Tìm Hiểu "Ngày Sinh"
của Chúa Giêsu Kitô
của Chúa Giêsu Kitô
Giáo hội bên Tây (Công giáo Rôma) từ
thời Đức Thánh Giáo hoàng Juliô I (năm 350) chọn vào ngày 25/12 để thay thế cho
ngày người ngoại giáo thời đó mừng thần Mithra, thần Ánh sáng, thần Mặt trời.
Chúa Kitô thực là Ánh sáng, là Mặt trời soi muôn dân trong tăm tối như thánh
Gioan đã viết: Ánh sáng đã chiếu soi trong đêm tối (Ga 1,5).
Tại Hoa Kỳ, cứ sau lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) nhiều
gia đình và nhà hàng bắt đầu trang hoàng trong nhà, cũng như trước cửa nhà để
chuẩn bị vào mùa Lễ Lớn: Đại Lễ Giáng Sinh và năm mới sắp tới. Một cách đơn giản
chúng ta thường hiểu Lễ Giáng Sinh là ngày lễ mừng "Sinh Nhật"
(Birthday) của Chúa Giêsu vào ngày 25 tháng 12 hàng năm.
Tuy nhiên, nghiên cứu lịch sử về ngày lễ nầy,
chúng ta thấy có những điều không hẳn đơn giản như vậy.
Theo Thánh
Kinh Cựu Ứơc
a/
Sau khi Tổ tông loài người là ông Adong và bà Eva sa ngã phạm tội, Thiên Chúa
đã hướng về một Đấng Cứu Thế đến để cứu
chuộc tội lỗi nhân loại (St 3,15).
b/
Thiên Chúa đã chọn một dân riêng là dân
Do-thái, và ĐCT đã sinh ra làm người từ dân này, danh hiệu của Ngài là
"Messiah. Nguyên ngữ trong tiếng Do Thái thì "Messiah" có nghĩa
là "Đấng được xức dầu". Theo thói tục của người Do Thái thì ai được
chọn làm "Vua", làm "Tiên Tri" (Prophet), làm thầy "Tư
Tế" đều được phong chức chính thức bằng việc xức dầu olive trên đầu.
Danh
từ "Messiah" chuyển dịch qua tiếng Hy Lạp là "Christos".
Danh từ "Christos" chuyển sang tiếng La-tinh là "Christus"
và sang tiếng Pháp, tiếng Anh là "Christ", Tiếng Việt Nam (theo các bản
dịch Thánh Kinh của Công Giáo, và các sách đạo đức) chuyển dịch là
"Kitô".
c/
Đấng Kitô đã Giáng Sinh tại làng Bethlehem, miền Nam nước Palestin (tên gọi nước
Israel thời đó), và khi Ngài sinh ra thì được đặt tên là "Giêsu"
(Jesus) theo như lời sứ thần truyền tin cho Maria, mẹ Ngài, đã báo trước (Phúc
Âm Luca 1:31 và 2:21). Danh từ "Giêsu" theo nguyên ngữ Do Thái có
nghĩa là "Đấng Thiên Chúa Cứu Độ", sau đó hiểu là "Đấng Cứu Độ"
(Savior). Vì Chúa "Giêsu" chính là "Đấng Kitô" Thiên Chúa
đã hứa, nên tên Ngài thường được gọi là "Giêsu Kitô". Thánh Phaolô
trong các thơ gửi các giáo đoàn thường dùng danh hiệu "Giêsu Kitô".
Theo
Kinh Thánh, Chúa Giêsu cũng được gọi là "Emmanuel" hay
"Immanuel" (PÂ Luca 1:23). Danh từ "Emmanuel" trong tiếng
Do Thái có nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta." Danh hiệu
"Emmanuel" được Tiên Tri Isaia (740-687BC) nói đến (Sách Isaia 7:14).
Chúa Giêsu
sinh ra năm nào?
Năm Thiên Chúa Giáng Sinh làm người được kể là
năm thứ nhất theo lịch chung chúng ta dùng hiện nay; như thế sinh nhật của Ngài
đã chia đôi lịch sử nhân loại. Theo lịch sử Thánh Kinh thì từ "tạo thiên lập
địa" đến năm Chúa Giáng Sinh được gọi là "Thời Kỳ Cựu Ước" và từ
năm Chúa Giáng Sinh trở về sau được gọi là "Thời Kỳ Tân Ước". Theo lịch
chung chúng ta dùng hiện nay thì trước thời Chúa giáng sinh gọi là trước
"Công Nguyên", thường ký hiệu là B.C."Before the birth of
Christ" và từ năm Chúa giáng sinh cho đến ngày "tận thế" thì gọi
là sau "Công Nguyên" thường ký hiệu là A.D. "Anno Domini"
Theo năm của Thiên Chúa’’.
Như vậy ngày 25 tháng 12 năm 2010 này chúng ta
mừng sinh nhật thứ 2010 của Chúa Giêsu Kitô.
Tuy nhiên vì các nhà làm lịch lúc đầu tính lầm,
nên năm Chúa Giêsu giáng sinh phải cộng thêm 6.
Lý do của việc "tính lầm" nầy là vì
vào thời xưa người ta chưa có lịch chung như ngày nay, nên thường tính năm theo
triều đại của các vua như "Đời Vua Hùng Vương thứ 16, 18..." chẳng hạn…Các
thánh sử khi viết sách "Phúc Âm" (Tin Mừng) cũng dùng niên hiệu các
vua cùng với những biến cố lịch sử nào đó. Thí dụ: Thánh Matthêu viết:
"Khi Chúa Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđêa, thời vua Hêrôđê cai trị...
(Matthêu 2:1 ). Thánh Luca viết: "Vào thời Hoàng Đế Augustô ra chiếu chỉ
Kiểm Tra dân số... Khi Giuse và Maria đang ở Bêlem, thì Maria đến ngày sinh
con..." (Luca 2:1...)
Khi Chúa Giáng Sinh thì nước "Do
Thái" (bấy giờ tên là Palestina) đang dưới quyền "đô hộ" của Đế
Quốc Rôma.
Người chủ
trương lấy năm Chúa Giêsu sinh ra là năm I để bắt đầu Công Nguyên là ông
Diônisiô (sinh khoảng năm 556) đã căn cứ vào năm xây dựng thành Rôma và tính là
Chúa giáng sinh vào cuối năm 753 (sau khi xây thành Rôma) là năm Chúa giáng
sinh, tức là năm I của Công Nguyên (AD). Nhưng sau này các sử gia và các học giả
kinh thánh và lịch sử Đế Quốc Rôma nghiên cứu lại các thời đại Hoàng Đế Augustô
và vua Hêrôđê Cả mới thấy là Chúa Giêsu phải sinh ra sớm hơn khoảng năm 746 sau
khi thành lập thành Rôma, và vì thế năm
sinh của Chúa phải cộng thêm 6.
Chúa Giêsu
sinh ra ngày nào?
Đọc tiểu sử của các vĩ nhân trên thế giới thời
xưa, chúng ta thường không thấy nói đến ngày sinh; chẳng hạn Socrate (khoảng
470-399 BC) hay Platon (khoảng 428-348 BC) v.v... Ngay các cụ trọng tuổi của
người Việt Nam chúng ta bây giờ, nhiều vị cũng không nhớ "ngày sinh"
của mình; nhiều cụ chỉ nhớ là tuổi "Mùi" hay tuổi "Thìn".
Ngay cả ngày tháng năm sinh của các cụ trên giấy khai sinh cũng không đúng hẳn...
Ngày sinh của Chúa Giêsu cũng không được ghi lại
đầy đủ trong các sách Phúc Âm (Chúa Giêsu cũng không có giấy khai sinh hay sổ bộ
khai sinh...)
Sao lại mừng ngày Chúa Giêsu ra đời vào 25
tháng 12 hằng năm?
Không ai biết rõ ngày sinh của Chúa Kitô.
Trong ba thế kỷ đầu, các Kitô hữu chỉ họp nhau
để kỷ niệm việc Chúa Giêsu đã chịu đau khổ, đã chịu chết và đã sống lại.
Giáo hội bên Đông ngày trước kính lễ Chúa Giáng
sinh vào 6 tháng 1 dương lịch. Giáo hội bên Tây (Công giáo Rôma) từ thời Đức
Thánh Giáo hoàng Juliô I (năm 350) chọn vào ngày 25/12 để thay thế cho ngày người
ngoại giáo thời đó mừng thần Mithra, thần Ánh sáng, thần Mặt trời. Chúa Kitô thực
là Ánh sáng, là Mặt trời soi muôn dân trong tăm tối như thánh Gioan đã viết:
Ánh sáng đã chiếu soi trong đêm tối (Ga 1,5).
Vì ngày mừng lễ Giáng Sinh vào 25 tháng 12 hàng
năm không xác thực theo lịch sử nên có ý kiến chống đối; đặc biệt vào thế kỷ 17
tại Anh Quốc, những người "Thanh Giáo" (Puritans) đã nỗ lực để yêu cầu
xóa bỏ việc mừng lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu; nhưng mọi nỗ lực đều thất bại,
và việc mừng Chúa Giáng Sinh vào 25 tháng 12 hàng năm vẫn tiếp tục ở Anh Quốc
cũng như khắp nơi trên thế giới.
Ngày nay lễ Giáng Sinh (Noel, Christmas) lan rộng
đi khắp nơi trên thế giới, kể cả những nước theo Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo,
Cộng sản…Tiếc rằng, người ta đã "thương mại hóa" dịp lễ này mà làm giảm
đi ý nghĩa thiêng liêng cao cả. Tuy nhiên điều "lạm dụng" đó cũng
không thể làm giảm đi tinh thần mừng lễ đích thực trong lòng những người thành
tâm thiện chí, họ sẽ huởng ơn phúc như lời các Thiên Thần hát mừng trong đêm
Chúa Giáng Sinh:
"Vinh Danh Thiên Chúa trên Trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm!"
Bình an dưới thế cho người thiện tâm!"
(Theo tìm hiểu của Lm. Anphong Trần Đức Phương)