Tìm hiểu Lời Chúa _ cntn 3a

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN
NĂM A
Is 8,23b-9,3; 1Cr 1,10-13. 17; Mt 4,12-23
BÀI ĐỌC I: Is 8,23b-9,3
Thời đầu, Chúa đã hạ nhục đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, nhưng thời sau, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Gio-đan, vùng đất của dân ngoại.
1 Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. 2 Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. 3 Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an.
ĐÁP CA: Tv 26
Đ. Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi. (c 1a)
1 Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa?
4 Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng.
13 Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. 14 Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa.
BÀI ĐỌC II: 1Cr 1,10-13. 17
10 Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau. 11 Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Khơ-lô-e cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em. 12 Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: "Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô.”13 Thế ra Đức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phao-lô sao?
17 Quả vậy, Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x. Mt 4,23
Hall-Hall: Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Hall.
TIN MỪNG: Mt 4,12-23
12 Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. 13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li,14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói:15 Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại!16 Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.
17 Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”
18 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19 Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ đi bắt người như lưới cá.” 20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. 22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người. 23 Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

CHỈ HIỆP NHẤT TRONG CHÚA GIÊSU MỚI SỐNG THỰC
Tuần trước (Chúa nhật 2/A) đã bàn về cách sống Bí Tích Thánh Tẩy, Bí Tích này đưa con người hiệp nhất với nhau trong Chúa Giêsu, để được sự sống dồi dào (x. Ga 10,10).
I. CÓ HAI LOẠI HIỆP NHẤT ĐEM LẠI SỰ SỐNG.
1/ Hiệp nhất trong Chúa Giêsu.
Không phải mọi sự hiệp nhất luôn luôn đưa đến sự sống. Ma quỷ đã hiệp nhất với kẻ ác, các đầu mục Do Thái cùng thông đồng với chính quyền Roma, nên đã đưa đến cái chết cho Đấng vô tội! Cũng như bọn trộm cướp hiệp nhất với nhau,chúng giết hại bao nhiêu dân lành! Trong Bài đọc II (1Cr 1,11-13a) đã khuyến cáo giáo đoàn Côrinthô về sự chia rẽ họ đang có:
-         Người bảo: Tôi thuộc về phe Phaolô.
-         Kẻ khác nói: Tôi thuộc phe Apôlô.
-         Còn người lại nói: Tôi thuộc phe Kêpha.
-         Người khác nữa lại bảo: Tôi thuộc về phe Đức Kitô .
Thế là Đức Kitô đã bị phân thây rồi! Họ đã tự diệt sự sống,dù họ đã được lãnh nhận Thánh Tẩy khi nhân danh Chúa Giêsu (x. Cv 2,38). Vì vậy thánh Tông Đồ khuyên: “Anh em hãy ăn ở khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại! Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy tha thiết duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” (Ep 4,2-4).
Vậy chỉ hiệp nhất trong Chúa Giêsu khởi đi từ Bí Tích Thánh Tẩy để liên kết với nhau trong cùng một tấm bánh Thánh Thể (x. 1Cr 10, 17), và trở nên cùng một xương thịt, một sự sống với Con Thiên Chúa (x. Dt 2,11; Ga 6,57), mới được sống thật.
2/ Chia rẽ vì chân lý cũng là hiệp nhất trong Chúa Giêsu mới thoát chết.
Vì không tất yếu mọi chia rẽ là chết. Ông Phaolô đã lợi dụng gây chia rẽ giữa nhóm Biệt phái tin có sống lại với bè Sađốc không tin sự sống lại, đang hiệp nhất với nhau để giết ông,ông kêu lên: “Tôi tin có sống lại!” Thế là bè Sađốc càng có cớ để giết ông Phaolô, thì ngay lúc đó nhóm Biệt phái lại ra sức bảo vệ niềm tin sống lại của mình, nhờ đó ông Phaolô thoát chết! (x. Cv 23,1-11)
Vậy chỉ có hiệp nhất trong Chân Lý với Đức Giêsu, như "Chúa Cha ở trong Chúa Con, và Chúa Con ở trong Chúa Cha" (Ga 17,21a) mới đem lại sự sống thật mà thôi! Vì thế, lời cầu nguyện trước khi Chủ tế cho giáo dân rước lễ, ngài lớn tiếng đọc: “Xin cho chúng con được hiệp nhất theo thánh ý Chúa”.
II. HIỆP NHẤT ĐỂ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NƯỚC THIÊN CHÚA.
Dựa vào Tin Mừng, ta tìm ra hai điều phải ý thức sống hiệp nhất với Chúa:
1/ Hiệp nhất trong tinh thần lao động với Chúa Giêsu:
a- Lao động xây dựng đời này. Trước khi Đức Giêsu chính thức bắt tay vào việc thiết lập Nước Thiên Chúa (Hội Thánh), Ngài lao động trong xưởng thợ mộc như cha Thánh Giuse suốt 30 năm, và đến thời buổi Ngài thực hiện chương trình cứu độ loài người, dù Ngài dư khả năng biến cục đá vang lời tán dương Chúa (x. Lc 19,40); Ngài càng dư quyền biến kẻ lười trở nên cộng tác viên của Ngài! Thế nhưng, Đức Giêsu đã không làm thế, mà Ngài lại kêu gọi những người đang vất vả lao động cho cuộc sống thêm no cơm ấm áo như: Ông Phêrô, ông Anrê đang thả lưới bắt cá, hai anh em Giacôbê và Gioan đang vá lưới với cha mình. Những người này đã mau mắn dứt bỏ nghề nghiệp đi theo Đức Giêsu "bắt người" như lưới cá!(x. Mt 4,18t: Tin Mừng)
Rõ ràng lao động trần thế là dấu hiệu biểu lộ có Chúa Cha luôn ở cùng (x. Ga 5,17). Hiến Chế Hội Thánh Trong Thế Giới Hôm Nay số 35 cho biết giá trị lao động là chuẩn bị cho việc thành lập Nước Trời ở trần gian.
b- Lao động xây dựng Nước Chúa. Nếu chúng ta chỉ nhắm lao động xây dựng đời này, thì ta có hơn gì anh em vô thần! Bởi đó Đức Giêsu đã nêu gương cho mọi Kitô hữu trong bổn phận “lo việc Nhà Thiên Chúa”, thậm chí Ngài chẳng cần phải xin phép cha mẹ,dù biết bị cha mẹ khiển trách (x. Lc 2,41-50); Ngài say sưa giảng Lời, nên xem ra chẳng quan tâm đến việc Mẹ Ngài muốn gặp Ngài! (x. Mt 12,46-50). Vì thế Đức Giêsu dạy: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước và sự công chính của Ngài, còn các điều khác Ngài sẽ ban thêm cho” (Mt 6,33).
Vậy lao động xây dựng Nước Trời là làm cho Thiên Chúa hiện diện nơi đối tượng ta phục vụ. Vì ở đâu có sự hiện diện của Chúa Giêsu, nơi đó con người chiến thắng sự dữ. Như tác giả Mattheu ghi nhận: “Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Capharnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali,để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4,12-16: Tin Mừng).
Hỏi: Galilê là miền Bắc nước Do Thái, còn Dơvulun và Náptali là 2 trong số 12 người con của ông tổ Giacob. Tại sao lại gọi họ là vùng các dân ngoại?
Đáp: Vào năm -734 (trước Công nguyên) hai bộ lạc Dơvulun và Náptali cư ngụ ở Capharnaum nằm ở vùng duyên hải, bên kia sông Giođan thuộc miền Galilê (x. Gs 19,10-39) đã bị Seleucos,vua Assur chiếm. Do đó, ngôn sứ Isaia (8,23) gọi đó là vùng dân ngoại đang ngồi trong bóng tối sự chết. Tác giả Mátthêu (4,14-16: Tin Mừng) nhắc đến địa danh này, nơi Đức Giêsu khởi sự việc giảng Tin Mừng, là có ý muốn minh xác:
-         Ơn cứu độ phổ quát: Thiên Chúa đến với muôn dân.
-         Đức Giêsu đến với kẻ tội lỗi, người lạc giáo trước.
-         Đức Giêsu quy tụ mọi dân nước về Giêrusalem: Muôn dân phải vào Hội Thánh của Ngài.
-         Và chính Đức Giêsu đến làm ứng nghiệm lời các ngôn sứ đã tiên báo về Ngài là Đấng Giải Phóng, đưa muôn dân vào ánh sáng (Tin Mừng) cứu độ, để được sự sống dồi dào! Họ vui mừng như cảnh mùa gặt, như ngày chia chiến lợi phẩm thời ông Ghêđêôn chiến thắng quân Mađian (x. Is 9,1-3: Bài đọc I). Chiến thắng ấy không sánh bằng Đức Giêsu đi khắp miền Galilê giảng dạy và chữa lành mọi bệnh tật (x. Mt 4,23: Tin Mừng). Đối với quan niệm của người Do Thái, bệnh tật là do hậu quả tội lỗi gây nên (x. Ga 9,2), mà “lương bổng của tội là sự chết” (Rm 6,23). Vì thế, chữa bệnh là đồng nghĩa được tha tội, là giải phóng khỏi tay tử thần!
Thánh Tông Đồ đã đặt việc giảng Lời trên hết. Ông nói: “Chúa đã sai tôi đi không phải để rửa tội, mà là đi giảng Tin Mừng” (1Cr 1,17: Bài đọc II). Vì “Chúa là nguồn ánh sáng, là ơn cứu độ của tôi” (Tv 27/26,1a: Đáp ca).
2/ Hiệp nhất với Chúa Giêsu trong cùng một chương trình hành động.
a- Hiếp nhất trong chương trình thành lập Nước Thiên Chúa. Ta lưu ý cụm từ: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến!” (Mt 4,17: Tin Mừng). Đây là lời mở đầu sứ mệnh rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả (x. Mt 3,2); rồi Đức Giêsu (x. Mt 4,17) và các môn đệ cũng lặp lại lời kêu gọi ấy (x. Mt 10,7). Như thế đã nói lên sự thống nhất trong chương trình hành động thiếp lập Nước Thiên Chúa.
b- Cùng nhìn thấy thập giá ở cuối đường phục vụ. Tác giả Mátthêu ghi nhận: “Nghe tin Gioan bị nộp, Đức Giêsu về Galilê” (x. Mt 4,12). Động từ “Nộp” được Đức Giêsu dùng ba lần để tiên báo về cuộc Tử Nạn của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời” (x. Mt 17,22; 20,28; 26,15), và Đức Giêsu cũng dùng động từ “nộp” này để báo trước số phận các môn đệ: “Anh em sẽ nộp nhau, cha nộp con” (x. Mt 10,21).
Ta biết vua Hêrôđê Antipa đang cai trị miền Galilê, ông mới ra lệnh cắt đầu ông Gioan Bt, thế mà Đức Giêsu vừa nghe tin ấy, Ngài lại về ngay Galilê, nghĩa là dám nhảy vào “ổ kiến lửa” để hoạt động, để thể hiện ông Gioan chỉ là “cây đèn” (x. Ga 5,35), còn Đức Giêsu mới là “Mặt Trời Công Chính” phải mọc lên (x. Lc 1,78) thay cho “đèn” mới bị dập tắt!
Đó là sức bật của Tin Mừng. Thực vậy,
-         Hêrôđê cắt đầu ông Gioan, thì Đức Giêsu giảng (x. Mt 4,2).
-         Đế quốc Roma giết Đức Giêsu,thì các Tông Đồ giảng (x. Mt 17,22;20,28; 26,15).
-         Môn đệ Chúa bị giết, cụ thể Phó tế Stêphanô bị ném đá chết đầu tiên, thì các tín hữu giảng (x. Cv 7. 8).
-         Các tín hữu bị bách hại (x. Cv 9), thì kẻ thù Hội Thánh, như ông Phaolô giảng.
Như thế minh chứng sức bật của Tin Mừng ví như chiếc lò xo, lực đè trên nó càng mạnh thì sức bật càng gia tăng. Hoặc như cây lúa xạ không chịu chết thối dưới dòng nước lũ, nước càng dâng cao, lúa càng vươn cao hơn mặt nước. Vì vậy mà Kinh Thánh nói: “Người ta càng hành hạ dân Chúa, dân Chúa càng nên đông đúc và lan tràn, khiến kẻ bách hại phải khiếp sợ” (x. Xh 1,12). Vì họ đã nên giống Chúa Giêsu tích cực rao Tin Mừng Nước Trời và chữa lành hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4,23: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG.
Tôi rao giảng không phải bằng sự khôn ngoan của khoa ngôn ngữ, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Lời Chúa, kẻo thập giá Đức Kitô bị ra hư không trống rỗng! (x. 1Cr 1,17b; 1Cr 2,4).
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh