tuần Thánh, tôi đưa tâm hồn tôi về với Chúa Giêsu, để sống
bên Người một cách trọn vẹn.
Tôi ở bên Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly, đi
vào vườn Cây Dầu, rồi lên đường vác thánh giá, đến Núi Sọ, và tới mồ táng xác
Chúa. Tôi được nghe lời Người, được thấy những gì Người làm, được cảm nhận những
nỗi đau của Người, được chia sẻ tình yêu bao la của Người.
2. Để
không rơi vào chủ quan, tôi dựa vào Lời Chúa trong Kinh Thánh, để biết rõ mục
đích những gì đã xảy ra trong Tuần Thánh xưa. Mục đích đó là: “Nhờ Chúa Giêsu đổ
máu mình ra, chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1,13-14).
3. Mục
đích đó cũng đã được Phụng Vụ Thánh Lễ nói lên với nhiều hình ảnh khác nhau, dễ
hiểu. Như: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, loài người chúng con quá yếu đuối, đã gục
ngã thảm thương, nhưng vì Đức Kitô Con Chúa đã chịu khổ hình, xin cho chúng con
được chỗi dậy và tìm lại được sự sống” (Lời nguyện nhập lễ, thứ hai Tuần
Thánh).
“Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu
khổ hình thập giá, để giải thoát chúng con khỏi quyền lực ác thần” (Lời nguyện
nhập lễ, thứ tư Tuần Thánh).
Những câu: Để chúng ta được chỗi dậy, tìm lại
được sự sống, cũng như để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực ác thần, đó là những
mục đích, mà Chúa Giêsu nhắm tới, khi tình nguyện chịu khổ hình thập giá.
4. Chúa
ban ơn cho tôi được hiểu những sự thực đó, không phải chỉ trên lý thuyết, mà
trong thực tế của bản thân.
Nhờ ơn Chúa, tôi thấy thực tế của bản thân
tôi là rất tồi tệ.
Tôi là con người có rất nhiều tội lỗi, rất
cần được tha thứ, rất cần được cứu chuộc.
Tôi là con người quá yếu đuối, đã nhiều lần
gục ngã, cần được chỗi dậy.
Tôi là con người bao lần như đã chết, cần
tìm lại được sự sống.
Tôi là con người bao lần phải nhục nhã dưới
quyền ma quỷ, cần được giải thoát.
5. Thực tế
của bản thân tôi là như thế. Nhưng Chúa Giêsu đã cứu tôi. Người cứu tôi và nhân
loại bằng sự hạ mình xuống chịu khổ hình. Mỗi lần nhớ đến sự Chúa Giêsu chịu khổ
hình thập giá, để cứu nhân loại, tôi lại được Chúa lưu ý đặc biệt đến sự Chúa hạ
mình xuống, như lời Hội Thánh xưng tụng: “Lạy Chúa, nhờ Con Chúa hạ mình xuống,
Chúa đã nâng loài người sa ngã lên” (Lời nguyện nhập lễ, thứ hai sau CN IV Phục
Sinh).
Hạ mình xuống, đó là tâm tình đặc điểm của
Chúa Cứu Thế đã được thánh Phaolô ca tụng trong thư gởi tín hữu Philipphê.
“Đức Giêsu Kitô,
Vốn dĩ là Thiên Chúa,
Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với
Thiên Chúa,
Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
Mặc lấy thân nô lệ,
Trở nên giống phàm nhân,
Sống như người trần thế
Người lại còn hạ mình
Vâng lời
cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá” (Pl 2,6-8).
6. Với ơn
Chúa, tôi cảm nhận được việc Chúa Giêsu hạ mình xuống chịu khổ nạn thập giá để
cứu tôi và nhân loại là một ơn vô cùng cao quý.
Nhưng ơn trọng đại ấy không cưỡng ép tôi,
không áp đặt tôi, không bắt buộc tôi phải nhận. Nghĩa là để được hưởng ơn Chúa cứu
chuộc, tôi phải biết đón nhận ơn Chúa, tôi phải cộng tác với ơn Chúa.
7. Đón nhận
và cộng tác thế nào, tôi xin phép được chia sẻ một sự kiện riêng tư Chúa đã để
trải qua đời tôi, để dạy tôi về sự phải đón nhận và cộng tác vào ơn cứu chuộc.
Đã rất lâu rồi, tôi bị đau nặng. Chính Đức
Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã khuyên tôi nên đi trị bệnh, càng sớm càng tốt.
Caritas Đức sẵn sàng lo cho tôi. Tôi được nhập viện ở Đức, coi như cần phải cấp
cứu. Tôi được mổ chính ngày thứ sáu Tuần Thánh.
Khi tỉnh thuốc mê, tôi cảm thấy đau. Tôi
kêu. Một chị bạn người Đức cầm tay tôi và nói nhẹ vào tai tôi: Cha ơi, hôm nay
là thứ sáu Tuần Thánh. Chúa Giêsu chịu đóng đinh đang ở bên cha.
Nghe vậy, tôi thinh lặng. Tôi như thấy Chúa
Giêsu đang yêu thương chịu tử nạn như một của lễ, để cứu chuộc tôi. Tôi tự
nhiên dâng tình yêu và những đau đón của tôi lên Chúa, như để góp phần nhỏ bé
vào của lễ đó.
8. Vài
phút sau, một chị nữ tu người Đức mang Mình Thánh đến. Tôi nằm đau đớn, rước
Mình Thánh từ tay chị. Chị nói với tôi: Cha ơi, trong bệnh viện này có từng
trăm bệnh nhân đang cần được Chúa cứu. Xin cha cầu cho họ. Nghe lời chị, tôi cầu
nguyện cho họ, tôi cũng dâng tình yêu và những đau đớn của tôi lên Chúa, để cộng
tác phần nào vào việc Chúa cứu họ.
9. Những
giây phút ấy, tôi chợt thấy mình đang xa Quê Hương Việt Nam, không một người Việt
nào bên cạnh. Nhưng tôi lại được ở trong Hội Thánh Chúa. Tôi coi hai chị phụ nữ
đó chính là những người, mà Hội Thánh Chúa sai đến. Họ an ủi tôi. Họ mang đến
cho tôi những lời gọi tha thiết của Chúa. Nhờ đó, tôi luôn nhớ mình hãy là của
lễ hy sinh bé nhỏ, để đón nhận và để cộng
tác vào ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu. Cho đến hôm nay, tôi vẫn vui mừng được là
như thế mà thôi. Của lễ hy sinh là tình yêu và đau khổ nhọc nhằn. Bé nhỏ là được
chôn vùi trong cầu nguyện.
10. Hôm
nay, niềm vui của tôi càng được tăng lên gấp bội, khi tôi nhận thấy xung quanh
tôi nhiều người đang là của lễ hy sinh. Họ cầu nguyện phục vụ âm thầm lặng lẽ.
Họ tìm Chúa ở giữa những người đau khổ, nghèo túng, bị loại trừ. Họ mang niềm
tin và hy vọng của Đức Mẹ Maria, khi Mẹ đứng dưới chân thánh giá Chúa Giêsu. Họ
tha thiết cứu các linh hồn, nhất là cứu linh hồn mình.
11. Tôi
tin họ. Họ là những người đáng tin. Tôi cảm nhận được một sức mạnh thiêng liêng
phát ra từ họ. Nhờ họ, tôi nghe được lời gọi của Chúa Phục Sinh. Chúa Phục Sinh
gọi tôi: “Để gặp Chúa Phục Sinh, hãy đi theo con đường hẹp, khởi đi từ sự sám hối”.
12. Đột
nhiên, tôi nhận ra tôi đang sống giữa một thế giới trong cơn khủng hoảng mất niềm
tin ở những con người. Thực là hạnh phúc cho tôi, khi tôi gặp được những con
người đáng tin như họ.
Lạy Chúa, con xin hết lòng cảm tạ Chúa đang
cho con thấy sự cứu linh hồn mình và các linh hồn là việc rất khẩn cấp, cần được
thực hiện bằng chính con đường cầu nguyện, yêu thương khiêm tốn, khó nghèo, hy
sinh mà Chúa Cứu Thế đã đi. Con yếu đuối lắm. Xin Chúa thương giúp con thực thi
ý Chúa.
Long
Xuyên, ngày 11 tháng 4 năm 2014.
+ GB Bùi Tuần