“Cha ơi, tên con trên trời!”
Trong chín năm Dòng Kín Lisieux lặng lẽ, ngài chỉ làm những
việc vô cùng bình thường như những người khác, nhưng cách thế ngài làm quả là
khác thường đến độ phi thường.
Trong bộ hình lưu niệm Lisieux, tôi thích nhất tấm hình chụp
tại góc vườn nhà thánh nữ Têrêsa, hiện nay là nhà trưng bày những kỷ vật thời thơ
ấu của ngài. Thích tấm hình ấy không phải vì khung cảnh rộng lớn, vì chỉ là một
vuông cỏ chừng một trăm mét vuông; không phải vì góc máy đẹp hay kỹ thuật chụp
hình độc đáo; mà thực ra chỉ vì tấm ảnh chụp cảnh sống động tượng Têrêsa quì
bên cạnh cha, tay chỉ lên trời. Người ta bảo chỗ đặt tượng hiện nay là chỗ năm
xưa cha con Têrêsa đã ngồi trò chuyện buổi tối. Tấm ảnh xem ra có tiếng nói. Tiếng
nói hôm ấy chính là lời Têrêsa nói với cha mình khi chỉ tay lên chòm sao hình
chữ T: “Cha ơi, tên con trên trời”.
Xin dựa trên câu nói mộc mạc đơn sơ của trẻ thơ nhiều ước
mơ ấy để chia sẻ về “con đường thơ ấu
thiêng liêng” của thánh nữ Têrêsa.
1.
“Cha ơi!” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng khởi đi từ một hiện thực.
Têrêsa là con út trong một gia đình toàn là nữ. Ngài mất mẹ
lúc lên bốn tuổi. Tuổi còn quá nhỏ để có thể ghi nhận nỗi đau, nhưng cũng đủ để
ghi nhớ sự mất mát không gì bù lấp được. Từ đó thánh nữ dồn hết tình cảm cho
người cha yêu quý. Và cũng từ đó, người cha phải kiêm luôn vai trò và trách vụ
của người mẹ gia đình. Nếu “gà trống nuôi con” trong kiểu nói Việt Nam nói lên nỗi
đau lận đận của người đàn ông lẻ bóng bên cạnh đàn con, thì nơi nhà Buissonnets
nó đã trở thành một tình yêu khả thi khả kính và khả ái. Chính cô út mít ướt
Têrêsa đã cảm nghiệm điều này hơn bất cứ thành viên nào khác của gia đình. Khúc
hát tâm tình nhất của Têrêsa lúc ấy chính là hát về người cha, giống như những
bài hát Việt Nam gần đây như “Bố là tất cả” hoặc “Ba sẽ là cánh chim đưa con đi
thật xa...”. Đó là một hiện thực.
Từ hiện thực tưởng như mất mát, thiếu hụt bi quan ấy,
Têrêsa rất tự nhiên sống lấy và đảm lĩnh trọn vẹn để sau này chuyển hóa và diễn
tả về tình yêu Thiên Chúa, Đấng là CHA muôn đời. Nếu còn cha còn mẹ đầy đủ
trong một gia đình hạnh phúc đủ đầy mọi sự, khi xưng Chúa là Cha, có lẽ ta chỉ
có tâm tình một nửa, còn với Têrêsa thì khác, xưng Chúa là CHA với cả tâm tình
dành cho người bố. Bố là tất cả, Chúa là tất cả.
Chính khởi đi từ hiện thực ấy, Têrêsa đã từng ngày đi sâu
và đi xa trên con đường phó thác: phó thác mọi chuyện đời lớn nhỏ trong tay cha
mình và phó thác chuyện một đời trong tay Thiên Chúa là Cha giàu lòng nhân ái,
quảng đại yêu thương. Nếu lúc nhỏ Têrêsa ngồi bệt ở cầu thang khiến cha mình phải
cúi xuống bồng lên, thì khi lớn Têrêsa nghiệm ra: người con nào càng nhỏ bé yếu
đuối khiêm nhường phó thác, càng được Cha trên trời yêu mến bế bồng nâng đỡ dìu
đưa.
2.
“Tên con” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng dệt bằng những bước đơn sơ
mang đậm cá tính.
Đường thơ ấu thiêng liêng của Têrêsa khởi đầu là thế, với
những tiếng “Bố ơi” dệt nên ngày sống và những tiếng “Cha ơi” làm nên cuộc đời.
Đó là những bước chân bé nhỏ trên hành trình dài. Và thánh nữ đã thực hiện tuần
tự không bằng “đôi hia bảy dặm” của phép màu dễ dãi, cũng chẳng bằng “tấm thảm
biết bay” thênh thang rộng rãi hoặc bằng “đũa thần” nhẹ nhàng vung vít, nhưng bằng
tấm lòng đơn sơ nhỏ bé.
Ngày nay Têrêsa được nâng lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh, người
ta tưởng đời ngài làm bằng những việc vĩ đại. Không, rất bình thường. Trong
chín năm Dòng Kín Lisieux lặng lẽ, ngài chỉ làm những việc vô cùng bình thường
như những người khác, nhưng cách thế ngài làm quả là khác thường đến độ phi thường.
Cách ngài làm là cách của tình yêu lớn. Việc lớn mà tình yêu nhỏ là việc thắt lại,
việc nhỏ mà tình yêu lớn là việc triển nở sinh sôi. Têrêsa là Têrêsa nhỏ vì đời
nhỏ việc nhỏ, nhưng Têrêsa vĩ đại vì tình yêu ngài sống khó ai có thể vượt qua.
Nhiều lúc xem ra ngài còn muốn “đánh lừa” cả Chúa nữa, như
khi gặp chuyện trái ý hoặc tâm sự buồn, ngài vẫn cố gắng giữ bộ mặt tươi cười
như không có chuyện gì xảy ra, không phải để các chị em trong cộng đoàn khỏi để
ý hoặc bề trên khỏi hỏi han lôi thôi mất công giải thích phiền phức, mà để Chúa
“khỏi biết” kẻo Chúa đau buồn. Chúa đã chịu đau khổ nhiều vì chuyện lớn lao cứu
độ nhân loại rồi, dám đâu phận cỏ rơm lại làm phiền lòng Chúa vì những chuyện
nhỏ. Xem ra cách chọn lựa đơn sơ và cũng trẻ thơ quá phải không?
Khi bị bề trên quở vô lý, Têrêsa rất vui vì có dịp hy sinh.
Khi lượm được cọng rác lạc lõng nơi hành lang, Têrêsa rất thích vì có dịp cầu
nguyện vòi vĩnh Chúa giải thoát cho một linh hồn. Khi nhìn bông hoa được ngắt
chưng trên bàn thờ, Têrêsa nghĩ về niềm dâng hiến. Tất cả là bình thường tự
nhiên, nhưng đã trở thành cơ hội để thánh nữ được thánh hóa trong tình yêu. Đặt
“tình yêu” nhỏ của mình trong “TÌNH YÊU” vĩ đại của Chúa, sẽ hóa nên tình yêu lạ
thường có sức làm cho những điều bình thường đem lại những hiệu quả phi thường.
3.
“Trên trời” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng vươn mở tới những ước mơ
lành thánh.
Têrêsa lìa trần lúc mới hai mươi bốn tuổi. Quá trẻ cho một
đời người để trở thành một vị thánh trẻ cho toàn thế giới. Nhưng nét xuân trẻ
nơi Têrêsa đâu căn cứ vào tuổi tác, mà đúng ra là dựa trên tâm hồn. Trẻ vì dung
dị gần gũi và cũng trẻ vì những ước mơ bay bổng. Ngày nay Tết Trung Thu, thiếu
nhi mơ lên cung trăng gặp chị Hằng, thăm thằng Cuội, nhìn Thỏ ngọc, ngồi gốc đa
nghe sáo thổi vi vu điệu nhạc nên thơ... Đó là ước mơ đơn sơ tuổi thơ ngây dại
đi liền với những hình ảnh mang màu văn hóa, nhưng ước mơ của Têrêsa dẫu đơn sơ
mà cao vượt, dù nên thơ mà vẫn không xa rời thực tế.
Khi Têrêsa ước mơ sẽ là tình yêu trong Giáo Hội, thì cùng
lúc ngài cũng đón nhận vào mình những hy sinh của sự chia lìa đối với người
thân và những biểu lộ của cơn bệnh ngặt nghèo. Khi Têrêsa ước mơ trở thành vị
truyền giáo đặt chân đến những nơi thật xa thật lạ mà đem về cho Chúa thật nhiều
linh hồn, lại là lúc ngài phải liệt giường liệt chiếu để mãi được gọi mời thể
hiện ước mơ truyền giáo bằng việc cầu nguyện và hy sinh. Khi Têrêsa ước mơ sẽ
mưa hoa hồng làm đẹp cuộc sống nhân thế chính là lúc ngài đang lặng lẽ nghĩ về
những cánh hoa hồng được trải lên đường kiệu Mình Thánh Chúa vừa chịu giẵm đạp
vừa chịu héo khô.
Cuộc đời rộng mà không ước mơ, sẽ bị thắt buộc trở nên hẹp
hòi. Cuộc đời hẹp mà biết ước mơ, nhất là với những ước mơ lành thánh, sẽ mở ra
thênh thang cho Giáo Hội được nhờ và cũng cho Nước Trời được hiện tỏ. Nếu ước
mơ là dấu hiệu của sự trẻ trung thì rõ ràng Têrêsa với những ước mơ không vơi cạn
đã là một vị thánh trẻ hôm qua và sẽ còn là mùa xuân trong lòng của Giáo Hội
hôm nay.
Tóm lại, “Cha ơi, tên con trên trời” chỉ là một câu nói trẻ
thơ đơn sơ đột xuất, nhưng đã toát lược những bước hành trình dệt nên con đường
thơ ấu thiêng liêng của Têrêsa. Tất nhiên, con đường ấy đã được Chúa Giêsu khai
sinh khi tuyên bố “Ai không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”
(Mt 18, 1-5), nhưng thực hiện con đường ấy như thế nào lại là một dấu ấn ký tên
Têrêsa. Con đường ấy phổ quát mở ra cho mọi người mọi thời, con đường ấy vừa tầm
với mọi bậc sống.
Cầu chúc mọi người hôm nay thanh thản bước đi trên đường
thơ ấu thiêng liêng và cũng nhận được những “hoa hồng” trìu mến của thánh nữ
Têrêsa từ con đường ấy.
ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống