Sứ điệp của Thượng Hội Đồng Giám mục về
TÂN PHÚC ÂM HÓA
gởi Dân Chúa
TÂN PHÚC ÂM HÓA
gởi Dân Chúa
Anh chị em thân mến,
« Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta,
và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an » (Rm 1, 7). Chúng tôi, các Giám mục
trên toàn thế giới, nhóm họp theo lời mời của giám mục Rôma, Đức Giáo Hoàng
Bênêđíctô XVI, để suy tư về “việc Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền đức tin
kitô”, trước khi trở về lại các Giáo Hội địa phương của chúng tôi, chúng tôi
muốn nói với hết thảy anh chị em, để nâng đỡ và định hướng việc phục vụ Tin
Mừng trong những khung cảnh khác nhau mà chúng ta đang hiện diện để làm chứng.
1. Như người phụ nữ
Samaritanô ở bên giếng nước Gia-cóp
Chúng tôi để cho một trang Tin Mừng soi
sáng chúng tôi: cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaritanô bên
giếng nước Gia-cóp (x. Ga 4, 5-42). Không có người nam hay người nữ nào mà, vào
một thời điểm nào đó trong đời mình, không ở gần bên một giếng nước với một cái
vò rỗng và niềm hy vọng tìm được sự thể hiện khát vọng sâu xa nhất của
tâm hồn, niềm hy vọng duy nhất có thể mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống. Ngày
nay, có nhiều giếng nước được đề tặng cho cơn khát của con người, nhưng một sự
phân định là cần thiết để tránh những thứ nước ô nhiễm. Điều cấp bách là định
hướng tốt việc tìm kiếm để không trở thành con mồi của những nỗi tuyệt vọng hủy
hoại.
Như Chúa Giêsu bên bờ giếng Sychar, Giáo
Hội cũng cảm thấy bổn phận ngồi bên cạnh con người thời nay, để làm cho Chúa
hiện diện trong cuộc sống của họ, để họ có thể gặp gỡ Ngài, vì chỉ mình Ngài là
dòng nước mang lại sự sống đích thực và vĩnh hằng. Chỉ Chúa Giêsu mới có khả
năng đọc được ở tận sâu thẳm của tâm hồn con người và chỉ cho chúng ta thấy sự
thật của chúng ta. Người phụ nữ Samaritanô đã thổ lộ với các đồng hương của
mình: “Ông ấy đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm”. Lời loan báo
này, mà kèm theo đó là câu hỏi mở ra cho đức tin: “Ông ấy không phải là Đấng
Kitô sao?”, cho thấy làm thế nào người đã lãnh nhận sự sống mới trong cuộc
gặp gỡ với Chúa Giêsu không thể không trở thành người mang chân lý và hy vọng cho
những người khác. Người phụ nữ tội lỗi hoán cải đã trở thành sứ giả của ơn cứu
độ và đã dẫn cả làng mình đến với Chúa Giêsu. Từ sự đón nhận chứng tá này,
người dân sẽ chuyển sang kinh nghiệm cá nhân về cuộc gặp gỡ: “Không còn phải
vì lời chị kể mà bây giờ chúng tôi tin; chính chúng tôi đã nghe và biết rằng
Người thật là Đấng cứu độ trần gian”.
2. Một sự Tân Phúc Âm Hóa
Dẫn
đưa con người của thời đại này đến với Chúa Giêsu, đến gặp gỡ với Ngài, là một
sự cấp bách liên quan đến mọi vùng đất trên thế giới, những vùng đất hoàn toàn
gần đây cũng như những vùng đất được Phúc Âm hóa xưa. Quả thế, khắp nơi đều cảm
thấy nhu cầu làm tươi mới lại một đức tin đang có nguy cơ mờ tối đi trong những
khung cảnh văn hóa làm ngăn trở sự bén rễ cá nhân, sự tỏa sáng xã hội, sự sáng
sủa nội dung và những hoa trái tương hợp của nó.
Vấn
đề không phải là bắt đầu lại tất cả từ số không, nhưng là lồng vào con đường
dài của việc loan báo Tin Mừng, với lòng nhiệt thành tông đồ của thánh Phaolô,
người đã nói: “Khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng!” (1 Cor 9,
16). Từ những thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo cho đến hôm nay, việc
loan truyền Tin Mừng này đã trải qua lịch sử và đã xây dựng những cộng đoàn tín
hữu khắp nơi trên thế giới. Dù lớn hay nhỏ, chúng là hoa trái của sự tận tâm
của nhà truyền giáo và của nhiều vị tử vì đạo, của các thế hệ chứng nhân cho
Chúa Giêsu, mà ký ức biết ơn của chúng ta hướng về.
Các sân khấu xã hội và văn hóa đang thay
đổi một lần nữa mời gọi chúng ta điều gì đó : sống cách mới mẻ kinh nghiệm đức
tin cộng đoàn và việc loan báo nó, bằng một sự Phúc Âm hóa “mới mẻ trong sự
hăng say, trong các phương pháp, trong các lối diễn tả của mình”
(Gioan-Phaolô II, Diễn văn cho
hội nghị lần thứ XIX của CELAM, Port-au-Prince, ngày 9.3.1983, số.3), như
đức Gioan-Phaolô II đã nói, một sự Phúc Âm hóa, như đức Bênêđíctô XVI đã nhắc
lại, “chủ yếu được định hướng đến những con người mà, dù đã được rửa tội, đã
rời xa Giáo Hội, và sống không dựa vào thực hành Kitô giáo […], để tạo điều kiện
nơi những người này cho một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Chúa, Đấng duy nhất làm cho
cuộc sống có ý nghĩa sâu xa và bình an; để tạo điều kiện cho việc tái khám phá
đức tin, nguồn mạch ân sủng mang lại niềm vui và niềm hy vọng trong đời sống cá
nhân, gia đình và xã hội” (Bênêđíctô XVI, Bài
giảng thánh lễ khai mạc trọng thể Hội nghị lần thứ XIII của Thượng Hội Đồng
Giám Mục, Rôma, 7.10.2012).
3. Cuộc gặp gỡ cá nhân với
Chúa Giêsu-Kitô trong Giáo Hội
Trước
khi nói điều gì đó liên quan đến những hình thức mà việc Tân Phúc Âm Hóa này
phải đảm nhận, chúng tôi cảm thấy sự đòi hỏi nói với anh chị em, bằng một xác
tín sâu xa, rằng đức tin được quyết định hoàn toàn trong mối tương quan mà
chúng ta thiết lập với con người của Chúa Giêsu, Đấng là người đầu tiên đến gặp
gỡ chúng ta. Công cuộc Tân Phúc Âm Hóa hệ tại đề nghị một lần nữa, cho con tim
và tâm trí thường lơ đễnh và mù mờ của con người thời nay, và trước tiên cho
chính bản thân chúng ta, vẻ đẹp và sự mới mẻ của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô.
Chúng tôi mời gọi hết thảy anh chị em chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Giêsu-Kitô,
bước vào mầu nhiệm cuộc đời của Ngài, được hiến ban cho chúng ta cho đến trên
Thập giá và được xác định như là ân huệ của Chúa Cha qua sự Phục sinh của Ngài
từ kẻ chết và được thông ban cho chúng ta nhờ Thánh Thần của Ngài. Chính nơi con
người của Chúa Giêsu mà mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Cha được tỏ lộ cho
toàn thể gia đình nhân loại mà Ngài đã không muốn để mặc cho sự sai lệch của
một quyền tự trị bất khả, nhưng Ngài đã nối kết với Ngài bằng một kết ước tình
yêu mới mẻ.
Giáo Hội là không gian này được Chúa Kitô
ban tặng trong lịch sử để chúng ta có thể gặp gỡ Ngài, bởi vì Ngài đã
giao phó cho Giáo Hội Lời của Ngài, phép Rửa tội làm cho chúng ta trở thành con
Thiên Chúa , Mình và Máu Ngài, nhất là ân sủng tha thứ tội lỗi trong bí tích
Hòa giải, kinh nghiệm về một sự hiệp thông là sự phản ảnh chính mầu nhiệm của
Chúa Ba Ngôi, sức mạnh của Chúa Thánh Thần khơi lên đức ái đối với mọi người.
Cần
phải tạo điều kiện cho các cộng đoàn ân cần niềm nở, trong đó tất cả những
người bị loại trừ được cảm thấy nơi chính mình, những kinh nghiệm hiệp thông cụ
thể, mà, với sức mạnh nồng nhiệt của tình yêu, – “Hãy xem họ thương yêu nhau
biết bao!” (Tertulianô,Apologétique, 39, 7) – lôi cuốn cái nhìn
tuyệt vọng của con người hiện đại. Vẻ đẹp của đức tin phải chiếu sáng cách
riêng nơi những hoạt động của phụng vụ thánh, trước tiên trong Thánh lễ Chúa
Nhật. Chính trong các buổi cử hành phụng vụ mà trên thực tế Giáo Hội biểu lộ
khuôn mặt công trình của Thiên Chúa của mình và làm cho ý nghĩa của
Tin Mừng nên hữu hình, bằng lời nói và những cử chỉ.
Ngày nay, chính chúng ta làm cho những kinh
nghiệm Giáo Hội có thể được tiếp cận cách cụ thể, gia tăng những giếng nước mời
gọi con người khao khát đến, để giúp gặp gỡ Chúa Giêsu, nơi dễ chịu trong các
sa mạc của cuộc sống. Các cộng đoàn kitô hữu có trách nhiệm về điều đó và, nơi
chúng, chính mỗi người môn đệ của Chúa cũng có trách nhiệm. Chính nơi mỗi người
mà được giao phó một chứng tá bất khả thay thế, để Tin Mừng có thể gặp được
cuộc sống của mọi người ; chính vì thế chúng ta được đòi hỏi sống đời
thánh thiện.
4. Những cơ hội gặp gỡ với Chúa Giêsu và việc
lắng nghe Lời Chúa
Người
ta sẽ tự hỏi làm thế nào thực hiện tất cả điều đó. Nó không hệ tại tạo ra những
chiến lược mới như thể Tin Mừng là một sản phẩm được đặt trên thị trường các
tôn giáo, nhưng là tái khám phá cách thức mà, trong đời sống của Chúa Giêsu,
người ta đã đến gần Ngài và được Ngài kêu gọi, để đưa chính những hình thái này
vào trong các điều kiện của thời nay.
Chẳng hạn chúng ta nhớ lại làm thế nào
Phêrô, Anrê và Gioan đã được Chúa Giêsu gọi trong khung cảnh làm việc của mình,
làm thế nào Giakêu đã có thể chuyển từ sự tò mò thuần túy sang một sự chia sẻ
nồng ấm bữa ăn với Thầy, làm thế nào viên bách quản ở Rôma đã xin Ngài can
thiệp nhân dịp bệnh tật của một người thân, làm thế nào người mù bẩm sinh đã
xin Ngài để được giải thoát khỏi việc bị đặt ra bên lề xã hội, làm thế nào
Mátta và Maria đã nhận thấy sự hiếu khách của mình, nơi họ và trong tâm hồn họ,
được bù lại bởi sự hiện diện của Ngài. Chúng ta có thể tiếp tục xuyên qua các
trang Tin Mừng để minh họa, trong những điều kiện khác nhau, cuộc sống của con
người đã được mở ra cho sự hiện diện Chúa Kitô dường nào. Chúng ta có thể làm
như thế với những gì mà Thánh Kinh nói với chúng ta liên quan đến kinh nghiệm
truyền giáo của các tông đồng trong Giáo Hội nguyên thủy.
Việc đọc Thánh Kinh thường xuyên, được minh
họa bởi Truyền thống của Giáo Hội mà đã truyền lại Thánh Kinh cho chúng ta và
là người giải thích Thánh Kinh đích thực, không chỉ là một bước chuyển bắt buộc
để biết chính nội dung của Tin Mừng, tức là con người của Chúa Giêsu trong
khung cảnh lịch sử cứu độ, nhưng còn giúp chúng ta tìm ra những không gian gặp
gỡ mới mẻ với Ngài, những hình thái đích thực Tin Mừng, được bén rễ trong các
chiều kích nền tảng của cuộc sống con người : gia đình, công việc, tình
bạn, sự nghèo khổ, những thử thách của cuộc sống, etc.
5. Chính chúng ta để cho mình được Phúc Âm hóa và
sẵn sàng hoán cải
Đặc
biệt chúng ta đừng nghĩ rằng việc Tân Phúc Âm Hóa không liên quan đến cá nhân
chúng ta ! Trong những ngày vừa qua, nhiều lần, nhiều tiếng nói đã được
cất lên trong số các giám mục để nhắc nhở rằng, để có thể Phúc Âm hóa thế giới,
trước tiên Giáo Hội phải đặt mình lắng nghe Lời Chúa. Lời mời gọi Phúc Âm hóa
được thể hiện thành một tiếng gọi hoán cải.
Chúng ta chân thành cảm thấy bổn phận hoán
cải bản thân trước tiên theo sức mạnh của Chúa Kitô, Đấng duy nhất có khả năng
canh tân mọi sự, nhất là cuộc sống nghèo nàn của chúng ta. Cách khiêm tốn,
chúng ta phải nhìn nhận rằng những nghèo nàn và yếu hèn của các môn đệ của Chúa
Giêsu, cách riêng của các thừa tác viên của Ngài, đè nặng trên tính khả tín của
việc truyền giáo. Chắc chắn, chúng ta ý thức, trước tiên các giám mục chúng
tôi, không bao giờ có thể xứng với lời kêu gọi của Chúa và với việc gìn giữ Tin
Mừng mà Ngài giao phó cho chúng ta để loan báo Ngài cho muôn dân. Chúng
ta ý thức về bổn phận nhìn nhận cách khiêm tốn tính dễ tổn thưởng của chúng ta
đối với những vết thương của lịch sử và chúng ta không do dự nhìn nhận tội lỗi
của chúng ta. Thế nhưng, chúng ta cũng xác tín rằng sức mạnh của Thánh Thần của
Chúa có thể đổi mới Giáo Hội của Ngài và mặc cho Giáo Hội vẻ đẹp, nếu chúng ta
để cho Ngài khuôn đúc chúng ta. Đời sống của các thánh là bằng chứng cho
điều đó. Chính vì thế việc nhớ đến đời sống các thánh và việc kể lại đời sống
đó là một dụng cụ ưu tiên cho việc Tân Phúc Âm Hóa. Nếu sự canh tân này được
giao phó cho sức mạnh của chúng ta, thì có những lý do nghiêm túc để nghi ngờ,
nhưng việc hoán cải, cũng như việc Phúc Âm hóa, không có, trong Giáo Hội, những
con người nghèo hèn là chính chúng ta như là những con người chủ chốt đầu tiên,
nhưng đúng hơn chính Thánh Thần của Chúa. Chính ở đó hệ tại sức mạnh của chúng
ta cũng như xác tín của chúng ta rằng sự dữ sẽ không bao giờ là tiếng nói cuối
cùng, không ở trong Giáo Hội cũng như không ở trong lịch sử : « Tâm
hồn các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi »,
Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài như thế (Ga 14, 27).
Công cuộc Tân Phúc Âm Hóa dựa trên xác tín
thanh thản này. Chúng ta tin tưởng vào sự linh hứng và vào sức mạnh của Chúa
Thánh Thần, Đấng sẽ dạy chúng ta những gì chúng ta phải nói và những gì chúng
ta phải làm, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Do đó, chính bổn phận
của chúng ta chinh phục sự sợ hãi bằng đức tin, sự nản chí bằng đức cậy, sự
dửng dưng bằng đức mến.
6. Đón nhận những cơ hội Phúc Âm hóa mới mẻ trong
thế giới hôm nay
Sự
can đảm thanh thản này cũng gợi hứng cho cái nhìn của chúng ta về thế giới hiện
đại. Chúng ta không cảm thấy bị đe dọa bởi những điều kiện của thời đại chúng
ta đang sống. Đó là một thế giới đầy những mâu thuẫn và những thách đố, nhưng
nó vẫn là công trình tạo dựng của Thiên Chúa, chắc chắn bị sự dữ làm tổn
thương, nhưng luôn được Thiên Chúa yêu thương, trong đó có thể nảy sinh một lần
nữa hạt giống của Lời Chúa để nó có thể mang lại hoa trái mới.
Không có chỗ cho sự bi quan nơi các tâm trí
và tâm hồn của những ai biết rằng Chúa của họ đã chiến thắng sự chết và Thánh
Thần của Ngài đang hoạt động cách mạnh mẽ trong lịch sử. Cách khiêm tốn, nhưng
cũng cách xác quyết – xác quyết đến từ niềm xác tín rằng chân lý cuối cùng sẽ
chiến thắng – chúng ta liên kết với thế giới này và chúng ta muốn thấy ở đó một
lời mời gọi của Thiên Chúa làm chứng nhân cho Danh Ngài. Giáo Hội của chúng ta
là sống động và, với sự can đảm của đức tin và chứng tá của nhiều con cái của
mình, đang đương đầu với những thách đố mà lịch sử đem lại cho chúng ta.
Chúng ta biết rằng, trong thế giới, chúng
ta phải đối diện với cuộc chiến đấu cam go chống lại « các quyền lực tối
tăm », « các thần dữ » (Êph 6, 12). Chúng ta không che đậy các
thách đố của các hiện tượng toàn cầu hóa, cũng không sợ chúng. Đối với chúng
ta, chúng phải là một cơ hội cho việc mở rộng sự hiện diện của Tin Mừng. Cũng
như các cuộc di cư – với gánh nặng đau khổ mà chúng bao hàm và chúng ta chân
thành muốn gần gũi họ bằng một sự đón tiếp huynh đệ đích thực – là những cơ
hội, như điều đó đã từng xảy ra trong quá khứ, truyền bá đức tin và sự hiệp
thông xuyên qua những hình thức khác nhau mà chúng mang lấy. Sự tục hóa, nhưng cả
sự khủng hoảng về quyền bá chủ của chính trị và của Nhà Nước, dẫn Giáo Hội đến
chỗ suy nghĩ lại sự hiện diện của mình trong xã hội, nhưng không từ bỏ sự hiện
diện này. Nhiều hình thức nghèo đói và luôn mới mẻ mở ra những không gian mới
cho việc phục vụ của đức ái : việc loan báo Tin Mừng dấn thân Giáo Hội gần
gũi người nghèo và biến đau khổ của họ thành của mình theo cách thức của Chúa
Giêsu. Thậm chí trong các hình thức cam go nhất của chủ nghĩa vô thần và thuyết
vô tri, chúng ta muốn có thể nhận ra – cho dầu dưới hình thức những mâu thuẫn,
chứ không phải một sự trống rỗng, nhưng là một sự luyến nhớ nào đó - một
sự chờ đợi đang hy vọng một câu trả lời thích đáng.
Đối diện với những chất vấn mà các nền văn
hóa thống trị đang đặt ra cho đức tin và cho Giáo Hội, chúng ta làm mới lại
niềm tin của chúng ta vào Chúa, vững tin rằng ngay cả trong những khung cảnh
này Tin Mừng mang lại ánh sáng và có khả năng chữa lành mỗi sự yếu hèn của con
người. Không phải chúng ta dẫn dắt công cuộc Phúc Âm hóa nhưng là Thiên Chúa.
Như Đức Giáo Hoàng đã nhắc nhở chúng ta : « Lời đầu tiên, sáng
kiến đích thực, hoạt động đích thực, đến từ Thiên Chúa và chỉ khi chúng ta đặt mình
trong sáng kiến thần linh này, chỉ khi khẩn nài sáng kiến thần linh này, mà
chúng ta mới có thể trở thành – nhờ Ngài và trong Ngài – những người loan báo
Tin Mừng » (Bênêđictô XVI,Bài suy niệm của Buổi họp chung đầu tiên
của Đại hội đồng lần thứ XIII của THĐ Giám Mục, Rôma, 8.10.2012).
7. Phúc Âm hóa, gia đình và đời sống thánh hiến
Từ
công cuộc Phúc Âm đầu tiên, việc thông truyền đức tin nơi các thế hệ liên tiếp
nhau đã tìm thấy nơi gia đình một nơi tự nhiên. Ở trong gia đình – với một vai
trò hoàn toàn đặc biệt được đảm nhận bởi những người vợ, cũng không quên hình
ảnh và trách nhiệm của người cha – những dấu chỉ đức tin, việc thông truyền
những kiến thức cơ bản đầu tiên, việc giáo dục cầu nguyện, sự chứng tá của
những hoa trái của tình yêu đã được dẫn vào đời sống của con cái và của người
trẻ bằng sự săn sóc mà mỗi gia đình dành riêng cho sự tăng trưởng của con cái
mình. Trong sự đa dạng của các hoàn cảnh địa lý, văn hóa và xã hội, tất cả các
Giám mục của Thượng Hội Đồng đã xác nhận vai trò thiết yếu này của gia đình
trong việc thông truyền đức tin. Người ta không thể nghĩ một cuộc Tân Phúc Âm Hóa
mà không cảm thấy trách nhiệm đặc biệt đối với việc loan báo Tin Mừng cho các
gia đình và nâng đỡ các gia đình trong bổn phận giáo dục của họ.
Chúng ta không che giấu sự kiện rằng ngày
nay gia đình, được hình thành bởi hôn nhân của một người nam và một người nữ,
làm nên « một xương một thịt » (Mt 19, 6) mở ra cho sự sống, khắp nơi
đang trải qua những nhân tố khủng hoảng, được vây quanh bằng những kiểu sống
làm tổn hại cho nó, bị coi thường bởi những chính sách của xã hội này mà thế
nhưng nó lại là tế bào nền tảng của xã hội đó, không phải luôn được tôn trọng
trong các nhịp sống của mình, cũng không được nâng đỡ trong những cam kết, đôi khi
bởi chính các cộng đoàn của Giáo Hội. Chính điều đó thúc đẩy chúng tôi nói rằng
chúng ta phải có một sự săn sóc đặc biệt đối với gia đình và đối với sứ mạng
của nó trong xã hội và trong Giáo Hội, bằng cách phát triển những lộ trình đồng
hành đặc thù trước và sau hôn nhân. Như thế chúng tôi muốn diễn tả sự biết ơn
của chúng tôi với nhiều đôi vợ chồng và với nhiều gia đình kitô hữu mà, qua sự
chứng tá của họ, tiếp tục cho thế giới thấy một kinh nghiệm hiệp thông và phục
vụ là mầm mống của một xã hội huynh đệ hơn và hòa bình hơn.
Tư tưởng của chúng tôi cũng hướng đến nhiều
hoàn cảnh gia đình và đời sống chung trong đó không được tôn trọng hình ảnh
hiệp nhất và tình yêu suốt đời mà Chúa giao phó cho chúng ta. Có những đôi bạn
đang sống một đời sống chung không có mối dây bí tích hôn nhân, những hoàn cảnh
gia đình bất hợp luật được xây dựng sau sự thất bại của những cuộc hôn nhân
trước đang gia tăng : nhiều biến cố cũng đang tác động đến việc giáo dục
đức tin cho con cái. Với tất cả những người đó chúng tôi muốn nói rằng tình yêu
của Chúa không bỏ rơi ai, rằng Giáo Hội cũng yêu thương họ và vẫn là một mái
nhà ân cần đón tiếp đối với mọi người, rằng họ vẫn là những chi thể của Giáo
Hội cho dầu họ không thể lãnh nhận bí tích xá giải và Thánh Thể. Các cộng đoàn
Công giáo hãy đón tiếp những người đang sống trong những hoàn cảnh này, và hãy
tạo điều kiện cho những con đường hoán cải và hòa giải.
Đời sống gia đình là nơi đầu tiên trong đó
Tin Mừng được gặp gỡ giữa đời thường và cho thấy khả năng của nó biến đổi những
điều kiện căn bản của cuộc sống dưới dấu chỉ của tình yêu. Cũng không ít quan
trọng hơn đối với chứng tá của Giáo Hội cho thấy làm thế nào đời sống trần thế
này được thực hiện bên kia lịch sử của con người và nối kết với sự hiệp thông
đời đời với Thiên Chúa. Chúa Giêsu không chỉ tỏ ra cho người phụ nữ Samaritanô
như là Đấng ban sự sống, nhưng còn như là Đấng ban « sự sống đời đời »
(Ga 4, 14). Ân huệ của Thiên Chúa, mà đức tin làm cho hiện tại hóa, không chỉ
là lời hứa những điều kiện tốt hơn trong thế giới này, nhưng là lời loan báo
rằng ý nghĩa tối hậu của đời sống chúng ta ở bên kia thế giới này, trong sự
hiệp thông tròn đầy với Thiên Chúa mà chúng ta đang chờ đợi vào lúc tận cùng
thời gian.
Từ chân trời siêu trần thế này của ý nghĩa
của cuộc sống con người, những ai đã được Chúa kêu gọi sống đời thánh hiến đều
đặc biệt là những chứng nhân trong Giáo Hội và trong thế giới. Đời sống này,
chính bởi vì hoàn toàn được thánh hiến cho Ngài, trong việc thực thi đức khó
nghèo, khiết tịnh và vâng phục, là dấu chỉ của một thế giới đang đến mà tương
đối hóa mọi thiện ích của thế giới này. Ước gì, từ Thượng Hội Đồng Giám Mục này,
lòng biết ơn của chúng tôi đạt tới những anh chị em này vì lòng trung tín với
tiếng gọi của Chúa và vì phần mà họ đã và đang tham dự vào sứ mạng của Giáo
Hội, ước gì cũng đạt tới họ lời khích lệ hy vọng trong những hoàn cảnh khó khăn
đối với họ, vào những thời điểm của những biến chuyển này ; và sau cùng
lời mời gọi kiên trì với tư cách là những chứng nhân và là những người cổ võ
việc Tân Phúc Âm Hóa trong những môi trường sống khác nhau trong đó đặc sủng
của mỗi một dòng tu của họ đã đặt họ vào.
8. Cộng đồng Giáo Hội và nhiều người thợ của việc
Phúc Âm hóa
Công
cuộc Phúc Âm hóa không phải là bổn phận của một số người trong Giáo Hội, nhưng
nó là công trình của các cộng đoàn Giáo Hội xét như thế, trong đó được mở ra
việc tiếp cận các phương tiện phong phú của sự gặp gỡ với Chúa Giêsu : Lời
Chúa, các bí tích, sự hiệp thông huynh đệ, đức ái phục vụ, việc truyền giáo.
Trong viễn này trước tiên nổi bật vai trò
của giáo xứ, như là sự
hiện diện của Giáo Hội trên mảnh đất con người đang sống, « nguồn nước
của ngôi làng » như đức Gioan XXIII thích gọi, mà mọi người có thể
uống thỏa thích và tìm thấy sự tươi mát của Tin Mừng. Vai trò của nó vẫn
không thể thay thế, cho dầu những thay đổi các điều kiện có thể đòi hỏi sắp xếp
nó thành những cộng đoàn nhỏ hơn hay mở ra cho những mối liên hệ hợp tác trong
một khung cảnh rộng lớn hơn. Nhất là chúng ta cảm thấy bổn phận khích lệ các
giáo xứ của chúng ta nối kết với trách nhiệm mục vụ truyền thống của dân Thiên
Chúa những hình thức truyền giáo mới mẻ được đòi hỏi bởi việc Tân Phúc Âm Hóa.
Chúng cũng phải có thể tiếp nhận các hình thức diễn tả lòng đạo đức bình dân
khác nhau và quan trọng.
Trong giáo xứ, thừa tác vụ linh mục tiếp
tục có tính quyết định, là cha và là mục tử của dân mình. Với tất cả các linh
mục, các Giám mục của Thượng Hội Đồng này bày tỏ lòng biết ơn và sự gần gũi
huynh đệ đối với công việc khó khăn của họ và mời gọi họ có những mối tương
quan luôn chặt chẽ hơn giữa hàng linh mục giáo phận, có một đời sống thiêng
liêng luôn luôn mãnh liệt hơn, một sự thường huấn làm cho họ có khả năng đương
đầu với những biến chuyển.
Bên cạnh các linh mục, chúng tôi cũng nhấn
mạnh sự hiện diện của các phó tế, cũng như hoạt động mục vụ của các giáo lý
viên và của nhiều hình ảnh thừa tác viên khác cũng như các linh hoạt viên trong
lãnh vực loan báo và dạy giáo lý, của đời sống phụng vụ, của việc phục vụ bác
ái, cũng như những hình thức tham gia và đồng trách nhiệm khác nhau về phía các
giáo dân nam nữ vì sự tận tụy của họ trong nhiều công việc phục vụ nơi các cộng
đoàn của chúng ta mà chúng ta sẽ không bao giờ biết ơn cho đủ. Cùng với tất cả
những người này chúng tôi yêu cầu đặt sự hiện diện và sự dấn thân của họ trong
Giáo Hội để phục vụ cho việc Tân Phúc Âm Hóa, đồng thời lưu tâm đến việc đào
tạo nhân bản và Kitô giáo cho họ, sự hiểu biết đức tin và sự nhạy bén với những
hiện tượng văn hóa hôm nay.
Liên quan đến giáo dân, một sứ điệp đặc
biệt gởi đến cho những hình thức hiệp hội khác nhau xưa và nay, cho những phong
trào của Giáo Hội và cho những cộng đoàn mới, để họ biểu lộ sự phong phú của
các ân huệ mà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội. Chúng tôi cũng bày tỏ lòng biết
ơn của chúng tôi đối với những hình thức sống và dấn thân này trong Giáo Hội, bằng
cách khích lệ họ trung thành với đặc sủng của mình và với sự hiệp thông chân
thành trong Giáo Hội, đặc biệt trong khung cảnh cụ thể của các Giáo Hội địa
phương.
Làm chứng cho Tin Mừng không phải là đặc ân
của riêng ai. Do đó, chúng tôi vui mừng biết ơn sự hiện diện của nhiều người
nam và nữ mà bằng đời sống của họ đang trở thành dấu chỉ của Tin Mừng giữa thế
giới này. Chúng tôi cũng biết ơn đối với nhiều anh chị em kitô hữu mà bất hạnh
thay sự hiệp nhất với họ vẫn còn chưa hoàn thiện, nhưng họ cũng là những người
được ghi dấu bởi phép Rửa tội của Chúa và là những người loan báo Ngài. Trong những
ngày này, đối với chúng tôi, đó đã là một kinh nghiệm cảm động lắng nghe những
tiếng nói của nhiều vị hữu trách đáng kính của các Giáo Hội và các cộng đoàn
Giáo Hội mà đã làm chứng cho chúng ta về sự khát khao của họ về Chúa Kitô và sự
tận tụy của họ cho việc loan báo Tin Mừng ; họ cũng xác tín rằng thế giới
cần đến một cuộc Tân Phúc Âm Hóa. Chúng tôi tạ ơn Chúa vì sự hiệp thông này
trong đòi hỏi truyền giáo.
9. Để các bạn trẻ có thể gặp gỡ Chúa Kitô
Chúng
tôi đặc biệt quan tâm đến các bạn trẻ, bởi vì, hoàn toàn đang là một phần quan
trọng của giây phút hiện tại của nhân loại và Giáo Hội, họ cũng là tương lai
của nhân loại và của Giáo Hội. Cũng liên quan đến họ, cái nhìn của các Giám mục
không hề bi quan. Chắc chắn có quan ngại, nhưng không bi quan. Quan ngại bởi vì
những áp lực khiêu khích nhất của thời đại chúng ta đang tập trung chủ yếu vào
họ ; nhưng không bi quan. Trước tiên bởi vì – chúng tôi nhấn mạnh – tình
yêu của Chúa Kitô là những gì đang khuôn đúc Lịch sử cách sâu xa. Nhưng còn bởi
vì chúng tôi thấy nơi các bạn trẻ của chúng ta một khát vọng sâu xa đến tính
đích thực, đến chân lý, đến tự do và lòng quảng đại, khát vọng mà chỉ Chúa Kitô
mới có thể đáp ứng cách thoả mãn, chúng tôi xác tín như thế.
Chúng tôi muốn nâng đỡ họ trong việc tìm
kiếm của họ, và chúng tôi khích lệ các cộng đoàn của chúng ta hoàn toàn bước
vào một thái độ lắng nghe, đối thoại và đề nghị can đảm liên quan đến điều kiện
khó khăn của các bạn trẻ, để không bao giờ nản lòng, nhưng bảo toàn sứ mạnh của
lòng nhiệt huyết của họ. Và để nâng đỡ họ trong cuộc chiến chính đáng chống lại
những điều sáo rỗng và những đầu cơ vụ lợi của các thế lực của thế gian muốn
mưu toan chiếm lấy nghị lực của các bạn trẻ và sử dụng lòng nhiệt huyết của họ
vì lợi ích riêng, bằng cách tước đi khỏi họ ký ức biết ơn về quá khứ và mọi dự
phóng nghiêm chỉnh trong tương lai.
Hoàn toàn đòi hỏi nhiều chú ý, việc Tân
Phúc Âm Hóa này trong thế giới các bạn trẻ là điều đặc biệt hứa hẹn, như nhiều
kinh nghiệm cho thấy, một số hữu hình hơn, như những Ngày quốc tế giới trẻ, một
số ẩn kín hơn mà không vì thế ít lý thú hơn, như những kinh nghiệm đời sống
thiêng liêng, sự phục vụ và truyền giáo. Do đó, chúng tôi biết ơn các bạn trẻ
về phần chủ động trong công cuộc Phúc Âm hóa, cách riêng đối với chính giới trẻ.
10. Giáo Hội đối thoại với nền văn hóa, với kinh
nghiệm nhân loại và với các tôn giáo
Việc
Tân Phúc Âm Hóa được đặt trọng tâm vào Chúa Kitô và vào sự chú ý đến nhân vị,
để cho phép một cuộc gặp gỡ thật sự với Ngài. Nhưng các chân trời của nó cũng
rộng lớn như thế giới và không bị hạn hẹp vào bất kỳ kinh nghiệm nhân loại đặc
thù nào. Điều đó muốn nói rằng việc Tân Phúc Âm Hóa đặc biệt quan tâm đến việc
đối thoại với các nền văn hóa, trong sự tin tưởng chắc chắn rằng nó sẽ tìm thấy
nơi mỗi nền văn hóa « những hạt giống của Ngôi Lời » mà
các Giáo Phụ đã nói đến. Cách riêng, việc Tân Phúc Âm Hóa cần hình dung một mối
tương quan mới mẻ giữa đức tin và lý trí, với xác tín rằng đức tin có đủ phương
tiện để đón nhận tất cả các hoa trái của một lý trí lành mạnh, được soi sáng và
mở ra cho siêu việt, và nó có một sức mạnh mang lại phương thuốc cho những giới
hạn và những mâu thuẫn trong đó lý trí có thể sa ngã. Đức tin không che giấu
khuôn mặt của mình trước sự hiện diện của những chất vấn đau đớn mà sự hiện
diện của sự dữ đặt ra trên thế giới và trong lịch sử, nhưng nó múc lấy ánh sáng
của niềm hy vọng nơi sự Phục Sinh của Chúa Kitô.
Cuộc gặp gỡ của đức tin và lý trí cũng nuôi
dưỡng sự dấn thân của cộng đoàn kitô hữu trong lãnh vực rộng lớn của giáo dục
và văn hóa. Một vai trò đặc biệt được thực hiện bởi các tổ chức đào tạo và
nghiên cứu : các trường học và các đại học. Khắp nơi được phát triển những
kiến thức của con người và một hoạt động giáo dục được đề nghị. Giáo Hội vui
mừng mang lại kinh nghiệm và sự đóng góp của mình cho việc đào tạo con người trong
tính toàn diện của nó. Về mặt này, một sự quan tâm đặc biệt đối với các trường
học và các đại học Công giáo, trong đó việc mở ra cho siêu việt, riêng cho mỗi
hành trình văn hóa và giáo dục chân thành phải được bổ túc bởi những con đường
gặp gỡ với biến cố Chúa Giêsu-Kitô và Giáo Hội của Ngài. Sự biết ơn của các
Giám mục đối với những ai đang có trách vụ trong những điều kiện đôi khi khó
khăn.
Việc Phúc Âm hóa đòi hỏi chúng ta quan tâm
đặc biệt đến thế giới truyền thông xã hội, những con đường trên đó, cách
riêng nơi các phương tiện truyền thông mới, biết bao cuộc đời, biết bao câu hỏi
và biết bao mong đợi gặp gỡ nhau. Đó là một nơi mà thông thường các lương tâm
được hình thành và là nơi mà những thời gian và các nội dung của cuộc sống được
ghi dấu. Đó là một cơ hội mới để nối kết tâm hồn con người. Một lãnh vực đặc
biệt của sự gặp gỡ giữa đức tin và lý trí nằm trong việc đối thoại với tri thức
khoa học. Tự nó, tri thức khoa học này không xa rời với đức tin từ khi nó biểu
lộ nền tảng thiêng liêng mà Thiên Chúa đã đặt để nơi các thụ tạo và cho phép
phân định các cấu trúc lý trí nằm ở nền tảng của công trình tạo dựng. Khi các
khoa học và các kỹ thuật không muốn đóng kín quan niệm về con người và về thế
giới trong một chủ nghĩa duy vật cằn cỗi, thì chúng trở thành đồng minh quý báu
để phát triển sự nhân bản hóa cuộc sống. Do đó, sự biết ơn của chúng tôi cũng
hướng đến tất cả những ai đang dấn thân trên mặt trận tinh tế của tri thức.
Chúng tôi cũng muốn mở rộng sự bày tỏ lòng
biết ơn của chúng tôi đối với những người nam và người nữ đang dấn thân trong
một biểu lộ khác của thiên tài nhân loại : nghệ thuật trong những lối diễn
tả đa dạng của nó, của những lối diễn tả xa xưa nhất đến những lối diễn tả gần
đây nhất. Xét như là chúng nhắm mang lại hình dáng cho sự vươn lên của con
người tới vẻ đẹp, trong các tác phẩm của họ, chúng tôi biết ơn một phương thức diễn
đạt rất ý nghĩa về linh đạo. Chúng tôi biết ơn các nghệ sĩ khi, qua những sáng
tạo vẻ đẹp của họ, họ giúp chúng ta biểu lộ vẻ đẹp của khuôn mặt của Thiên Chúa
và của các thụ tạo của Ngài. Con đường của vẻ đẹp là một con đường đặc biệt hữu
hiệu cho việc Tân Phúc Âm Hóa.
Không chỉ các kiệt tác nghệ thuật nhưng còn
sự khéo léo sáng tạo của con người lôi kéo sự chú ý của chúng ta xét như là
mảnh đất thích hợp nơi đó con người trở thành người cộng tác vào công trình tạo
dựng của Thiên Chúa nhờ lao công của mình. Với thế giới kinh tế và lao động,
chúng tôi muốn nhắc lại một vài đòi hỏi phát xuất từ ánh sáng của Tin
Mừng : gìn giữ lao động khỏi những điều kiện mà, thông thường, biến nó
thành một gánh nặng không thể chịu nổi và tước đi khỏi nó mọi đảm bảo cho tương
lai, do những đe dọa thất nghiệp đặc biệt tác động đến giới trẻ ; đặt nhân
vị ở trung tâm của sự phát triển kinh tế, suy nghĩ chính sự phát triển này như
là một cơ hội tăng trưởng loài người trong công bằng và hiệp nhất. Con người
cũng được kêu gọi xuyên qua lao động của mình, qua đó nó biến đổi thế giới, và
qua trách nhiệm của nó đối với các thế hệ tương lai, gìn giữ hình ảnh mà Thiên
Chúa đã muốn ban cho công trình tạo dựng của Ngài.
Tin Mừng cũng soi sáng ý nghĩa của đau khổ
gắn liền với bệnh tật. Ở đây, các kitô hữu phải làm cho cảm thấy sự hiện diện
của Giáo Hội bên cạnh các bệnh nhân và sự biết ơn của Giáo Hội đối với những ai
dấn thân cách chuyên nghiệp và nhân bản trong việc săn sóc các bệnh nhân.
Một lãnh vực trong đó ánh sáng của Tin Mừng
có thể và phải tỏa chiếu để soi sáng những bước chân của nhân loại là lãnh vực
chính trị. Chính trị được đòi hỏi một sự dấn thân vô vị lợi và trong sáng vì
công ích, trong sự tôn trọng phẩm giá trọn vẹn của nhân vị, từ lúc nó được thụ
thai cho đến cái chết tự nhiên ; tôn trọng gia đình được xây dựng trên hôn
nhân giữa một người nam và một người nữ, tôn trọng sự tự do giáo dục ;
thăng tiến tự do tôn giáo ; trong sự đấu tranh chống lại những bất công,
những bất bình đẳng, những phân biệt kỳ thị, những bạo lực, sự phân biệt chủng
tộc, sự đói nghèo và chiến tranh. Một chứng tá rõ ràng được đòi hỏi đối với các
kitô hữu mà, trong việc thực thi chính trị, sống giới luật bác ái.
Sau cùng, cuộc đối thoại của Giáo Hội có
một người đối thoại tự nhiên trong các tôn giáo khác. Việc Phúc Âm hóa được
thực hiện qua xác tín về chân lý của Chúa Kitô, chứ không chống lại người nào.
Tin Mừng của Chúa Giêsu là bình an và niềm vui, và các môn đệ của Ngài
hạnh phúc nhận ra những gì mà tinh thần tôn giáo của con người đã biết phân
định điều tốt và điều thật trong thế giới do Thiên Chúa tạo dựng, và đã diễn tả
bằng cách mang lại hình dáng cho những tôn giáo khác nhau.
Cuộc đối thoại giữa các tôn giáo có
thể là một đóng góp cho hòa bình, nó khước từ mọi trào lưu chính thống cực đoan
(fondamentalisme) và tố giác mọi bạo lực nhắm đến các tín hữu, vi phạm
nghiêm trọng đến các quyền của con người. Các Giáo Hội trên khắp thế giới gần
gũi trong lời cầu nguyện và trong tình huynh đệ với các anh em đau khổ này và
yêu cầu những ai đang nắm trong tay số phận của các dân tộc phải bảo vệ các quyền
của mọi người được tự do chọn lựa và tuyên xưng đức tin của mình và làm chứng
cho đức tin đó.
11. Ký ức về Công đồng Vatican II trong suốt Năm
Đức Tin và việc tham chiếu Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo
Trên
con đường được mở ra bởi việc Tân Phúc Âm Hóa, chúng ta cũng có thể đôi khi cảm
thấy như ở trong một sa mạc, giữa những nguy hiểm và không có điểm tựa. Đức
Thánh Cha Bênêđictô XVI, nhân bài giảng thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin, đã nói
đến một « sự sa mạc hóa thiêng liêng » đã tiến triển trong
những thập niên vừa qua, nhưng ngài cũng đã khích lệ chúng ta khi khẳng định
rằng « chính từ kinh nghiệm về sa mạc này, về sự trống rỗng này, mà
chúng ta có thể khám phá một lần nữa niềm vui đức tin và tầm quan trọng trọng
yếu của nó đối với người kitô hữu chúng ta. Trong sa mạc, ta tái khám phá giá
trị của những gì là thiết yếu để sống »
(Bênêđictô XVI, Bài giảng
thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin, Rôma, 11.10.2012). Trong sa mạc, như người
phụ nữ Samaritanô, chúng ta đi đến tìm kiếm nước, từ một giếng nước để dự
trữ : phúc cho ai gặp được Chúa Kitô ở đó !
Chúng ta cám ơn Đức Thánh Cha vì hồng ân
Năm Đức Tin, một sự dẫn nhập quý giá vào lộ trình của việc Tân Phúc Âm Hóa.
Chúng ta cũng cám ơn ngài đã liên kết Năm Đức Tin này với việc kỷ niệm năm mươi
năm khai mạc Công đồng Vatican II, mà giáo huấn căn bản của nó cho thời đại
chúng ta đang chiếu sáng trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, được tái đề
nghị 20 năm sau ngày công bố nó như là điểm quy chiếu chắc chắn cho đức tin. Đó
là những kỷ niệm quan trọng cho phép chúng ta tái khẳng định sự gắn bó vững
chắc của chúng ta với giáo huấn của Công đồng Vatican II và sự cam kết của
chúng ta tiếp tục vận dụng nó cách trọn vẹn.
12. Chiêm ngắm mầu nhiệm và sự gần gũi với người
nghèo
Trong
viễn ảnh này, chúng tôi muốn chỉ ra cho tất cả các tín hữu hai lối diễn đạt của
đời sống đức tin mà chúng tôi nghĩ vẫn còn đặc biệt thích đáng để làm chứng cho
nó trong việc Tân Phúc Âm Hóa.
Biểu lộ đầu tiên được làm nên bởi ân huệ và
bởi kinh nghiệm về sự chiêm niệm. Chỉ với cái nhìn thờ lạy về mầu nhiệm của
Thiên Chúa, Cha, Con và Thánh Thần, chỉ từ sự thinh lặng sâu xa như trong cung
lòng đón nhận Lời cứu độ duy nhất, mà có thể vọt lên một chứng tá khả tín
đối với thế giới. Chỉ sự thinh lặng cầu nguyện này mới có thể ngăn không cho sứ
điệp cứu độ bị mất đi trong nhiều tiếng ồn ào của thế giới.
Một sứ điệp biết ơn một lần nữa đến trên
miệng lưỡi chúng tôi dành cho tất cả những người nam và người nữ hiến dâng đời
mình cho việc cầu nguyện và chiêm niệm trong các đan viện và các nơi ẩn tu.
Nhưng chúng ta cần rằng những thời gian chiêm niệm được lồng vào trong đời
thường của con người : những nơi trong tâm hồn, nhưng cả những nơi địa lý,
nhắc nhớ kỷ niệm về Thiên Chúa, những đền thờ nội tâm nhưng cũng những đền thờ
bằng đá là những nơi gặp gỡ cần thiết cho dòng chảy những kinh nghiệm này mà, nếu
không, (chúng ta) có nguy cơ đánh mất chính mình. Những không gian trong đó tất
cả mọi người đều có thể cảm thấy mình được đón tiếp, ngay cả những người vẫn
còn chưa biết rõ những gì họ đang tìm kiếm và người họ đang tìm kiếm.
Biểu lộ kia về tính đích thực của việc Tân
Phúc Âm Hóa có khuôn mặt của người nghèo. Đặt mình bên cạnh người bị tổn thương
bởi cuộc sống không chỉ là một thực hành xã hội tính, nhưng trước tiên là một
sự kiện thiêng liêng. Vì trong khuôn mặt của người nghèo rạng chiếu chính khuôn
mặt của Chúa Kitô : « Tất
cả những gì các ngươi đã làm cho
một trong những anh em bé nhỏ của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta » (Mt 25, 40).
Một vị trí ưu tiên được nhìn nhận cho người
nghèo trong các cộng đoàn của chúng ta, một vị trí mà không loại trừ ai, nhưng
muốn là một phản ảnh về cách thức mà Chúa Giêsu đã liên kết với họ. Sự hiện
diện của họ trong các cộng đoàn của chúng ta là sức mạnh huyền nhiệm : nó
biến đổi người ta hơn một diễn văn, nó giảng dạy lòng trung tín, nó giúp hiểu
tính mỏng giòn của cuộc sống, nói kêu gọi cầu nguyện, và, nói tóm lại, dẫn đến
Chúa Kitô.
Cử chỉ của đức ái đòi hỏi được đi kèm bởi
nỗ lực vì công bằng. Đó là một lời mời gọi nói với mọi người, nghèo và
giàu ; từ đó sự cần thiết lồng học thuyết xã hội của Giáo Hội vào hành
trình của việc Tân Phúc Âm Hóa và mối ưu tư đào tạo các kitô hữu mà ra sức cho
sự hài hòa của các mối tương quan con người trong đời sống xã hội và chính trị.
13. Một sứ điệp gởi cho
các Giáo Hội của những vùng đất khác nhau trên thế giới
Cái
nhìn của các Giám mục đang nhóm họp Thượng Hội Đồng ôm lấy tất cả các cộng đoàn
Giáo Hội trên khắp thế giới, một cái nhìn muốn hiệp nhất, bởi vì lời mời gọi
gặp gỡ Chúa Giêsu là độc nhất, nhưng còn là một cái nhìn không quên đi tính đa
dạng.
Một sự quý mến đặc biệt, đầy tình trìu mến
huynh đệ và biết ơn, được các Giám mục nhóm họp Thượng Hội Đồng dành cho các
anh chị em kitô hữu của các Giáo Hội Đông Phương Công Giáo, những Giáo Hội mà
kế thừa việc loan truyền Tin Mừng đầu tiên, kinh nghiệm được gìn giữ cách yêu
thương và trung tín, và là những Giáo Hội đang hiện diện ở Đông Âu. Ngày nay,
một lần nữa, Tin Mừng được đề nghị cho anh chị em như là cuộc Tân Phúc Âm Hóa
qua đời sống phụng vụ, giáo lý, kinh nguyện gia đình hằng ngày, ăn chay, sự
liên đới giữa các gia đình, sự tham dự của các giáo dân vào đời sống của các
cộng đoàn và vào việc đối thoại với thế giới. Thường bị đặt vào thử thách và
gian truân, các Giáo Hội của anh chị em được mời gọi làm chứng cho việc tham dự
vào Thập giá của Chúa Kitô. Một số tín hữu bị buộc phải di cư. Dù hoàn toàn duy
trì cách sống động việc thuộc về cộng đoàn nguyên thủy của mình, nhưng họ có
thể mang lại sự đóng góp của họ vào trách nhiệm mục vụ và vào công trình Phúc
Âm hóa nơi những nước đã đón tiếp họ. Xin Chúa tiếp tục chúc lành cho sự
trung thành của anh chị em, và ước gì được khai thông trong tương lai của anh
chị em những chân trời tuyên xưng đức tin thanh thản và thực hành đức tin trong
một bầu khí bình an và tự do tôn giáo.
Chúng tôi nhìn đến anh chị em những kitô
hữu nam nữ, đang sống trong các nước Châu Phi, chúng tôi muốn trước tiên bày tỏ
lòng biết ơn của chúng tôi đối với anh chị em vì chứng tá mà anh em đã làm cho
Tin Mừng, thường trong những hoàn cảnh sống khó khăn về mặt nhân loại. Chúng
tôi khích lệ anh chị em mang lại đà nhiệt huyết cho việc Phúc Âm hóa được lãnh
nhận trong thời gian vẫn còn gần đây, xây dựng anh chị em như là Giáo Hội
« gia-đình-của-Thiên-Chúa », củng cố căn tính của gia đình,
nâng đỡ sự dấn thân của các linh mục và của các giáo lý viên, đặc biệt nơi các
cộng đoàn kitô hữu bé nhỏ. Thêm vào đó là sự cần thiết cấp bách phát triển sự
gặp gỡ của Tin Mừng với các nền văn hóa xưa và nay. Một sự mong đợi và một
tiếng gọi mạnh mẽ cũng được gởi đến giới chính trị và đến các nhà cầm quyền của
các nước Châu Phi khác nhau, để, nhờ sự cộng tác của mọi người thiện chí, các quyền
căn bản của con người được thăng tiến và châu lục được giải thoát khỏi bạo lực
và những xung đột vẫn đang còn làm cho nó đau khổ.
Các Giám mục của Thượng Hội Đồng mời gọi
các kitô hữu của Bắc Mỹ hân hoan đón nhận lời mời gọi Tân Phúc Âm Hóa, đồng
thời các ngài ngắm nhìn cách biết ơn làm thế nào, trong lịch sử vẫn còn gần đây
của họ, các cộng đoàn kitô hữu của anh chị em đã mang lại những hoa trái quảng
đại của đức tin, đức ái và truyền giáo. Bây giờ, điều quan trọng là nhận ra
rằng nhiều lối diễn tả của nền văn hóa xung quanh nơi các nước của châu lục của
anh chị em ngày nay đang xa rời Tin Mừng. Do đó, một lời mời gọi hoán cải là
cần thiết, từ đó nảy sinh một sự dấn thân mà không đặt anh chị em bên ngoài các
nền văn hóa của anh chị em nhưng giữa chúng, để mang lại cho mọi người ánh sáng
của đức tin và sức mạnh của cuộc sống. Vào giây phút anh chị em đón nhận nơi
các mảnh đất quảng đại của anh chị em những dân nhập cư và lánh nạn mới, anh
chị em cũng hãy sẵn sàng mở cửa nhà mình cho đức tin. Trong sự trung tín với
những cam kết được thực hiện vào dịp Thượng Hội Đồng về Châu Mỹ, anh chị em hãy
liên đới với Châu Mỹ Latinh trong việc Phúc Âm hóa thường xuyên châu lục của
mình.
Trong cùng một tâm tình biết ơn, Thượng Hội
Đồng hướng đến các Giáo Hội của Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê. Thật đặc biệt
ngạc nhiên khi thấy làm thế nào trong suốt các thế kỷ đã được phát triển nơi
các nước của anh chị em những hình thức đạo đức bình dân, vẫn còn bén rễ nơi
nhiều tâm hồn, các hình thức phục vụ bác ái và đối thoại với nền văn hóa. Ngày
nay, đối diện với nhiều thách đố hiện nay, trước tiên là sự nghèo khổ và bạo lực,
Giáo Hội ở Châu Mỹ Latinh và tại vùng Caribê được mời gọi sống trong một tình
trạng truyền giáo thường xuyên bằng việc loan báo Tin Mừng với hy vọng và niềm
vui, bằng việc hình thành nên những cộng đoàn các môn đệ truyền giáo đích thực
của Chúa Giêsu-Kitô, bằng việc cho thấy trong sự dấn thân của con cái mình làm
thế nào Tin Mừng có thể là nguồn mạch của một xã hội công bằng và huynh đệ mới.
Sự đa nguyên tôn giáo cũng chất vấn các Giáo Hội của anh chị em và đòi hỏi một
cuộc loan báo Tin Mừng mới mẻ.
Cũng gởi đến anh chị em kitô hữu Châu Á,
chúng tôi muốn mang lại một sứ điệp khích lệ và cổ vũ. Anh chị em là một thiểu
số bé nhỏ trong châu lục có đến hầu như hai phần ba dân số của thế giới. Sự
hiện diện của anh chị em là một hạt giống phong nhiêu, được phó thác cho
sức mạnh của Chúa Thánh Thần, hạt giống mà lớn lên trong sự đối thoại với các
nền văn hóa khác nhau, với các tôn giáo cổ xưa, với vô số người nghèo. Cho dầu
nó thường bị gạt sang bên lề xã hội, và ngay cả bị bách hại ở một số nơi,
Giáo Hội Châu Á, với đức tin kiên cường của mình, là một sự hiện diện quý báu
của Tin Mừng của Chúa Kitô, Đấng loan báo sự công bằng, sự sống và sự hài hòa.
Hỡi các kitô hữu Châu Á, ước gì anh chị em cảm nhận được sự gần gũi huynh đệ
của các kitô hữu của các nước khác trên thế giới, những nước không thể quên
rằng Chúa Giêsu đã sinh ra, đã sống, đã chết và đã phục sinh trên châu lục này,
nơi Đất Thánh !
Một sứ điệp biết ơn và hy vọng của các Giám
mục được gởi đến cho các Giáo Hội của Châu Âu, ngày nay được đánh dấu phần nào
bởi sự tục hóa, đôi khi, gây hấn, và một phần vẫn còn bị tổn thương bởi những
thập niên dài của các quyền lực của các ý thức hệ thù nghịch với Thiên Chúa và
con người. Sự biết ơn hướng đến quá khứ nhưng cũng hướng đến hiện tại, trong đó
Tin Mừng đã tạo nên ở Châu Âu những ý thức và những kinh nghiệm đức tin rất rõ
nét và quyết định đối với việc Phúc Âm hóa toàn thế giới, thường tràn đầy sự
thánh thiện : sự phong phú tư tưởng thần học, sự đa dạng của các lối diễn
tả đặc sủng, nhiều hình thức phục vụ bác ái đối với người nghèo, những kinh
nghiệm chiêm niệm sâu xa, sự hình thành một nền văn hóa nhân bản thuyết đã đóng
góp vào việc mang lại một khuôn mặt cho phẩm giá của nhân vị và cho việc xây
dựng công ích. Anh chị em kitô hữu Châu Âu thân mến, ước gì những khó khăn của
hiện tại không quật ngã anh chị em : đúng hơn chúng cần được nhận thấy như
là một thách đố phải vượt qua và là một cơ hội cho việc loan báo Chúa Kitô và
Tin Mừng sự sống của Ngài cách vui tươi và sống động hơn.
Sau cùng, các Giám mục của Thượng Hội Đồng
kính chào các dân tộc Châu Đại Dương, đang sống dưới sự bảo vệ của Thập Giá
Phương Nam, và các ngài cám ơn họ vì chứng tá cho Tin Mừng Chúa Giêsu của họ.
Lời cầu nguyện của chúng tôi dành cho anh chị em là rằng, như người phụ nữ
Samaritanô bên giếng nước, ước gì anh chị em cũng cảm thấy mãnh liệt cơn khát
của một sự sống mới và anh chị em có thể lắng nghe lời Chúa Giêsu nói
rằng : « Nếu chị đã biết ân huệ của Thiên Chúa ! » (Ga
4, 1-10). Anh chị em hãy lãnh nhận lời mời gọi dấn thân hơn nữa rao giảng Tin
Mừng và làm cho Chúa Giêsu được nhận biết trong thế giới hôm nay. Chúng tôi
khích lệ anh chị em gặp gỡ Ngài trong đời thường của anh chị em, lắng nghe Ngài
và khám phá, qua việc cầu nguyện và suy niệm, ân sủng có thể nói : « Chúng
tôi biết rằng người nay thực sự là Đấng cứu độ trần gian » (Ga 4, 42).
14. Ngôi sao Đức Maria chiếu sáng sa mạc
Đến
hồi kết thúc kinh nghiệm về sự hiệp thông tốt đẹp này giữa các Giám mục trên
thế giới và về sự cộng tác với thừa tác vụ của đấng kế vị thánh Phêrô, chúng
tôi muốn làm vang vọng lên cho chúng ta, trong tất cả tính thời sự của nó, lệnh
truyền của Chúa Giêsu cho các tông đồ của Ngài : « Anh em hãy đi
và làm cho muôn dân trở thành môn đệ […]Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho
đến tận thế » (Mt 28, 19-20).
Lần này, sứ mạng không chỉ liên quan đến việc mở rộng địa lý, nhưng tìm cách
liên kết với những nơi sâu kín nhất của tâm hồn của con người thời đại chúng
ta, để đưa họ đến gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng Hằng Sống đang hiện diện trong các
cộng đoàn của chúng ta.
Sự hiện diện này đổ đầy tâm hồn chúng ta
bằng niềm vui. Đầy lòng biết ơn đối với những ân huệ nhận được từ Ngài trong
những ngày này, chúng tôi dâng lên bài ca ngợi khen : « Linh hồn
tôi ngợi khen Chúa […] Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều kỳ diệu »
(Lc 1, 46.49). Những lời của Đức Maria cũng là những lời của chúng ta : Chúa
đã thực sự làm những điều kỳ diệu trong suốt dòng thời gian cho Giáo Hội của
Ngài nơi những phần khác nhau trên thế giới và chúng ta tán dương Ngài, xác tín
rằng Ngài sẽ không quên chăm lo cho sự nghèo hèn của chúng ta để biểu lộ ở đó,
cả ngày nay nữa, sức mạnh của cánh tay Ngài và nâng đỡ chúng ta trên con đường
Tân Phúc Âm Hóa.
Hình ảnh Đức Maria định hướng chúng ta trên
con đường này. Đối với chúng ta, con đường này xem ra, như đức Bênêđictô XVI đã
nói, là một hành trình xuyên qua sa mạc, và chúng ta biết rằng cần phải trải
qua con đường đó và mang theo chúng ta điều chính yếu : ơn Chúa Thánh
Thần, sự đồng hành của Chúa Giêsu, chân lý của lời Ngài, Thánh Thể nuôi dưỡng
chúng ta, tình huynh đệ hiệp thông Giáo Hội, nhiệt huyết đức ái. Chính nước
giếng làm cho sa mạc nở hoa. Và, như trong đêm tối sa mạc, các ngôi sao trở nên
chiếu sáng hơn, cũng thế ở trên trời ánh sáng của Đức Maria, Ngôi Sao của việc
Tân Phúc Âm Hóa, Đấng mà chúng ta tin tưởng phó thác, đang mạnh mẽ chiếu sáng
trên con đường này.
——
Tý
Linh chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp, có tham khảo bản tiếng Anh