Sống đức tin _ khủng hoảng về các giá trị

MỘT TÌNH HÌNH CÓ NHIỀU
KHỦNG HOẢNG VỀ CÁC GIÁ TRỊ
Phục vụ con người một cách khiêm nhường như rửa chân cho các môn đệ, và một cách quảng đại như hy tế chính mình trên thánh giá, vốn mãi mãi là một dấu chỉ, hoàn toàn có giá trị chắc chắn của người môn đệ Chúa Giêsu.  
ĐGM. GB Bùi Tuần
1. Theo nhận định của nhiều người có thẩm quyền, thì nguy hiểm lớn nhất hiện nay trong Giáo Hội là rất nhiều nơi đang đánh mất những giá trị căn bản mà lại không cho là nguy hiểm.
Xin kể ra dưới đây một số hiện tượng khá phổ biến hiện nay.
2. Đức khiêm nhường là một giá trị nền móng của đạo đức Phúc Âm. Nay nó đang bị xoá đi bằng tinh thần háo thắng tôn giáo, coi phô trương các hình thức đạo là làm sáng danh đạo, coi cạnh tranh hoành tráng trong các công trình là phát triển lòng đạo, coi cao sang lộng lẫy của các tổ chức đạo là cách lôi cuốn người ta vào đạo. Hiện tượng kiêu ngạo không phải ở đâu cũng có. Nhưng thực sự nó đang lan rộng. Có nơi nó đang biến dạng thành một tinh thần muốn tách người tín hữu khỏi Chúa Giêsu và thánh giá của Người.
3. Đức bác ái chia sẻ là một giá trị căn bản của người tin theo Chúa. Nay đang bị yếu đi do khuynh hướng phân các thứ giai cấp: Giàu và nghèo, quyền lực và yếu kém, trung tâm và bên lề, với những khoảng cách xa. Thêm vào cảnh phân giai cấp lại đang phát triển khuynh hướng cục bộ dưới nhiều hình thức với những quyền lợi riêng. Tất cả đều bị chi phối mạnh bởi chủ nghĩa cá nhân và lối sống quan tâm đến công trình công việc hơn là đến con người.
4. Hoạt động của cái tâm theo bài giảng trên núi, như tâm hồn nghèo khó, hiền lành, xót thương, trong sạch, khao khát sự công chính, xây dựng hoà bình là một giá trị cốt yếu của đời sống đức tin. Nay nó đang bị coi nhẹ, do sự coi nặng hoạt động của tay chân hướng về hưởng thụ. Sự thánh thiện nội tâm đang bị xuống cấp một cách trầm trọng. Kinh tế hoá một số hoạt động tôn giáo đang là một xu hướng mạnh.
5. Nhìn nhận mình là kẻ có tội, để sám hối trở về, nhờ ơn Chúa cứu chuộc, là một giá trị cao quý của con người tín hữu. Nay nó đang bị lãng quên do thói quen mất ý thức về tội. Theo Phúc Âm, những người tội lỗi dễ đón nhận ơn Chúa thứ tha, vì họ dễ nhận mình có tội, nên sám hối trở về. Còn những người cho mình là đạo đức thường không được như thế, vì họ bảo vệ ý thức sai lầm về tội.
Thí dụ, khi Chúa Giêsu tuyên bố: “Ngày Sabba được làm nên vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabba” (Mt 2,27), thì những người hăng say bảo vệ luật Chúa đã bực mình và phản đối. Bởi vì họ cho rằng chủ trương của Chúa Giêsu như thế là tội lỗi, đang khi chính họ mới thực là tội lỗi, thế mà họ lại không chấp nhận sự thực đó. Ý thức của họ về tội là rất sai.
6. Phương hướng nội tâm tập trung vào Đức Giêsu Kitô, tin nhận Người là ánh sáng, là con đường, là sự thật, để bước theo Người vốn được coi là giá trị không thay thế được. Nay nó đang bị khủng hoảng nặng nề, do thiếu phương hướng đó, hoặc mất phương hướng đó. Hậu quả là con người bỏ những trách nhiệm thực của mình, để tự bó buộc mình vào lợi ích phù du trước mắt. Hiện tượng đó còn được nhận ra do sự mất trật tự trong tâm hồn, đi quờ quạng trong bóng tối, lao mình vào những hướng sống với những kiếm tìm không bao giờ thoả mãn, mà không biết đi về đâu và không biết lối thoát ra.
7. Bình tĩnh giữ lập trường theo thánh ý Chúa với sự quy chiếu vào Lời Chúa và gương Chúa vốn là một giá trị vững chắc cho người môn đệ Chúa. Nay nó đang chao đảo bởi những lập trường do thành kiến sai, do dư luận sai, do những áp lực sai trong đạo ngoài đời. Thói đời của chủ nghĩa tục hoá đang hoành hành khắp nơi. Kể cả nơi thờ tự và các nhà tu.
8. Sự mở lòng ra để đón nhận lời Chúa kêu gọi hãy phục vụ con người một cách khiêm nhường như rửa chân cho các môn đệ, và một cách quảng đại như hy tế chính mình trên thánh giá, vốn mãi mãi là một dấu chỉ, hoàn toàn có giá trị chắc chắn của người môn đệ Chúa Giêsu. Nay nó như đang bị chối từ một cách có hệ thống bởi cá nhân, bởi tập thể, bởi cơ chế. Hiện tượng đóng cửa lòng lại đang xảy ra dưới nhiều hình thức. Tinh vi nhất là hình thức chọn cho mình một thứ đạo đức  chủ quản, nói là của Chúa nhưng thực ra là của Satan.
9. Mấy khủng hoảng vừa kể trên đây chưa phải là một thống kê đủ, nhưng thiết tưởng cũng đủ, để thấy được là tình hình hiện nay trong Giáo Hội không phải là không đáng lo ngại. Tình hình đáng lo ngại này đã và đang được báo động do chính Chúa bằng nhiều cách. Phải tỉnh thức mới thấy được mức độ lo ngại là rất lớn.
10. Theo thiển ý của tôi, điều đáng lo ngại hơn cả là ở hai điểm này:
Một là khủng hoảng được thành hình do sự xâm nhập từ từ của những yếu tố xấu. Xâm nhập từ từ, đó là một chiến lược khôn khéo của Satan.
Hai là ở giữa khủng hoảng đầy nguy hiểm mà không nhận ra nguy hiểm. Coi khủng hoảng hiện nay là bình thường của cuộc sống hiện đại, không ảnh hưởng gì đến phần rỗi linh hồn.
11. Phần tôi, trước tình hình đáng lo ngại như hiện nay, tôi vẫn cậy tin vào Chúa. Thánh Gioan tông đồ xưa trước mồ trống táng xác Chúa Giêsu, Ngài đã thấy các dấu chỉ, và Ngài đã tin Chúa đã sống lại: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Phần nào cũng như thánh Gioan tông đồ, nhiều người nay cũng dám nói: “Tôi đã thấy và tôi đã tin”. Thực sự Chúa đã cho họ thấy nhiều dấu chỉ, để họ tin Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện trong Hội Thánh hôm nay. Người đang cứu Hội Thánh của Người. Người đang làm cho Hội Thánh được tham dự vào sự phục sinh của Người.
Tôi xác tín rằng: Sự chúng tôi đã thấy các dấu chỉ và đã tin ở Chúa chính là một ơn quý giá Chúa ban cho chúng tôi. Tôi lại thấy rõ: Biết bao người cũng đã thấy các dấu chỉ ấy, nhưng họ đã không tin ở Chúa. Đó cũng là một khủng hoảng hiện nay khá trầm trọng.
Tôi sợ rằng: Các khủng hoảng về đạo đức và về đức tin hiện nay, nếu vẫn cứ mãi mãi phát triển, đẩy con người xuống hố diệt vong đời đời, đem lại thắng lợi cho Satan, thì Chúa sẽ buộc lòng phải giải quyết một cách quyết liệt. Cũng là để cứu con người mà thôi.
Lạy Chúa, xin xót thương chúng con.
Long Xuyên, ngày 4 tháng 01 năm 2014
+ GB Bùi Tuần