Thời sự GH _ hình thức tông đồ cho người đồng tính

Hình thức tông đồ cho người đồng tính
Giáo Hội cần biểu lộ sự quan tâm mẫu thân của mình đối với nhóm người thường cảm thấy bị Giáo Hội ghẻ lạnh, thậm chí ghét bỏ nữa, và không hề có chỗ đứng nào trong lòng Giáo Hội…   
Vũ Văn An
Đáp ứng nhu cầu của một số người cảm thấy bị tách biệt khỏi Giáo Hội, hình thức tông đồ Courage (can đảm) đã ra đời nhằm phục vụ những người đàn ông đàn bà bị lôi cuốn theo hướng đồng tính, bằng cách giúp họ vượt qua nhãn hiệu đồng tính và tìm được sự kết hợp với Chúa Kitô.
Đây là một hình thức tông đồ quốc tế, hiện phục vụ phân nửa số giáo phận của Hoa Kỳ và 12 nước khác trên thế giới. Hình thức này đem tới cho các hội viên một hệ thống nâng đỡ, nhờ thế họ có thể sống thanh tịnh trong tình hiệp thông, trong chân lý và yêu thương.
Từ năm 2008, Linh Mục Paul Check là giám đốc của Courage [www.couragerc.net], kế nhiệm vị sáng lập của nó là cố linh mục John Harvey.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Zenit, Linh Mục Check nói về nguồn gốc của hình thức tông đồ này và tầm quan trọng của việc tiếp cận câu định nghĩa về đồng tính luyến ái một cách thận trọng và chăm chú.
Nói về lịch sử hình thức tông đồ Courage, Cha Check cho hay: năm 1980, Tổng Giám Mục New York lúc ấy là Đức HY Terence Cooke có cảm thức rằng Giáo Hội cần biểu lộ sự quan tâm mẫu thân của mình đối với nhóm người thường cảm thấy bị Giáo Hội ghẻ lạnh, thậm chí ghét bỏ nữa, và không hề có chỗ đứng nào trong lòng Giáo Hội. Ngài cho mời Cha Benedict Groeschel, yêu cầu cha khởi đầu một hình thức tông đồ, một thừa tác vụ, giúp những người đàn ông và đàn bà có xu hướng đồng tính biết rằng họ được Chúa Kitô yêu thương, họ có chỗ đứng trong Giáo Hội, họ được mời gọi sống cuộc sống thanh tịnh, và Thiên Chúa sẽ ban ơn thánh giúp họ sống như thế.
Cha Groeschel có biết một linh mục vốn đang làm việc về đồng tính luyến ái nhiều năm qua, đó là cha John Harvey, một hiến sĩ dòng Thánh Phanxicô đờ San. Cha vốn là người tiên phong hoạt động trong lãnh vực này.
Về chuyên môn, Cha Harvey vốn là một thần học gia về luân lý. Ngài viết luận án tiến sĩ về thần học luân lý của cuốn Tự Thú của Thánh Augustinô và dạy thần học luân lý trong nhiều năm cho các hiến sĩ đang được đào tạo tại chủng viện ở Washington D.C. Trước đó không lâu, bề trên của ngài cho ngài hay hiện đang cần một ai đó nghiên cứu vấn đề đồng tính luyến ái và chuẩn bị cho các chủng sinh am tường vấn đề này.
Khi Đức HY Cooke và Cha Harvey gặp nhau, họ tiến tới ý niệm thành lập một nhóm trợ giúp dành cho nam giới (và sau này dành cho nữ giới), ngõ hầu trong tình hiệp thông với nhau và với Chúa Kitô làm trung tâm, những người có xu hướng đồng tính được chào đón và nâng đỡ bởi tình bác ái mẫu thân và chăm sóc mục vụ của Mẹ Giáo Hội. Mỗi nhóm Courage phải có một linh mục, được giám mục chỉ định để phục vụ trong tư cách tuyên úy.
Năm 1980, có 7 người đàn ông họp nhau tại Manhattan hạ dưới sự chăm sóc của Cha Harvey, và đưa ra Năm Mục Tiêu của Courage, nói tới sự thanh tịnh, việc cầu nguyện và hiến thân, tình hiệp thông trong Chúa Kitô, nhu cầu phải có các tình bạn trong sạch, và việc nêu gương sáng.
Từ buổi ban đầu trên, hình thức tông đồ Courage đã lớn lên để bao gồm các nhóm trợ giúp về thiêng liêng tại khoảng phân nửa các giáo phận Hoa Kỳ và 12 nước khác trên thế giới.
Theo chân Cha Harvey, ngoài việc giúp củng cố các nhóm trên, công việc chính của Cha Check là huấn luyện các linh mục và chủng sinh, giúp họ hiểu đôi chút về thách đố đặc thù này ngõ hầu trong cuộc sống và việc làm mục vụ của họ, bất kể tại một giáo xứ hay trong một thừa tác vụ chuyên biệt hay làm tuyên úy, họ được chuẩn bị và hiểu biết chút ít về tính phức tạp của đồng tính luyến ái và các thách đố của các người đàn ông và đàn bà bị mắc xu hướng này.
Một ngữ vựng chính xác
Cha Check cho rằng vấn đề định nghĩa và hiểu đồng tính luyến ái là gì là điều chính yếu trong công trình của Courage. Vấn đề ngữ vựng rất quan trọng vì từ ngữ chuyên chở hình ảnh và ý niệm và đôi khi cả các quan niệm đã thành hình hẳn hoi rồi. Trong câu truyện, ta có thể sử dụng chung một từ ngữ đặc thù nào đó, nhưng trong một bối cảnh khác, nhất là bối cảnh văn hóa, cùng một từ ngữ có thể bị hiểu cách khác hẳn. Nói thế đủ để ta phải nhận rằng có những nhạy cảm rất lớn chung quanh vấn đề ngữ vựng, chung quanh cách người ta hiểu các từ ngữ, và do đó, cách người ta tự hiểu về chính mình. Không lúc nào cha Check muốn hạ giá hay bôi nhọ kinh nghiệm sống hay việc họ ý thức về mình của bất cứ ai, vì cha không nói từ kinh nghiệm sống của họ.
Cha cố gắng tiếp cận vấn đề nhận diện bản sắc này một cách hết sức thận trọng, theo hai viễn tượng khác nhau, như cách Giáo Hội hành xử theo gương Chúa Kitô. Trong Tin Mừng, ta có thể nói được rằng Chúa Kitô muốn lôi cuốn người ta bằng hai cách: một là bằng giáo huấn đặc thù dành cho một nhóm nào đó. Hãy đơn cử Bài Giảng Trên Núi, trong đó, Chúa Giêsu đặt để ra điều sau này được Thánh Augustinô gọi là "đại hiến chương" cho lối sống Kitô Giáo. Chúa Kitô đưa ra một giáo huấn phong phú về bản sắc Kitô hữu, và Người muốn giao kết với nhiều người bằng một hình thức sư phạm đặc thù.
Nhưng Chúa còn dùng một lối khác, có tính bản thân, để giao kết với người ta. Trong lối này, Người gặp gỡ linh hồn mỗi người chúng ta và trình bày một phần của tin mừng theo một cách hết sức chính xác, rõ ràng và thân mật, để hướng dẫn ta tới cái hiểu sâu sắc hơn về chính ta. Giáo Hội cũng thế, Giáo Hội vừa muốn loan báo giáo huấn của mình, nhưng đồng thời cũng muốn gặp gỡ những con người cá thể.
Nói như trên, Cha Check muốn cho hiểu: ta không vô cảm, vô tâm hoặc không biết gì tới thực tại sống. Ta không bao giờ nói với người ta rằng: "kinh nghiệm của bạn về chính bạn là điều vô giá trị" như thể ta biết họ nhiều hơn chính họ.
Thành thử, ngữ vựng của Giáo Hội là một ngữ vựng được chọn lựa cẩn thận và với thời gian đã trở thành càng ngày càng chính xác hơn. Điều này có nghĩa: Giáo Hội rất thận trọng đo lường mọi khía cạnh của kinh nghiệm nhân bản theo thứ bậc quan trọng của chúng, và dành cho sự vật giá trị đúng của nó, không hơn không kém.
Giáo Hội luôn tránh, không phạm trù hóa người ta theo xu hướng tính dục của họ, nhưng đồng thời cũng không làm suy yếu, hạ giá hay vô cảm đối với cái hiểu của người ta về chính họ. Theo cha Check, câu hỏi quan trọng nhất xưa nay trong lịch sử con người vẫn là câu hỏi về bản sắc. Chúa Giêsu từng hỏi các Tông Đồ: "Các con nói thầy là ai?"
Con người, xu hướng và hành động
Khi nói tới đồng tính luyến ái, Giáo Hội nói tới nó trong ngữ cảnh bao quát hơn của đức trong sạch. Trong sạch là một nhân đức nhằm phong tỏa các khát mong lầm lẫn bằng cách điều hòa sự thèm khát tính dục cho phù hợp với lý lẽ đúng và ý định của Thiên Chúa đối với bản nhiên con người. Một tâm hồn trong sạch là một tâm hồn bình an, và là một tâm hồn biết cho đi bản thân mình, tùy theo bậc sống của mình, và trong việc cho đi này, họ tìm thấy thỏa mãn. Một trong các thách đố lớn nhất của Giáo Hội hiện nay là đề xuất sự trong sạch như là một phần của "tin mừng". Nhưng Chúa Giêsu từng làm như thế, thì ta, ta cũng có thể làm được như vậy.
Và do đó, Giáo Hội suy nghĩ rất thận trọng về việc người nào đó là ai, không phải chỉ là một người với các lôi cuốn đồng tính mà còn là một người con của Thiên Chúa, một người được giá máu Chúa Kitô cứu chuộc và được mời gọi bước vào ơn thánh ở đời này và bước vào vinh quang ở đời sau. Giáo Hội nói với họ: các lôi cuốn đồng tính có thể là một phần quan yếu trong kinh nghiệm của bạn ở trong đời hay thậm chí là một phần quan yếu trong cái hiểu của bạn về chính bạn, tuy nhiên bạn nên thận trọng, đừng nên nghĩ về mình trước tiên qua lăng kính đồng tính luyến ái.
Về giáo huấn của Giáo Hội coi đồng tính luyến ái là vô trật tự, Cha Check cho hay trong khía cạnh này, cần phân biệt hai kiểu nói sau đây: "vô trật tự một cách nội tại" áp dụng cho hành vi đồng tính; "vô trật tự một cách khách quan" áp dụng cho xu hướng đồng tính. Sự phân biệt này rất quan trọng trong nhân học Kitô Giáo.
Vì tình yêu thương mẫu thân, Giáo Hội phân biệt ba thực tại: con người, xu hướng và hành động. Sự phân biệt này rất cần thiết; ta không muốn tạo ra cảm tưởng này là bất cứ ai, dù nam hay nữ, hễ có xu hướng đồng tính đều bị kết án hay bị loại ra khỏi Giáo Hội hay Chúa Kitô không dành cho họ bất cứ chỗ nào trong trái tim Người. Trái lại, Thiên Chúa hiến tặng tình yêu và lòng từ tâm của Người cho mọi con cái của Người, bất kể mọi yếu đuối hay thánh giá của họ.
Con người luôn luôn tốt, được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa, được Giá Máu Chúa Kitô cứu chuộc, được mời gọi nên thánh nhờ ơn thánh ở đời này và được hứa hẹn vinh quang ở đời sau. Thiên Chúa không lầm khi Người tạo nên những con người. Người tạo nên những con người giống hình ảnh Người. Người chuẩn bị cho họ hiệp thông với Người, trước nhất để hưởng niềm vui ở đời này nhờ hành động của ơn thánh trong linh hồn, và sau đó để được hạnh phúc với Người trên thiên đàng.
Giống mọi hành vi tính dục đi ngược lại đức trong sạch như ngoại tình chẳng hạn, hành vi đồng tính tạo ra điều thường được gọi là "việc trầm trọng". Có ba điều kiện mới thành tội trọng là: biết, thuận tình, và việc trầm trọng. Các vi phạm đến đức trong sạch, vốn được Điều Răn Thứ Sáu nói tới, luôn là việc trầm trọng.
Nhưng liệu chúng có dẫn tới tội trọng hay không thì còn tùy có thuận tình và biết hay không. Thiết nghĩ nên nhớ rằng giáo huấn của Giáo Hội về sự trong sạch tự nó rất mạch lạc và nhất quán, kẻo người ta lại bảo ta chỉ chú tâm quá đáng vào một tội đặc thù. Ngừa thai, sống chung, và khiêu dâm, chẳng hạn, cũng phải là nguyên cớ để ta quan tâm đặc biệt về mục vụ, vì chúng gây tai hại lớn lao. Hành vi đồng tính là hành vi "vô trật tự một cách nội tại", điều này có nghĩa: không một ý hướng chủ quan nào dù tốt đến đâu có thể làm nó ra tốt. Nó luôn đi ngược lại bản nhiên con người và do đó không thể dẫn ta tới thỏa mãn hay thánh thiện. Và do đó, Giáo Hội mạnh mẽ cảnh cáo nó một cách rõ ràng.
Cha Check cho rằng khó khăn lớn nhất khi thảo luận về đồng tính luyến ái là thuật ngữ vô trật tự một cách khách quan, một thuật ngữ được Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo sử dụng để mô tả việc thèm khát sinh hoạt tính dục với người cùng giới tính với mình. Thuật ngữ này không áp dụng vào người và do đó không phải là một phê phán luân lý, chứ đừng nói là một kết án. Nó có nghĩa: sự thèm khát này không phù hợp với bản tính nhân loại, vì nó không thể được thỏa mãn một cách nhất quán với kế sách của Thiên Chúa, như đã được chỉ rõ nơi tính bổ sung hỗ tương giữa hai giới tính và tiềm năng truyền sinh của cơ năng tính dục.
Một trong các cuộc tranh luận lớn trong nhiều năm qua là liệu có chăng một điều ta gọi là bản tính nhân loại. Tuy nhiên, việc nhìn nhận bản tính này thực sự là một phần chủ yếu của lương tâm ta, tức khả năng phán đoán đúng sai. Thí dụ, nếu ai đó dám nói rằng "mọi người Do Thái đều không phải là người", thì hẳn nhiên mọi người, thuộc mọi nền văn hóa, tôn giáo, bối cảnh và tuổi tác khác nhau sẽ thấy câu nói đó đáng ghê tởm. Và quả thực như thế. Cảm giác ghê tởm này đặt căn bản trên cái hiểu bẩm sinh về nhân phẩm căn bản.
Hãy lấy một thí dụ nữa: Bạn sẽ có cảm giác gì khi thấy một ai đó cố tình lừa dối bạn? Chả cần phải nại tới Điều Răn Thứ Tám người ta mới hiểu: nói dối là đi ngược lại sự thiện trong các liên hệ nhân bản. Mọi người đều biết điều đó. Tại sao? Vì hoài mong chân lý là một phần của bản tính nhân loại nơi ta.
Nhưng khi bước vào cuộc thảo luận về tính dục, thì sự việc không hiển nhiên như thế. Thứ luận lý như trên, tức cái hiểu bẩm sinh về nhân phẩm và hành động đúng thường phải ngừng ở ngoài cửa. Vấn đề chuyên biệt ở đây không phải là khát mong yêu thương và âu yếm nhân bản, mà là phải hiểu nó, phát biểu nó và thoả mãn nó ra sao cho thích hợp. Một trong những điều làm cho cuộc thảo luận về đồng tính luyến ái có tính thách thức là điều mà ai ai cũng muốn hơn cả và là điều chúng ta được tạo nên cho nó là cho và nhận yêu thương. Cha Check, vì thế bảo rằng: "Nếu tôi dám nói với một nhóm người đại để như 'các bạn không thể cho và nhận yêu thương theo cách các bạn muốn', thì hẳn nhiên, một cách dễ hiểu, họ sẽ nói với tôi: tại sao không? Và cha là ai mà dám bảo rằng tôi không thể?'"
Cha Check nghĩ rằng: nói cho ngay, một trong các lý do khiến ta phải lao đao hiện nay là tại nhiều nơi, ngay trong "Giáo Hội hữu hình", đức trong sạch thường không được coi như là thành phần của Tin Mừng. Công lý là thành phần của Tin Mừng. Lòng thương xót là thành phần của Tin Mừng. Cứu chuộc là thành phần của Tin Mừng. Hy vọng là thành phần của Tin Mừng. Không ai tranh biện gì cả. Nhưng liệu người ta có coi đức trong sạch như là thành phần của Tin Mừng hay không lại là chuyện khác. Ai trong chúng ta từng có ơn gọi đại diện cho Tin Mừng trong chức linh mục hay trong đời sống tu dòng có sứ mệnh đặc biệt phải yêu mến nhân đức trong sạch và cố gắng sống nhân đức này một cách hân hoan và trung tín, vì trong sạch là một nhân đức không những phong tỏa các khát mong lầm lẫn, mà còn giải thoát và dẫn ta tới hạnh phúc và thỏa mãn thực sự.
Platông, Thánh Phaolô: xu hướng và ơn thánh
Liệu thừa tác vụ Courage có thể làm gì được cho mọi người có xu hướng đồng tính mà không cần đến hậu cảnh tôn giáo của họ hay không? Đối với câu hỏi này, Cha Check cho rằng trước Chúa Giêsu 400 năm, đã có một người rất khôn ngoan và thông minh, đó là Platông. Ông ta không hiểu tín lý tội nguyên tổ như ta, và ông ta không giải thích việc mất ơn thánh như ta.
Nhưng trong tác phẩm Phaedrus, ông kể câu truyện "dụ ngôn song mã". Platông hiểu rất rõ điều này: có một sự đứt đoạn bên trong ông, ông có thể bất hòa với chính ông. Ông viết: "tôi có một cỗ song mã bên trong mình. Con ngựa này kéo tôi về một hướng, còn con ngựa kia kéo tôi về hướng đối nghịch".
Nhiều năm sau đó, Thánh Phaolô viết trong thư Rôma rằng: "Điều tốt tôi muốn làm tôi lại không làm, còn điều xấu tôi muốn tránh, thì tôi lại muốn làm".
Platôn và Thánh Phaolô, mỗi người theo cách hiểu riêng, đã cùng giải thích hiệu quả của việc sa ngã mất ơn thánh.
Hai người này đều nói về cùng một sự việc: trong ta có một điều gì đó có thể khiến cho các thèm muốn và ý thích của ta bị lệch hướng. Đây là một kinh nghiệm nhân bản rất thông thường. Kitô Giáo có thể giải thích việc đó, và dĩ nhiên Kitô Giáo có thể cung cấp được thuốc giải, tức ơn thánh.
Khi đụng tới tình yêu, kinh nghiệm nhân bản thông thường cho ta thấy các âu yếm, thèm muốn và nhất là thúc đẩy tính dục có thể phản bội lại ta, có thể khiến ta bất hòa với chính ta. Tuy nhiên, nhân đức trong sạch, trong sạch trong tâm hồn, bảo đảm với ta rằng ta có thể yêu và được yêu một cách nhất quán với các khát vọng cao nhất và sự thiện lớn nhất của ta. Nhân đức này giúp ta yêu người khác vì con người của họ chứ không phải vì những điều người ấy có thể làm cho ta, đây là cách tất cả chúng ta đều muốn được yêu.
Đó là lý do tại sao vấn đề hôn nhân, vấn đề thân mật xuồng xã nhân bản, theo cái nhìn của Giáo Hội, không phải là điều của riêng người Công Giáo hay Kitô hữu. Nó áp dụng cho mọi con người nhân bản. Là mẹ ta, Giáo Hội dạy: có nhiều cách khác nhau để bạn gặp rắc rối và bất hòa với chính bạn: ngoại tình, dâm bôn, thủ dâm, ngừa thai, khiêu dâm, sinh hoạt đồng tính. Bất cứ việc nào trong số này đều sẽ phá hoại hay làm suy yếu điều bạn muốn hơn cả: là yêu và được yêu theo chính con người thực của mình. Đây là lý do tại sao vấn đề bản chất con người và việc sử dụng cơ năng sinh dục do lý trí đúng đắn điều hướng, là một vấn đề được mọi người lưu tâm và tại sao việc lo lắng, việc chăm sóc và quan tâm của Giáo Hội đã được mở rộng để bao trùm toàn thể nhân loại.
Vai trò các linh mục
Đối với các đồng nghiệp linh mục, Cha Check mong được khuyến khích các ngài nghiên cứu vấn đề đồng tính luyến ái một cách cẩn thận, như cung cách Giáo Hội vốn làm, vì mọi linh mục đều muốn làm nhẹ bớt đau khổ, nhất là các đau khổ do tội lỗi gây nên. Nói "không" với những luật lệ và phán quyết của tòa án đi ngược lại sự thiện nhân bản bao nhiêu, thì Giáo Hội cũng nói "có" bấy nhiêu với những cá nhân mà không chấp thuận các tác phong không phù hợp với thiện ích của chính họ. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói với ta, ta phải hiểu biết người ta, phải cùng bước với họ, trở thành thành phần trong cuộc hành trình tới Chúa Kitô của họ, và giúp họ bằng cách trước nhất thiết lập mối liên hệ với họ. Việc "cùng bước" này chắc chắn là sứ mệnh của Courage và là ơn gọi của mọi linh mục.
Người ta thường do dự không muốn đào sâu các phức tạp của đồng tính luyến ái vì chủ đề này gây tranh cãi trong xã hội. Không ai, nhất là không linh mục nào, muốn bị hiểu lầm là ghét bỏ bất cứ một nhóm người nào, và trong xã hội ngày nay, hễ nói chống lại thứ sinh hoạt tính dục tích cực là ta bị tố cáo là nói chống lại một nhóm người chuyên biệt, chứ không đơn thuần là chống lại các sinh hoạt của họ. Ngày nay, các linh mục đang có cơ may đặc biệt để đại diện cho tình yêu Chúa Kitô và Giáo Hội trước mặt một nhóm người vẫn thường cảm thấy như bị đẩy ra bên lề, không biết chắc mình đang đứng ở đâu. Có lẽ họ đang chờ một ai đó sẵn đưa tay ra nắm lấy họ và nhất là để bảo đảm với họ rằng Thiên Chúa yêu và thương cảm họ.
Theo cha Check, bất cứ nói gì về vấn đề đồng tính luyến ái, cha vẫn tin chắc rằng ai trong chúng ta cũng muốn làm nhẹ bớt đau khổ và đem bình an tới cho trái tim con người. Những người bị lôi cuốn bởi người cùng giới tính thường đau khổ rất nhiều qua nhiều cách. Họ đang phải vác những thánh giá khó khăn và dai dẳng. Cha biết rằng Giáo Hội hết lòng yêu mến họ, hiểu rõ các đau khổ của họ và muốn làm một điều gì đó để làm nhẹ nỗi đau đớn này. Cha rất thích việc làm của mình bên cạnh các hội viên của Courage, họ đều là những linh hồn tuyệt vời và cao thượng. Cha học được điều này: những người đang đấu tranh với đồng tính luyến ái đều có những câu truyện và kinh nghiệm tuyệt vời. Họ có chung thèm khát này là yêu và được yêu. Courage hiểu rõ nhu cầu nhân bản này và có thể mang lại cho họ sự trợ giúp, niềm hy vọng và tình yêu của Chúa Giêsu Kitô.
Vũ Văn An
Nguồn:Uybanmucvugiadinh

thời sự giáo hội