Sống đức tin _ hạnh phúc gia đình

HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Khi nói về hạnh phúc gia đình, tôi hiểu về gia đình máu thịt, và cũng hiểu rộng về các gia đình thiêng liêng, đó là các cộng đoàn gồm những người sống chung với nhau theo lý tưởng Phúc Âm.
ĐGM. GB Bùi Tuần
1. Đầu năm 2014, tôi xin thân ái cầu chúc cho mọi gia đình được hạnh phúc.
Thế nào là hạnh phúc gia đình?
Tôi xin mạo muội diễn tả theo những hiểu biết có giới hạn của tôi.
Khi nói về hạnh phúc gia đình, tôi hiểu về gia đình máu thịt, và cũng hiểu rộng về các gia đình thiêng liêng, đó là các cộng đoàn gồm những người sống chung với nhau theo lý tưởng Phúc Âm.
Tôi đã được sống trong gia đình máu thịt, gồm cha mẹ, anh chị em, ông bà, họ hàng.
Tôi đã được sống trong nhiều gia đình thiêng liêng, như gia đình linh tông, gia đình chủng viện, gia đình giáo xứ, v.v…
Ở bất cứ gia đình nói trên, tôi cũng đều nếm được ít nhiều hạnh phúc. Mỗi nơi đã cho tôi một hạnh phúc riêng. Nhưng tất cả đều là kết quả của một số yếu tố nhất định. Tôi xin tạm nêu lên ba yếu tố sau đây:
- Quy tụ gia đình.
- Lễ giáo gia đình.
- Tình nghĩa gia đình.
Tôi xin khai triển vắn tắt từng yếu tố.
2. Thứ nhất là quy tụ gia đình.
Quy tụ là họp mặt, là gặp nhau, là nói chuyện với nhau, là gần gũi nhau, là chia sẻ với nhau.
Quy tụ gia đình làm nên một bầu khí ấm áp thiêng liêng.
Trong mọi quy tụ gia đình mà tôi được tham dự, tôi đều có cảm tưởng được hưởng một chút ít bầu khí đạo đức của các cộng đoàn tín hữu đầu tiên, mà sách Tông đồ Công vụ đã tả: “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).
Nghĩa là trong mọi quy tụ đều có cầu nguyện, Lời Chúa và chia sẻ. Ba việc đó được thực hiện một cách nhẹ nhàng, linh động, nhưng có chất lượng.
Có thể nói, mọi quy tụ gia đình, dù thường ngày, đều mang bầu khí đạo đức, có ánh sáng của đức tin và có hương thơm của đức ái.
Quy tụ gia đình như thế sẽ có Chúa hiện diện. Nhờ có Chúa hiện diện, gia đình sẽ biết phân định điều gì là tốt cần làm, điều gì là xấu cần tránh, nhất là trong tình hình hiện nay tốt xấu lẫn lộn một cách quá phức tạp.
Muốn cho quy tụ có đậm tính cách gia đình, thiết tưởng nên thực hiện quy tụ với quy mô nhỏ. Trong quy tụ gia đình với quy mô nhỏ, Chúa sẽ dạy tôi về sự cộng tác của mỗi người với ơn Chúa ban cho mình. Phải rất khiêm nhường. Nếu thiếu khiêm nhường, thì phải hết sức sửa mình về điểm đó, kẻo sẽ đổ vỡ hết.
Đúng là phải rất khiêm nhường, để có thể đón nhận những lời phê phán thẳng thắn của Đức Thánh Cha Phanxicô về các quy tụ gia đình thiêng liêng thuộc hàng giáo sĩ và tu sĩ hiện nay. Ngài cho là có dấu hiệu “bệnh hoạn” ở nhiều nơi. Tôi liên tưởng đến nhiều quy tụ gia đình Công giáo ở ngoài đời. Nhiều nơi cũng có dấu hiệu “bệnh hoạn”. Bởi vì quy tụ mà không còn tin nhau, không vì mục đích tốt, nhất là quy tụ mà không có Chúa hiện diện.
3. Thứ hai là lễ giáo gia đình.
Lễ giáo là nghi lễ và giáo dục gia đình. Gia đình là một cộng đoàn, một đời sống chung của những con người. Họ có những dây liên đới đối với nhau. Nên cần phải có những hình thức thể hiện những dây liên đới đó. Do vậy, mà phải được giáo dục, để có được lối sống liên đới tốt đẹp, trong trật tự.
Liên đới thấp nhất thuộc nhân bản của cộng đoàn là biết diễn tả sự gần gũi nhau và có trách nhiệm đối với nhau.
Biết siêng năng và lương thiện làm hết sức mình, để góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc chung gia đình, đó là nét đẹp căn bản của lễ giáo gia đình.
Biết chào kính, chào thăm, chào hỏi, với nhiều hình thức, là một nghi lễ đơn sơ chứng tỏ con người có giáo dục gia đình.
Biết cảm ơn, biết xin lỗi cũng là những điều lễ phép thô sơ của con người có giáo dục trong cộng đoàn.
Biết kính trên nhường dưới cũng là một biểu hiện lễ phép của nền giáo dục liên đới.
Biết sống chân thành và trung thành trong các liên đới gia đình cũng là một giá trị của con người có giáo dục gia đình.
Với vài chi tiết trên đây, tôi nhìn lễ giáo gia đình hiện nay. Rất vui là lễ giáo ấy vẫn còn được bảo vệ trong nhiều gia đình.
Nhưng cũng phải rất buồn mà nhìn nhận sự xuống dốc của lễ giáo tại nhiều gia đình. Nếu không sửa lại, thì không tránh được thảm họa sẽ xảy ra cho hạnh phúc gia đình. Tất nhiên việc sửa lại sẽ không dễ dàng, nhưng phải cố gắng làm hết sức mình, đó là mệnh lệnh lương tâm nơi mỗi người có trách nhiệm.
4. Thứ ba là tình nghĩa gia đình.
Theo tôi, tình nghĩa gia đình là một giá trị không có sẵn, nhưng nó cần được vun trồng, cần được chăm sóc, cần được xây dựng với những tình tiết nhỏ.
Để dễ hiểu, tôi thường suy gẫm dụ ngôn người Samari tốt lành mà Chúa Giêsu đưa ra để gọi họ là người thân cận đích thực.
“Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.
Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.
Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngay chỗ người ấy, cũng thấy, ông chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: Nhờ bác chăm sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác… Và Chúa Giêsu kết luận: Người Samari này chính là kẻ thân cận, vì ông có lòng thương xót đối với người ấy” (Lc 10,30-37).
Bài dụ ngôn trên đây của Chúa Giêsu cho phép tôi nghĩ rằng: Người tình nghĩa đích thực của tôi là người biết xót thương tôi như người Samari đó. Cũng như tôi, muốn là người tình nghĩa đích thực của ai, thì tôi cũng hãy biết xót thương họ như người Samari đó.
Xót thương với những tình tiết nhỏ. Như người Samari đó, đoán được sự đau đớn của người ta, dừng lại, xuống lừa, đổ dầu và rượu vào vết thương, băng bó, đưa về nhà trọ, trả tiền thuốc men…
Xót thương với những tình tiết nhỏ, đó là cách xây dựng và chăm sóc tình nghĩa, nhất là tình nghĩa gia đình.
5. Tới đây, tôi xin phép kết luận thế này: Hạnh phúc gia đình là một kho tàng, chúng ta phải xây dựng với nhiều phấn đấu.
Riêng về tình nghĩa gia đình, chúng ta chỉ có được một cách đích thực bằng tấm lòng bén nhạy và giàu tình xót thương với những tình tiết nhỏ, do trực giác đạo đức hơn là do lý luận.
Hạnh phúc gia đình là một thực tế mong manh. Xin Chúa thương giúp chúng ta biết sống thực tế ấy với lòng cảm tạ khiêm cung và phó thác nơi Chúa giàu lòng thương xót.
Xin các gia đình, dù gần dù xa, cũng hãy thương cầu nguyện cho tôi. Xin hết lòng cảm ơn.  
+ GB Bùi Tuần