“Có hai cửa mở vào thiên đàng: Cửa vô
tội và cửa thống hối. Con người yếu đuối đáng thương, đâu dám nghĩ
tới cửa vào thứ nhất, tuy nhiên cửa vào thứ hai cũng rất bảo đảm...”
(Journal de l’Âme, p. 451-452)
Bài tin Mừng Thánh
Matthêô ta vừa nghe, Chúa bỏ Nazareth, bắt đầu cuộc sống đời công khai,
đi rao giảng cho dân chúng và bài giảng đầu tiên của Ngài là: “thống hối". Thánh Marcô trong
tin mừng chương 1 câu 14 cũng cho ta biết bài giảng đầu tiên của Chúa
là “Thống hối”.
Sự thống hối quả
thực rất quan trọng và cần thiết. Chúng ta đã nhiều lần nhắc tới
tầm quan trọng này. Các Tiên tri. trong cựu ước, luôn luôn rao giảng
việc thống hối; Thánh Gioan Tẩy Giả chuẩn bị dân chúng đón Chúa Cứu
Thế bằng việc rao giảng thống hối; Chúa Giêsu mở đầu bài giảng của
Ngài bằng việc khuyên mọi người phải thống hối. Trước khi bỏ cuộc
sống trần gian để lên trời, Chúa còn căn dặn các môn đệ phải đi rao
giảng sự thống hối để được ơn tha thứ (Luc. 24, 47). Các tông đồ luôn
luôn nhắc tới việc thống hối, và Giáo Hội cũng luôn luôn khuyên nhủ,
thúc giục chúng ta phải thống hối.
Thánh Phêrô, vị thủ
lãnh của Giáo Hội đã phạm tội nặng nề, chối Chúa tới ba lần, nhưng
rồi Ngài thành thực thống hối, nên đã được thứ tha.
Trong các thánh
Việt Nam: Thánh Tôma Toán (tử đạo ngày 27.6.1840, 76 tuổi) cũng đã
công khai chối Chúa hai lần, nhưng rồi Ngài đã dùng việc thống hối,
chấp nhận mọi đau khổ để đền bù tội lỗi, chẵng những Ngài đã được
Chúa thứ tha tội lỗi, mà Ngài còn được Giáo Hội phong lên bậc hiển
thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988. Câu truyện của Ngài như sau:
Sau khi bị bắt,
thầy Tôma Toán được kêu ra tòa, ban đầu can đảm xưng đạo trước mặt các
quan nhưng bị tra tấn quá dã man khiến tuổi già không chịu nổi, Thầy
đã bước qua ảnh Thánh một lần, ngày 19.1.1840. Song Tổng Đốc Trịnh
Quang Khanh chưa tha thầy về, còn muốn thử xem thầy có thật lòng bỏ
đạo không. Khi trở về ngục, cha thánh Giuse Hiền ân cần khuyên thầy ăn
năn hối cải và trở lại với Chúa. Cha Phêrô Quyền, quản lý nhà Trung
Linh, cũng gởi cho thầy một bức thư khuyên nên suy nghĩ lại. Được ơn
Chúa đánh động, lại được hai cha khuyên bảo, thầy Tôma ăn năn thống
hối, và từ đó không thôi than khóc rằng: “Lạy Chúa, tôi là kẻ khốn nạn dại dột đã trót phạm đến
Chúa, song từ nay tôi sẽ không phạm tội rất nặng này nữa".
Cha Giuse giải tội cho thầy, khuyên thầy vững tin đến cùng.
Ngày 18 tháng 4,
Trịnh Quang Khanh gọi thầy Toán ra tòa, bắt thầy phải bước qua Thánh
Giá song thầy cương quyết không nghe. Để hả cơn giận quan truyền căng nọc
thầy ra đánh, rồi tống giam ở một nơi rất dơ bẩn tanh hôi để bất cứ
ai qua lại được tự do trêu chọc sỉ vả. Quan còn sai hai người đã xuất
giáo đến quyến rũ thầy cho bằng được, nếu không họ cũng phải chết.
Một lần nữa thầy lại chối đạo. Song Chúa lại giúp thầy đứng dậy
ngay, thầy khóc lóc thảm thiết đêm ngày như không ai có thể an ủi
được nữa. Mười lăm ngày sau, cha Đaminh Trạch được dẫn tới chung một
ngục với thầy. Cha an ủi thầy Tôma và giải tội cho thầy. Từ lúc ấy,
thầy trở thành người mới, để đón nhận những cơn thử thách nặng nề
hơn trước.
Nghe biết thầy Tôma
lại thống hối trở lại với Chúa. Trịnh Quang Khanh nói khôi hài với
lính của ông: “Dẫn thằng Toán ra đây
cho ta, để nó bước qua Thập Tự kẻo nó quên”. Lần này là thầy gan
dạ lạ lùng, sau một hồi bị đòn tưởng chết, lính khiêng thầy qua
Thập Tự tức thì thầy vùng dậy quỳ phục Thánh Giá khóc lóc và đọc
kinh ăn năn tội to tiếng nghe rất thảm thiết. Quan quát tháo: “Thằng già này ăn phải cái bùa gì mà
nó muốn làm trâu ngựa, chó má như vậy”. Và quan ra lệnh cho lính
giam thầy ở một nơi khác và không cho ăn uống nữa. Quan còn cho phép
lý hình muốn bầy trò gì làm khổ thầy cũng được. Chúng lột hết
quần áo thầy, buộc hai Thánh Giá vào hai bàn chân, bắt thầy đứng
nắng lần thứ nhất suốt 13 ngày liền, và lần thứ hai 5 ngày. Trong
khi đó, chúng trêu chọc thầy, bứt râu, bứt tóc, búng tai, bóp mũi,
vỗ bụng, khạc nhổ... Thầy đã có thể nói như tiên tri Isaia:
“Tôi đã giơ lưng cho người đánh đập và chìa má cho kẻ
nhổ râu. Tôi đã khống giấu mặt tránh nhục nhằn và khạc nhổ. Thiên
Chúa sẽ hộ vực tôi... khiến tôi mặt mày trơ trơ như đá cuội” (Is 50, 6-7).
Phải lúc thầy quá
đói, Trịnh Quang Khanh biểu dọn một mâm cơm rượu thịt ngọt rất ngon: “Ăn đi rồi bước qua Thập Tự, nghe”.
Thầy trả lời: “Nếu ăn để bỏ đạo
thì tôi không ăn”. Quan nói tiếp: “Đã
vậy ta sẽ không cho mày ăn uống gì nữa”. Thấy thầy Tôma chịu đói
khát khổ cực quá, một giáo dân và một lính ngoại đạo có lòng tốt,
chạnh lòng thương tìm cách cho thầy ăn uống, vì thế thầy mới sống
được thêm ít bữa.
Tôma Toán người
làng Cần Bang (Thái Bình) Sinh khoảng năm 1764 là hội viên dòng Đaminh
đồng thời là Thầy giảng có uy tín ở Trung Linh, nơi thầy gữi chức
phụ tá quản lý nhà chung. Thời bách hại đạo, thầy là cánh tay đắc
lực của cha già Tuyên.
Ở làng Trung Linh
có Lang Tư vì ham tiền thưởng, đi tố cáo với quan phủ Xuân Trường
trong làng Trung Linh có đạo trưởng. Ngày 16.12.1839 lính đến bủa vây
lục soát làng này. Thầy Tôma Toán bị bắt đang lúc lẩn trốn, thầy
khai tên Thi và ngồi chung với dân làng nhưng do sự chỉ điểm của lang
Tư, lính tiến đến về phía Thầy kéo khăn trên trán ra và tri hô: “Già này sói đầu đúng là đạo trưởng
đây”. Đến lúc sau chúng biết thầy không phải là linh mục, nhưng
cũng bắt trói thầy, vì thầy không chịu bước qua Thập Giá.
Ngày 9 tháng 5,
thầy cùng với cha Giuse Hiền ra tòa lần chót, và bị hai con voi lớn
nạt nộ, lấy vòi cuốn vào thầy. Nhưng thầy không bị nó quật chết.
Sau đó, cha Giuse
được đưa đi xử, thầy còn bị tống giam và cấm túc trăm phần trăm. Trong
những ngày chờ chết, thầy Tôma khóc lóc, thống hối ăn năn đền tội
đêm ngày và cầu xin Chúa thứ tha tội lỗi và xin ơn bền đỗ đến cùng.
Song thầy chưa chết, vì anh Thám vẫn lén lút cho thầy ăn uống. Không
ngờ một việc bác ái đến như thế cũng bị quan cấm đoán và trừng
phạt. Từ đấy, thầy phải chịu đói khát cho đến khi ngã gục và tắt
thở ngày 27 tháng 6. Chỉ có anh Thám chứng kiến cái chết của Thầy
và nói rằng: “Khi nào cụ về nước
Trời, xin cụ nhớ đến cháu”. Xác thầy người ta đem chôn lẫn với
các tử tội, một tháng sau Phêrô Dậu đến cải lên đem an táng tại Lục
Thủy chung với các đấng Tử đạo khác.
Đức Thánh Cha Gioan
XXIII (lúc còn là Hồng Y Giáo Chủ Venise) cấm phòng chung với các Giám
Mục Vénétie tại Torreglia Từ ngày 2 tới ngày 7 tháng 6 năm 1957. Ngài
có ghi trong tập nhật kí của ngài:
“Có hai cửa mở vào thiên đàng: Cửa vô tội và cửa thống
hối. Con người yếu đuối đáng thương, đâu dám nghĩ tới cửa vào thứ
nhất, tuy nhiên cửa vào thứ hai cũng rất bảo đảm, Chính Chúa Giêsu
cũng đã qua cửa này, với thập giá vác trên vai, để đền tội cho ta,
và mời gọi ta hãy theo ngài. Theo ngài có nghĩa là, thống hối, biết
chịu nhục nhã, hy sinh, và chính mình cũng phải tự tạo cho mình,
những hy sinh...” (Journal de l’Âme, p.
451-452)
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề tựa của Lm.
HK