Ảnh hưởng Tin Mừng của Chúa đã tràn lan khắp
thế giới trải qua hai ngàn năm.
Bài Tin Mừng lễ Chúa
Giêsu Vua vũ trụ ta vừa nghe được trích trong Tin Mừng Thánh Luca, và đối những
người không có đức tin, thì bài này chẳng những không ca tụng Chúa là Vua, mà
ngược lại còn tả việc Chúa chết cách ô nhục như một phạm nhân tội lỗi nặng nề
nhất của thời đại. Ngài bị treo trên thập giá là án phạt coi như nặng nhất
trong đế quốc La Mã.
Chúng ta suy tôn Chúa
là Vua và như trong bài kinh tiền tụng của thánh lễ hôm nay: nước của Chúa khác
hẳn với các vương quốc trần gian, là vì Ngài đã tự hiến thân làm lễ vật tinh
tuyền, và lễ vật giao hoà trên bàn thờ thập giá, để hoàn tất mầu nhiệm cứu
chuộc nhân loại, quy phục mọi loài, mọi quyền bính, và đặt dưới uy quyền vô hạn
của Ngài, một vương quốc bao la vĩnh cửu, vương quốc sự thật và sự sống, vương
quốc thánh thiện và ơn sủng. Vương quốc đầy công chính đầy yêu thương và đầy an
bình. Tin Mừng của Ngài sẽ được gieo rắc khắp thế giới, giải phóng cảnh áp bức
cảnh nô lệ và mọi bất công.
Quả thực, ảnh hưởng
Tin Mừng của Chúa đã tràn lan khắp thế giới trải qua hai ngàn năm. Những người
không hiểu rõ lịch sử cũng như không biết rõ đạo Chúa thường chủ trương một
cách mơ hồ và sai lạc là: đạo của Chúa chỉ là dụng cụ của đế quốc, của giới chủ
để thống trị, áp bức và bóc lột giới nô lệ, giới lao động.
Chủ trương sai lạc
trên hoàn toàn trái ngược chẳng những với Tin Mừng của Chúa mà còn trái ngược
cả với sự kiện lịch sử qua 2000 năm nay
Vì thì giờ eo hẹp, ta
chỉ nói tới một điểm: đạo Chúa đã giải phóng nô lệ ra sao
Để viết và giàn dựng
những bộ phim thật giá trị như "Quo vadis", "Ben Hur"...
tác giả những công trình này đã dầy công nghiên cứu lịch sử đế quốc La Mã, lịch
sử của Giáo Hội sơ khai và ai cũng phải công nhận là ban đầu đạo Chúa âm thầm
và có thể nói là được phát biểu trong giới nô lệ, giới nô đòi, giới bị áp bức.
Trong đế quốc La Mã, người ta coi chế độ nô lệ là một chế độ tự nhiên. Chủ nhân
là con người, còn nô lệ chỉ là con vật. Nhưng Tin Mừng Chúa thì lại chủ trương
mọi người là anh em bình đẳng với nhau, lý do tất cả là con của Thiên Chúa và
Thiên Chúa là cha chung của mọi người, không ai có quyền hà hiếp, bóc lột, coi
thường phẩm giá của người khác: Tin Mừng đã từ từ phát triển trong giới lao
động, trong giới nô lệ, và chính những tư tưởng này đã đóng góp công lớn lao
vào việc làm sụp đổ đế quốc Lamã. (Chúng tôi nói góp công là vì đế quốc Lamã đã
do các dân mà họ gọi là "Man rợ" xâm chiếm cùng với sự trợ giúp đắc
lực của giới lao động, giới nô lệ)
Giáo Hội luôn luôn
chiến đấu (tuy chỉ chiến đấu một cách nhân đạo) để xoá bỏ chế độ nô lệ. Khi còn
chế độ nô lệ ta thấy có những tu hội: Gọi cách nôm na, là: Dòng Đức Mẹ chuộc kẻ
làm tôi, hoặc như tu hội các cha thừa sai Lazarist do Thánh Vincent de Paul
thiết lập, chẳng những lặn lội rao giảng, dùng tiền của để chuộc lại những
người bị bắt, bị bán làm nô lệ, mà đã có những tu sĩ của các tu hội này sẵn
sàng tự hiến thân làm nô lệ thay thế cho những nô lệnh khác.
Một sự kiện nâng đỡ
giới lao động (giới nô lệ thuở xưa) cả thế giới ngày nay đang áp dụng mà ít ai
nghĩ tới. Đó là tuần lễ gồm 7 ngày, và giáo hội đã ấn định Chúa Nhật là ngày
nghỉ mọi công việc chân tay. Trước đây chủ nhân đã bắt các tôi tớ, các nô lệ
làm việc đầu tắt mặt tối suốt ngày và không cho họ nghỉ ngày nào. Luật kiêng
việc xác có nghĩa là mọi người phải nghỉ ngơi, và các chủ nhân cũng không được
phép bắt ai làm việc trong những ngày đó.
Vì thời giờ vắn vỏi chúng
ta không kể ra hết rất nhiều công việc Giáo Hội đã thực hiện để xoá bỏ chế độ
nô lệ và nâng đỡ giới lao động...
Vương quốc công bằng,
bác ái, yêu thương, và bình an của Chúa đã, đang phát triển qua ảnh hưởng từ tư
tưởng của bộ Tin Mừng, mặc dầu con người biết hay không biết.
Để kết luận chúng ta
lưu ý tới ngôi thánh đường Zanzibar tại nước Tanzania
(Phi Châu)
Bước vào nhà thờ,
người ta có thể đọc ngay lời chào đón được viết trên tường như sau:
"Bạn đang ở trong nhà thờ của Đức Kitô. Nơi đây, trước khi đã
từng là chợ buôn người nô lệ"
Ngôi thánh đường này
đã được xây ngay trên chính khu đất mà ngày xưa người da trắng đã tập trung
không biết bao nhiêu người Phi Châu để buôn bán đổi chác, coi họ như những con
vật. Đặc biệt nhất là, bàn thờ của ngôi thánh đường này đặt tại chỗ mà trước
đây các người nô lệ phải chịu đánh đòn trước khi người mua bán mặc cả giá cả.
Sở dĩ người ta phải dùng roi quất vào người nô lệ, là để xem người ấy còn khoẻ
mạnh hay không.
Cột trụ ở ngay lối vào
nhà thờ là một cây thánh giá gỗ có mang tên của nhà giải phóng Livingstone. Bác
sĩ Livingstone, một nhà thám hiểm người Anh, đã hô hào chống lại cuộc bán buôn
vô nhân đạo này. Cây thánh giá khắc tên ông đã được chạm trổ từ gốc cây nơi ông
thường đứng để hô hào cuộc chiến bãi bỏ việc buôn bán người nô lệ.
Mãi đến ngày 6 tháng 6
năm 1873, việc buôn bán người nô lệ mới chính thức bị cấm bằng một đạo luật. Kể
từ đó, phẩm giá đích thực của người da đen mới được nhìn nhận.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm