Lời Chúa cntn 8a _ Thiên Chúa hay tiền bạc?

THIÊN CHÚA HAY TIỀN BẠC?
Có những mất mát sửa chữa được, nhưng có những mất mát không thể bù đắp lại được bằng bất cứ điều gì.  
Lm. HK
Đầu năm 2007, có một chương trình “đầu tư nghệ thuật” do Đài Truyền hình Trung Quốc tổ chức. Một tiết mục được mọi người chú ý là tiết mục triển lãm chiếc gương quý giá của ông Trần Phong Cửu.
Đó là chiếc gương rất quý vì tuổi đời của nó vào khoảng 2500 năm, từ thời Chiến Quốc. Chiếc gương không chỉ đáng quý về phương diện khảo cổ, mà còn đáng quý về phương diện nghệ thuật. Nó được nạm toàn bằng vàng ròng, xung quanh đính 11 viên ngọc lam với những họa tiết tinh xảo. Giá trị chiếc gương ước chừng nửa triệu bảng Anh.
Ông Trần nói: “Nó nằm trong bộ sưu tập của tôi đã 16 năm nay, và là chiếc gương quý giá nhất trong hơn 1000 chiếc gương cổ tôi đã từng chiêm ngưỡng.” Mặc dù rất e ngại mọi điều có thể gây tổn hại đến vật quý mỏng manh đó, nhưng vì đích thân Đài Truyền hình Trung Quốc có lời mời nên ông đã đưa đến tham gia chương trình.
Bỗng một tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra cho chiếc gương của ông: Chiếc gương tuột khỏi tay cô người mẫu, rơi xuống đất, và vỡ tan tành, trước sự ngơ ngẩn tiếc nuối của hàng triệu người xem, nhất là của ông Trần Phong Cửu !!!
Có những mất mát sửa chữa được, nhưng có những mất mát không thể bù đắp lại được bằng bất cứ điều gì.
Ai mà chẳng một lần ngẩn ngơ hối tiếc về một điều mất mát. Thế nhưng chính từ những lần mất mát ấy mà người ta học được cái khôn cho cuộc đời, để khỏi phải chịu cái mất không thể bù đắp được. Sách Giảng Viên bình luận: “Phiền muộn thì tốt hơn vui cười, vì bộ mặt rầu rĩ giúp lòng người được cải thiện. Dạ người khôn ở nơi tang tóc, lòng kẻ dại ở chốn vui chơi” (Gv 7,3-4).
“Dạ người khôn ở nơi tang tóc!” Đúng thế, chính ở cái chết mà người ta thấy được rõ ràng đâu là cái mất không thể bù đắp được của một đời người, và cho thấy rõ để làm người, mỗi người cần có một mục đích sau cùng, một cứu cánh cho mình.
Mục đích sau cùng chỉ có một mà thôi, Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc nó sẽ ghét người này và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này và khinh chủ nọ”, và Chúa vạch rõ lòng tham tiền của là chọn lựa đối kháng với niềm tin vào Chúa: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được.” (Mt 6,24)
Phải chăng tiền của là không cần thiết cho đời sống chúng ta?
Tiền của vẫn rất cần thiết chứ, nhưng cái đáng kể là lòng tham (làm tôi tiền của) lại lôi kéo chúng ta xa khỏi nguồn hạnh phúc thật, là Thiên Chúa. Tiền của thì giúp đỡ, nhưng lòng tham thì hành hạ: “người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ” (Gv 5,9).
Người làm tôi Thiên Chúa coi Chúa là mục đích sau hết, và cậy dựa vào tình thương của Chúa: “Duy nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi được an vui” (Tv 61,2a). Người đó sẽ không thất vọng vì Chúa đã nói: “Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu” (Is 49,15)
Người làm tôi tiền của chẳng bao giờ được yên, vì thấy mình có rất nhiều nhu cầu: “chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, lấy gì mà mặc?” (Mt 6,31). Mặc cho họ trung thành với tiền của, thế nhưng tiền của chẳng trung thành với họ: “Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác” (Tv 49,11)
Ai mà chẳng một lần ngẩn ngơ hối tiếc về một điều mất mát. Chúa đến để cứu chúng ta khỏi hối tiếc về cuộc đời đã mất vì làm tôi tiền của: “lọt lòng mẹ, trần truồng làm sao, thì cũng sẽ ra đi như vậy. Chịu đựng bao gian lao vất vả để rồi chẳng mang theo được gì. Đó cũng là một sự dữ làm tôi đau đớn. Đến làm sao, ra đi làm vậy. Thật là: Dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì” (Gv 5,14-15)
Một khách hành hương đến gặp một linh sư, thấy ông ở trong một căn phòng trống trải chỉ có một cái giường, một cái bàn, mới hỏi:
-         Đồ đạc của thầy đâu hết rồi?
-         Đồ đạc của ông đâu rồi?, vị linh sư hỏi lại ông ta.
-         Thưa thầy, con đi hành hương nên chỉ mang theo một vài vật dụng cần thiết thôi.
-         Tôi cũng đang trên đường hành hương về trời, nên cũng chỉ cần đến những vật dụng cần thiết hằng ngày thôi.
Các nhu cầu cho cuộc sống hằng ngày vẫn phải tìm kiếm, nhưng ưu tiên số một phải dành cho nước Chúa và sự công chính của Người. Chẳng có mất mát nào có thể đe dọa được người sống như vậy. Giữa mọi mất mát trên đời, họ luôn có một chỗ dựa vững vàng là lòng Chúa yêu thương: “Duy nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi được an vui.”
Lm. HK