Suy niệm hạnh thánh _ 02/1

Thánh Ba-xi-li-ô 

(329-379)

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Basiliô đang là một thầy giáo nổi tiếng thì ngài quyết định theo đuổi đời sống tu trì nghèo hèn của Phúc Âm. Sau khi tìm hiểu các phương thức tu trì, có thể nói ngài là người sáng lập đan viện đầu tiên ở Tiểu Á. Ngài nổi tiếng đối với các vị ẩn tu Đông Phương, cũng như Thánh Bênêđitô nổi tiếng ở Tây Phương, và quy luật ngài viết đã ảnh hưởng đến đời sống đan viện Đông Phương mãi cho đến ngày nay.

Sau khi thụ phong linh mục, ngài phụ tá cho Đức Tổng Giám Mục của Xêdarêa (bây giờ là vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ) và sau cùng chính ngài trở thành tổng giám mục, bất kể sự chống đối của các giám mục phó, có lẽ vì ngài đã nhìn thấy những canh tân cần thiết. Trong nhiệm vụ của một tổng giám mục, ngài siêng năng học hỏi và làm việc liên lỉ. Điều này giúp ngài được gọi là "Vĩ đại" ngay trong thời của ngài và là Tiến Sĩ Hội Thánh sau khi ngài chết.

Vào thời ấy, một trong những nguy hại nặng nề cho Giáo Hội là bè rối Arian (họ khước từ thiên tính của Đức Kitô). Hoàng đế Valen bách hại đạo chính thống, và ép buộc Đức Basiliô phải giữ im lặng và chấp nhận cho những người bè rối được rước lễ. Đức Basiliô giữ vững lập trường, và Valen phải nhượng bộ. Nhưng khó khăn vẫn còn. Khi vị đại thánh Athanasiô từ trần, trách nhiệm che chở bảo vệ đức tin chống với bè rối Arian đổ xuống trên Đức Basiliô. Ngài cố gắng khủng khiếp để kết hợp và phục hồi những người Công Giáo theo ngài đang bị tan nát vì sự bạo ngược và vì chia rẽ nội bộ. Có thể nói sự chiến thắng tà thuyết Arian trong Công Đồng Nicê và việc lên án tà thuyết này trong Công Đồng Côngtantinốp năm 381-382, phần lớn là do công lao của ngài.
Ngài làm việc không biết mệt trong công việc mục vu, chống với nạn buôn thần bán thánh, giúp đỡ nạn nhân của hạn hán và đói kém, cố gắng thay đổi hàng giáo sĩ, nhấn mạnh đến tinh thần kỷ luật, ngài không sợ lên án những điều xấu xa một khi được nhận thấy, và ra vạ tuyệt thông những ai dính líu đến nạn mãi dâm ở Capađôcia.
Đức Basiliô nổi tiếng là một nhà diễn thuyết. Các văn bản của ngài, dù thời ấy không nổi tiếng, đã đưa ngài lên hàng các bậc thầy của Giáo Hội. Bảy mươi hai năm sau khi ngài từ trần, Công Đồng Cancêđoan đã đề cập đến ngài là "Đức Basiliô vĩ đại, người thừa tác ơn sủng đã dẫn giải chân lý cho toàn thể trái đất."
Suy niệm 1: Học hành
Thánh Basiliô Cả quả là một thầy giáo chân chính, khi ý thức rằng sự hiểu biết của mình chỉ là hạt cát trên biển cả. Không lạ gì, dầu vốn là một thầy giáo nổi tiếng, ngài vẫn không ngừng tiếp tục học hỏi và tìm hiểu đến suốt đời, ngay cả thời gian đang giữ chức vụ tổng giám mục.
Là vị Tôn Sư được Thiên Chúa sai đến, như thủ lãnh Nicôđêmô xưng tụng (Ga 3,2), Đức Giêsu ngay từ thuở còn niên thiếu đã thấu hiểu chân lý: “Núi này cao còn có núi khác cao hơn”. Nên vào dịp hành hương Giêrusalem, Ngài đã hiện diện giữa các thầy Dothái, vừa nghe vừa đặt câu hỏi để trau dồi thêm kiến thức (Lc 2,46).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương thánh Basiliô Cả để say mê việc học hỏi, nhất là học hỏi Lời Chúa. Đừng bao giờ bỏ qua những cơ hội trước mắt, chẳng hạn như giờ giáo lý, giờ giảng lễ, giờ suy niệm Tin Mừng... Đồng thời cũng xin giúp chúng con luôn biết thực hành những gì đã lãnh hội được, vì hành tức là cách học hữu hiệu nhất.
Suy niệm 2: Nghề nghiệp
Nghề thầy giáo không kiếm được nhiều tiền bằng kinh doanh, nhưng vẫn luôn được đánh giá là một nghề thanh cao, đoan chánh. Nhất là một thầy giáo đạt tới đỉnh cao của việc thành danh như một Basiliô. Nhưng để theo Chúa, để làm môn đệ Chúa thì phải từ bỏ mọi sự, kể cả nghề nghiệp mình.
Basiliô đã quyết định theo đuổi nếp sống tu trì, làm linh mục, và sau đó làm tổng giám mục của Xêdarêa. Matthêu cũng đã từ bỏ nghành thu thuế để trở thành tông đồ của Chúa. Các ngư phủ Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan cũng từ bỏ chài lưới và thuyền bè để thành những kẻ lưới người như lưới cá.
* Lạy Chúa Giêsu, xin phù trì cho bao người thành tâm thiện chí nhưng đang gặp phải hoàn cảnh bị thất nghiệp. Xin giúp họ sớm có việc làm, và dĩ nhiên việc làm ăn chân chính. Nghề nghiệp chân chính không có nghề nào thấp hèn, chỉ có con người thấp hèn thôi.
Suy niệm 3: Quy luật  
Người sống vô kỷ luật là hạng người tiểu nhân luôn bị người mọi thời phỉ báng. Thánh Phaolô đã từng lấy làm khổ tâm khi phát hiện ngay trong cộng đoàn kitô-hữu cũng hiện diện số người ấy, họ chẳng làm việc gì mà việc gì cũng cứ xen vào (2Tx 3,11).
Để tránh tình trạng đó, Basiliô đã dày công nghiên cứu và viết ra một số quy luật vốn có ảnh hưởng mãi cho đến ngày nay. Vẫn biết các tiểu tiết đều phải được thay đổi cho phù hợp với bước tiến của mỗi thời đại, nhưng nét chính yếu thì vẫn mãi trường tồn.
Là con người luôn nhấn mạnh đến tinh thần kỷ luật, ngài không sợ lên án những điều xấu xa một khi được nhận thấy, và ra vạ tuyệt thông những ai dính líu đến nạn mãi dâm ở Capađôcia. Ngài làm tất cả chỉ nhằm bảo vệ kỷ cương cho cộng đoàn, cũng như duy trì trật tự trong xã hội.
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường rất nhạy cảm về mặt tiêu cực của Lề Luật, với tính gò bó, cứng nhắc, nặng nề. Xin giúp chúng con mở rộng tầm nhìn đến mặt tích cực hơn: phương thế thể hiện tình mến Chúa yêu người, con đường dễ nhất để nên thánh, rào cản bảo vệ đời sống trọn lành.
Suy niệm 4: Chống đối
Chó sói đối xử với nhau như chó sói (lupus). Con người xử sự với con người lại hung dữ hơn cả chó sói (lupior). Giáo sĩ cư xử với giáo sĩ thì lại hung dữ và mưu mô ở bậc cao nhất (lupissimus).
Sự thật cay đắng và phủ phàng này đã ứng dụng chính xác vào trường hợp của Thánh Basiliô. Chiếc ghế Tổng Giám Mục Xêdarêa đã trở thành ngòi nổ đốt cháy hết mọi điều hay lẽ phải nơi các mục tử đã dày công tu luyện và hiện đang giữ chức vụ giám mục phó, khiến các ngài tỏ thái độ chống đối ngài ra mặt.
Vào thế kỷ thứ 19, Thánh Linh Mục Gioan Bốtcô cũng đã phải trải qua kinh nghiệm đau thương này. Khi mở ra đường hướng giáo dục cho các thiếu niên “bụi đời”, nhiều linh mục đã chống đối ngài đến mức vu cáo ngài bị điên và lập mưu đưa ngài vào nhà thương điên.
* Lạy Chúa Giêsu, xin thương đến hàng giáo sĩ. Dầu là bậc tu trì, nhưng các ngài không phải là thiên thần mà vẫn là con người, với nhân tính đã bị thương tổn bởi tội nguyên tổ. Xin giúp các ngài luôn là những mục tử nhân lành theo gương Đức Giêsu.
Suy niệm 5: Làm việc liên lĩ
Ở dưng là cội rễ mọi sự dữ. Thấu hiểu lời dạy ấy của cổ nhân, thánh Basiliô đã chọn hướng sống là làm việc liên lĩ. Ngoài thì giờ dành cho các việc thiêng liêng và công tác mục vụ của một tổng giám mục, ngài đầu tư thời gian cho việc chống với nạn buôn thần bán thánh, giúp đỡ nạn nhân của hạn hán và đói kém. Nhất là ngài viết ra quy luật cho đan viện, cũng như các văn bản nhằm bảo vệ đức tin mọi tín hữu trước hiểm họa của bè rối Arian.
Làm việc liên lĩ không chỉ nhằm tránh sự dữ, mà còn là quy luật sống hoàn thiện. Không lạ gì, Thiên Chúa vốn là Đấng ba lần thánh cũng hằng làm việc, và Đức Giêsu vốn là hiện thân của Thiên Chúa tại thế cũng làm việc không ngừng (Ga 5,17). Các tông đồ cũng theo gương ấy để làm việc đêm ngày (1Tx 2,9). Ngay cả loài kiến cũng kiên trì làm việc để trở nên khôn (Cn 6,6).
* Lạy Chúa Giêsu, vẫn biết người biếng nhác việc bổn phận mình là anh em với quân phá hoại (Cn 18,9), nhưng chúng con vẫn thường thích lối sống nhàn cư, xin Chúa thứ tha và giúp chúng con từ nay theo gương thánh Basiliô, để mãi mãi siêng năng làm việc, hầu được hoàn thiện như Cha trên trời (Mt 5,48).
Suy niệm 6: Giữ lập trường  
Trong một buổi họp bàn hội ý, nói chung ai cũng dễ giữ vững lập trường, thậm chí sẵn sàng lớn tiếng tranh cãi và chống đối các ý kiến bất đồng. Nhưng với trường hợp bị đe dọa và bị cưỡng bức trước vũ lực đầy quyền uy thì sao? Đó là thảm cảnh của thánh Basiliô, khi hoàng đế Valen ép buộc ngài phải giữ im lặng và chấp nhận cho những người bè rối được rước lễ. Ngài đã cương quyết giữ vững lập trường, bất chấp hậu quả, khiến cuối cùng Valen đã phải nhượng bộ.
Đức Giêsu vào hội đường ngày sa-bát và bắt gặp một người bị bại tay với ước mong được chữa lành. Tranh thủ cơ hội này để tố cáo và kết tội Đức Giêsu vi phạm luật, nhóm Pharisêu đã chất vấn và dò xét Ngài. Bất chấp hậu quả, Đức Giêsu ra tay cứu giúp bệnh nhân theo lập trường: Con Người làm chủ ngày sa-bát, khiến họ căm tức bàn bạc tìm cách giết Ngài (Mt 12,14).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con kiên quyết giữ vững lập trường: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29), cho dầu phải bị điệu ra tòa, bị đòn vọt và thậm chí phải hy sinh mạng sống.