Lời Chúa Lễ Hiển Linh _ giáo lý Phúc Âm

LỄ HIỂN LINH, NĂM A, B & C
Is 60.1-6; Ep 3.2-3; 5-6, Mt 2.1-12
I. Giáo Huấn Phúc Âm :
Chúa Giêsu tỏ mình ra cho dân ngoại chứng tỏ rằng: Ngài là cứu Chúa muôn loài.
Muốn  tìm thấy Chúa phải rời bỏ quê hương, can đảm lên đường và theo sự soi dẫn của Chúa qua vì sao lạ như ba Đạo Sĩ Phương Đông.
II. Vấn nạn Phúc Âm
Hêrôđê cả.
Gọi Hêrôđê cả đúng hơn là đại đế, vì Do Thái bị La Mã thống trị từ năm 63 trước Công Nguyên. Do Thái thành một tỉnh bang của Đế Quốc La Mã, nằm dưới sự đô hộ của Hoàng Đế La Mã đồng thời trực thuộc đại diện của Hoàng Đế La Mã được gọi là Tổng Trấn, như Quirinô làm tổng trấn khi Chúa Sinh và Philatô làm tổng trấn khi Chúa chết. Chúng ta có thể so sánh những vị vua của thuộc quốc nầy giống như những vua Thành Thái, Bảo Đại của triều đình Huế thời Pháp thuộc. Những vị vua do đế quốc thống trị đặt lên và dưới quyền thống trị của mẫu quốc.
Theo bách Khoa Tự Điển Wikipedia thì “Hêrôđê cả sinh trưởng trong một gia đình quyền quý có cha là Antipater the Idumaean. Mẹ ông là công nương Cypros của vùng Petra Nabatea (nay là một phần của Jordan). Gia đình ông có quan hệ thân thiết với nhiều nhân vật quyền quý ở La Mã thời bấy giờ, trong đó có Pompey và Cassius. Nhờ mối quan hệ này, năm 47 TCN cha của Hêrôđê cả được cất nhắc làm quan tổng trấn của vùng Giuđêa, và Hêrôđê được làm thống đốc Galilêa. Sau khi cha bị đầu độc vào năm 43 TCN, Hêrôđê cả lên nắm tất cả quyền bính của cha và truất phế người vợ đầu và con cả để lấy công nương Mariamne của hoàng tộc cai trị Giuđêa trước đó. Năm 40 TCN, khi người Hasmonea và Parthia xâm chiếm Giuđêa, Hêrôđê cả chạy trốn sang La Mã. Tại đó ông được Hội đồng Trưởng lão La Mã bầu làm Vua Do Thái. Nhưng phải đến năm 37 TCN ông mới thức sự thống trị được Giuđêa”
Hêrôđê cả trong Tân Ước
Hêrôđê cả chính là người đã tỏ ra bối rối khi nghe các đạo sĩ Phương Đông hỏi thăm là “Vua Người Do Thái mới sinh ra ở đâu?” Bối rối và sợ mất ngôi. Ông đã khôn khéo cho vời các Đạo Sĩ vào hoàng cung hỏi thăm xem ngày giờ ngôi sao xuất hiện để tìm cách giết Hài Nhi Giêsu. Sau khi thăm Chúa Hài Nhi và dâng cúng lễ vật. Ba đạo sĩ được sứ thần báo mộng tìm đường khác về quê thay vì trở lại gặp Hêrôđê.
Hêrôđê cả cũng chính là người đã cho giết chết những trẻ thơ vô tội ở Bêlem từ hai tuổi trở xuống với hy vọng là trừ diệt được “vua mới sinh” như được tường thuật trong Phúc Âm Thánh Matthêô 2.13-18. Hêrôđê cả được kế thừa bởi những người con làm quận vương như sau:
Hêrôđê Archelaus được phân chia cai trị miền Giuđêa, Samaria và Idumea cũng gọi là Edom từ năm 4 trước Công Nguyên cho đến năm 6 sau Công nguyên.
Hêrôdê Antipas làm vua cai trị Galilêa từ năm thứ 4 trước Công Nguyên cho đến năm 39 sau Công Nguyên. Hêrôđê Antipas là người lấy Hêrôđia, vợ của anh trai mình là Philip. Gioan Tẩy Giả tố cáo ông là loạn luân. Ông cầm tù Gioan và cho lính vào ngục chém đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm mang cho con gái bà Hêrôdia (Matthêô 14.3-12; Matcô 6.17-29 và Luca 3.19-20) Ông cũng chính là kẻ mà sau này Chúa Giêsu gọi là "con cáo già" (Lc 13,32).
Hêrôđê Philip cũng là con của Hêrôđê cả và Clêopâtre (không phải hoàng hậu Ai Cập), tức là anh em cùng cha khác mẹ với Hêrôđê Antipas. Làm quận vương xứ Iturê và Trakhônitô, cũng như gồm cả Auranitô, Batanêa, Gaulinitô. Philip cai quản năm 4 trước Công nguyên cho đến chết vào năm 34 sau Công nguyên. Vì không có con nối ngôi, vua Tibêriô sáp nhập phần đất này vào miền Syria. Hêrôđia là vợ của Philip và bị Hêrôdê Antipa chiếm đoạt.
Lễ Hiển Linh.
Nguyên ngữ Hy Lạp là epiphaneia, có nghĩa là tỏ mình hay xuất hiện ra bên ngoài. Trong tiếng Hy Lạp cỗ cũng gọi là Τheophaneia, có nghĩa là thị kiến Thiên chúa, tức thấy Chúa. Lễ Hiển Linh rơi vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm được coi như là Lễ Con Thiên Chúa thành con người trong Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội Công Giáo Tây Phương cử hành Lễ Hiển Linh trong ý nghĩa chính yếu là việc Chúa tỏ mình ra cho Ba Đạo Sĩ tử Phương Đông đến thờ lạy Chúa.
Giáo Hội Công Giáo Đông Phương cử hành lễ hiển linh qua các biến cố: Giáng Sinh – Chúa tỏ mình cho Ba Đạo Sĩ Phương Đông – Chúa lãnh phép rửa ở Sông Giođan và cả việc Chúa làm phép lạ đầu tiên cho nước lã hoá thành rượu. Tất cả là hiển linh trong quan niệm thần học của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương.
Trong ý nghĩa Thần Học Hiển Linh rất bao quát nầy, Giáo Hội Chính Thống Đông Phương chỉ cử hành ba lễ lớn trong Năm Phụng Vụ: Phục Sinh – Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và Lễ Hiển Linh. Lễ Hiển Linh thường vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm chứ không có lễ Giáng Sinh ngày 25.12 như Giáo Hội Công giáo Tây Phương.
III. Thực hành Phúc Âm :
Dân ngoại đi tìm Chúa:
Lễ Hiển Linh là mầu nhiệm ánh sáng, được diễn tả qua biểu tượng ngôi sao hướng dẫn cuộc hành trình của các nhà đạo sĩ. Chúa Kitô chính là nguồn sáng thật, Ngài đã tỏ mình cho dân ngoại, cho ba đạo sĩ tử phương đông lặn lội đi tìm Chúa. Ba đạo sĩ không có Kinh Thánh. Ba đạo sĩ ở thật xa. Nhưng ba đạo sĩ chiêm ngắm vì sao và theo sự hướng dẫn của ánh sáng vì sao tìm thấy Chúa.
Vua Hêrôđê và dân chúng trong thành Giêrusalem là những người thuộc nằm lòng Kinh Thánh. Họ được tiên báo trước là Đấng Cứu Thế Sinh ra ở Bêlem. Họ ở chỉ cách Bêlem có chừng sáu cây số. Nhưng họ không có ánh sáng soi đường. Nên họ không thấy Chúa Hiển Linh.
Càng tìm hiểu về Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, tôi càng cảm phục cách mang ánh sáng Kitô giáo đến cho lương dân của Ngài. Bà Lucia Huỳnh thị Nghĩa kể lại rằng: Khi biết có xác chết trôi sông, Cha cho người vớt lên bờ và chôn cất trong Đất Thánh. Cách nay 70 năm. Người công giáo nguội lạnh hay rối rắm chết không được chôn trong đất thánh huống chi kẻ chết trôi sông! Cha Diệp đã đưa lương dân vào Đất Thánh. Anh em lương dân cũng cần thấy Chúa.
Đa số người đến kính viếng mộ phần và cầu nguyện với Chúa qua Cha Trương Bửu Diệp là người không công giáo. Giáo dân Công Giáo, có Kinh Thánh trong tay nhưng không có ánh sáng hiển linh Chúa soi dẫn. Có một vài người Công Giáo khi nghe nói đến chương trình tuyên phong Chân Phước cho Cha Diệp thì đã mỉa mai rằng: Toàn chuyện lạ khó tin, không chắc gì được Toà Thánh nhìn nhận đâu. Có lẽ những anh chị em nầy cần về Việt Nam vả đi viếng mộ Cha Trương bửu Diệp để được người ngoại giáo hướng dẫn đi tìm Chúa chăng?