Nếu Giáo Hội được mô tả một cách sai lầm như bao gồm những
người "thuộc thế giới khác," thì cuộc đời Thánh Wenceslaus là một
minh chứng cho sự khác biệt đó: Người bênh vực các giá trị Kitô Giáo giữa những
mưu đồ chính trị mà đó là đặc điểm của Bohemia vào thế kỷ thứ 10.
Người sinh năm 907 gần Prague, con của Công Tước Bohemia.
Bà nội thánh thiện của người là bà Ludmilla, đã nuôi nấng và dạy dỗ người với
hy vọng người sẽ cầm quyền ở Bohemia thay cho mẹ của Wenceslaus, là người ưa
thích các bè phái chống đối Kitô Giáo. Hiển nhiên là bà nội Ludmilla bị giết,
nhưng các lực lượng Kitô Giáo mạnh thế đã chiến thắng, và Wenceslaus đã nắm giữ
chức vụ lãnh đạo trong chính phủ.
Sự cai trị của Wenceslaus được ghi nhận qua các nỗ lực nhằm
đoàn kết Bohemia, hỗ trợ Giáo Hội và các cuộc đàm phán hòa bình với nước Ðức,
nhưng chính vì thế người đã gặp khó khăn với những người chống-Kitô Giáo. Em của
người là Boleslav đã nhúng tay vào một âm mưu, và trong tháng Chín 929, ông mời
Wenceslaus đến Alt Bunglou để dự lễ các Thánh Cosmas và Damian. Trên đường đi dự
lễ, Boleslav đã tấn công chính anh mình, và trong cuộc ẩu đả, Wenceslaus đã bị
giết bởi bộ hạ của Boleslav.
Mặc dù cái chết của người là hậu quả chính yếu của biến động
chính trị, Thánh Wenceslaus được ca tụng như một vị tử đạo vì đức tin, và mộ của
người trở nên trung tâm hành hương. Thánh nhân được xưng tụng là quan thầy của
người Bohemia và người Tiệp Khắc trước kia.
Lời Bàn
"Vua Wenceslaus Nhân Từ" đã cụ thể hóa Kitô
Giáo trong một thế giới đầy xáo trộn chính trị. Trong khi chúng ta thường là nạn
nhân của một loại bạo lực nào đó, chúng ta cũng có thể đồng hóa với sự tranh đấu
của thánh nhân nhằm đem lại sự hài hoà cho xã hội. Mọi Kitô Hữu đều được mời gọi
tham dự vào việc thay đổi xã hội và sinh hoạt chính trị, vì các giá trị phúc âm
rất cần thiết cho thế giới ngày nay.
Lời Trích
"Trong khi công nhận thẩm quyền của các thực thể
chính trị, Kitô Hữu nào tham gia sinh hoạt chính trị phải cố gắng có những quyết
định phù hợp với phúc âm và, trong khuôn khổ của một tập thể chính đáng, phải
làm chứng cho đức tin của mình bởi sự phục vụ hữu hiệu và vô vị lợi" (Ðức
Giáo Hoàng Phao-lô VI, Lời Mời Gọi Hành Ðộng, 46)