Dù chúng ta có đọc bất kỳ
lời nào khác – những lời do người cầu nguyện đặt ra để khơi dậy lòng sốt sắng,
hoặc dựa theo để thêm lòng sốt sắng – chúng ta cũng chẳng nói gì khác ngoài điều
đã có trong kinh “Lạy Cha”, nếu chúng ta cầu nguyện cho đúng và thích hợp.
Lời nói cầu cho chúng ta để nhắc nhở và cho
chúng ta thấy mình xin gì; nhưng chúng ta hãy tin rằng không phải vì những lời
đó mà chúng ta làm cho Chúa biết hay phải xiêu lòng.
Vậy khi chúng ta nói: Xin làm cho danh thánh
Cha vinh hiển, là chúng ta nhắc bảo mình ao ước cho danh Người vốn là thánh được
mọi người nhìn nhận là thánh mà không bị khinh chê. Điều này có lợi cho loài
người chứ không phải cho Thiên Chúa.
Dù chúng ta muốn hay không muốn thì triều đại
Chúa vẫn đến, nhưng khi chúng ta đọc: Triều đại Cha mau đến là chúng ta thôi
thúc lòng mình ao ước cho triều đại ấy đến với chúng ta và chúng ta cũng được
trị vì trong đó.
Khi chúng ta đọc: Ý Cha thể hiện dưới đất cũng
như trên trời là chúng ta xin Người ban cho chúng ta chính sự tuân phục, để nhờ
đó, ý của Người thể hiện nơi chúng ta như vẫn được các thiên thần của Người thi
hành trên thiên quốc.
Khi chúng ta đọc: Xin Cha cho chúng con hôm nay
lương thực hằng ngày thì hai chữ hôm nay có nghĩa là thời bây giờ. Thời bây giờ
hoặc là chúng ta xin những gì cần thiết, khi nêu lên phần quan trọng hơn cả,
nghĩa là qua chữ lương thực, chúng ta có ý chỉ tất cả nhu cầu; hoặc chúng ta
xin lãnh nhận bí tích dưỡng nuôi các tín hữu là bí tích cần thiết trong thời
bây giờ, nhưng không phải để được hạnh phúc thời bây giờ mà là hạnh phúc vĩnh cửu.
Khi chúng ta đọc: Xin tha tội cho chúng con như
chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con, chúng ta nhắc bảo mình
phải xin gì và phải làm gì để đáng lãnh nhận.
Khi chúng ta đọc: Xin cứu chúng con cho khỏi sự
dữ, chúng ta bảo mình phải nghĩ rằng chúng ta chưa ở trong tình trạng hoàn hảo
khiến chúng ta không còn phải chịu sự dữ nào nữa. Lời cầu xin này được đặt ở cuối
kinh “Lạy Cha” hiển nhiên là để giúp người tín hữu khi gặp bất cứ cơn khốn khổ
nào, cũng biết dùng câu này mà than thở, mà khóc lóc; biết bắt đầu cầu nguyện từ
câu đó, dừng lại trong câu đó và kết thúc ở đó. Quả thật, những lời này phải
giúp chúng ta ghi nhớ những thực tại được diễn tả.
Vì dù chúng ta có đọc bất kỳ lời nào khác – những
lời do người cầu nguyện đặt ra để khơi dậy lòng sốt sắng, hoặc dựa theo để thêm
lòng sốt sắng – chúng ta cũng chẳng nói gì khác ngoài điều đã có trong kinh “Lạy
Cha”, nếu chúng ta cầu nguyện cho đúng và thích hợp. Còn bất kỳ ai đọc lên điều
gì không liên hệ với kinh Tin Mừng này thì tuy người ấy cầu nguyện không sai
trái nhưng cũng chỉ là cầu nguyện theo lối xác thịt. Tôi không hiểu tại sao lại
không được bảo đó là sai trái, vì những người được tái sinh bởi Thánh Thần chỉ
nên cầu nguyện trong Thánh Thần mà thôi.