Lời Chúa cntn 28c _ chúng ta sẽ cùng sống với Người

CHÚNG TA SẼ CÙNG SỐNG VỚI NGƯỜI
Ơn cứu độ không phải là niềm an ủi giúp người ta nhẫn nhục chịu đựng một sự mất mát, nhưng là một cuộc biến đổi quyết liệt, triệt để và trọn vẹn trong từng giây phút và mọi chiều kích cuộc đời, nhờ đó người ta có thể thưởng thức cuộc sống trong an bình mãn nguyện.  
Lm. HK
Trong tác phẩm “Điều tốt đẹp cho Chúa” (Something beautiful for God), ông Malcolm Muggeridge đã viết về Mẹ Têrêxa và sự vui tươi trong nhà Mẹ, một sự vui tươi giữa bao nghịch cảnh. Trong sách có đoạn kể chuyện bà Charubala, một phụ nữ lớn tuổi goá chồng dù chưa một ngày được sống bên chồng: Cuộc hôn nhân đã được sắp đặt từ khi bà còn nhỏ và người thanh niên hứa hôn với bà đã chết trước khi bà đến tuổi kết hôn.
Tuy hủ tục suttee đã bị người Anh bãi bỏ, bà không phải nhảy vào giàn thiêu để cùng chết với chồng, nhưng vẫn phải chịu sự khinh miệt và coi thường dành cho các bà goá, giai cấp cùng đinh trong xã hội.
Những ngày cuối đời, tật nguyền, bà bị vứt ra đường, và được các nữ tu nhặt đưa về Nhà Dành Cho Người Hấp Hối.
Ông viết: “Tôi nhận thấy mỗi khi Mẹ Têrêxa hay một nữ tu đến gần thì cặp mắt to màu nâu của bà Charubala lại sáng lên. Lúc bàn tay âu yếm của các nữ tu đặt trên cái đầu tóc ngắn của bà, bà đã đáp lại bằng sự vui vẻ nồng nhiệt. Niềm vui ấy thật mãnh liệt. Đôi khi bà ấy còn cất lên một bài hát bằng tiếng Bengali …
“Nhiều khi tôi rất ngạc nhiên về những người đàn ông, đàn bà, về thái độ chấp nhận tất cả trong an bình mãn nguyện của họ.”
Ơn cứu độ là thế! Tình yêu Chúa đưa người ta đi từ cái chết đến chỗ hoàn hảo nhất của sự sống, một sự phục hồi diệu kỳ như sự phục hồi khỏi bệnh phong hủi của quan lãnh binh Naaman: “da thịt ông lại trở nên như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.” (2V 5,14)
Vâng, ơn cứu độ không phải là niềm an ủi giúp người ta nhẫn nhục chịu đựng một sự mất mát, nhưng là một cuộc biến đổi quyết liệt, triệt để và trọn vẹn trong từng giây phút và mọi chiều kích cuộc đời, nhờ đó người ta có thể thưởng thức cuộc sống trong an bình mãn nguyện.
Đó là một cuộc sống mới, đến bởi Thiên Chúa, hoàn toàn khác biệt và cách biệt với cuộc sống cũ, như cuộc sống người phong sau khi khỏi bệnh: từ nô lệ tội lỗi đến chiếm hữu sự sống của Thiên Chúa.
Thái độ của Naaman cho thấy điểm cốt yếu làm nên cuộc sống mới này là nhận ra Chúa là Đấng cả đời mình phải quy hướng về: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel.”; và để cuộc đời tùy thuộc vào Chúa: “từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác.” (2V 5,15.17)
Và đó mới đúng là hạnh phúc thật Chúa muốn mang đến cho nhân loại, có được sự sống hoàn hảo trong sự liên kết với Ngài.
Vì thế, Chúa than phiền chín người khỏi bệnh đã không quay lại chẳng phải vì muốn một lời cảm tạ, mà trách họ chỉ tìm nơi Chúa một chút cái lợi chóng qua ở đời này, và khi đã được rồi thì quên đi cái lợi lớn hơn Chúa muốn ban cho họ, được nhấn mạnh trong Kinh Tiền tụng lễ Tạ ơn: “những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại cho chúng con hạnh phúc muôn đời.”
Nhận biết Chúa là nguồn mạch và đích điểm cho hạnh phúc đời mình là cái phúc lớn mà người phong Samaria đã nhận được khi anh quay lại để tôn vinh Thiên Chúa. Đó cũng là chọn lựa đầy sức mạnh, đem lại hạnh phúc cho thánh Phaolô: “Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Đức Giêsu Kitô.” (2Tm 2,10)
Thánh Gioan Kim Khẩu, một giáo phụ có tài hùng biện, phải chịu đựng cơn giận của hoàng đế Arcadius. Trong cơn giận, hoàng đế hỏi các cố vấn để tìm ra một cách trừng phạt Gioan Kim Khẩu cho hả dạ.
-        Tịch thu tài sản của hắn!, một người nói.
-        Ai sẽ bị hại?, hoàng đế hỏi, không phải là Gioan Kim Khẩu đâu, mà là người nghèo, vì hắn cho hết những gì hắn có.
-        Tống hắn vào ngục!, người thứ hai nói.
-        Thế thì có ích gì? Hắn tự hào vì xiềng xích.
-        Vậy thì, giết hắn đi!, một giọng nói khác.
-        Như thế thì có gì hơn? Chỉ là mở cửa trời cho hắn.
Sau cùng, một tên có vẻ khôn ngoan hơn hết đề nghị: “Gioan Kim Khẩu chỉ sợ một điều duy nhất trên đời này. Hắn sợ tội. Chúng ta phải làm cho hắn phạm tội.”
Lời đề nghị sau hết này cho thấy rõ sự tự do và hạnh phúc lớn lao của người lấy Chúa làm gia nghiệp:“Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta sẽ cùng sống với Người.” (2Tm 2,11)
Sự sống hoàn hảo là đó, Chúa mời gọi tôi cùng chết để cùng sống với Đức Kitô, và trong sự sống hoàn hảo không có sợ hãi.
Lm. HK