Trong nhiều thế kỷ, các nhà truyền giáo ở Xiêm (bây giờ
là Thái Lan) không những được nhân nhượng nhưng còn được tiếp đón niềm nở bởi
quốc gia đa số theo Phật Giáo. Các quốc gia khác ở vùng Viễn Ðông không được
như vậy, và nhiều nhà truyền giáo đã chịu tử đạo.
Tuy nhiên, vào giữa thập niên 1930, sự
ổn định chính trị từ xưa ở Xiêm bắt đầu mất dần. Ảnh hưởng Âu Châu đang trên đà
suy thoái, và sự đe dọa xâm lăng của người Nhật đã đưa đẩy nước Xiêm đến một
thái độ thiếu thân thiện đối với các thế lực Tây Phương. Vài vụ bạo động đã xảy
ra cho người ngoại quốc, kể cả các Kitô Hữu. Nhiều nhà truyền giáo bị tù đầy.
Tài sản của Giáo Hội bị tịch thu. Những người Thái Lan tòng giáo bị ép buộc phải
công khai bỏ đạo.
Vào năm 1940, áp lực lại càng mạnh mẽ
hơn khi Thế Chiến II càn quét Âu Châu và người Nhật xâm lăng dần vào Ðông Dương
(bây giờ là Việt Nam). Ở Songkhon, gần biên giới Ðông Dương, một tiểu đội cảnh
sát võ trang bao vây một ngôi làng và ra lệnh cho mọi Kitô Hữu trong làng phải
chối bỏ đức tin. Một nhà truyền giáo bị đuổi ra khỏi làng. Ông Philip
Siphong Ouphitah
là giáo lý viên cư ngụ gần đó đã lên tiếng phản đối sự ngược đãi này. Ông được
bảo rằng phải lên trung tâm cảnh sát để làm đơn khiếu nại, trên đường đi ông đã
bị mai phục vào ngày 16 tháng Mười Hai. Sau này, được biết ông đã bị tra tấn
trước khi bị bắn chết.
Trong khi đó, các sơ Agnes
Phila
và Lucia Khambang tiếp tục giảng dạy trong trung tâm
truyền giáo. Hai sơ nói với các em rằng ông Philip là vị tử đạo, điều này khiến
các viên chức địa phương đã ra lệnh ngăn cấm hai sơ không được dạy giáo lý và
phải mặc y phục bình thường của người Thái. Hai sơ đã làm đơn phản đối; cùng ký
tên trong tờ đơn có chữ ký của bốn học sinh và người phụ bếp. Vào ngày 26 tháng
Mười Hai, tất cả bị điệu ra nghĩa trang là nơi họ bị bắn chết trong khi đang quỳ
gối cầu nguyện.
Sau đó, bảy vị tử đạo này được chôn
chung với ông Philip Siphong. Tất cả được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II phong
chân phước vào ngày Chúa Nhật Truyền Giáo, 22 tháng Mười 1989.