Lời Chúa cntn 24c _ con Ta đã chết, nay sống lại

CON TA ĐÂY ĐÃ CHẾT, NAY SỐNG LẠI
 “Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp.” (Dc 8,7)! Với người cha, dù có bị chối bỏ đến đâu thì “con” cũng vẫn là duy nhất đối với “cha”, và không có cái mất nào lớn hơn mất con.
Lm. HK
Vua Ai Công hỏi Đức Khổng Tử: “Quả nhân nghe nói có người tính hay quên, lúc dọn nhà quên mất vợ, có thật không?”
Đức Khổng tử thưa rằng: “Có người quên như thế cũng chưa lấy gì làm tệ. Còn có người tệ hơn nữa, quên cả đến cái thân của mình.”
Vua Ai Công hỏi: “Thế nào mà lại quên đến cái thân của mình nữa.”
Đức Khổng Tử nói: “Ngày xưa vua Kiệt nhà Hạ giàu có cả bốn bể, sang làm đến thiên tử, chỉ vì xao lãng cơ đồ của tổ tiên, hủy hoại điển pháp của nước nhà, tin dùng kẻ siểm nịnh, ghét bỏ kẻ trung lương, ngày ngày say đắm sắc dục, săn bắn rượu chè, hoang vu vô độ, sau đến nỗi bị ông Thang giết chết mà mất… Thế chẳng phải có thân mà quên cả thân là gì?”
Quên đến cả thân mình mà không biết mình quên là cái bệnh nan y của nhân loại. Vua Kiệt muốn rằng mọi ý muốn của ông phải được thực hiện. Nhưng khi để lòng mình chiều theo những mệnh lệnh của “cái tôi vĩ đại” đó, ông đã lạc xa và đánh mất cả chính mình.
Đó không chỉ là cái tội của vua Kiệt, mà còn là cái tội của dân Do thái ngày xưa và nhân loại hôm nay: “chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: “Hỡi Israel, này là Thiên Chúa của ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai cập.” (Xh 32,8). Đó là bản Tuyên ngôn của những người vị kỷ, những người tôn thờ “cái tôi” - vị thần họ tạo ra theo ý họ -, và coi đó như một giải pháp cho khát vọng tự do.
Đó là sự hồ đồ của người con thứ khi muốn được tự do: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con.” Cho rằng tự do là được làm tất cả theo ý mình muốn, anh sẵn lòng chịu mất tất cả: “Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của.” (Lc 15,12-13)
Rồi anh nghiệm thấy cái mất khắc nghiệt nhất trong đời. Ngay cả các thoả mãn phàm tục cũng bỏ anh, anh “muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho.” (Lc 15,16)
Đó cũng là kinh nghiệm của thánh Augustinô về những ngày còn sống trong tội lỗi: “Kinh nghiệm của tôi lúc đó khi tôi chống lại lời mời gọi của Chúa, là thấy rõ tôi đang trên con đường tự hủy. Công nhận điều ấy làm cho tôi khốn khổ. Còn tệ hơn khi trong chốc lát tôi thấy có gì vui và thoả mãn, tôi lại không được hưởng thụ. Mỗi lần tôi giơ tay đón lấy niềm vui thì niềm vui xa chạy cao bay.” (Conf. ch.3,15)
Đúng thế, bỏ Chúa để chạy theo các điều thiện hảo phù vân, chẳng khác gì những thiếu nữ Xion bị phản bội bởi chính các dục vọng của mình: “Tỉ ti nàng khóc suốt đêm dài, suối lệ đắng cay tràn đôi má; chẳng thấy kẻ nào đến ủi an trong số những người yêu thuở trước. Bạn hữu thân tình nay bội ước, thành ra cả một lũ địch thù.” (Ac 1,2)
Người con thứ khi lâm vào cảnh khốn cực, thấy mình bế tắc giữa hai chọn lựa, trước mặt là “bạn hữu thân tình nay bội ước”, sau lưng là người cha anh đã chối bỏ. Vì đã chối bỏ, anh chỉ mong tìm được miếng ăn khi quay về với cha.
Nhưng thật may cho anh, “nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp.” (Dc 8,7)! Với người cha, dù có bị chối bỏ đến đâu thì “con” cũng vẫn là duy nhất đối với “cha”, và không có cái mất nào lớn hơn mất con.
Bởi tình yêu như trời biển, người cha không chỉ quên đi bao nhiêu lỡ lầm của cậu con trai mà còn sẵn lòng mở lại con đường sống cho cậu: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu.”
Còn gì vui sướng hơn người trong bước đường cùng được làm lại từ đầu! Đó cũng chính là tâm trạng của Phaolô: “Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất.” (1Tm 1,15)
Vâng, Tin Mừng về một Thiên Chúa - Tình Yêu chỉ quan tâm tìm kiếm và phục vụ sự sống là lời giải đáp cho vấn nạn mà các Biệt phái và Luật sĩ đưa ra khi thấy Chúa tỏ ra thân cận với người tội lỗi.
Vào thời nội chiến Nam - Bắc ở Hoa kỳ, sau khi phải chịu thất bại nặng nề trong một trận chiến, tướng Lee (miền Nam) đã cưỡi ngựa lên nơi chiến trận mới xảy ra. Khi thấy ông phi ngựa đến gần, một người lính bị thương trong đội quan chiến thắng của phương Bắc đã ngóc đầu lên và hô to với vẻ khiêu khích của người chiến thắng: “Hoan hô liên quân miền Bắc”.
Rồi anh lính chờ bị bắn, nhưng thay vì thế, Lee lại xuống ngựa và tỏ ra rất đau lòng khi thấy vết thương của anh lính: “Anh bị thương nặng quá! Mong sao anh mau bình phục”.
Sau đó, người lính đã nói: “Tâm hồn đó đã làm đau lòng tôi, và tôi đã khóc đến khi ngủ thiếp đi”.
Còn hơn thế là tình yêu Chúa dành cho tôi, một tội nhân!
Với một người cha mà tất cả niềm vui là thấy con trở về, sao tôi chưa đứng ngay lên: “Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi.”?
Lm. HK