Suy niệm hạnh thánh _ 16/8

Thánh STÊPHANÔ Ở HUNG GIA LỢI
 (975-1038)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Giáo Hội thì phổ quát, nhưng dáng vẻ bên ngoài thì luôn luôn bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa địa phương - dù tốt hay xấu. Không có Kitô Hữu nào được coi là "cùng đặc điểm" cả; có người là Công Giáo Mễ Tây Cơ, hay Công Giáo Ba Lan, hay Công Giáo Việt Nam. Dữ kiện này được nhận thấy hiển nhiên trong cuộc đời Thánh Stêphanô, vị anh hùng dân tộcquan thầy của nước Hung Gia Lợi.
Sinh trong một gia đình ngoại giáo, ngài được rửa tội khi lên 10 cùng với cha của mình là thủ lãnh nhóm Magyar, là những người khai phá đã đến Danube trong thế kỷ thứ chín. Khi 20 tuổi, ngài kết hôn với Gisela, người em của hoàng đế tương lai là Thánh Henry. Khi kế vị cha mình, Stêphanô theo chính sách của một quốc gia Kitô Giáo vì các lý do chính trị cũng như tôn giáo. Ngài triệt hạ được các cuộc nổi loạn của giới quý tộc ngoại giáo và thống nhất người Magyar thành một tổ chức lớn mạnh trong nước. Ngài đến Rôma để xin Giáo Hội phê chuẩn và cũng để xin đức giáo hoàng phong ban tước vua cho mình. Vào lễ Giáng Sinh 1001, ngài được đội vương miện.
Stêphanô đã thiết lập một hệ thống thuế thập phân để hỗ trợ các nhà thờ và cha xứ, cũng như giúp đỡ người nghèo. Cứ 10 thành phố thì một thành phố phải xây một nhà thờ và cấp dưỡng cho một linh mục. Ngài bãi bỏ các tục lệ ngoại giáo với ít nhiều sự ép buộc, và ra lệnh tất cả mọi người phải kết hôn, ngoại trừ giáo sĩ và tu sĩ. Ai ai cũng có thể đến với ngài, nhất là những người nghèo.Vào năm 1031, con trai trưởng của ngài là thái tử Emeric từ trần và quãng thời gian kế đó đầy dẫy những tranh chấp quyền kế vị. Ngay cả người cháu cũng mưu toan ám sát ngài. Stêphanô từ trần năm 1038 và được phong thánh năm 1083.
Suy niệm 1 Phổ quát
Giáo Hội thì phổ quát, nhưng dáng vẻ bên ngoài thì luôn luôn bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa địa phương--dù tốt hay xấu.
Thuật ngữ Catholic bắt nguồn từ chữ Katholikos trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “phổ quát” hoặc “công cộng”. Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng để mô tả về một giáo hội kitô giáo duy nhất từ những năm đầu thế kỷ II. Chữ Katholikos là biến thể từ chữ Katholou do sự kết hợp giữa hai từ Kato Holou có nghĩa là tôn giáo mà “ai cũng theo được”. Từ nguyên nói trên được dịch sang tiếng Việt là “Công Giáo”. Như vậy tên gọi Giáo Hội Công Giáo có nghĩa là “Giáo Hội phổ quát”.
Có một ít sự bất đồng về cách dùng từ không thật sự rõ nghĩa giữa “Giáo Hội Công Giáo Rôma” và “Giáo Hội Công Giáo”. Nguyên nhân là do một vài nhánh kitô giáo khác cũng tuyên bố họ là “Công Giáo” (nghĩa là phổ quát). Đặc biệt, Chính Thống Giáo Đông Phương thích áp dụng thuật ngữ “Giáo Hội Công Giáo Rôma” để chỉ rõ trung tâm giáo hội này ở Rôma, nhằm phân biệt với các giáo hội đông phương có trung tâm ở Constantinopolia (nay là Istanbul).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp cho các giáo hội kitô giáo được hiệp nhất nên một để làm sáng tỏ tính phổ quát của một giáo hội duy nhất.
Suy niệm 2 Địa phương
Giáo Hội thì phổ quát, nhưng dáng vẻ bên ngoài thì luôn luôn bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa địa phương--dù tốt hay xấu.
Hiến Chế Tín lý về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, số 62 ghi nhận: "Dù Giáo Hội đã góp phần rất nhiều trong việc phát triển văn hóa, kinh nghiệm cho thấy, vì hoàn cảnh, đôi khi thật khó để hài hòa văn hóa với giáo huấn của Giáo Hội…
Những khó khăn này không nhất thiết gây thiệt hại cho đời sống đức tin. Thật vậy, chúng có thể khích lệ tâm trí để thấu hiểu đức tin cách chính xác hơn. Vì các cuộc nghiên cứu và khám phá mới đây của khoa học, lịch sử và triết học đã nêu lên các vấn đề mới có ảnh hưởng đến đời sống và đòi hỏi phải có các cuộc nghiên cứu mới về thần học".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn quan tâm đến tinh thần hội nhập văn hóa của Công Đồng Vaticăn II để thực thi.
Suy niệm 3 Anh hùng dân tộc
Thánh Stêphanô, vị anh hùng dân tộc và quan thầy của nước Hung Gia Lợi.
Anh hùng dân tộc là người có công kiệt xuất trong cuộc đấu tranh cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc, được nhân dân suy tôn và lịch sử dân tộc ghi nhận. Anh hùng dân tộc thường xuất hiện ở bước ngoặt lịch sử của dân tộc (thời đại), trở thành biểu tượng và niềm tự hào của dân tộc. Thánh Stêphanô là vị anh hùng dân tộc của nước Hung Gia Lợi.
Mahatan Gandhi là anh hùng dân tộc Ấn Độ, đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế Quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ, với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân. Trong suốt cuộc đời, ông phản đối tất cả các hình thức khủng bố bạo lực và thay vào đó, thay vào đó, chỉ áp dụng nhũng tiêu chuẩn đạo đức tối cao. Nguyên lý bất bạo lực được ông đề xướng với tên Chấp Trì Chân Lý đã ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh bất bạo động trong và ngoài nước cho đến ngày nay, bao gồm phong trào vận động Quyền Công Dân tại Hoa Kỳ được dẫn đầu bởi Martin Luther King.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quyết sống như một anh hùng của Nước Chúa.
Suy niệm 4 Quan thầy
Thánh Stêphanô, vị anh hùng dân tộc và quan thầy của nước Hung Gia Lợi.
Quan thầy còn được gọi là bổn mạng, là một nhân vật được chọn, được tôn vinh như một người bảo hộ ở trên trời cho một quốc gia, một địa điểm, một nhà thờ, một hội dòng, một gia đình, một cá nhân hay một tổ chức hoặc một giới, bởi vì họ được tin là có thể can thiệp cách hiệu lực cho các nhu cầu của thế giới đang còn sống.
Thánh Phanxicô Xavie cũng như Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu là bổn mạng của các xứ truyền giáo, Thánh Gioan Boscô là bổn mạng của giới trẻ, Thánh Phanxicô Átxidi là bổn mạng của thú vật, Thánh Gioan của Thiên Chúa là bổn mạng của bệnh viện, Thánh Đa Minh Saviô là bổn mạng của các chú hội hát, Đấng Đáng Kính Matt Talbot là bổn mạng của những người đang chiến đấu với sự nghiện rượu…
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không chỉ kêu xin sự cầu bầu của các thánh bổn mạng mà nhất sống theo gương các ngài.
Suy niệm 5 Triệt hạ
Stêphanô triệt hạ được các cuộc nổi loạn của giới quý tộc ngoại giáo và thống nhất người Magyar thành một tổ chức lớn mạnh trong nước.
Được trở nên thánh thiện là có được lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân giống như Đức Kitô. Đức ái nhiều khi phải mang bộ mặt lạnh lùng nghiêm khắc vì lợi ích của sự thiện. Đức Kitô đã lên án sự giả hình của người Pharisêu, nhưng khi từ trần, Người đã tha thứ cho họ. Thánh Phaolô ra vạ tuyệt thông người loạn luân ở Côrintô "để có thể cứu rỗi linh hồn" ông ta. Một số Kitô Hữu đã chiến đấu trong các cuộc Thập Tự Chinh với một tinh thần cao thượng, bất kể các động lực bất chính của người khác.
Ngày nay, sau các cuộc chiến tranh vô nghĩa, và với những hiểu biết sâu xa hơn về sự phức tạp của các động lực con người, chúng ta chùn bước trước bất cứ bạo lực nào, về hành động hay "im lặng" đồng lõa. Sự phát triển tốt đẹp này vẫn còn được tiếp tục khi người ta tranh luận rằng có thể nào một Kitô Hữu trở nên người yêu hòa bình tuyệt đối hay đôi khi sự dữ phải bị tiêu diệt bằng vũ lực.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhân từ với người dữ nhưng cương quyết triệt hạ sự dữ.
Suy niệm 6 Thuế thập phân
Stêphanô đã thiết lập một hệ thống thuế thập phân để hỗ trợ các nhà thờ và cha xứ, cũng như giúp đỡ người nghèo.
Thuế thập phân theo Kinh Thánh là thuế 10% trên các sản phẫm từ đất đai hoặc từ công việc lao động dùng để cấp dưỡng cho các tư tế. Dựa vào truyền thống ấy, ngài dùng để hỗ trợ các nhà thờ và cha xứ, cũng như giúp đỡ người nghèo.
Tại Hoa Kỳ, suốt thập niên 60, một ủy ban đặc biệt của các giám mục nghiên cứu vấn đề thuế thập phân trong Giáo Hội Công Giáo. Họ kết luận rằng: Cho dù đó là một lý tưởng thích đáng, nhưng về mặt pháp lý, vẫn không buộc đối với người Công giáo; việc chia thuế thập phân hiện nay thành hai phần: một nửa cho giáo xứ và một nửa cho tất cả việc bác ái khác, là có thể chấp nhận được.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khi tuân thủ quy chế này, đừng rơi vào thái độ kiêu ngạo đến mức khinh khiệt người khác trong dụ ngôn người Pharisêu bị Chúa quở trách (Lc 18,9-14).