Hòa Bình Đích Thực
Ấm no,
hòa bình và hạnh phúc, là khẩu hiệu mà các nhà lãnh đạo thường
dùng để kêu gọi dân chúng theo và ủng hộ mình, vì đó là niềm khao
khát của mọi người sống trên mặt đất này. Bởi thế, chúng ta thật
ngạc nhiên khi nghe Đức Giêsu nói: “Các
con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống trên thế gian ư? Thầy bảo
các con: Không phải thế, nhưng Thầy đến để đem chia rẽ.” Sự chia
rẽ ấy xảy ra ngay trong nền tảng của xã hội là gia đình, nơi đây, con
trai và con gái, con dâu và con rể chống đối cha mẹ. Ngược lại, cha
mẹ chống lại con cái dù là dâu hay rể, dù là gái hay trai.
Thật ngạc
nhiên và khó hiểu, vì Đấng Messia đã được các Ngôn Sứ loan báo là “Hoàng Tử bình an.” Isaia thì gọi
là “Ông Vua Thái Bình.” Trong
ngày Đức Giêsu giáng sinh, Thiên Thần hiện đến hát khen: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng
trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Thầy Giêsu khi sai
các môn đồ đi rao giảng đã căn dặn các ông: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy.” Khi
sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và lời đầu
tiên Ngài nói với các ông: “Bình an
cho anh em.” Cũng chính Đấng ấy lại thẳng thắn và công khai tuyên
bố: “Thầy đến để đem chia rẽ.”
Hiểu đây
là cách nói nhấn mạnh, chúng ta sẽ không thấy nghịch lý và dễ cảm nhận
điều Đức Giêsu muốn truyền dạy qua đoạn Tin Mừng hôm nay hơn. Bình an Đức
Giêsu mang đến từ trời cao không phải là một thứ bình an giả tạo, dễ
dãi, nhưng là bình an thực sự trong tâm hồn và nơi cuộc sống, bình an
ấy không ai có thể lấy mất và không nghịch cảnh nào có thể làm xáo
trộn. Cũng vì thế, bình an Người trao tặng sẽ lật tung sự bình
lặng, vốn như tấm bạt lớn đang che đậy những bất công, dối trá và
hận thù.
Dựa vào
Kinh Thánh, chúng ta đưa ra vài dẫn chứng về sự bình an giả tạo. Dân
Do Thái thời Chúa Giêsu tự hào là con cháu của Tổ Phụ Abraham, là
dân tộc được Giavê Thiên Chúa tuyển chọn, Đức Giêsu nhắc họ đừng tự
hào về dòng tộc tổ tiên, nhưng hãy sống ngay chính, công bình và bác
ái. Với những người Biệt Phái tự coi mình là mẫu người chuẩn mực
và công chính, Đức Giêsu tố cáo thái độ tự mãn và giả hình của họ.
Những lời nhắc nhở và khiển trách ấy đã khiến giai cấp lãnh đạo
dân Israen và nhiều người coi Đức Giêsu như là một kẻ gây rối cần
phải loại trừ.
Nhiều năm
trước, các Ngôn Sứ thời Cựu Ước cũng đã bị dân Israen tẩy chay hoặc
giết chết, vì đã đề nghị một thứ hòa bình khác với quan niệm của
họ. Trong bài đọc một chúng ta vừa nghe, khi quân Canđê vây hãm thành Giêrusalem,
Ngôn Sứ Giêrêmia đã đề nghị với vua và các thủ lãnh phương án ít
thiệt hại cho vua quan, toàn dân và thành thánh, nhưng các quan chức tìm
cách giết hại ông, vì cho rằng: “Tên
này không tìm hòa bình cho dân, mà chỉ tìm tai họa.” Chuyện kể
trong Kinh Thánh, cũng là câu chuyện xảy ra trong lòng mỗi người, nơi
mỗi gia đình, trong Giáo Hội và xã hội hôm nay.
Nghiêm túc
nhìn vào cõi lòng mình, mỗi người dễ nhận thấy mình cũng đang tự
tạo tháp ngà để ẩn nấp, và coi đó là vùng an toàn, nhưng thực ra
tâm hồn chúng ta còn đầy ngổn ngang và bất an. Ngổn ngang vì một mối
bất hòa chưa được giải quyết, bất an vì bao toan tính thấp hèn chưa
được loại bỏ.
Thử nhìn
vào giáo xứ, khi cha xứ lên án tệ nạn cờ bạc, một số giáo dân phản
ứng mạnh, vì cho rằng ngài đã can thiệp qúa sâu vào đời sống của họ.
Cha xứ lưu ý về y phục khi tham dự thánh lễ, có người cho rằng cha
đã quá quan tâm đến chuyện vụn vặt. Cha xứ nhắc nhở việc học giáo
lý của thiếu nhi và giới trẻ, người ta nói cha là người cõi trên. Cha
mẹ dạy con cháu về các nguyên tắc đạo đức thị bị coi là cổ hũ. Khi
nhắc con cái về việc tham dự thánh lễ, thì bị kết án là đạo đức
giả hình.
Không nhắc
nhở thì không bị phản đối, nhưng là linh mục và là cha mẹ mà không
dám nói điều cần phải nói, vị linh mục ấy và các bậc sinh thành
kia đang chọn thứ bình an nào?
Những
ngày vừa qua, các phương tiện truyền thông trong nước nói nhiều đến
bệnh viện Hoài Đức ở Hà Nội, vì ở đây một số nhân viên phòng xét
nghiệm đã làm một việc hết sức thất đức. Họ đã lấy kết quả xét
nghiệm của bệnh nhân, tạm gọi là A, và photo thêm làm kết quả cho
bệnh nhân B và C. Khi khám bệnh, bác sĩ dựa vào kết quả xét nghiệm
để chẩn đoán, với kết quả xét nghiệm không đúng thực trạng của
người bệnh dẫn đến chẩn đoán sai và cho thuốc không đúng, như vậy,
bệnh nhân sẽ tiền mất tật mang và còn có thể nguy hiểm đến tính
mạng.
Nghe đâu
chị Hoàng Thị Nguyệt, một nhân viên phòng xét nghiệm đã tố giác hành
vi sai trái trên, chị đã phải chịu nhiều áp lực và những lời đe dọa
của nhiều người. Tại sao chị Nguyệt không làm ngơ trước sự việc đó
để được yên thân? Chị nói: “Tôi tố
cáo để bệnh nhân được chẩn đoán đúng, và bác sĩ không bị lừa dối.”
Khi quyết
định tố cáo hành động sai trái, chị đã góp phần bảo đảm quyền lợi
và sự an toàn của bệnh nhân, thúc đẩy ý thức lương tâm nghề nghiệp nơi
các đồng nghiệp, tạo thêm uy tín cho bệnh viện và những ai đang phục
vụ tại đây. Chính khi ấy, chị đã ra khỏi sự bình an giả tạo và đạt
tới bình an đích thực của tâm hồn.
Chị Nguyệt
biết lời Chúa dạy hay không, điều này chúng ta không rõ, nhưng khi dám
sống theo sự thật, chị đang sống tinh thần của người môn đệ Đức Giêsu
và thực hiện lời dạy của Người: “Ai
đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” Và : “Sự thật sẽ giải thoát các ngươi.”
Ai cũng muốn
được bình an. Sự bình an đã được trời cao ban tặng cho chúng ta, đó
là Đức Giêsu, Hoàng Tử bình an. Để hưởng sự bình an đích thật,
chúng ta cần sống như Đức Giêsu đã sống. Sống trong sự tuân phục
thánh ý Chúa Cha, bênh vực sự thật, vun đắp tình thương và xây dựng
hòa bình, vì: “Phúc thay ai xây dựng
hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”
Lm. Mt