Chầu Thánh Thể cnmc 1a _ xin xót thương con

XIN XÓT THƯƠNG CON
Đặt Mình Thánh (mời quì)
(Hát một bài tôn thờ Thánh Thể)
Lời dẫn
Thử thách và cám dỗ, mới nghe thật đáng ghét và đáng sợ, nhưng đó là những chọn lựa không thể thiếu cho niềm tin và cho tình yêu, là những cơ hội để mỗi người định hình cuộc đời và con người mình qua các chọn lựa. Chính Chúa cũng cho mọi người thấy con đường và mục đích Chúa nhắm đến qua các thử thách Chúa trải qua trong sa mạc.
Chúa đến để cứu nhân loại, gặp ngay những cám dỗ của ma quỉ hướng Chúa đến cái bụng, đến tiền bạc và danh vọng, những điều được người đời đánh giá cao. Cái ác của những điều đó là làm cho người ta say mê với những giá trị ảo, say mê với thế giới ảo, để rồi khi cuộc đời ngắn ngủi trên dương thế hạ màn, mới thấy mình chẳng hơn gì Ađam-Eva sau khi ăn trái cấm: “Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng.”
Vâng, có thành đạt đến đâu cũng chẳng còn gì: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103,15-16)
Đâu là con đường dẫn đến hạnh phúc thật, đến sự sống không bao giờ mất mới là câu hỏi chúng ta muốn có được câu trả lời.
Lời Chúa (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu, (Mt 4,1-11)
Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!" Nhưng Người đáp: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra."
Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá."
Đức Giê-su đáp: "Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."
Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi." Đức Giê-su liền nói: "Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."
Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm (mời ngồi)
Sau 40 ngày chay tịnh, thấy Chúa đói, tên cám dỗ đến ngay và dụ Chúa biến đá thành bánh ăn. Chước cám dỗ này cho thấy bước đầu tiên làm cho chúng ta lìa xa Chúa là lối sống thực dụng, một lối sống đang thu hút cả thế giới hôm nay. Người ta tự đặt ra quá nhiều nhu cầu cần đáp ứng để rồi lơ là với đời sống tâm linh, thậm chí còn nhân danh Chúa mà đáp ứng những nhu cầu của đời này: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!"
Nhìn lại một ngày sống, chúng ta dễ thấy được nhiều khi mình coi trọng chuyện làm ăn, học hành, giải trí hơn chuyện đức tin và hạnh phúc đời đời. Một phần là do áp lực của dòng đời, một phần là do các nghịch lý cho đức tin mà chúng ta chẳng biết phải trả lời làm sao: “tại sao kẻ gian ác thịnh đạt trên đường đời? tại sao mọi quân phản bội cứ bình an vô sự?” (Gr 12,1) Những nghịch lý đó không chỉ là những bóng tối làm chúng ta không dám mạnh tin vào Chúa, mà còn giục ta nghi ngờ cả Chúa khi muốn phạm tội: “Chúa chẳng phạt, vì có Chúa đâu!" (Tv 10,4)
Khi đó lời của tên cám dỗ nghe rất xuôi tai. Muốn chúng ta phạm tội, nó hứa hẹn rất nhiều với chúng ta, danh vọng, tiền của, hưởng thụ… Ai tôn thờ nó sẽ có ngay cuộc sống sung sướng, muốn gì được nấy.
“Chẳng chết chóc gì đâu” là lời con rắn dụ dỗ Ađam-Eva làm trái ý Thiên Chúa để được nên như một vị thần, những ai tôn thờ ma quỉ và thế tục cũng đang sống như các vị thần, được mọi sự như ý.
Được mọi sự như ý nhưng chẳng được cái tâm bình an, linh cảm thấy mình đang đánh mất chính mình vì không biết mình sống để làm gì: “Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số? Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác.” (Tv 49,10-11)
Cầu nguyện (mời quì)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con sấp mình thờ lạy, yêu mến và cảm tạ Chúa về tình yêu bao la Chúa dành cho chúng con.
Chúng con lại bước vào một mùa chay mới. Mỗi mùa chay là một cơ hội để chúng con cảm nghiệm tình yêu bao dung của Chúa, vô cùng dịu hiền, vô cùng nhân hậu…
Chúa dựng nên chúng con để được chia sẻ sự sống và hạnh phúc của Chúa, chứ đâu phải để chịu cực khổ và phải chết. Nếu có phải chết là do chúng con muốn chứ Chúa đâu có muốn điều đó.
Trước khi chúng con đau khổ vì cái chết của mình thì Chúa đã đau khổ thấy chúng con dại dột bước vào con đường của sự hư vọng. Chính Chúa đã gào lên: "Ta lấy mạng sống Ta mà thề Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống.” Bao đời nay Chúa cứ phải kiên nhẫn lập đi lập lại với những kẻ cứng lòng: “Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các ngươi mà trở lại. Sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Ít-ra-en?" (Ed 33,11)
Lạy Chúa, thực tình chúng con cũng muốn sống đẹp lòng Chúa, nhưng luật của sự ác trong chúng con mạnh lắm, thánh Phaolô mà còn phải kêu lên: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7,21-24)
Chính vì thế mà tình yêu và ân sủng của Chúa là chỗ dựa duy nhất cho chúng con. Chúng con thấy vua Đavít dù phạm tội tày đình vẫn được Chúa thương xót vì lòng sám hối là lễ vật duy nhất ông có thể dâng: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.” (Tv 51,18-19)
Lạy Chúa, lòng Chúa thương xót là chỗ dựa duy nhất của chúng con. Một lần nữa, một lần nữa, và suốt đời, việc chúng con phải làm là chạy đến với lòng Chúa thương xót. Ai trông cậy Chúa sẽ không thất vọng. Chỉ cần chúng con chạy đến với Chúa, lắng nghe, là chúng con sẽ gặp được tấm lòng của Chúa đang mở sẵn, đợi chờ: "Ơn Ta đủ cho con."
Hát: Xin cho con biết lắng nghe…”
Lm. HK