Lời Chúa cnmc 2a _ trọn vẹn chữ trung với Chúa Trời


TRỌN VẸN CHỮ TRUNG VỚI CHÚA TRỜI
“Quan lớn có lòng thương thì tôi cũng xin quan lớn một điều, là cho tôi được trọn vẹn chữ trung với Chúa Trời.”  (Tống Viết Bường)
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Qua bài tin mừng của Chúa Nhật I mùa chay, Giáo Hội nhắc tới biến cố chúa Kitô đã dùng việc ăn chay, cầu nguyện để lướt thắng các quyến rũ, lướt thắng những đam mê bất chính của xác thịt.
Qua bài tin mừng Chúa Nhật II mùa chay, Giáo Hội nhắc tới sự kiện Chúa Kitô biến hình để chứng minh Ngài quả thực là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng rồi Ngài sẽ phải chịu lên án bất công, phải vác thập giá, bị đóng đinh vào thập giá và qua cái chết thê thảm, rồi mới sống lại. Vì thế Ngài mới căn dặn ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy cho tới khi con người từ cõi chết sống lại.”
Suốt cuộc đời công khai của Chúa, Chúa dậy chúng ta phải sống công bằng bác ái, phải vác thánh giá hằng ngày theo Chúa, phải đồng đau khổ với Chúa, để được cùng Chúa sống lại trong vinh quang.
Cũng vì thế, trong Giáo Hội, trải qua các thời đại, đã có biết bao con người, chẳng những vui vẻ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, đau khổ, chấp nhận các cực hình vì Chúa, mà một số ngài còn khao khát, ước ao chịu đau khổ nhiều hơn để rõi bước theo đường thập giá của Chúa.
Bị giam trong ngục, thánh Tống viết Tường (tử đạo ngày 23.10.1833, 60 tuổi) cứ 10 ngày một lần, phải ra hầu tòa. Lần nào quan cũng hỏi: “Có bỏ đạo không?” Ngài trả lời: “Lâu nay tôi chỉ thờ một Thiên Chúa dựng nên vạn vật, lẽ nào tôi lại bỏ Chúa tôi?”
Mỗi lần thưa như vậy là Ngài bị một trận đòn 20 hèo, nhưng Ngài không than trách một lời. Một vị quan tước khi là bạn thân của Ngài đến thăm châm biến hỏi Ngài có muốn được đổi gồng xiềng nhẹ hơn không. Ngài trả lời: “Nếu đổi thì xin đổi gông xiềng nặng hơn, chứ thứ này tôi còn thấy nhẹ!” Thân thể Ngài và các đồng bạn đầy thương tích, vì cứ hai ngày người ta lại lôi ra đánh đòn. Nhưng người chiến sĩ kiên cường của đức tin vẫn còn cho là ít. Ngài nói: “Người ta đánh đập tôi ít quá tôi muốn được đánh đập nhiều hơn”
Quan hình bộ thượng thư Võ Xuân Cần khuyên ông chiều theo ý vua: “Bỏ đạo lúc này thôi, rồi sau muốn làm gì thì làm.” Nhưng ông trả lời: “Quan lớn có lòng thương thì tôi cũng xin quan lớn một điều, là cho tôi được trọn vẹn chữ trung với Chúa Trời.”
Trước khi bị xử tử, viên quan có phận sự xử ông nói: “Tống Viết Bường, ông không có tội gì ngoài tội theo đạo công giáo, ông hãy xuất giáo, Hoàng Thượng sẽ tha cho ông, và hoàn lại cấp bậc cho.”
“Không, tôi đang đi đến đích của đời tôi, tôi không muốn lùi lại.”
Tống Viết Bường sinh khoảng năm 1773 tại Phủ Cam (Huế) trong một dòng tộc Công Giáo, cũng là dòng tộc có nhiều vị quan. Thân sinh là ông Nicola Tống Viết Giảng và bà Maria Lương. Vì cha, ông đều làm quan, nên khi trưởng thành Bường được xung vào đội thân cấm binh. Với đời sống liêm chính và đức độ, ông được thăng đến chức chánh đội trưởng (Đại úy) hàm ngũ phẩm. Vua Minh Mạng rất hài lòng về việc phục vụ cần mẫn và nhiệt tình của ông.
Năm 1831 giặc Đá Vách ở Quảng nam nổi lên quấy phá, quan quân phải đi đánh giặc. Tống Viết Bường, lúc đó là thân cấm binh chánh đội trưởng, được phái đi thị sát mặt trận. Trở về triều đình ông tâu trình thành quả đã đạt được. Nhưng có người ghen ghét tố cáo ông theo đạo Công Giáo.
Vua hạch hỏi ông: “Khi xong công tác, Khanh có viếng Chùa Non Nước không?” Ông bình tĩnh trả lời: “Muôn tâu, vì Hoàng Thượng không truyền dậy, nên thần không đi. Hơn nữa, Chùa Non Nước đâu có giặc để đánh.”
Vua hỏi tiếp: “Lệ thường dẹp giặc xong rồi thì phải vô chùa lễ bái, tại sao khanh không đi?” Ông không ngần ngại trả lời: “Vì thần theo đạo Công Giáo.”
Thế là Vua Minh Mạng biết có những người Công giáo ngay trong triều đình. Cuối năm 1832, nhà vua truyền lập danh sách những người có đạo trong hàng ngũ thân cấm binh, trong đó có Tống Viết Bường. Lập tức ông bị giam ngục.
Bốn lần quân lính khiêng ông qua Thập Giá, ông đều mạnh dạng chống cự. Lần khác quan bắt lính kéo chân ông chạm vào Thập Giá, ông phản đối: “Việc này do các quan làm, chứ tôi không bao giờ làm như thế.” Quan tức giận truyền đánh tàn nhẫn hơn các lần khác. Đàn áp không được, các quan quay sang dụ dỗ. Quan Hình bộ thương thư Võ Xuân Cần khuyên ông chiều theo ý vua “Bỏ đạo lúc này thôi, rồi sau muốn làm gì thì làm.” Nhưng ông trả lời: “Quan lớn có lòng thương thì tôi cũng xin quan lớn một điều, là cho tôi được trọn vẹn chữ trung với Chúa Trời.”
Trong nhà giam ông thường khuyên các đồng bạn hãy tỏ ra dũng cảm làm chứng cho Tin Mừng, cậy trông Đức Mẹ nâng đỡ phù trì ban ơn bền vững đến cùng. Mỗi ngày ông Phalô cầu nguyện, suy gẫm và đọc kinh Mân Côi. Mỗi tháng nhờ có linh mục cải trang vào thăm, ông xưng tội và rước Mình Thánh Chúa. Hai linh mục An và Vững thay nhau vào khích lệ ông. Ông đã sáng tác được một bài thơ gửi cha An, biểu lộ lòng trung kiên sắt đá, coi mọi khổ đau là niềm vui trong Chúa.
Thấy không thể làm lay chuyển đức tin của Ông, quan thượng thư bộ Hình liền xin nhà vua tuyên án. Vua trả lời: “Cần gì bản án, cứ tra tấn nữa đi, nếu nó không chịu đạp lên Thập Tự, thì cứ đánh cho chết, rồi quăng xác ra ngoài thành là xong.”
 Lần thứ hai các quan tâu lại, vua Minh Mạng mới chấp thuận châu phê bản án trảm quyết, treo đầu 3 ngày làm gương răn đe kẻ khác. Tuy nhiên vua vẫn chưa cho thi hành ngay, có ý chờ Ông xin ân xá. Các quan nói ý vua cho ông biết, nhưng ông từ chối việc xin ân xá.
Ngày 23.10.1833, lúc 5 giờ chiều quân lính báo tin cho ông đội biết giờ hành xử đã đến. Ông bình thản giã từ 6 đồng bạn và người thông dịch viên Micae, có con trai kết hôn với ái nữ của ông (Cũng bị án tử hình giam hậu, đến sau đã bị xử). Ông nói: “Xin anh em thêm lời cầu nguyện, để tôi lãnh nhận Thánh ý Chúa. Đừng lo cho tôi, anh em hãy luôn đi theo đường lối của Chúa.”
Trên đường ra pháp trường, lấy cớ bị trói và mang gông nặng. Ông kéo dài thời gian di chuyển, để được xử trên nền nhà thờ Thợ Đúc. Khi tới nhà thờ Thợ Đúc thì trời đã tối, quân lính cho đừng lại.
Dưới ánh sáng le lói của mấy ngọn đuốc, ông Phaolô được tháo gông, cởi trói và tự do trong ít phút. Ông tiến lên vài bước, bình tĩnh đứng nhìn lần sau hết những mái nhà thân yên của giáo xứ vây quanh ngôi nhà thờ hoang tàn. Rồi ông bước lên chiếc chiếu do một bạn cũ tên Thục ở Phủ Cam đưa cho lính trải. Ông quỳ xuống cầu nguyện giây lát, và yêu cầu lính thi hành án xử.
Lính trói tay ông lại và vung gươm chém rơi đầu Ông. Thủ cấp ông phải bêu 3 ngày nơi ngôi nhà thờ sụp đổ ở Thợ Đúc. Sau đó thi hài vị tử đạo được đem an táng tại Phủ Cam.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề tựa của Lm. HK