Tôi quyết định đi tìm gặp Thiên Chúa.
Ngài là ai? Có tồn tại trong thế giới này không?
Tôi
sinh ra và lớn lên trong một gia đình và vùng quê mà ở đó không hề có sự tồn tại
của Thiên Chúa. Suốt mười hai năm học phổ thông tôi được dạy rằng, vũ trụ này tự
nhiên mà có, sau một vụ nổ lớn – Big Bang – chứ không phải do Thiên Chúa nào tạo
dựng cả.
Rồi
tôi vào đại học y khoa, được đào tạo song song và rất bài bản cả về khoa học và
triết học duy vật biện chứng. Theo đó, vật chất có trước, ý thức có sau; vật chất
quyết định ý thức. Và mọi thứ trong vũ trụ này, kể cả cơ thể con người, chỉ tồn
tại khi con người cảm nhận được một cách trực tiếp hay gián tiếp, hoặc thông
qua các quy luật, các định luật, các phương tiện máy móc mà con người có được.
Như thế, chủ nghĩa duy vật biện chứng không công nhận sự tồn tại của Thiên
Chúa, vì không ai cảm nhận được Ngài bằng những gì họ có. Ai tin rằng có sự tồn
tại của Thiên Chúa là duy tâm, mê tín dị đoan.
Sau
khi tốt nghiệp đại học, tôi đi làm với vốn kiến thức khoa học cũng như triết học
duy vật biện chứng vững vàng. Trong môi trường làm việc mới, tôi quen biết một
gia đình công giáo, và họ nói với tôi rằng Thiên Chúa luôn luôn hiện hữu. Tư tưởng
tôi bắt đầu có sự hoài nghi, nhưng tôi không bác bỏ điều đó, vì họ là những người
rất đáng tin cậy, qua lối sống đạo đức và nhân cách rất tốt. Tôi quyết định đi
tìm gặp Thiên Chúa. Ngài là ai? Có tồn tại trong thế giới này không?
Qua
lời giới thiệu và tự tìm hiểu, tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh. Vì tôi đọc được câu:
“Kinh Thánh Tân Ước chính là cuốn sách tốt
nhất đã từng hoặc sẽ được biết đến trên thế giới” do Charles Dickens nói.
Ngay
câu đầu tiên trong Kinh Thánh: “Lúc khởi
đầu, Thiên Chúa Trời dựng nên trời và đất” (Stk 1,1), tôi đã thấy hết sức
vô lý. Nhưng rồi tôi nhớ lại, Isaac Newton đã cho rằng các thiên thể chuyển động
nhịp nhàng được là nhờ “cái hích đầu tiên
của Thiên Chúa”. Tôi rất ngưỡng mộ Newton, tôi tin ông nói đúng. Tôi băn
khoăn, chẳng lẽ Đức Chúa Trời có thật?
Đọc
tiếp chuyện Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày chỉ bằng những lời phán,
sao giống như trong chuyện thần thoại Hy Lạp. Tiếp tục đọc, càng thấy nhiều
chuyện không thể tin được. Có khoa học nào giải thích được một phụ nữ đồng
trinh sinh con, người mù được sáng mắt, người què đi được, người cùi khỏi bệnh,
người chết sống lại chỉ bằng những lời phán. Và còn rất nhiều phép lạ xuất hiện
trong Kinh Thánh nữa. Tôi không tin. Nhưng tôi tự hỏi: Kinh Thánh có thật
không, và có sức mạnh nào khiến hàng tỷ người trên thế giới tin tưởng, ngưỡng mộ,
trong đó có rất nhiều nhà khoa học vĩ đại. Họ duy tâm mê tín hay mình chưa hiểu
biết?
Tôi
cũng đọc được câu phát biểu hết sức hùng hồn của Albert Einstein: “Khoa học không có tôn giáo là mù lòa”.
Và còn nhiều câu nói, câu chuyện của các nhà khoa học về Thiên Chúa nữa, tôi đã
bị khuất phục rằng Thiên Chúa là có thật. Đến giờ chiêm nghiệm lại tôi mới hiểu
được, chính Thiên Chúa đã mở mắt cho tôi. Và tôi lại tự hỏi: Thiên chúa có còn
tồn tại không?
Nhiều
người vẫn nói Thiên Chúa không tồn tại, ai đã chứng minh điều đó? Không ai cả.
Tất cả chỉ dựa vào cảm giác con người, mà cảm giác thì không thể chứng minh bằng
khoa học được. Có những cái hiện hữu chúng ta chỉ công nhận bằng cảm giác, như
tình yêu, trí khôn; chứ không có máy móc, khoa học nào cân đo được. Vì vậy, “có
Thiên Chúa” hay “không có Thiên Chúa” là vấn đề đức Tin, vượt ngoài mọi khoa học
mà con người nắm bắt được. Nhưng xem ra “có Thiên Chúa” dễ tin hơn nhiều.
Nhà
bác học Isaac Newton đã dựng nên một mô hình hệ mặt trời rất đẹp, một hôm có một
người bạn đến chơi và hỏi: “Ai đã làm nên
vậy?”. Newton trả lời: “Tự nhiên mà
có đấy thôi”. Người bạn không tin, Newton nói tiếp: “thế thì tại sao bạn lại tin cả cái vũ trụ vĩ đại chuyển động nhịp
nhàng này tự nhiên mà có, không cần Đấng Sáng Tạo?”. Và Newton kết luận: “trong Kinh Thánh có nhiều biểu hiện chắc chắn
về tính có thực hơn trong bất cứ một câu chuyện nào chống lại sách đó”.
Cảm
tạ Thiên Chúa đã tạo ra tôi là một con người đam mê khoa học, và sử dụng các
nhà khoa học để mở mắt, mở lòng cho tôi. Tính muôn màu muôn vẻ của thiên nhiên,
tính di truyền kỳ diệu-hạt giống nào sinh cây trái đó, vẻ đẹp tuyệt vời của những
loài hoa, sự hài hòa và hoàn thiện của cơ thể con người, sự hùng vĩ của bầu trời;
tất cả điều đó, cộng với ý kiến các vĩ nhân mà tôi hằng kính phục, chính là sự
minh họa tuyệt vời và là cơ sở để tôi tin rằng phải có Đấng Sáng Tạo. Dần dần
tôi cũng tin Kinh Thánh là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời. Và trên hết, tôi đã
có đủ lòng tin son sắt rằng, chính Thiên chúa đã chọn tôi, chứ tự tôi không thể
tìm gặp Ngài.
Chúa
Giê-su đã dạy: Tội lỗi đã tạo ra một hố sâu ngăn cách giữa nhân loại với Đức
Chúa Trời, và bây giờ chính Ngài là chiếc cầu duy nhất bắc qua hố sâu ấy. Ai
không tin nhận Ngài thì không thể đến cùng Đức Chúa Trời được. Ngài mời gọi: “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng
nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Ngài còn
phán: “Này, Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Nếu
ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho, Ta sẽ vào ăn bữa tối với người đó, chỉ người với
Ta” (Kh 3, 20)
Thật
sự cảm động trước những lời dạy đầy tình yêu thương ấy, tôi đã quỳ gối ăn năn về
tội lỗi trong những năm sống vô thần, và thành kính mời Ngài vào làm chủ cuộc đời
mình. Từ đó đời tôi hoàn toàn được đổi mới, tràn ngập ánh sáng, bình an và hy vọng.
Trước đây tôi cứ nghĩ chết là hết. Thật ra không phải thế. Kinh Thánh dạy rằng
chết là bắt đầu một cuộc sống mới, như hạt giống chết đi để bắt đầu cuộc sống của
một cây xanh. Chúa Giê-su cũng dạy rằng: “Thiên
Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin
Con ấy không bị hư vong mà có sự sống đời đời” (Ga 3,16). Tôi không những
đã nhận được tràn đầy ân sủng đời này, mà còn biết chắc rằng mình sẽ có cuộc sống
vĩnh cửu ở bên Ngài, sau khi từ giã thế giới này. Đó là niềm vui và sự bình an
không thể mua được bằng bất cứ giá nào.
Xin
mượn lời của nhà bác học vĩ đại Albert Einstein để kết thúc bài viết này: “Tôn giáo của tôi là sự hạ mình chiêm ngưỡng
Đấng vốn là thần linh, tối cao, vô hạn, đã tự bày tỏ chính Ngài trong những phần
tử vô cùng nhỏ bé của vũ trụ, để cho chúng ta có thể bằng tư duy thiển cận tầm
thường của mình cũng nhận biết được Ngài. Chính sự hiểu biết về những quy luật
tuyệt vời của vũ trụ vĩ đại và kỳ diệu đã đem đến cho tôi niềm tin sâu sắc về sự
hiện diện của một Đấng quyền năng tối thượng đã sáng tạo nên vũ trụ, cái mà con
người không thể nào lãnh hội được bằng lý trí của mình, Đấng đó chính là Đức
Chúa Trời của tôi”.
Kinh
Thánh dạy rằng: “Thiên Chúa là tình yêu”
(1 Ga 4,8). Tin nhận Chúa Giê-su, mọi người sẽ được nếm trải tình yêu thương ngọt
ngào ấy như hàng tỷ người và cả chính tôi đã từng chiêm nghiệm được. Chúng ta sẽ
như một người con lạc đường quay trở về nhà cha đẻ của mình. Hồng phúc và tình
thương của Chúa sẽ theo chúng ta đến hết cuộc đời như Ngài đã hứa trong Kinh
Thánh.
Cầu
Chúa dùng bài viết ngắn này để góp phần rất nhỏ giúp mọi người tin nhận Chúa Cứu
Thế Giê-su, mời Ngài vào làm chủ cuộc đời mình và nhận được Ơn cứu rỗi, là sự sống
đời đời mà chính Ngài đã hứa ban tặng. Vui biết mấy, một ngày mai, chúng ta sẽ
được gặp nhau ở Thiên Đàng, cùng nắm tay ca hát tôn vinh Đức Chúa Trời yêu quý,
Đấng Sáng Tạo, đã dựng nên trời đất vũ trụ, cũng như tất cả chúng ta.
Gioan
Nguyễn Ngọc Phến
Họ
đạo lộ 20-Đức Mẹ Vô Nhiễm
Hạt
Cần Thơ