SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
“Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa
ban không, là sự sống đời đời trong Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 6,23)
Thời Chiến Quốc có người đem
dâng vua nước Sở vị thuốc bất tử.
Người ấy bưng
vị thuốc vào, có
viên quan canh cửa hỏi rằng: “Vị thuốc này có ăn được không?” Người đáp: “Ăn được.” Tức thì viên quan giật lấy vị thuốc mà ăn.
Chuyện nói đến tai vua. Vua phán bắt viên quan
đem giết.
Viên
quan kêu lên rằng: “Thần đã hỏi người đem
dâng thuốc. Người ấy nói rằng: ‘Ăn được’ nên thần mới dám ăn. Thế là thần vô tội mà lỗi ở người dâng thuốc. Vả chăng người đem
dâng nói là ‘bất tử’, nghĩa là ăn
vào thì không chết nữa. Thế mà thần mới ăn, đã phải sắp chết, vậy thuốc tử chớ sao gọi là bất tử được? Nhà vua giết thần, thực là bắt tội một người vô tội mà tỏ rằng thiên hạ dối được nhà vua mà nhà vua vẫn tin.”
Vua
nghe nói có lý, bèn tha viên quan ấy không giết nữa.
Chẳng khôi hài chút nào chuyện sự sống của con người, nhưng lại hết sức khôi hài
cái cách người ta đuổi tìm sự sống!
Vâng,
đừng trốn chạy cái chết. “Xin nhớ rằng: đời con là một kiếp phù du, loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi! Sống làm người, ai không phải chết? Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty?” (Tv
89,48-49)
Phải chăng
con người được dựng nên để mà chết?
“Lạy Chúa, xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi,
để hiểu rằng kiếp phù du là thế. Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc, kiếp sống này, Chúa kể bằng không. Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở” (Tv
39,5-6)
Vâng,
khi dựng nên con người ’theo
hình ảnh, và giống như Thiên Chúa’, chữ đời đời đã được gieo vào sự sống nhân loại. Nhưng cái chết thân xác được sai đến giúp nhân
loại thoát khỏi sự mù quáng của nguyên tội, mà nhận ra và tìm kiếm Thiên Chúa, sự sống thật của mình: “Vì gặp được ta là gặp sự sống, và hưởng ân lộc Đức Chúa ban cho." (Cn 8,35)
Ý niệm về thời gian không có trong sự sống của Thiên Chúa.
Sống đời đời, do đó,
không nhằm diễn tả một thời gian vô tận, mà nhấn mạnh việc người lành ‘gặp sự sống’, liên kết nên một với Thiên
Chúa, tột đỉnh của ơn gọi làm người.
Vì
thế mà chết với Đức Kitô là sống: “nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Đức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không làm chủ được Người nữa.” (Rm 6,8-9)
Và
cái chết chỉ nói lên phần nào sự thiếu vắng Thiên
Chúa đến khô khốc cạn kiệt trong hiện hữu của kẻ dữ: “Còn ai phạm đến ta là làm hại chính mình, mọi kẻ ghét ta là yêu cái chết." (Cn 8,36)
Sự chết không làm chủ được Người nữa, vì “nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa.” (Rm 6,10)
“Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này: không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi, trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi. Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử.” (1Cr
15,51-53)
Khi
mọi người nên một với Đức Kitô mà sống cho
Thiên Chúa là lúc Đức Kitô “đặt mọi
thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết.” (1Cr
15,25-26)
Đúng
thế, “lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 6,23)
Trong
Thủ Bản Tự Thuật, thánh
Têrêxa kể lại rằng: “Suốt đời, Chúa nhân lành đã cưng chìu con: những kỳ niệm đầu tiên của đời con ghi đầy những nụ cười, những mơn
trớn êm đềm nhất!… Nhưng
nếu Chúa đặt bên con nhiều tình thương thì Ngài cũng cho con một trái
tim để yêu và cảm xúc dạt dào, cho nên con yêu Ba Má biết bao và con tìm đủ mọi cách để tỏ lòng yêu Ba Má, vì hễ trong lòng con có gì thì con phải bộc lộ ra ngoài. Có điều là cách con tỏ tâm tình đôi
khi kỳ cục lắm, như lời Má chứng minh trong đoạn thư sau đây:
“Con bé này tinh nghịch có một, nó đến vuốt ve Má và chúc Má chóng chết: Má à! Con muốn Má chết lắm! …
“Mắng nó thì nó bảo: “Má chết để về thiên đàng. Thế Má chả bảo con là phải chết mới được vào thiên đàng là gì.
“Lúc nào nó yêu Ba quá, nó cũng chúc
Ba chết như thế! …”
Đối với Têrêxa, chẳng còn cái
chết, mà chỉ còn một cánh cửa mở ra cho hạnh phúc hoàn hảo, trọn vẹn. Ước chi đức tin trong tôi cũng lớn lên để tôi luôn
vui mừng đi tìm sự sống thật trong mọi tình huống, kể cả trong những đau
khổ của ngày hôm nay, “vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8,17)