Lời Chúa cntn 20c _ Thầy phải chịu một phép rửa

THẦY PHẢI CHỊU MỘT PHÉP RỬA
Tình yêu với sức nóng mãnh liệt thiêu đốt tất cả những gì là gian trá, là bất chính, và đặt người ta trước những chọn lựa, những đối kháng tự trong xương thịt mình để chọn sự khôn ngoan của tình yêu.  
Lm. HK
Cha Anthony de Mello kể chuyện ngụ ngôn: Trên máy bay có một bà già nhỏ thó người Do thái ngồi bên cạnh một người đàn ông Thụy điển to bự. Bà chăm chăm nhìn ông. Cuối cùng bà nghiêng qua phía ông, hỏi nhỏ: “Này, hình như ông là người Do Thái, phải không?”
Người đàn ông trả lời: “Ồ, không.”
Ít phút sau, bà lại nghiêng qua và nói: “Thôi, đừng giấu diếm làm chi. Ông là người Do Thái, phải không?”
“Ồ không, không phải, thưa bà!” Người đàn ông đáp.
Bà lại tiếp tục chăm chăm nhìn người đàn ông. Được ít phút, bà lại nói: “Tôi dám chắc ông là người Do Thái.”
Lúc này người đàn ông rất bực mình, ông nói xẵng: “Ừ ừ. Tôi là người Do Thái đấy, thưa bà.”
Bà lại nhìn ông, lắc đầu: “Vậy mà nãy giờ ông cứ chối quanh.”
Người đàn bà đưa ra kết luận trước và tìm mọi cách để đi tới kết luận. Kết quả là dù ở rất xa sự thật, bà vẫn nghĩ một cách đắc thắng là mình đang nắm giữ được sự thật.
Giêrêmia rao giảng lời Chúa để giúp dân thoát nạn nhưng các thủ lãnh trong dân không muốn nghe sự thật, họ xin nhà vua: “Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ.” (Gr 38,4)
Còn vua Sêđêcia lại để sự ác điều khiển mình: “Đấy nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì.” (Gr 38,5)
Trong khi sự thật không được nhận biết giữa Dân Chúa thì Abđêmêlech, một người dân ngoại xứ Êthiôpi lại nhận biết được sự thật: “Tâu bệ hạ, những người này chỉ toàn làm những điều ác đối với tiên tri Giêrêmia, họ ném ông xuống giếng cho chết đói dưới đó vì trong thành hết bánh ăn.” (Gr 38,9)
Mặc dù được dựng nên theo hình ảnh Chúa, nhưng sự sống thần linh được ban từ thuở ban đầu cho nhân loại đã bị Satan dùng sự gian dối mà kìm hãm. Sự thật là yếu tính của sự sống mà Chúa đem đến cho nhân loại nên trước giờ tử nạn, Đức Kitô đã tha thiết cầu xin Chúa Cha dùng sự thật mà thánh hiến các môn đệ: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.” (Ga 17,15-19)
Toàn bộ Phúc âm hướng về tình yêu và an bình nhưng chính tình yêu lại là một ngọn lửa thiêu đốt để thanh lọc, để thánh hiến. Ngọn lửa tình yêu đã làm cho lòng Chúa Giêsu luôn khắc khoải cho đến khi cuộc khổ nạn và phục sinh - phép rửa Ngài sẽ thực hiện cho nhân loại - được hoàn tất: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất.” (Lc 12,49-50)
Tình yêu tìm kiếm một nền tảng vững bền nơi sự thật, và tình yêu với sức nóng mãnh liệt thiêu đốt tất cả những gì là gian trá, là bất chính, và đặt người ta trước những chọn lựa, những đối kháng tự trong xương thịt mình để chọn sự khôn ngoan của tình yêu: “Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai và hai người chống lại ba.” (Lc 12,52)
Tình yêu của Đức Kitô trên cây thập giá là ngọn lửa thiêu đốt để thanh tẩy và làm cho lòng mến của các môn đệ Ngài nên tinh tuyền: “chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.” (Dt 12,1-2)
Trong cuốn tiểu thuyết ‘Chiếc áo choàng’, Lloyd C. Douglas kể về Marcellus, người lính đã bắt thăm được chiếc áo choàng của Đức Kitô. Vui mừng nhận được chiếc áo choàng, anh khoác lên mình, nhưng một trạng thái đau đớn và day dứt lại đến với anh: Tâm hồn của người tử tội Galilê bị đóng đinh trên thập giá làm anh bất an, liên lỉ thúc đẩy tâm hồn anh cho đến khi anh trở nên một Kitô hữu và là môn đệ của Ngài.
Tôi có sẵn sàng từ khước ngay cả những gì đã gắn bó như xương như thịt với tôi để trở nên môn đệ của Đức Kitô, và để có được sự bình an bởi tình yêu của Ngài? Hãy xem kìa: “Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí.” (Dt 12,2-3)
Lm. HK