Lời Chúa cntn 21c _ hãy cố gắng vào qua cửa hẹp

HÃY CỐ GẮNG VÀO QUA CỬA HẸP
Biết số người được cứu độ là nhiều hay ít mà làm chi nếu không biết phải làm gì để được cứu độ, nếu chính mình không được cứu độ?
Lm. HK
Báo Tuổi Trẻ Chủ nhật số ra ngày 25.7.1999 có nói về những nghịch lý của thời đại hôm nay, như: “Chúng ta có nhiều bằng cấp hơn, nhưng lại kém ý thức hơn; nhiều kiến thức hơn, nhưng lại kém suy xét hơn; nhiều chuyên gia hơn, nhưng cũng lắm vấn nạn hơn; nhiều thuốc men, nhưng lại kém sức khoẻ hơn…”. Tất cả những nghịch lý đáng buồn trên đều là hậu quả của một sai sót nào đó khi giải quyết vấn đề, nhất là trong cuộc sống và tình yêu, những đề tài xưa nay vẫn có nhiều nghịch lý.
Nhìn bằng lý trí tự nhiên, niềm tin Kitô giáo cũng có nhiều nghịch lý; nhưng cùng với ơn Chúa, chính các nghịch lý đó lại có sức thuyết phục người ta tin, và tin bằng một niềm tin thuần khiết. Cây thánh giá được dựng lên khắp mọi nơi là một dấu chứng rằng Đức Kitô là Thiên Chúa, và đạo Ngài dạy là đạo thật, vì nếu không có một sức mạnh siêu nhiên thì làm sao người ta gọi người chịu đóng đinh đó là Chúa Trời toàn năng, và người bị kết án cách nhục nhã đó là Quan án Tối cao?
Siniavski, một văn sĩ hiện đại của Nga, một người đã từng mang án khổ sai, đã phải sống lưu vong và dạy học tại Pháp; với cái nhìn của một người vô thần, ông đã viết về niềm tin của các Kitô hữu trải qua các cuộc bách hại xưa nay trên khắp thế giới như sau: “Họ thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, cả giới hạ lưu bần cùng, cả bọn trọng phạm. Thế nhưng, họ đều đã nhận lấy thập giá. Bất cứ ai cũng đều có thể gia nhập đội ngũ của họ, người dốt nát cũng như kẻ đã từng phạm tội, chỉ với một điều kiện là sẵn sàng nhảy vào lửa” (Lm. Bernard Pro, Mùa Chay 1975)
Câu hỏi người ta đã đặt ra cho Chúa Giêsu ngày xưa: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” là câu hỏi mà người hôm nay vẫn đặt ra về ơn cứu độ. Chúa không trả lời là ‘nhiều’ hay ‘ít’, mà chỉ nói “Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp”, vì ơn cứu độ không phải là một chuyện để tò mò, mà là chính cuộc sống. Biết số người được cứu độ là nhiều hay ít mà chi nếu không biết phải làm gì để được cứu độ, nếu chính mình không được cứu độ?
Đâu là con đường cứu độ mới là điều cần hỏi.
“Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm”. Mọi người, không trừ ai, đều được chính Chúa tìm kiếm và kêu gọi đến bơi lội trong tình yêu Chúa, để tình yêu Chúa đổ tràn vào cuộc đời mình: “Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta… Ta sẽ sai những kẻ sống sót… đến những hải đảo xa xăm chưa hề được nghe nói đến Ta”.
Đó là tình thương của một người cha luôn tìm kiếm điều tốt lành cho con mình, cả khi quở trách: “vì Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con”. Vì thế, cái giới hạn của ơn cứu độ nằm ở quyết định và lời đáp trả tự do của mỗi người trước lời mời gọi của Chúa: “ Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”.
Đối với ơn cứu độ, những mối liên hệ huyết nhục hay sự tiếp xúc, gặp gỡ bên ngoài không có giá trị gì: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu tới’. Cái ‘biết’ Chúa nói ở đây là một liên hệ sống động, đi vào đời sống cụ thể, một cái ‘biết’ bắt người ta đi vào con đường hẹp: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người” (1Ga 2,3).
Năm 1941, Thế Chiến Thứ Hai, có một linh mục bị giam trong trại tập trung của Đức Quốc Xã. Cũng như bao người khác, bị ngược đãi, hành hạ tàn ác. Tuy vậy Cha vẫn luôn tìm cách giúp đỡ các bạn tù, giữa bao đau khổ. Đặc biệt với một cậu bé trước đây lớn lên nơi đầu đường xó chợ, ngang bướng, quậy phá, Cha từng bước tìm cách gần gũi, chuyện trò, giúp đỡ, khuyên răn, và cuối cùng đã hoán cải được tâm hồn chai đá của cậu, nhưng Cha vẫn thấy chưa phải là lúc để nói với cậu về Thiên Chúa.
Một hôm, khi được tin mình phải chuyển đến trại Auschwitz, một trại tập trung đồng nghĩa với án tử hình, cha cố giữ bình tĩnh khi chia tay từng người. Khi đến trước cậu bé kể trên, vì rất muốn em được biết Chúa, tin và theo Chúa, nên Cha nhỏ nhẹ hỏi:
-          Cháu thân yêu của bác, cháu có muốn tin vào Giêsu không?
-          Nhưng thưa bác, Giêsu là ai để cháu có thể tin?” Cậu bé thật thà hỏi lại.
Biết mình không còn thời gian để cắt nghĩa Thánh Kinh và giáo lý, Cha thinh lặng ngẫm nghĩ một chút rồi buột miệng trả lời:
-          Người đó giống như bác!
Cậu bé đăm đăm nhìn ngài rồi trả lời: “Vậy thì cháu tin!”, và sau thế chiến, cậu đã trở nên một tân tòng đạo hạnh.
Thế giới hôm nay cần đến cái biết ban ơn cứu độ, là ‘biết’ Chúa qua con đường hẹp của luật bác ái. “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1Ga 4,8)
Tôi có ‘biết’ Chúa không?
Lm. HK