Sống
Và Chết Vì Niềm Tin
Để thực sự là chứng nhân của Đức Kitô trong cuộc
sống hôm nay, chúng ta còn phải: chết cho sự hận thù, ích kỷ, gian
dối và các đam mê.
Ở đâu có các Kitô hữu, nơi đó có
Giáo Hội, và bất cứ nơi nào Hội Thánh hiện diện, nơi ấy cũng sẽ
có các chứng nhân của Chúa Kitô. Hai ngàn năm qua, có biết bao người
thuộc mọi châu lục, mọi quốc gia và tiếng nói khác nhau đã làm
chứng cho Tin Mừng bằng nhiều cách, nhưng hùng hồn và thuyết phục
nhất vẫn là: Chấp nhận bị ngược đãi và chịu chết vì danh Thiên
Chúa.
Trên mảnh đất Việt Nam thân yêu của
chúng ta cũng có hàng trăm ngàn người đã anh dũng hy sinh vì đức tin,
trong số các vị đó, Giáo Hội đã tuyên phong 117 vị lên bậc hiển
thánh và 1 vị chân phước.
Để kết tội các chứng nhân tử đạo, người ta thường nại
vào các lý do: chống đối chính quyền, bất tuân luật pháp, dạy những
điều ngược với luân thường đạo lý…
Chúa Giêsu đã bị tố cáo: xúi dân
chúng chống lại chính quyền Rôma, tuyên bố phá hủy đền thờ
Giêrusalem, truyền dạy những điều ngược với luật Maisen. Nhưng thực
tế, Người đã dạy các môn đệ và dân chúng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến bãi bỏ luật Maisen hoặc lời các
ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.”
(Mt 5, 17) Sống theo tinh thần của Thầy Giêsu, Thánh Carôlô Tân đã thẳng
thắn trả lời những người có quyền kết án ngài: “Chúng tôi chỉ chuyên lo giảng đạo, khuyên người ta ăn ngay ở
lành, dạy con cái thờ cha kính mẹ, kêu gọi dân chúng vâng phục vua
quan, tôi đâu có thể đi ngược lại giáo huấn của mình mà chống nhà
vua được.”
Các vị tử đạo có thể thoát khỏi
cực hình và cái chết nếu công khai chối bỏ niềm tin, hoặc chỉ cần
có một cử chỉ nhỏ thể hiện ý muốn bỏ đạo, nhưng các ngài thà
chết chứ không chối đạo hoặc làm những điều có thể gây ngộ nhận.
Trường hợp ông Êlêazarô được kể trong sách Macabê quyển thứ hai là một
điển hình. Ông bị bắt ăn thịt heo như dấu chỉ từ bỏ niềm tin, các
bạn thương ông nên đã tráo thứ thịt có thể dùng, nhưng ông đã không ăn
với ba lý do: gian dối như thế làm ố danh tuổi già của ông, việc làm
thiếu trung thực ấy gây ngộ nhận và nên gương xấu cho những người trẻ
tuổi, mọi hành động không thể che dấu được Thiên Chúa, vì vậy ông đã
khẳng khái trả lời: “Tôi tự ý và
anh dũng chết cho các lề luật đáng kính và thánh thiện của chúng
tôi.” (2 Mcb 6, 18.21.24-28) Có những trường hợp, nếu công khai chối
bỏ niềm tin, các ngài chẳng những được tha mà còn được ban bổng lộc
và có cơ hội tiến thân.
Thánh Tôma Trần Văn Thiện là chủng
sinh, bị bắt lúc chưa tròn 18 tuổi. Thấy chàng thanh niên có dáng vẻ
khôi ngô tuấn tú, hứa hẹn một tương lai xán lạn, vị quan đầu tỉnh
Quảng Trị tỏ lòng thương và nói với cậu:
-
Nếu con bỏ đạo, ta
sẽ gả con gái cho, và sẽ lo liệu cho con làm quan.
Nhưng ngài trả lời dứt khoát:
-
Tôi chỉ mong chức
quyền trên trời, chứ không màng chi danh vọng trần thế.
Thái độ can đảm của các vị tử
đạo thật đáng khâm phục, nhưng tại sao lại chấp nhận bị giết chết
mà không chọn con đường sống? Tại sao lại phải tự nguyện chịu đau
khổ mà không tìm cho mình một lối đi với những may mắn, thành đạt
và hạnh phúc?
Thông thường ai cũng chọn cho mình
điều tốt nhất, nhưng để đạt được phần tối ưu, nhiều lần chúng ta
phải chấp nhận gian nan và đau khổ. Đây là vài hình ảnh chúng ta
thường gặp: người mẹ tự nguyện kiêng cữ, chịu mệt nhọc lúc mang thai
và đau đớn khi sinh, vì muốn con bà sinh ra an lành mạnh khỏe; người
nông dân chịu đựng nắng mưa và biết bao nhọc nhằn trên ruộng đồng với
hy vọng một mùa bội thu.
Các thánh tử đạo đã chấp nhận lao
tù, xiềng xích và mất mạng sống vì tin vào lời Đức Giêsu dạy: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ
mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng
sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng
sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng
sống mình?” (Mt 16, 25-26) Tin và sống theo giáo huấn của Đức
Giêsu, nên dù phải tù đày và chịu nhiều gian nan vất vả vì Tin Mừng,
Thánh Phaolô luôn xác tín: “Một chút
gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh
quang vô tận, tuyệt vời.” (2Cr 4, 17)
Các chứng nhân tử đạo không phải
là người “mình đồng da sắt”, các ngài cũng là những người tham sống
sợ chết và khiếp hãi khi bị gông cùm xiềng xích, nhưng các ngài đã
thắng được sợ hãi và mọi cực hình nhờ ơn Chúa và niềm tin cậy: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em
đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên
Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. Thật vậy, không phải chính anh
em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” (10, 19-20)
Các vị anh hùng dân tộc sẵn sàng
bị tù tội và chịu chết vì lòng yêu mến quê hương. Những chứng nhân
tử đạo đã chết để trung thành với Thiên Chúa và vì niềm hy vọng
sống lại. Điều làm nên sự khác biệt giữa các thánh tử đạo và anh
hùng dân tộc là các vị tử đạo chết trong bình an và tín thác, chan
chứa niềm vui và hy vọng, không oán than và căm hận.
Mừng kính các thánh tử đạo Việt
Nam năm nay trùng vào dịp: kỷ niệm 25 năm Đức Chân Phước Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II tôn phong 117 vị trong số các ngài lên bậc Hiển Thánh,
Đức Tổng Giám Mục, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong
thư gởi mọi thành phần dân Chúa trong dịp này đã mời gọi: “đây là cơ hội giúp mọi thành phần Dân
Chúa củng cố đời sống đức Tin qua đức Ái và nhờ đức Cậy.”
Thắp sáng đức tin, khơi nguồn đức
mến và sống niềm cậy trông trong xã hội hôm nay, chúng ta cần cố
gắng: chịu gian lao đau khổ vì đức tin, luôn phó thác cậy trông vào Chúa
trước những biến cố của cuộc sống, yêu thương giúp đỡ mọi người không phân
biệt dân tộc hoặc tôn giáo, biết dùng lời nói và đời sống làm
chứng cho Thiên Chúa tình yêu.
Quê hương chúng ta không còn cảnh
cấm đạo như hơn trăm năm trước, nhưng để thực sự là chứng nhân của
Đức Kitô trong cuộc sống hôm nay, chúng ta còn phải: chết cho sự hận
thù, ích kỷ, gian dối và các đam mê. Khi biết can đảm chết cho các
tính xấu để nên công chính hơn, chúng ta đang tiếp nối các vị tử đạo
góp phần làm cho Hội Thánh Việt Nam trở nên như đồng lúa hứa hẹn
mùa bội thu; đồng thời chuẩn bị cho ngày được đón nhận vào hưởng
vinh quang và hạnh phúc cùng với các Thánh của Chúa.
Lm. Mt