Lễ đêm GS _ bình an dưới thế cho loài người Chúa thương


BÌNH AN DƯỚI THẾ
Cho Loài Người Chúa Thương
Người đón nhận Tin Mừng của Đức Kitô phải thay đổi cách sống, mới có thể nhận được bình an cùng muôn ân phúc Thiên Chúa ban tặng. Và những ai đã nhận ơn bình an vào tâm hồn, họ cũng dễ nhận ra Lời đem lại sự sống và được hưởng ân sủng của Đấng là nguồn bình an.
Lm. Mt
Tất cả mọi người đều mong ước sự bình an, chẳng thế mà một trong những lời chúng ta thường nói với nhau: chúc anh (chị) được bình an. Với những người tin vào Thiên Chúa, Đức Giêsu chính là Bình An từ trời cao đã được ban cho nhân loại. Lời thiên sứ hợp tiếng ngợi khen trong ngày Con Thiên Chúa giáng trần cũng là lời reo vui của những ai khao khát ơn an bình đích thực: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14)
Như trời cao hơn đất, ơn bình an Thiên Chúa ban vượt xa những lời chúng ta cầu chúc cho nhau trong đời sống thường ngày. Vì bình an người đời cầu chúc cho nhau chỉ là những lời nói suông, không có khả năng đem lại sự bình an trong tâm hồn và nơi cuộc đời của người đón nhận. Đang khi Đức Giêsu đem đến cho nhân loại ơn bình an đích thực, bởi Người là suối nguồn của sự bình an.
Thât vậy, nhờ Đức Giêsu, trời đất được giao hòa, tội nhân được ơn hoán cải để trở thành thánh nhân. Người đã phá đổ bức tường hận thù để mọi người và các dân tộc được nên anh em của nhau. Bình an Đức Giêsu đem đến trần gian trải rộng qua dòng thời gian và chạm đến tận cõi lòng của những ai khao khát kiếm tìm, đem lại niềm vui trong tâm hồn cho những người đón nhận với tấm lòng chân thành, giúp thay đổi cuộc đời và tạo nên sự thiện hảo trong các mối tương quan.
Đức Giêsu đã ban bình an cho các tông đồ và những ai tin vào Người: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng.” (Ga 14, 27) Nhận ơn bình an từ nơi Thầy Giêsu, các tông đồ có bổn phận mang đến cho người khác. Chính Đức Giêsu khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng đã căn dặn các ông: “Vào bất cứ nhà nào trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này.” (Lc 10, 5) Như thế, loan báo Tin Mừng cũng là đem bình an của Đức Kitô đến cho ai đang khao khát.
Người đón nhận Tin Mừng của Đức Kitô phải thay đổi cách sống, mới có thể nhận được bình an cùng muôn ân phúc Thiên Chúa ban tặng. Và những ai đã nhận ơn bình an vào tâm hồn, họ cũng dễ nhận ra Lời đem lại sự sống và được hưởng ân sủng của Đấng là nguồn bình an.
Đức Giêsu đã đem bình an đến cho trần gian và Hội Thánh tiếp nối công trình của Người suốt hai ngàn năm qua. Nhưng lịch sử thế giới cho thấy, thời nào cũng có rất nhiều người là nạn nhân của chiến tranh, khủng bố, ghen ghét, hận thù; biết bao người còn phải sống trong sợ hãi, lo âu, buồn phiền và thất vọng. Sở dĩ có tình trạng này là do “loài người được Chúa thương” chưa thực sự gặp được Đấng mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo: “Người là Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàng, Người Cha Muôn Thưở, Ông Vua Thái Bình.” (Is 9, 5) Vì không nhận ra Đức Giêsu là Bình An từ trời ban cho nhân loại, nên nhiều người chưa nhận ra tha nhân là anh em để cảm thông và phục vụ lẫn nhau trong tình yêu thương.
Đức Kitô đã ban bình an cho nhân loại, nhưng vì yêu thương nên Người để chúng ta hoàn toàn tự do đón nhận hay chối từ. Vậy để hưởng bình an là quà tặng vô giá Chúa ban, chúng ta cần tìm gặp Người, như mục đồng tìm đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu, hay như hai môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu, sau khi được thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu, họ đã đến và ở lại với Người ngày hôm ấy.
Muốn thế giới được hòa bình và mọi người đón nhận ân sủng của Hoàng Tử Bình An, mỗi người cần loại khỏi cõi lòng và cuộc sống những toan tính lọc lừa, những hành vi ám muội và đam mê mang nặng tính trần tục; đồng thời cố gắng sống tiết độ, ngay chính và đạo đức (Tt 2, 12). Đây là việc chúng ta phải cố gắng thực hiện trong từng giây phút của cuộc sống, vì như con thuyền bơi ngược dòng nước, nếu buông mái chèo, chiếc thuyền cuộc đời sẽ trôi ngược về phía sau.
Để được hưởng bình an Đức Giêsu mang đến, chúng ta còn phải nhận ra mọi người là anh em để yêu mến và giúp đỡ lẫn nhau. Trong Sứ Điệp Hòa Bình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết: “Tình huynh đệ là một phẩm chất thiết yếu của con người. Không có tình huynh đệ thì không thể xây dựng một xã hội công bình và một nền hòa bình bền vững và viên mãn.”
Đành rằng sự bình an phải được khởi đi từ tâm hồn mỗi người, nhưng cần được củng cố trong môi trường sống, nhất là nơi gia đình mỗi người. Sứ điệp được nói đến ở trên còn viết: “Chúng ta nên nhớ rằng tình huynh đệ cách chung được học biết tại gia đình, trên hết là nhờ vào vai trò trách nhiệm và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên, đặc biệt là người cha và người mẹ.”
Muốn có ơn bình an, cần sống tình bác ái qua những việc làm cụ thể. Chẳng những thế, chúng ta còn phải loại khỏi lòng mình những ý nghĩ: ganh tị, ghen ghét, hận thù, bởi tự bản chất, những ý nghĩ ấy đã tạo nên sự bất an trong tâm hồn, làm chúng ta xa Chúa và tự làm cho mình trở thành thù địch của anh em.
Có người kể lại điều đã trải nghiệm: Do hiểu lầm, ông giận cha xứ và thề không thèm nhìn mặt vị linh mục ấy, vì vậy, ông cũng không tham dự các buổi phụng vụ cùng với cộng đoàn. Trong nhiều năm lòng ông luôn bất an, vì mỗi lần nghĩ lại chuyện cũ, lòng sôi lên sự giận dữ. Việc không tham dự thánh lễ những năm tháng dài càng làm ông giận và buồn hơn. Nhờ lời khuyên của nhiều người và sau những trằn trọc suy nghĩ, ông quyết định đi xưng tội với chính vị linh mục mà ông cho rằng ngài đã làm tổn thương ông. Sau khi lãnh nhận bí tích hòa giải lòng ông được nhẹ nhàng, thanh thản và bình an như vừa có một bàn tay vô hình cất khỏi lòng trí ông một tảng đá nặng cả ngàn cân.
Nếu không thật lòng tha thứ cho tha nhân chúng ta không thể đón nhận ơn bình an của Chúa. Trong thánh lễ, vị chủ tế chào chúc cộng đoàn: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em.” Và ngài cũng mời cộng đoàn chúc bình an cho nhau. Những lời chào chúc ấy chỉ đến được với chúng ta khi mỗi người biết làm hòa với Chúa và tha nhân.
Nước ao sẽ sạch và tốt hơn, nếu được thông với những dòng suối. Cũng vậy, đón nhận ơn bình an của Chúa, chúng ta cũng cần đem bình an của Người đến cho những ai chúng ta gặp gỡ. Một lời nói tử tế, những cử chỉ thân thiện, hay khi nỗ lực hòa giải hai người đang bất hòa sẽ làm cho ơn bình an chúng ta đón nhận thêm phong phú; đồng thời, góp phần làm cho những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày được sống trong tình yêu thương và bình an đích thực của Chúa.
Xin cho ơn bình an mà Đức Giêsu đem đến trong trần gian được mọi người đón nhận, để thế giới được sống trong hòa bình, hiệp nhất và yêu thương. Xin cho tất cá các Kitô hữu luôn nhớ và sống lời dạy: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”
Lm. Mt