Lời Chúa cntn 8a _ giáo lý Phúc Âm

GIÁO LÝ PHÚC ÂM
CHÚA NHẬT VIII QUANH NĂM A
(Is 49:14-15; 1Cr 4:1-5; Mt 6:24-34)
I. Giáo Huấn Phúc Âm
Đừng làm tôi hai chủ: Thiên Chúa và tiền bạc.
Chớ lo lắng thái quá nhưng phải tin vào Thiên Chúa quan phòng.
Tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người trước.
II. Vấn nạn Phúc Âm
Tại sao “không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được?”
Ai cũng phải làm tôi Thiên chúa và chỉ làm tôi Thiên Chúa mà thôi, vì:
Trong Cựu Ước: Mười điều răn được ghi lại trong sách Xuất hành chương 20:1-17 là luật Chúa. Luật tối thượng là phải thờ phượng kính mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự.
Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây : "Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ : vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.
Trong Cựu Ước luật tôn thờ Thiên Chúa đã chiếm ưu thế và cũng chiếm gần hết chiều dài nội dung của hai bia đá lề luật. Bốn mươi năm trong hoang địa là bốn mười năm để Dân Do Thái học thuộc bài học thờ phượng Chúa trên hết mọi sự. Bốn mươi năm trong sa mạc là bốn mươi năm dân Do Thái phải nhận chịu nhiều hình phạt nếu lỗi luật thờ phượng Chúa. Sách Dân Số chương 21:4-9 tường thuật việc Chúa phạt Dân Do Thái bằng cách cho rằn hỗ lửa cắn vì tội cằn nhằn kêu trách Chúa: “Từ núi Ho, họ lên đường theo đường Biển Sậy, vòng qua lãnh thổ Ê-đôm; trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ít-ra-en mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê rằng:"Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này. Bấy giờ ĐỨC CHÚA cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải chết. Dân đến nói với ông Mô-sê : "Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách ĐỨC CHÚA và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu ĐỨC CHÚA để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi." Ông Mô-sê khẩn cầu cho dân. ĐỨC CHÚA liền nói với ông: "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống." Ông Mô-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.
Trong Tân Ước:
Giáo huấn phải yêu mến Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn và hết sức lực được ghi lại trong các Phúc Ân như Matcô 12:28-34 “Đức Giêsu trả lời: "Điều răn đứng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó." Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ." Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!" Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa”.
Phúc Âm Thánh Matthêô 22: 36-40 cũng trình bày giáo huấn tương tự: “Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?" Đức Giê-su đáp : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : " Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy."
Điểm ưu việt của Tân Ước là kiện toàn giới luật thờ phượng Chúa trong Cựu Ước bằng cách gắn kết bất khả phân với giới luật yêu người. Kính Chúa và yêu người được trình bày như hai phần của một giới răn hay hai mặt của một thực tại đời sống đến nỗi không ai có thể nói rằng mình yêu Chúa mà không yêu thương tha nhân, cũng như sẽ không có tình yêu tha nhân chân thật nếu không biết tôn thờ Thiên chúa.
Tại sao phải tôn thờ Thiên Chúa và không thể tôn thờ tiền của?
Con người phải tôn thờ Thiên chúa trên hết mọi sự vì: Thiên Chúa tạo dựng con người để con người tôn thờ Chúa và được hưởng hạnh Phúc trường sinh với Thiên Chúa sau nầy. Tài liệu Công Đồng Vatican II, Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng số 19 minh định: “Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tớì kết hiệp với Thiên Chúa. Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa: thực thế, con người hiện hữu chỉ là do Thiên Chúa đã vì yêu thương nên tạo dựng nên con người, và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người; hơn nữa con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác cho Ðấng tạo dựng mình.”
Hay nói như Thánh Augustinô trong tác phẩm tự thú của Ngài là: “Con người được tạo dựng với một khát vọng vô biên. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng vô biên. Nên con người luôn khoắc khoải tìm kiếm Thiên chúa, Đấng vô biên”
 Khi tôn thờ Thiên Chúa, con người thể hiện trọn vẹn nhân tính của mình, tức là tạo vật cao trọng nhất, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Dễ hiểu hơn: Nếu một người con càng hiếu thảo với Cha mẹ thì càng được khen ngợi và càng thể hiện được nhân cách của mình là con người có trí khôn và đạo đức. Như vậy người vô thần trước tiên là người đánh mất nhân cách vì không tôn thờ Đấng tạo thành mình. Người vô thần giống như đứa con chối bỏ công đức sinh thành dưỡng dục của Cha mẹ mình.
Tại sao không thể tôn thờ tiền của?
Tôn thờ là hành động ca ngợi, cảm tạ, tôn kính và yêu thương của tạo vật dành cho Đấng Tạo Hoá. Nếu phải so sánh, chúng ta có thể lấy chiều dọc thẳng đứng của hình thánh giá để mô tả bổn phận đối với Thiên chúa như Đấng Hoá Công. Ông Bà tổ tiên dù là những Đấng bậc sinh thành chúng ta, nhưng cũng đã được Chúa tạo thành như tạo thành chúng ta. Nên dù có thứ bậc cao thấp theo cách xưng hô của con người, nhưng vẫn là thọ tạo, là hàng ngang nếu chúng ta muốn so sánh với hình Thánh Giá. Do đó, Đạo Công Giáo không dạy và không cho phép chúng ta thờ phượng Ông bà tổ tiên như thờ phượng Chúa. Dễ hiểu, chúng ta có thể nói thế nấy: Gia đình có năm anh chị em, Cha Mẹ chết, người anh cả lên làm “quyền huynh thế phụ”, tức thay mặt cho Cha Mẹ để chăm sóc và dạy giỗ các em. Tuy nhiên, anh vẫn là anh cả, chứ không bao giờ là cha mẹ của các em mình cả.
 Tiền bạc, của cải vật chất không thể xếp ngang hàng với loài thọ tạo được tạo dựng giống hình ảnh Thiên chúa như con người. Tất cả chỉ là vật chất được dùng như phương tiện nhằm trao đổi và phục vụ cuộc sống của con người. Tiếng La Tinh gọi tiền là Pecunia, nguyên ngữ từ chữ pecus, có nghĩa là con bò. Những ngàn năm trước, người ta lấy tiêu chuẩn con bò hay con vật để trao đổi hàng hoá và sản phẩm. Thí dụ: Một đống khoai bằng hai con bò. Dần dà người ta đúc tiền thành hình con bò và dùng tiền đúc để trao đổi. Dần dà nhiều thế hệ sau mới có tiền kim loại gọn gàng và tiền giấy như chúng ta thấy ngày nay.
 Như vậy, tiền là kim loại, là giấy, là thứ vật chất vô tri được định giá trong việc trao dổi thương mại. Nó không thể bằng con người là thụ tạo có lý trí, có linh hồn. Nó càng không thể được đặt trên bàn thờ để thờ phượng như Thiên chúa được. Nên ai làm tôi tiền bạc là đảo lộn giá trị cuộc sống. Ai coi trọng tiền bạc hơn con người là sống sai giới răn Chúa truyền: Kính Chúa và yêu người. Nên “Hãy về mà bán hết của cải vật chất người có, phân phối cho người nghèo, rồi đến đây và theo Ta” như trong Phúc Âm Matthêô 19:21 ghi lại lời Chúa bảo người thanh niên giàu có khi anh muốn biết phải làm thế nào để nên trọn lành và được cuộc sống đời đời?
 III. Thực hành Phúc Âm
 Để làm gì?
 Xin ghi lại những thông tin không rõ nguồn về lối sống sang trọng vô ích như sau:
Gia tài của Quốc vương Brunei tăng thêm cứ mỗi giây là 90 euros. Có nghĩa là gia tài này tăng lên mỗi phút là 5400 euros, 324000 euros mỗi giờ, 7,776,000 euros mỗi ngày. Tức vào khoảng 54432000 euros một tuần (nghĩa là 54 triệu và 432000 euros).
Quốc vương Hassanal Bolkiah của xứ Brunei...lãnh đạo một quốc gia giàu nhất thế giới: Vàng rất phổ thông, phong phú,...và ở khắp nơi. Quốc vương được sinh ra từ nơi dùng muỗng ăn bằng vàng, đến cả quần áo cũng được thêu nạm bằng vàng và bạc.
Quốc Vương có một Cung điện mênh mông và sang trọng nhất thế giới... bao gồm 1788 phòng. Nhiều phòng được trang bị bằng vàng và nạm kim cương. Có 257 phòng tắm cẩn vàng và bạc và một nhà xe chứa khoảng 110 xe. Cung điện gồm có 650 căn hộ... mỗi căn được trang bị không ít hơn 150,000 euros. Như vậy khách phải xử dụng cả 24 giờ để quan sát mỗi phòng khoảng 30 giây.
Theo yêu cầu của Quốc Vương, hãng Rolls Royce cùng hợp tác với hãng Porsche thiết kế một chiếc xe đặc biệt. Chiếc xe này hiện ở Luân Đôn được dùng mỗi khi Quốc vương đến Anh quốc. Theo Wikipedia, Quốc vương hiện có: 531 Mercedes-Benzes; 367 Ferraris; 362 Bentleys; 185 BMWs; 177 Jaguars; 160 Porsches; 130 Rolls-Royces; và 20 Lamborghinis. Đưa tổng số xe của Ông ta là 1,932.
Sống sang trọng như vậy để làm gì? Sống sang trọng như thế mang ích lợi gì cho bản thân?
Sống sang trọng như thế có coi được không khi có quá nhiều người nghèo, thiếu ăn và bệnh tật trên thế giới? Có đáng làm quốc vương khi không biết sống sao coi cho được?
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên