Tìm hiểu Lời Chúa _ Lễ Thánh Gia _ năm A

LỄ THÁNH GIA THẤT
NĂM A
Hc 3, 2-6. 12-14; Cl 3, 12-21; Mt 2, 13-15. 19-23
BÀI ĐỌC I: Hc 3, 2-6. 12-14
2 Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. 3 Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, 4 ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. 5 Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. 6 Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. 12 Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. 13 Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. 14 Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con.
ĐÁP CA: Tv 127
Đ. Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người
. (c. 1)
1 Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. 2 Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may.
3 Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn.
4 Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người. 5 Xin Chúa từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh.
BÀI ĐỌC II: Cl 3, 12-21
            12 Thưa anh em, anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. 13 Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. 14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. 15 Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.
16 Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. 17 Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.
18 Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. 19 Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. 20 Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. 21 Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Cl 3, 15a. 16a
Hall-Hall: ước chi lòng anh em phấn khởi vì được Đức Ki-tô ban tặng bình an, và ước chi Lời Người hằng sinh hoa kết qủa dồi dào trong anh em. Hall.
TIN MỪNG: Mt 2, 13-15. 19-23
            13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! "14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
                19 Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, 20 báo mộng cho ông rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.”21 Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. 22 Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, 23 và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.

GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO, NƠI ƯƠM TRỒNG ƠN GỌI
Lời thánh Tông Đồ dạy: “Ai không chăm sóc người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ Đức Tin và còn tệ hơn người không tin.” (1Tm 5, 8).
Nhưng thế nào là chăm sóc đến người thân thuộc? Thưa là làm hết cách để cho những người sống trong cùng một nhà được Đức Giê-su cứu độ, mà muốn được thế thì phải giáo dục người thân biết ý thức sống nhân bản, nhất là sống Đức Tin.
I. Ý THỨC SỐNG NHÂN BẢN.
Ta phải kính trọng và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Lý do:
1-         Vì đức công bằng.
Khi ta còn nhỏ, được ông bà cha mẹ yêu thương chăm sóc, nâng niu như trứng, hứng như hoa… Ta hãy quan sát một đứa bé khi nó bị bệnh, khiến ông bà cha mẹ phải lo lắng vất vả, tốn kém biết bao!
Năm 1972, thời chiến tranh ở Việt Nam diễn ra rất ác liệt giữa hai chế độ Cộng sản và Cộng hòa, vùng đất quanh nhà thờ Chánh tòa Nha Trang bị oanh kích, dân chúng khắp vùng tuốn về nơi đây để lánh nạn. Tình trạng đông dân lại thiếu lương thực, Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận lúc đó đang coi sóc Giáo phận Nha Trang, ngài bay vào Sài-gòn xin tiếp viện lương thực cho dân. Khi ngài ra phi trường Tân Sơn Nhất để trở về Nha Trang, thình lình một phụ nữ chạy lại ôm chân Đức Cha, vừa khóc vừa van xin:
-         Xin ông cho tôi đi theo ra Nha Trang, vì tôi có ba đứa con, tôi đã đưa vào Sài-gòn hai cháu, còn một cháu nữa tôi phải ra tìm nó!
Đức Cha gắt lên;
-         Bà khùng hả, bom đạn trút xuống như mưa, thoát được nơi đó là có phúc, bà lại còn muốn gieo mình cho tử thần?
Nhưng người đàn bà cứ níu lấy áo Đức Cha van nài:
-         Thưa ông, nếu tôi không đi tìm con tôi, thì tôi không thể sống được!
Trông bà qúa mệt mỏi như muốn xỉu, nhưng bà vẫn cứ bám chặt lấy Đức Cha, cuối cùng ngài cũng đành chấp nhận cho bà lên trực thăng.
Mấy hôm sau, Đức Cha đi phát bánh mì cho dân tị nạn, ai ai cũng tranh giành đến lấy bánh, trừ có một người phụ nữ ngồi bất động ở góc chân tháp, tay đang ôm chặt một cái gói vào lòng. Đức Cha tiến gần hỏi:
-         Chị đã có bánh chưa?
Chị không trả lời, gương mặt thất sắc, đôi mắt vô hồn cứ nhìn vào khoảng không, Đức Cha lại hỏi:
-         Chắc chị lấy được nhiều bánh lắm hả? Đưa tôi xem!
Nghe thế, chị lại càng ôm chặt cái gói vào lòng hơn nữa, Đức Cha phải nhờ người dùng sức mạnh mới lấy được cái gói xem là cái gì? Nhưng khi vừa mở ra, chị bỗng òa lên khóc, vì đó là xác đứa bé đã chết mấy ngày rồi! Tình thương của người mẹ dành cho con như thế, làm sao con có thể đáp đền!
Một lần kia, tôi ghé thăm một gia đình, người cha làm nghề chạy xích lô, đến giờ cơm, vợ và con cứ tíu líu mời: “Mời ba vào dùng cơm”, nhưng ông vẫn loay hoay sửa cái ghế, lúc sau ông nói: “Mẹ và các con cứ ăn trước đi, ba đang dở tay, chút nữa sẽ ăn sau”. Thấy thế tôi nói với ông: “Giờ cơm trong gia đình là lúc mọi người xum họp, thân thương nhất, ông bỏ đó vào dùng với vợ con đi”. Ông nói nhỏ với tôi: “Thưa cha, hôm nay con đạp xích lô trúng mánh, nên mua được mấy ký gạo ngon cho vợ con. Mọi ngày cơm không được như thế, con muốn vợ và các con ăn trước, còn con ăn sau!” Nghe vậy tôi rất đỗi ngạc nhiên và cảm phục tình người cha dành cho vợ con, chắc chắn những đứa con không hiểu được tâm tình ấy, làm sao chúng đáp đền!
2-         Vì đức bác ái.
Tuổi gìa dễ tủi thân, thích hoài cổ: nhớ ngày nào mình còn khỏe, còn minh mẫn, nay mọi điều kỳ vọng muốn làm đã tiêu tan theo tuổi đời, xuống cấp mọi mặt, nên mặc cảm như sống thừa, sống nhờ…!
Vì vậy Kinh Thánh dạy: “Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. …. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi” (Hc 3, 2-14: Bài đọc I).
Nhưng dầu sao thì người cao niên hay trẻ nhỏ đều phải nhận biết rằng: giữa người gìa và người trẻ có một ranh giới, và nó không thể vượt qua được! Trẻ có khát vọng, mơ ước riêng; người lớn tuổi cung cách sống khác với trẻ. Ví dụ: Trẻ con thì hiếu động, người cao niên thì thích yên tĩnh, do đó trẻ không thể chê người gìa, và người lớn tuổi không thể trách trẻ! Nói tắt, không ai có quyền bắt người khác phải giống mình hoàn toàn. Vì thế thánh Phao-lô dạy: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” (Cl 3, 20-21: Bài đọc II). Và con cái không được khỉnh dể và vô phép với đấng sinh thành, dưỡng dục. Sách Cách ngôn răn đe: “Qụa sẽ mổ, diều hâu sẽ móc mắt kẻ nào lườm nguýt và khinh dể cha mẹ mình” (Cn 30, 17).
II. SỐNG ĐỨC TIN.
Nếu người Công Giáo chỉ chú ý sống nhân bản như trên, thiết tưởng có hơn gì anh em vô thần chân chính, cùng lắm chỉ như người theo các tôn giáo khác. Và như vậy, không cần Ngôi Hai phải giáng trần. Bởi thế, người Công Giáo còn phải sống Đức Tin như thánh Phao-lô nhấn mạnh trong Bài đọc II như sau:
1- Lời Chúa Ki-tô cư ngụ dồi dào phong phú trong gia đình (x. Cl 3, 16), để Lời Chúa làm chủ và hướng dẫn mọi tử tưởng, lời nói và việc làm của ta. Cũng tư tưởng này, thánh Phê-rô dạy: “Ai có nói thì nói Lời Chúa, ai phục vụ thì phục vụ bằng sức mạnh Chúa ban, có thế trong mọi việc, chúng ta mới tôn vinh Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô.” (1Pr 4, 11)
2- Lấy lòng bao dung nhân hậu của Chúa đã đối với ta, mà bắt chước cư xử với đồng loại (x. Cl 3, 12-15).
3- Vợ chồng con cái đối xử với nhau phải có tình nhân ái, tôn ti trật tự, để diễn tả sự kết hợp giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh, hầu trở nên dấu chỉ ơn cứu độ cho những ai chưa nhận biết Chúa và Hội Thánh Ngài (x. Cl 3, 18-20).
Thánh Giu-se đã làm gương cho mọi người trong việc thi hành Lời Chúa, theo Tin Mừng của thánh Mát-thêu, ba lần ông ghi lại tinh thần mau mắn của thánh Giu-se trước ý định của Thiên Chúa:
a.          Mt 1, 24: Được mộng báo, ông Giu-se đã mau mắn chỗi dậy rước Ma-ri-a về nhà, để Mẹ Con khỏi bị ném đá, khỏi chết nhục vì Luật!
b.          Mt 2, 13: Được mộng báo, ban đêm ông Giu-se chỗi dậy đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn qua Ai-Cập, thoát khỏi bàn tay độc ác của vua Hê-rô-đê.
c.          Mt 2, 20: Được mộng báo, ông Giu-se lại chỗi dậy đưa Mẹ-Con trở về quê nhà, để thực hiện sứ mệnh cứu dân như ông Mô-sê.
Ba lần ông Giu-se chỗi dậy làm theo ý Chúa là báo trước: Đức Giê-su con ông Giu-se sau ba ngày được an táng trong mồ, Ngài cũng chỗi dậy (Phục Sinh), để đưa cả loài người thoát sự dữ vào cõi sống hạnh phúc vĩnh hằng, giống như ông Giu-se chỗi dậy thực thi ý Chúa để làm cho Đức Ma-ri-a và Hài Nhi Giê-su thoát sự dữ, hầu cả hai Mẹ-Con cũng đưa cả loài người thoát sự dữ vào sự sống đời đời.
Để hun đúc sống Đức Tin cho các gia đình Công Giáo, Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II dạy: “Gia đình Ki-tô hữu là thánh điện của Hội Thánh, là tế bào đầu tiên và sinh động của xã hội, gia đình đã được Công Đồng Vat. II đề cao, coi như thánh điện của Hội Thánh, khi mọi người trong nhà yêu thương đùm bọc nhau và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa. Gia đình Ki-tô hữu chỉ xuất hiện như một “Hội Thánh tại gia nếu các phần tử tùy theo môi trường và phận sự riêng biệt của mỗi người, cùng nhau hoạt động để phát huy công lý, cùng nhau làm việc từ thiện, hiến thân phục vụ anh em, và trong một khung cảnh rộng lớn hơn, tham gia vào việc tông đồ, và sinh hoạt Phụng Vụ của cộng đồng địa phương, cũng như cùng nhau dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện sốt sắng chân thành. Thiếu yếu tố này là thiếu hẳn đặc tính của gia đình Ki-tô giáo. Vì thế, nếu muốn tìm lại ý nghĩa thần học về gia đình, thì phải nhất thiết nỗ lực để tái lập thói quen cầu nguyện chung trong đời sống gia đình.
Với tư cách là “Thánh điện tại gia của Hội Thánh, gia đình nên cầu nguyện chung, và chẳng những thế mà còn phải tùy nghi sử dụng một vài phần trong các giờ Kinh Phụng Vụ, để kết hợp mật thiết hơn với Hội Thánh. ’’
(Tông Huấn Tôn Sùng Đức Mẹ số 52 và 53 của ĐGH Gio-an Phao-lô II)
Tiếc thay, ngày nay nhiều người cha mẹ còn độc ác hơn cả vua Hê-rô-đê xưa! Bởi lẽ họ không cất bớt những nguy hiểm, đe dọa, giết chết đời sống Đức Tin nơi con cái như ông Giu-se đã làm, mà chính họ hằng ngày giết con bằng những “vũ khí gương mù” như: Ly dị nhau, nghiện ngập, say xỉn, nô lệ cho đồng tiền, nô lệ chức quyền, lạnh nhạt đối với Lời Chúa, với Phụng Vụ Hội Thánh cử hành…! Vì thế thánh Phao-lô dạy: “Ước chi lòng anh em phấn khởi vì được Đức Ki-tô ban tặng bình an, và ước chi Lời Người hằng sinh hoa kết quả dồi dào trong anh em” (Cl 3, 15a. 16a: Tung Hô Tin Mừng).
Để làm men muối cho các gia đình Ki-tô giáo, Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, trong ngày Chúa nhật Chúa Chiên Lành năm 1994 đã phong thánh cho bà Calnorimora!
Bà Cal-no-ri-mo-ra sinh ngày 21 tháng 11 năm 1774, tại Ro-ma, bà thuộc gia đình giàu có, và được cha mẹ giáo dục Đức Tin rất chu đáo. Năm 22 tuổi, bà lập gia đình với một luật sư, và đã có với chồng hai cô con gái. Vài năm sau đó, bà phát hiện ra chồng ngoại tình, hay lấy trộm tiền của vợ đi nuôi bồ nhí! Bà đã khuyên lơn nhiều lần, nhưng bù lại bà bị chồng đánh đập tàn nhẫn, và ông càng thường xuyên đến ở với vợ bé hơn! Bà phải một mình làm việc cần cù nuôi hai con gái. Năm 1801, bà mắc một căn bệnh hiểm nghèo lúc mới 27 tuổi, nhưng Chúa đã cho bà được bình phục, sau đó bà gia nhập tu hội đời thuộc Dòng Chúa Ba Ngôi. Nhà bà biến thành nơi cầu nguyện cho những người đau khổ. Hằng ngày bà đều xin mọi người cầu nguyện cho chồng bà biết sám hối trở về đường ngay nẻo chính, và bà cũng giúp đỡ nhiều người về đời sống vật chất cũng như tinh thần.
Ngày 05 tháng 02 năm 1825 Chúa đã cất bà ra khỏi thế gian, hưởng dương 51 tuổi. Ông chồng lúc này mới thấy thương vợ thương con mãnh liệt, ông sám hối và trở về phục tang vợ, nhiều người thấy ông, ai cũng chế nhạo: “Nước mắt cá sấu!” Ông cam phận chịu đựng để một phần nào đền tội mình! Sau khi an táng vợ xong, ông trù liệu tiền bạc cho hai con chính thức và các con ngoại hôn, rồi ông đã xin gia nhập Dòng Chúa Ba Ngôi, và trở thành Linh mục sống rất gương mẫu.
Rõ ràng bà Calnorimora đã được kêu gọi nên thánh từ một người chồng bất trung! Và chồng bà đã trở nên một Linh mục thánh thiện nhờ người vợ sống niềm tin! Đó là của ăn nuôi linh hồn vợ chồng đã cho nhau, nhờ ơn thánh của Đức Ki-tô Giê-su mà có.
Thật là “hạnh phúc thay bạn nào biết kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người” (Tv 128, 127, 1: Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Ai không chăm sóc người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ Đức Tin và còn tệ hơn người không tin (1Tm 5, 8).