Khi chiêm
ngắm cuộc đời của thánh Phanxiaô, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, mầu nhiệm thập
giá đã gắn bó thân thiết với ngài trong suốt hành trình hoán cải và bước theo
Chúa Kitô.
Người Kitô hữu trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng
có thói quen đi đàng Thánh Giá vào các mùa Phụng vụ trong năm, nhất là Mùa
Chay, nhằm suy niệm mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu. Qua việc đạo đức bình dân
này, người ta muốn thông phần vào các đau khổ mà Chúa Giêsu xưa đã chịu để cứu
chuộc muôn người; đồng thời, họ cũng cảm tạ tình yêu bao la của Thiên Chúa đối
với con người. Và thập giá là bằng chứng của tình yêu cao cả ấy.
Kinh nghiệm của thánh Phanxicô về tình yêu thập giá Chúa Kitô là
một bài học quý giá, giúp chúng ta sống phong phú hơn tâm tình của Mùa Chay
thánh và hành trình bước theo Đức Kitô trong cuộc sống lữ hành.
Người ta vẫn thường cho rằng việc sùng kính Thánh Giá qua việc
Đi Đàng Thánh Giá bắt nguồn từ thánh Phanxicô Assisi, đã được phong trào Phan
Sinh về sau phổ biến rộng rãi và tồn tại đến hôm nay. Chúng ta không bận tâm đến
tính xác thực của nhận định này, nhưng khi chúng ta chiêm ngắm cuộc đời của
thánh Phanxiaô, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, mầu nhiệm thập giá đã gắn bó
thân thiết với ngài trong suốt hành trình hoán cải và bước theo Chúa Kitô.
Thánh giá xuất hiện vào lúc khởi đầu cuộc đời hoán cải của thánh
Phanxicô là giấc mơ về những vũ khí bằng thánh giá ở Spô-lê-tô, khi ngài đang
trên hành trình tìm mộng công danh như bao chàng trai khác, trong tư cách là một
hiệp sĩ. Kể từ đó, ngài chọn con đường thập giá và nó đã theo ngài dọc suốt cuộc
đời. Vào năm cuối đời, thánh Phanxicô được in năm dấu thánh trên thân thân
ngài, ở đỉnh núi Alverna.
Chuyện “Những Bông Hoa Nhỏ” kể lại rằng: “Sáng tinh sương ngày
14 tháng 9 năm 1224, tức là ngày lễ Suy tôn Thánh giá, trên đỉnh Alverna đã xảy
ra một phép lạ tân kỳ. Lúc mặt trời gần dãi lên nền trời những tia sáng vàng
tươi, Phanxicô quì tựa lưng vào một tảng đá, hướng về phương đông, mắt tuôn đôi
hàng lệ, ngài than thở: “Lạy Chúa, trước lúc qua khỏi đời này, con chỉ xin Chúa
ban cho con hai ơn: một là, xin Chúa cho tâm hồn cũng như thể xác con cảm thông
hết nỗi đau đến thê thảm Chúa chịu trong giờ tử nạn; hai là, xưa kia khi Chúa tử
nạn, Chúa yêu loài người tội lỗi chúng con đến độ nào, thì xin cho lòng con
cũng được yêu Chúa đến độ ấy”. Bỗng vụt như làn chớp, một thiên thần Chí ái tự
trời bay xuống. Sáu cánh chói loà. Hai cánh phủ đầu, hai cánh dương bay và hai
cánh khép che toàn thân. Thiên thần hiện xuống đứng trên phiến đá, rõ hình một
người chịu đóng đinh vào thánh giá. Thiên thần ấy chính là Chúa Giêsu tử nạn, mặc
hình người hiện đến với Phanxicô. Ngài nhìn Phanxicô, đôi mắt như thiết tha,
như thiêu cháy cả tâm hồn rồi vụt biến. Phanxicô, quỵ xuống, ngất đi. Khi bừng
tỉnh dậy, ngài thấy tay chân đã bị đinh đóng thâu qua. Đầu đinh tròn và đen nổi
rõ giữa lòng bàn tay và trên mặt bàn chân. Đinh đóng thâu qua tay chân, mũi
đinh quắp lại trên lưng bàn tay và giữa gan bàn chân. Ngực bên phải, cạnh trái
tim, dấu một lưỡi đòng đâm qua còn nguyên nét, máu chảy rìn rịt thấm ướt đến tận
lớp áo ngoài”.
Có thể nói, cả cuộc đời thánh Phanxicô cô là một hành trình vác
thập giá theo chân Chúa “Ai muốn theo ta thì phải từ bỏ mình vác thập giá mình
mà theo ta”. Và ngài đã được diễm phúc đón nhận năm dấu thánh như Chúa Giêsu
năm xưa, nghĩa là được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô chịu đóng
đinh. Đó chính là đỉnh cao của tình yêu thập giá của thánh nhân với Đức Kitô chịu
đóng đinh.
Một sử gia Phan Sinh đã nhận định rất hay về mối tình thập giá của
ngài rằng: “Thánh Phanxicô ca ngợi không những cuộc khổ nạn của Chúa với tâm
tình tri ân, nhưng là tất cả công trình cứu chuộc của Đức Kitô, trong đó tình
yêu của Thiên Chúa đổ xuống trên chúng ta một cách thật rõ ràng. Đứng trước
tình yêu bao la đó của Thiên Chúa, Phanxicô đã đáp trả bằng một tình yêu nóng bỏng
và ngọt ngào trong trái tim người”.
Thật vậy, Thánh Giá mà chúng ta tưởng niệm trong phụng vụ, nhất
là phụng vụ Mùa Chay như muốn minh chứng một chân lý cao cả: “Vì yêu thương
chúng ta, Chúa Kitô đã không ngần ngại một hành vi nào, cho dù phải đổ máu và
chế nhục nhã trên thập tự”. Chính vì thế, tình yêu của Thiên Chúa mới trở nên
trọn vẹn đối với chúng ta. Một tình yêu mà chúng ta không thể hiểu thấu bằng lý
trí, nhưng bằng cảm kích của con tim trong đời sống tâm linh. Điều này đã thể
hiện trên cuộc đời và con người của thánh Phanxicô. Ngài đã hiểu, đã cảm nếm,
và đã sống mầu nhiệm Thánh Giá ấy bằng một tình yêu cháy bỏng và thẳm sâu.
Hơn hai ngàn năm qua, người Kitô hữu, môn đệ của Chúa Kitô trong
hành trình tiến về vĩnh cửu, không có con đường nào khác con đường thập giá.
Nhưng con đường thập giá là con đường khó đi, gian khổ, khiến cho bao người phải
ngập ngừng lui bước. Đúng vậy! nhưng qua cái chết của Chúa Giêsu, một luồng ánh
sáng đã chiếu dọi vào từng nỗi khổ đau của con người và cho đau khổ một ý nghĩa
mới: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu
giúp những ai bị thử thách” (Dt 2, 18). Thập Giá Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta. Từ
nay thập giá không còn là một chướng ngại trong cuộc sống, nhưng là con đường
tình yêu dẫn đến sự sống đích thực, nếu chúng ta dám hy sinh, chấp nhận mọi khổ
đau trong cuộc sống với tâm tình yêu thương và vâng phục.
Trong hành trình đó, gương của thánh Phanxicô vẫn luôn soi đường
chỉ lối cho chúng ta tiếp tục cuộc hành trình,với niền tin yêu hy vọng được trở
nên thủy chung với mối tình thập giá Chúa Kitô.
Lạy thánh Phanxicô, xin ngài ghi sâu trong lòng chúng con những
nỗi thống khổ của Chúa Giê-su, đặt vào trong sâu thăm con tim chúng con tình yếu
nóng bỏng và ngọt ngài của Đức Kitô, để giúp chúng con yêu mến Ngài hơn, dâng
hiến đời sống chúng con cho Ngài và để chúng con được cùng Ngài và anh chị em
chúng con dự phần vào tình yêu thập giá của Ngài.
Quang Huyền, OFM