Chầu Thánh Thể cntn 28c _ chín người kia đâu?


CHÍN NGƯỜI KIA ĐÂU?
Đặt Mình Thánh (mời quì)
(Hát một bài tôn thờ Thánh Thể)
Lời dẫn:
“Nếu tôi phải viết một cuốn sách đạo đức, cuốn sách đó sẽ dày 100 trang. 99 trang sẽ để trắng. Trang cuối cùng, tôi sẽ viết: ‘Tôi chỉ biết duy một bổn phận, đó là yêu thương’”.
Lời trên đây không phải là của một tu sĩ, hay một nhà đạo đức, mà là của Albert Camus, một văn sĩ triết gia vô thần. Dù luôn tìm cách chứng minh sự vô nghĩa của đời người vì phải lệ thuộc vào sự chết, nhưng có một giá trị mà ông vẫn hết mực tôn trọng, là tình yêu.
Lời Chúa: (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca, (Lc 17,11-19)
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!" Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm: (mời ngồi)
Tình yêu có một chỗ đứng đặc biệt trong cuộc sống con người, vì tình yêu có một giá trị nội tại, không tùy thuộc vào một giá trị nào khác. Lý do của tình yêu là tình yêu, chứ không vì một điều gì khác. Nếu tôi yêu ai vì một điều gì khác không phải là tình yêu, thì tôi tự hạ giá tình yêu mình, và cũng tự hạ giá chính mình xuống ở điều đó. Tình yêu khi đó không đáng được gọi là tình yêu!
Tình trạng tuyệt vọng của nhân loại sau tội nguyên tổ được diễn tả sắc nét nơi bệnh phong cùi. Ngày xưa bệnh phong được xếp vào loại “tứ chứng nan y”, ai lỡ mắc bệnh đó thì phải chịu bệnh cho đến chết. Nhưng không phải cứ rán chịu mà đã xong! Đó là một bệnh nguy hiểm, lại dễ lây lan nên người bệnh bị mọi người ghê tởm và ghét sợ, cuối cùng là bị xua đuổi, bị loại trừ.
Dù các biện pháp loại trừ có một lý do chính đáng, để tránh gây thêm nhiều đau khổ cho người khác, nhưng đó mới thật là một cái chết đáng sợ, cái chết của tâm hồn, cái chết của tình yêu!
Và chính nơi không có lý do để yêu mà tình yêu Chúa tỏa sáng lên. Dù cho mọi người có loại trừ nhưng Chúa không loại trừ, vì Chúa là tình yêu, mà “tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo.” (1Ga 4,18)
Vâng, mọi sự xa cách, mọi kiểu loại trừ đều có một mẫu số chung là sợ hãi, sợ là sợ cho mình... Chỉ có tình yêu chân thật mới vượt qua được cái ngưỡng của sự sợ hãi! “Ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo.” Những người cùi không dám đến gần, phải đứng từ xa mà kêu xin. Còn Chúa thì tỏ lòng thương cảm, lắng nghe và nói với họ, những kẻ bị loại trừ.
Chúa tỏ lòng thương cảm, tiếp nhận và đưa họ hòa nhập lại với cộng đoàn: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Họ đã vâng lệnh và được khỏi bệnh nơi thân xác, nhưng ngay sau đó họ quên luôn Đấng họ đã kêu xin.
Là con người của tình yêu, Chúa đâu cần để ý đến lời cám ơn vì nó chẳng thêm bớt gì cho Chúa. Chính đời sống hạnh phúc của họ mới là điều Chúa quan tâm. Vì thế, khi hỏi “chín người kia đâu”, Chúa có ý nhấn mạnh đến mối tương quan phải có giữa con người với Thiên Chúa và với nhau. Đó là chìa khóa của sự sống thiêng liêng và của hạnh phúc thật.
Cầu nguyện: (mời quì)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đang hiện diện nơi đây, thật gần gũi và thân thương, để làm công việc của trái tim, và cũng để dạy chúng con sống  yêu thương.
Anh bệnh phong người Samaria trước hết đã cảm nghiệm thân phận cùng cực của mình. Bệnh phong làm cho anh trở nên thiếu thốn, yếu ớt và đau khổ rất nhiều. Cái đau ngoài thể xác không thấm vào đâu với cái đau trong tinh thần, cái đau đến từ sự ruồng bỏ, bị loại trừ bởi những người thân yêu nhất, và hết sức cô đơn...
Anh đứng từ xa kêu xin mà chẳng dám mong được Chúa thương. Nhưng Chúa đã tỏ tình yêu thương, đáp lời, và đưa anh lên khỏi vực sâu khốn cùng, ban cho anh một cuộc sống mới.
Anh đã sống một cuộc sống mới, với thể xác lành mạnh, nhưng nhất là một tâm hồn yêu thương. Điều trước tiên anh nghĩ đến là tôn vinh và  tạ ơn Chúa. Nơi anh, đó không phải, hoàn toàn không phải là một bổn phận phải hoàn thành, một trách nhiệm phải chu tất, mà đó là tiếng nói của trái tim. Phép lạ lớn nhất tình yêu Chúa đã thực hiện nơi anh là qui hướng anh về với tình yêu và nên một với tình yêu Thiên Chúa.
Mỗi tâm hồn yêu thương là một phép lạ của tình yêu Chúa và của thiện chí con người. Đó là phép lạ Chúa muốn thực hiện cho chúng con để xây dựng một thế giới yêu thương, một trời mới đất mới, trong đó mọi người tôn vinh Thiên Chúa và sống yêu thương nhau.
Ngày nay vẫn còn đó câu hỏi của Chúa, “chín người kia đâu?”  Đó là câu Chúa hỏi về chúng con.
Vâng, lạy Chúa, cũng được chữa bệnh nhưng chỉ có một người biết quay lại tạ ơn Chúa, mà đó lại là người dân ngoại.
Với nhiều tội lỗi, mỗi người chúng con cũng như mấy người cùi kia, xấu xa, hèn yếu, và chẳng đáng được yêu. Nhưng chính những nơi không đáng yêu của chúng con mà tình yêu Chúa tỏa sáng. Chúa đã chết vì chúng con ngay khi chúng con còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Chúa yêu thương chúng con. (x. Rm 5,8)
Đời sống yêu thương là lời tạ ơn đẹp nhất mà chúng con có thể dâng lên Chúa, như mong ước sau hết của Chúa được nói lên trong bữa Tiệc Ly: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12)
Lạy Chúa, xin cho điều Chúa mong ước được thực hiện trong đời sống chúng con. Lòng chúng con, xin đổ tràn đầy tình yêu để chúng con phá bỏ ngay những rào cản ngăn cách chúng con với bất cứ một ai, dù với lý do nào đi nữa, để chúng con có thể đến với những người bị loại trừ mà thực hiện cho họ những gì Chúa đã làm cho chúng con, là thông cảm và lắng nghe, là chia sẻ và khích lệ, là gieo niềm vui và bình an Chúa đã gieo vào cuộc sống chúng con.
Cũng như người phong hôm xưa, chúng con đã nhận được cuộc sống mới từ Chúa. Ước chi những việc bác ái, thương cảm, giúp đỡ... trước hết là cho những người bị loại trừ, làm cho cuộc đời chúng con trở nên bài trường ca tôn vinh và tạ ơn Chúa!
“Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.” (1Ga 3,16)
Hát: “Thờ lạy tin yêu Chúa từ nhân…”
Lm. HK