Bài giảng của thánh Vianney _ nói xấu


NÓI XẤU
Đây là thói xấu phổ biến nhất, lan rộng nhất, và có lẽ xấu xa nhất và tai hại nhất trong tất cả các thói xấu... Có biết bao nhiêu đau khổ sẽ biến mất khỏi thế giới này, nếu chúng ta có thể tiêu diệt tận gốc cái tính hay nói xấu, vu khống, và phỉ báng!
“Lập tức lưỡi anh được mở ra, và anh nói điều tốt.” (Mc 7,35)
C
ha thật lòng ao ước phải chi mỗi người chúng ta được nghe những lời Tin mừng nói với người câm điếc, người đã được Chúa Giêsu chữa lành: “Anh ta nói điều tốt.” Trái lại, có lẽ nào chúng ta thoát khỏi sự quở trách về việc thường xuyên nói xấu người khác không? Thật tế, đó chẳng phải là lối hành xử của hầu hết người tín hữu ngày nay sao? Họ phê bình, chỉ trích và lên án những hành động của người khác: đây là thói xấu phổ biến nhất, lan rộng nhất, và có lẽ xấu xa nhất và tai hại nhất trong tất cả các thói xấu. Nó là một thói xấu mà chúng ta không bao giờ có thể chê ghét cho đủ; nó kéo theo những chuỗi hậu quả đau buồn nhất, lan tỏa những tai họa và thiệt hại khắp nơi. Cha ước mong được Thiên Chúa ban cho cha cục than hồng mà xưa kia thiên thần để nó lên miệng tiên tri Isaia, để cha có thể thanh tẩy hết miệng lưỡi của loài người. Có biết bao nhiêu đau khổ sẽ biến mất khỏi thế giới này, nếu chúng ta có thể tiêu diệt tận gốc cái tính hay nói xấu, vu khống, và phỉ báng! Nếu cha có thể làm cho các con kinh sợ điều sai trái này, thì các con sẽ tránh được nó mãi mãi, nên cha sẽ cố gắng giải thích cho các con biết: Nói xấu là gì? Chúng ta có thể phạm tội nói xấu trong nhiều cách thức khác nhau, và những tội khác thường phát sinh bởi nó.
Cha nghĩ sẽ không cần phải vất vả khi đề cập đến sự độc ác và ghê tởm của tội nói xấu này, tội mà gây ra rất nhiều đau khổ, và là nguồn gốc của nhiều thứ tội khác, như ghen ghét, thậm chí giết người, và mối thù truyền kiếp. Nó thêu dệt không chừa một điều gì: dù tốt hay xấu; như thế cũng đủ cho cha khẳng định với các con rằng thói xấu này là một trong những tội ác mà nhiều linh hồn đã vào Hỏa ngục. Nên rất cần thiết để biết nhiều cách thức khác nhau mà chúng ta có thể phạm tội này, nhờ nhận thức về nó, chúng ta có thể xa tránh nó dễ dàng hơn, tránh được những hậu quả tai hại mà nó gây ra trong cuộc sống của tha nhân. Nếu các con hỏi: Nói xấu là gì? Cha sẽ trả lời: là nói khuyết điểm hay lỗi lầm của ai đó cho người khác biết một cách không cần thiết, và như thế làm tổn thương đến bản thân và thanh danh họ. Nói xấu có thể xảy ra trong nhiều cách thức khác nhau.
Khi chúng ta đổ lỗi cho ai một điều xấu mà họ không làm hay không có,khi đó chúng ta phạm tội vu khống người khác; một hành động đáng khinh bỉ nhất, nhưng thật là không may, và mặc dù tội ác nặng nề như thế, nhưng nó lại rất phổ biến. Vu khống không phải là nói xấu, nhưng còn hơn thế nữa, từ nói xấu đi đến vu khống chỉ là một bước rất nhỏ. Nếu là người thành thật, chúng ta phải nhìn nhận rằng chúng ta thường hay thêm bớt đủ điều, hay phóng đại về điều xấu của ai đó mà chúng ta biết được. Một câu chuyện nói xấu được truyền đi từ người này đến người kia, nó không còn như lúc đầu nữa, nó được thổi phồng lên và làm cho xấu thêm rất nhiều; từ những sự kiện đó chúng ta kết luận được rằng một người hay nói xấu thì hầu hết cũng là người hay vu khống, mà một người vu khống là một người rất độc ác. Chúng ta thường hay phóng đại người nọ người kia làm điều xấu. Khi các con nhận thấy ai đó phạm lỗi lầm các con làm gì? Thay vì bao che với tấm lòng bác ái, hay ít ra cố gắng nói chữa đi, thì các con thích phóng đại nó lên.
Thánh Francis de Sales nói: “Đừng vội vàng kết luận rằng người này hay người kia là người nghiện rượu, hay là tên trộm cướp, chỉ vì có lần họ đã trộm cắp hay say xỉn; ông Noah và ông Loth cũng có lần say rượu, nhưng không ai trong họ là người nghiện rượu cả.” Thánh Phêrô không phải là một người ăn nói hồ đồ chỉ vì có lần ông đã nói láo. Một người chưa hẳn là xấu, chỉ vì một lần sa ngã phạm tội, hay cho dù có xảy ra vài lần đi nữa; vì thế, chúng ta rất dễ dàng phạm tội nói xấu nếu chúng ta kết tội họ. Khi ông Simon nhìn thấy cô Magdalen khóc dưới chân Chúa Giêsu, ông nói: “Ông này, nếu là một tiên tri chắc hẳn phải biết rõ người đàn bà này là một người tội lỗi.” Ông ta đã phạm một lỗi lầm lớn: cô Magdalen không còn là một tội nhân nữa, nhưng là một hối nhân thánh thiện, vì tất cả tội lỗi của cô đã được Chúa tha cả rồi. Hãy suy nghĩ về người Pharisêu kiêu ngạo, người ở trong đền thờ khoe khoang nhưng việc tốt mình làm, và cám ơn Chúa vì ông không giống như những người tội lỗi khác, ngoại tình, tham lam, trộm cắp, hay như người thu thuế kia. Ông ta đinh ninh người thu thuế là một tội nhân, nhưng trong giây phút đó người thu thuế đã được Chúa tha hết tội lỗi. Thánh Francis nói tiếp: “Các con thân mến, Thiên Chúa rất giàu lòng thương xót đến nỗi chỉ trong tích tắc cũng đủ cho Người tha thứ những tội ác tày trời nhất, sao chúng ta dám khẳng định rằng người này hôm qua là tội nhân, hôm này cũng xấu xa như vậy!”
Chúng ta lúc nào cũng tự lừa dối mình nếu nghĩ xấu về tha nhân, vì dù có lý do gì đi nữa chúng ta vẫn mang tính chủ quan. Chúng ta cũng phạm tội nói xấu khi bộc lộ những lỗi lầm của người khác mà không đủ lý do chính đáng. Có những người nghĩ rằng nếu họ biết điều xấu về ai đó, họ có thể nói với người khác, và lấy nó làm đề tài trong khi nói chuyện. Đây là một lỗi lầm lớn. Đức tin bắt buộc chúng ta phải yêu thương tha nhân. Lý trí tự nó cũng cho chúng ta biết chúng ta không nên làm cho người khác điều gì mình không muốn người khác làm cho mình. Chúng ta hãy nhìn kỹ vấn đề này hơn: chúng ta có thích ai đó thấy chúng ta phạm tội rồi đi rêu rao cho mọi người biết không? Chắc hẳn là không; trái lại, vì lòng bác ái chúng ta hãy che dấu, và lấy lòng thương tiếc cho họ. Cứ nghĩ xem các con cảm thấy tức tối thế nào khi nghe người khác nói xúc phạm đến bản thân hay gia đình các con? Đức công bình và đức ái đều chống lại việc nói xấu này. Bao lâu lỗi lầm của người khác được che đậy, họ vẫn còn có tiếng tốt; nhưng ngay khi các con hủy loại thanh danh của người khác, thì bằng cách thức ấy các con đã lỗi đức công bình còn lớn hơn khi các con ăn cắp của cải vật chất của họ, vì Chúa Thánh Thần nói với chúng ta rằng thanh danh là thứ có giá trị nhất.
Chúng ta phạm tội nói xấu khi chúng ta giải thích sai trái về những hành động tốt đẹp của người khác. Những người như thế thường hay đổ thừa lý do cho các con, mà các con không bao giờ có; họ coi thường tất cả những việc làm và lời nói của các con: Nếu các con đạo đức và thực hiện những bổn phận thiêng liêng một cách trung tín, dưới mắt họ các con chỉ là người giả hình, đạo đức giả. Ho nói móc rằng các con là thánh nhân trong nhà thờ, nhưng ở nhà lại là quỷ dữ. Nếu các con làm việc tốt, họ nói các con làm vì kiêu ngạo, để khoe khoang. Nếu các con xa tránh những người làm điều xấu, họ nói các con là ngu dốt. Nếu các con xem xét cẩn thận sau những việc làm của mình, họ nói các con là đồ nhỏ mọn. Thật vậy, chúng ta có thể nói sự thật là cái lưỡi của kẻ nói xấu cũng giống như con sâu gặm nhắm tất cả trái cây tươi tốt: nghĩa là họ tìm kiếm những điều tốt của người khác để làm cho chúng xấu đi.
Chúng ta có thể phạm tội nói xấu thậm chí cả khi không nói lời nào: khi ai đó được khen trước mặt các con, thì các con im lặng; nhưng trên vẻ mặt các con lại thể hiện sự khinh bỉ, với nụ cười mỉa mai, và sự ngờ vực đối với người được khen. Còn có những người che đậy công việc xấu xa của họ qua thái độ giả vờ như tỏ lòng thương xót. Họ sẽ nói: “Chị có nghe điều gì xảy đến với anh ấy không? Thật là tội nghiệp vì anh ta quá vô ý! Chị khó mà tin nổi chính anh ta đã làm những chuyện như thế!” Thánh Francis nói rằng sự nói xấu như thế giống như một mũi tên có tẩm thuốc độc, được nhúng vào dầu, để nhờ chất trơn nó có thể đâm vào sâu hơn. Thế nhưng hậu quả của sự nói xấu tồi tệ và nguy hại nhất đó là khi chúng ta cố tình tạo ra những điều gian dối để bêu xấu người khác. Những người tung tin như thế gây ra những tai họa xấu xa khinh khủng nhất, khơi dậy sự hận thù, thậm chí đến cả việc đổ máu nữa. Để hiểu rõ những hạng người như thế đáng trách thế nào, Chúa Thánh Thần nói: “Thiên Chúa ghét sáu điều; nhưng điều thứ bảy Người ghét hơn cả, đó là kẻ dựng chuyện gian dối.” Nói tóm lại, chúng ta có nhiều cách thức khác nhau để phạm tội nói xấu. Hãy xét mình xem các con có phạm tội nào trong những cách thức đó không.
Chúng ta không nên vội vàng tin vào tất cả những điều xấu mà chúng ta nghe nói về người khác; thậm chí khi những sự kiện bên ngoài đều chống lại người đó, chúng ta cũng không nên tin vội. Hãy nhớ rằng thánh Francis de Sales đã có lần bị kết án giết một người để có thể sống với vợ người đó. Thánh nhân đã phó thác mọi sự trong tay Chúa, và ngài không hề sợ mất thanh danh của mình. Đối với những người khuyên ngài nên biện minh cho mình, ngài trả lời rằng ngài muốn chịu điều đó để đền tạ cho người muốn bôi nhọ thanh danh ngài. Việc vu khống là một trong những đau khổ lớn nhất đối với con người, được chứng minh bằng việc Thiên Chúa cho phép các thánh bị vu khống để thử thách các ngài. Nếu nói xấu và vu khống liên quan đến chúng ta, việc tốt nhất là giữ im lặng, cầu xin Thiên Chúa ban sức cho chúng ta chịu vì lòng yêu mến Người, và cầu nguyện cho những người vu khống chúng ta. Hãy tự an ủi mình với tư tưởng Chúa cho phép điều đó xảy ra với những ai Người thương mến. Khi ai bị vu khống, Người dùng nó để đưa họ lên bậc trọn lành cao hơn. Chúng ta phải thương hại những người vu khống chúng ta; đối với bản thân, chúng ta phải vui mừng; vì những thử thách này sẽ gia tăng công nghiệp chúng ta trên trời.
Chúng ta hãy trở lại vấn đề, vì vấn đề chính của chúng ta là tìm hiểu việc nói xấu gây thiệt hại cho mình thế nào. Nói xấu người khác có thể dễ dàng trở thành tội trọng, và dĩ nhiên phạm tội trọng là phạm đến những vấn đề nghiêm trọng, những tội trọng thường là những tội nào? Thánh Phaolô đã liệt kê nó trong số những tội khiến chúng ta không được vào nước trời. Chúa Thánh Thần nói rằng Thiên Chúa nguyền rủa việc nói xấu, người đó bị Thiên Chúa và người ta chê ghét. Nói xấu nặng hay nhẹ là tùy theo từng trường hợp, hay tùy vào chức vụ của người mình nói xấu. Tội sẽ nặng khi chúng ta nói xấu lỗi lầm và khuyết điểm của bề trên, cha mẹ, chồng hay vợ, anh chị em, hay người thân, hơn là người ngoài, vì chúng ta phải có lòng yêu thương bác ái đối với người thân quen hơn những người ngoài. Nói xấu những người dâng mình cho Chúa, những người phục vụ Giáo hội, thì tội nặng hơn dựa trên những hậu quả xấu ảnh hưởng đến đạo giáo và làm thiệt hại đến chức vụ của họ. Chúa Thánh Thần đã dùng miệng tiên tri mà nói rằng: “Khinh dể và mắng chửi những tôi tớ Chúa là chọc vào con ngươi Ta”; nghĩa là, không có gì xúc phạm đến Người hơn thế nữa. Tội này thường là một tội ác, tội ác vượt quá tất cả sự hiểu biết. Chúa Giêsu cũng đã nói: “Ai khinh dể các con là khinh dể Ta.”
Qua tất cả điều này, các con sẽ sẵn sàng nhìn nhận rằng để xưng tội cho nên, không chỉ xưng là con có nói xấu người khác là đủ; nhưng cũng phải xưng là con nói xấu người khác vì lẽ gì, vì nhẹ dạ, vì ghen ghét hay muốn trả thù, hay muốn tìm cách làm hại thanh danh của người khác. Chúng ta phải đề cập đến người mà mình nói xấu; là bề trên, cha mẹ, hay các Linh mục, Tu sĩ, và nói xấu một hay bao nhiêu người: tất cả điều này đòi buộc phải tự thú để được xưng tội nên.
Một số người được hỏi việc nói xấu của họ có gây tổn thương cho người khác không, câu trả lời của họ là không. Đó quả thật là sai lầm. Mỗi lần các con nói xấu người khác, các con đã gây tổn thương cho họ; vì mỗi lần nói xấu như thế các con làm cho người nghe bớt đi lòng kính trọng mà trước kia họ có đối với người đó. Do đó chúng ta có thể kết luận rằng khi nói xấu người khác, thật khó mà nói rằng không gây thiệt hại gì cho thanh danh của họ. Nhưng các con sẽ nói, khi ai cũng biết rồi thì nói cũng đâu có gây thêm thiệt hại gì. Giả như toàn thân của một ai đó bất hạnh bị cùi, ngoại trừ một phần nào đó vẫn còn lành lặn, không lẽ các con nói: Bởi vì hầu hết thân thể bị cùi nên phần này cũng phải cùi, nói như thế có phải là bác ái và công bình không? Trái lại, các con phải có lòng thương xót đến người bất hạnh đó, che giấu và tha thứ cho họ càng nhiều càng tốt. Các con hãy xét xem điều này có đúng hay không, nếu trông thấy một người đau yếu đang đứng nơi bờ vực thẳm, các con có lợi dụng sự yếu đuối của họ để xô họ xuống vực thẳm không? Ở đây chúng ta cũng làm điều giống như vậy khi chúng ta dừng lại ở chỗ biết khuyết điểm của người khác. Nhưng các con sẽ nói, chẳng lẽ các con không được nói nhỏ điều đó cho môt người bạn rất kín đáo sao? Như thế các con lại phạm một sai lầm khác nữa, vì tại sao các con mong muốn người khác giữ bí mật trong khi các con không thể giữ được điều đó? Điều đó cũng giống như các con nói với một người đó rằng: “Này bạn, tôi muốn nói với bạn một điều, nhưng bạn phải khôn ngoan và kín miệng hơn tôi đấy; không được bộc lộ điều bí mật mà tôi đã bộc lộ.” Điều tốt nhất là giữ thinh lặng trong những vấn đề không liên quan đến chúng ta, cho dù người ta có nói gì hay làm gì đi nữa, chúng ta không nên liên hệ vào, ngoại trừ việc lo cho phần rỗi mình. Chúa Thánh Thần nói rằng: “Ai càng nói nhiều thì lỗi càng nhiều.”
Cha mong rằng những lời lẽ của cha vừa rồi sẽ gây ấn tượng trong tâm trí các con, để các con nhận thức sự tai hại lớn lao của việc nói xấu. Cha có thể nói rằng đa số chúng ta đều bị đau khổ bằng cách này hay cách khác khi bị người ta nói xấu, vu khống hay những lời nguyền rủa độc ác, và có lẽ ai trong các con cũng biết rõ bệnh đau tim gây ra cũng vì những tội lỗi này. Vì vậy các con phải cẩn trọng, đừng bao giờ làm cho người khác điều gì mình không muốn họ làm cho mình. Thỉnh thoảng, khi muốn tặng ai một món quà có giá trị, chúng ta khen: Anh ấy, chị ấy không bao giờ nói xấu người khác. Điều này chứng minh chúng ta ý thức được về sự tai hại việc nói xấu. Chúng ta hãy cố gắng ra sức giữ điều này cho chính mình, và cũng tỏ lòng thương xốt đối với tha nhân, để trong ngày phán xét, chúng ta cũng được Chúa thương xót khoan hồng. Amen.