Lời Chúa cnmc 5a _ giáo lý Phúc Âm

GIÁO LÝ PHÚC ÂM
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM A
(Ed 37,12-14; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45)
I. Giáo Huấn Phúc Âm
Chúa Giêsu là sự sống và là sự sống lại.
II. Vấn nạn Phúc Âm
Phụng Vụ Năm A, nhưng đọc Phúc Âm Thánh Gioan, chắc phải có những điểm đáng lưu ý?
Thánh Gioan thường hay dùng từ “dấu lạ” để chỉ những việc lạ lùng, những kỳ công do Ðức Giêsu làm, thí dụ "dấu lạ" đầu tiên tại Cana nước biến thành rượu rượu. Ðức Giêsu làm các "dấu lạ" có liên quan đến sức khỏe, đến sự sống của con người: Người cho người con trai sắp chết của một sĩ quan được lành bệnh trong chương 4,54; Người chữa lành những kẻ đau ốm trong chương 6,2; Người cho ông Ladarô được sống lại trong bài Phúc Âm hôm nay 11,1-45; Ðức Giêsu còn tỏ bày uy quyền thiên Chúa hay trên thiên nhiên trong chương 2,11; 6,10-13.26; trên bệnh tật trong chương 4,46-54; 5,1tt; 6,2; 9,1tt; trên cái chết trong chương 11,17.23.5.43-44; 12,9.17, và trên tà thần trong chương 1,5; 12,31; 14,30; 16,11) và tội lỗi trong chương 8,36...
Thánh Gioan trình bày Chúa Giêsu như "Mục Tử nhân lành" trong chương 10,11.14.16. Mục từ nhân lành biết chiên của mình, chương 10,14.27. Mục từ nhân lành chăm sóc, hướng dẫn và bảo vệ đàn chiên trong chương 10,4. 29 Mục từ nhân lành ban sự sống dồi dào cho đàn chiên và dẫn đưa những chiên khác về một đàn chiên duy nhất trong chương 10,10.16
Chúa Giêsu là Lời của Chúa Cha. Nhờ Lời, Cha dựng nên muôn loài. Thiên Chúa phán một lời liền có ánh sáng. Chúa Giêsu bảo người mù từ bình sinh đi rửa mắt ở ao Silôe, anh ta đi và được sáng mắt như Phúc Âm Gioan trong Chúa Nhật vừa qua chương 9,1-41. Lời Giêsu là sự Sáng, là Tình yêu, là Đường đi, là Sự Thật, là sự sống: Thiên Chúa nắm chủ quyền tuyệt đối trên sự sống. Người đã trao cho Ðức Giêsu quyền làm chủ sự sống trong chương 5,21; 10,18; 17,2. Ðức Giêsu mang sự sống nơi mình, Người là sự sống. Vì thế, Người ban sự sống cho ai tin trong chương 5,21; 6,35.48.51.57.58.63; 10,18. Và phương tiện Người sử dụng để ban sự sống, ấy là ban Lời của Người, chương 6,68 và trở nên "bánh trường sinh", chương 6,35.48, bánh đem lại sự sống cho các tín hữu, chương 6,57-58. Vì tin, nên tín hữu "có sự sống" hoặc "có sự sống đời đời", chương 3,15-16.36; 5,24.40; 6,40.47; 11,26; 20,31. Vì được ăn uống Mình và Máu Ðức Giêsu, chương 6,53, vì thuộc đoàn chiên của Người, chương 10,10. Nên muốn sống phải ở trong Thầy như cành liền cây, như cành nho liền với thân nho, chương 15.
 Tại sao chỉ có Thiên Chúa bất tử tức hằng sống?
Chỉ có Thiên Chúa tự hữu, không ai tạo dựng Chúa cả. Không được tạo dựng có nghĩa là không có bắt đầu và không có kết thúc. TC. vượt ngoài hạn định của thời gian. Mạc Khải về Thiên Chúa tự hữu hay bất tử tìm thấy trong Cựu Ước, như trong Sáng Thế Ký 21:33, Abraham gọi Chúa là Thiên Chúa bất tử hay trong Xuất Hành chương 3, Chúa hiện ra với Môsê và bảo “Ta là Đấng mà Ta là.” Chúa Giêsu cũng cho biết Ngài có trước Abraham” (Gioan 8:58). TC. là Chúa của kẻ sống, nơi Ngài và ai tin Ngài sẽ không có sự chết (Matcô 12:25-27)
 Chúa đã cho bao nhiêu người sống lại từ cõi chết?
Con gái Ông Giairô, trưởng hội đường trong Phúc Âm Matcô 5:21-43, Mat. 9:18-26 và Luca 8:40-56.
Con trai bà góa thành Naim, Phúc Âm Luca 7:11-17
Ladarô Betania, bạn Chúa Giêsu trong Phúc Âm Thánh Gioan hôm nay (Gio. 11:1-45)
Chính Chúa tự mình sống lại, được tường thuật trong Matthêu 28:8-20; Matcô 16:9-20; Luca 24:13-49; Gioan 20:11-21:25; Tông Đồ Công Vụ 1:1-11 và trong I Corintô 15:3-9
Chắc chắn có vô số người chết trong thời Chúa Giêsu, tại sao Chúa chỉ cho ba người sống lại?
Chúa đã làm 10 phép lạ chữa bệnh, 12 phép lạ trừ quỷ và 3 phép lạ phục sinh người chết. Chắc chắn số người bị quỷ ám, số bệnh nhân và số người chết nhiều gấp nhiều lần những người được Chúa cứu chữa. Chúa không có ý làm phép lạ để cứu tất cả, nhưng chỉ đủ để lời giảng “Thời giờ đã điểm và Nước Thiên Chúa đã gần!” được ứng nghiệm. Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế đã đến và ở giữa chúng ta. Ai tin Chúa, đều được cứu độ và đều được cứu sống. Như vậy, mọi người đều được chữa bệnh, được trừ quỹ và được phục sinh. Đó là phép lạ.
III. Thực hành Phúc Âm
Con người được tạo dựng giống Thiên Chúa: có linh hồn bất tử và tìm cuộc sống bất tử. Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bị bắt đạo có kể chuyện Bà Agnes Bưởi (không có trong số 117 thánh tử đạo VN.) như sau: Dưới thời Minh Vương (1700), có bà Agnes Bưởi bị bắt trong khi đưa xác cha từ Đồng Nai về quê chôn cất ở Nha Trang. Bà có 2 con nhỏ, 7 và 10 tuổi. Sau khi biết tin bà bị bắt vì theo đạo, ông chồng đưa hai con đến dụ dỗ bà bỏ đạo để về với chồng con, bà can đảm nói với chồng: "Này anh, em xin anh đừng khóc lóc buồn phiền. Chính Chúa thương cho em được ơn trọng như thế này. Ðó là một vinh dự cho cả anh và các con, sao anh lại khóc. Em xin anh một lần nữa đem hai con về nhà chăm sóc chúng nó, dậy chúng biết kính sợ Thiên Chúa và nhắc chúng rằng em vẫn nhớ đến anh và các con trong nước Thiên Ðàng. Em hy vọng sẽ được phúc tử đạo sớm"
Và bà Agnes đã được toại nguyện, bà được tử đạo đúng vào ngày lễ Giáng Sinh, 25-12-1700. Qua cái chết tử đạo thật anh hùng, bà Agnes Bưởi bộc lộ niềm tin vào cuộc sống bất tử, vì con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên chúa, Đấng tự hữu và trường cửu. Dám chết vì Đấng bất tử thì sẽ được cuộc sống vĩnh hằng.
Hàng ngày chúng ta chứng kiến bao nhiêu cái chết xảy ra chung quanh. Chúng ta có tin vào cuộc sống bất tử và dám hy sinh cuộc sống tạm bợ cho cuộc sống vĩnh hằng đời sau không? Nến Phục Sinh được đặt trước quan tài người chết để nói lên hy vọng phục sinh của mỗi người và niềm tin vào cuộc sống vĩnh hằng mai sau. Nếu không có niềm tin vào cuộc sống mai sau. Con người thật vô phúc và cuộc sống hiện tại chỉ là một thời gian để tìm miếng cơm manh áo và một cổ quan tài.
Cách chia buồn thiết thực nhất với người chết và với gia đình người chết là dự lễ an táng và xin lễ cầu nguyện cho linh hồn người quá cố. Người Việt Nam có thói quen xin lễ cầu nguyện cho kẻ chết trong tháng 11, tháng các linh hồn. Các bạn trẻ nên tiếp tục truyền thống xin lễ cầu cho kẻ chết. Đó là hiếu lễ, là cách trả ơn đối với người quá cố. Đó cũng là cách thể hiện niềm tin vào sự phục sinh, vào sự bất tử của linh hồn.
 “Lazarô! Hãy ra khỏi mồ!” Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn.
Nếu cảnh tượng nầy xảy ra tái diễn hôm nay, tôi không chắc rằng còn ai ở lại để mà xem Lazarô bước khe khỏi mồ như thế nào. Người chết sống lại có khác nào ma quỉ hiện hình sẽ gây hoảng sợ. Nhưng Phúc Âm lại không hề đề cập đến kinh hoàng hay sợ hãi, nhưng người ta còn đến bên để “cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi” Lazarô trở lại sinh hoạt bình thường, hàng xóm đến tò mò quan sát. Tại sao vậy? Không lẽ là chuyện xảy ra thường xuyên?
Chắc chắn không thường xuyên, nhưng người ta không hốt hoảng chạy trốn như sợ ma, vì Chúa ở vẫn ở đó và đang làm cho việc phục sinh Lazarô thực hiện. Chúng ta có thể nói: vì sự việc xảy ra ngoài sức tưởng tượng, làm người ta há hốc miệng, đứng sửng sờ chết trân? Thần quyền của Thiên Chúa gây sửng sờ cho phàm nhân. Thiên Chúa, Đấng tạo hoá, Đấng làm chủ sự sống đang ở giữa chúng sinh tội lỗi và hay chết.
Trước năm 1975, thời gian “lên hương” của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam về mặt bên ngoài như nhiều nhà thờ xây cất, nhiều cơ sở từ thiện của Công Giáo. Ảnh hưởng của linh mục Giám Mục Công Giáo rất lớn. Nhiều linh mục có ảnh hưởng trên cấp tướng tá và các ngài phần nhiều di chuyển bằng phương tiện quân đội: xe jeep hay xe nhà binh… tướng tá bước vào nhà xứ phải bớt hùng dũng và hiên ngang theo kiểu nhà binh. Vậy mà giáo dân chung quanh bến Bắc Cần Thơ vẫn sửng sờ và trố mắt ngạc nhiên khi thấy linh mục tiểu đệ Philipphê Nguyễn kim Điền đi lao động để sống hoà nhập với dân nghèo. Sửng sớ, thắc mắc và thán phục. Khó đến gần và nhiều khi bỏ chạy cho xa khỏi những ai cao sang quyền thế. Nhưng nhiều khi thích đến gần để chiêm ngưỡng và sửng sờ thán phục nhìn con người có nét “không giống người” đang sống giữa xã hội loài người. Tâm thức con người ngày nay không thích kẻ hay làm giọng bề trên, kẻ cả hay ra lệnh nhưng người ta thích bề ngang, kẻ bé mọn, khiêm nhường và hoà đồng.
Lm Phêrô Trần Thế Tuyên