ÔNG PHẢI ĐẶT TÊN
CHO CON TRẺ LÀ GIÊSU
CHO CON TRẺ LÀ GIÊSU
Cái tên của Đấng Cứu thế, Emmanuen -
Thiên Chúa ở với con người - là một lời ngỏ hết sức lịch sự của
tình yêu Chúa. Và cũng là một câu hỏi cần lời đáp trả từ đáy sâu tâm hồn
tôi.
Một chiếc tàu đang lênh đênh giữa biển thì gặp
một cơn bão lớn. Chiếc tàu lắc lư chao đảo giữa những cơn gió xoáy.
Mọi hành khách đang nhốn nháo sợ hãi thì viên
thuyền trưởng xuất hiện, vẻ mặt điềm tĩnh. Một người đàn bà hỏi viên thuyền trưởng,
không kìm được lo lắng:
- Tình
hình xấu lắm phải không thuyền trưởng?
- Lo
mà chi, chúng ta ở trong tay Chúa mà, viên
thuyền trưởng bình tĩnh trả lời.
- Thế
thì nguy thật rồi!, nghe viên thuyền trưởng
trả lời như thế, người đàn bà thốt lên cách hoảng sợ.
Thiên Chúa yêu thương con người và lúc nào cũng
muốn họ được hạnh phúc. Nhưng sự hiện diện của Chúa chỉ thực sự là Tin Mừng, là
ơn cứu độ cho ai kiếm tìm Ngài: “Người ấy
sẽ được Chúa ban phúc lành, được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng. Đây
chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người, tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà
Gia-cóp” (Tv 24,5-6).
Rất mực yêu thương và tôn trọng con người, ý định
cứu độ được Chúa loan báo như một lời ngỏ đầy tình yêu thương: với vua Akhát,
tiên tri Isaia đã nói lời Chúa cho nhà vua: “Ngươi
cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ
hoặc trên chốn cao xanh” (Is 7,11); với Đức Maria, sứ thần của Chúa đã nói:
“này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con
trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,31); với thánh Giuse, sứ thần Chúa cũng
cho biết ý Chúa: “Bà sẽ sinh con trai và
ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1,21).
Với người Do thái, tên tức là người và việc đặt
tên nói lên quyền làm chủ. Chúa ban cho Ađam làm chủ vạn vật khi bảo ông đặt
tên: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn
ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng
là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế” (St
2,19). Nhưng tại sao Mẹ Maria và thánh Giuse lại được sứ thần Chúa sai đặt tên
cho Đấng Cứu thế - Thiên Chúa nhập thể, một việc mà ngay cả các Tổng lãnh thiên
thần cũng không xứng đáng?
Việc Đấng Cứu thế được đặt tên bởi con người
cho thấy ơn cứu độ cũng là một lời ngỏ chịu tùy thuộc vào sự đáp trả tự do của
mỗi người, và cần đến sự cộng tác của con người; nhưng tên hài nhi là Giêsu
(Giavê cứu thoát) cho thấy tương lai của con người lại ở nơi tay Chúa mà sự cộng
tác tốt nhất là tự xoá mình đi mà tuân hành ý Chúa.
Sự cộng tác đó được làm nổi bật lên trong cách
hành xử của Giuse - người công chính - khi được sứ thần truyền tin: Dù đã biết
Maria mang thai, và đã ‘định tâm bỏ bà
cách kín đáo’ nhưng khi sứ thần đến dạy cho ông biết ý Chúa, Giuse liền ‘làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà’.
Giữa cuộc sống nhiều trăn trở, băn khoăn, có
lúc thật gay go, như Giuse không biết phải làm gì khi Maria mang thai. Đâu là ý
muốn của Thiên Chúa mới là vấn đề phải giải quyết cho nhân loại, nhưng Chúa
không ở xa, mà luôn ở bên cạnh người ta, chẳng có gì trong cuộc sống nhân loại
mà lại xa lạ với Thiên Chúa - Đấng ở với con người, trở nên tùy thuộc vào nhân
loại để trong mọi lúc là sự khôn ngoan cho nhân loại, sự khôn ngoan đem lại niềm
vui ơn cứu độ.
Niềm vui ơn cứu độ đến với người công chính,
người xoá mình đi trước thánh ý Chúa, như trong quyết định của thánh Giuse. Đó
là sự vâng phục của đức tin mà thánh Phaolô thấy là cần thiết cho mọi tín hữu để
thuộc về Đức Kitô: “Nhờ Người, chúng tôi
đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục
Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ. Trong số đó, có cả anh em, là những người
đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giêsu Kitô” (Rm 1,5-6).
Một hôm, ban giáo sư ở một trường dòng muốn trắc
nghiệm các thiếu niên đang chơi ngoài sân nên mới ra cho họ một câu hỏi:
- Em sẽ
làm gì nếu được cho biết là sẽ chết trong một giờ nữa?
Có nhiều câu trả lời khác nhau. Có em thì vào
nhà thờ cầu nguyện, có em đi xưng tội, em khác lại muốn gặp cha mẹ và thân nhân
lần cuối. Nhưng câu trả lời của Aloysiô Gonzaga làm mọi người phải ngạc nhiên:
- Nếu
biết em sắp chết, em vẫn tiếp tục chơi.
- Tại
sao trước giờ phút nghiêm trọng đó mà em dám tiếp tục chơi?
- Vì
Chúa dạy phải luôn sẵn sàng, nên em đã sẵn sàng luôn, mà bổn phận hiện nay của
em là chơi nên em cứ tiếp tục chơi.
Biết là thế, nhưng cũng không dễ mà cộng tác với
ơn cứu độ, mà thưa ‘Lạy Chúa, Chúa muốn
con làm gì?’ như ĐHY. Nguyễn văn Thuận chia sẻ cái thói thường người ta
dùng để đáp lại tình yêu Chúa: “Con dâng
cho Chúa một quả tim, trong đó có đủ mọi thụ tạo chen nhau chiếm chỗ, rồi con bảo
Chúa nhận và giữ lấy quả tim ấy sao?”
Cái tên của Đấng Cứu thế, Emmanuen - Thiên Chúa
ở với con người - là một lời ngỏ hết sức lịch sự của tình yêu Chúa.
Và cũng là một câu hỏi cần lời đáp trả từ đáy sâu tâm hồn tôi.
Vâng, Chúa xuống thế làm người, chịu tùy thuộc
vào lời đáp trả của tôi, để cho tôi hạnh phúc,
… nhưng đâu là chỗ của Chúa trong cuộc sống
tôi?
Lm. HK