Lời Chúa cntn 15c _ phải làm gì để sống đời đời

TÔI PHẢI LÀM GÌ ĐỂ SỐNG ĐỜI ĐỜI?
Con đường dẫn đến hạnh phúc thật phải là con đường của tình yêu tinh tuyền, tình yêu của Đấng cho mặt trời mọc lên trên người lành và kẻ dữ, không biên giới, không phân biệt.
Lm. HK
Eve Lavallière (1866-1929) là một nữ diễn viên Pháp, duyên dáng, tài hoa, và có một thời nổi tiếng khắp thế giới. Tuy nhiên, chính trong lúc giầu sang và được ái mộ nhất cô vẫn không thấy được hạnh phúc, như lời cô thuật lại: “đang lúc thành công nhất thì mỗi lần diễn xong tôi lại thấy một nỗi buồn man mác, có khi tôi nức nở khóc… Luôn có một tiếng thì thầm theo đuổi tôi: Eve, mục đích của đời mày không phải thế”
Cô tâm sự với một nữ tu, bạn thân của mình: “Tôi luôn bị dằn vặt đau khổ. Một đêm nọ, tôi diễn ở Luân đôn và được hoan nghênh như chưa từng có; nhưng sau buổi diễn, khi thả bộ dọc công viên nhà hát liền với sông Thamise, tôi thấy chán đời đến nỗi đi ra bờ sông, nghiêng mình trên dòng nước và tự hỏi: có nên kết thúc cuộc đời trên dòng nước này không?”
Rồi được Chúa soi sáng, cô đến một làng nhỏ miền Vosges sống ẩn dật trong cầu nguyện, thống hối, hãm mình để chuộc lại những lỗi lầm trước đây. Bệnh tật, thiếu thốn… nhưng hạnh phúc! Khi được bạn cũ, văn sĩ Robert de Flers, đến thăm thì cô đã dặn ông: “Khi trở về Paris, xin anh nói với các bạn hữu là anh vừa đi thăm một người hạnh phúc nhất đời”.
Vì thế, Eve Lavallière còn được gọi là Mađalena của thời hiện đại.
“Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”. Vị luật sĩ hỏi để thử Chúa, nhưng đó cũng là nỗi thao thức luôn nằm sẵn trong tâm hồn mọi người, nỗi băn khoăn về hạnh phúc, về sự sống đích thực mà Chúa đã đặt sẵn trong lòng con người từ xa xưa, khi dựng nên họ theo hình ảnh của Ngài.
Câu trả lời “ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi”, như Môsê đã cho dân Do thái biết; hay nằm ngay trong lời kinh ‘shema’ mà dân Do thái đọc hằng ngày: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”, như câu trả lời của vị luật sĩ.
Nhưng để cho thao thức về hạnh phúc thật, về sự sống thật nơi con người được minh giải trọn vẹn thì cần đến câu hỏi “ai là anh em tôi?” của vị luật sĩ. Một câu hỏi tuy đơn giản nhưng cần thiết cho bước đường dẫn đến hạnh phúc thật; và câu trả lời của Đức Kitô đã cho mọi người thấy rõ con đường dẫn đến hạnh phúc thật phải là con đường của tình yêu tinh tuyền, tình yêu của Đấng cho mặt trời mọc lên trên người lành và kẻ dữ, không biên giới, không phân biệt.
Đức Kitô đã cho câu trả lời và chính Ngài cũng là câu trả lời: Đức Kitô đã không đưa ra một lời giải thích nào khác cho hành vi của người xứ Samaria ngoài mấy chữ ‘động lòng thương’: “một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương”; cũng thế, không ai có thể giải thích được việc làm của Đức Kitô khi xuống thế làm người, để “nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất”, mà không viện đến một tình yêu tinh tuyền.
Tình yêu là lý do duy nhất có thể giải thích mọi việc Chúa làm để cứu độ nhân loại: Thân phận con người hèn mọn đến nỗi họ chỉ có thể nại đến tình thương của Chúa mà kêu nài sự phù trợ của Ngài: “Phần con, con đau khổ cơ hàn, lạy Chúa, xin gia ân phù trợ bảo toàn thân con”.
Ai cũng phải cảm phục khi nhìn ngắm người Samaria chăm sóc một người bị nạn dọc đường chỉ vì ‘động lòng thương’! Thử hỏi anh ta còn có thể làm được điều gì cao đẹp hơn là tự ràng buộc mình một cách vô điều kiện với cuộc sống và hạnh phúc của một người qua đường, không một chút tính toán: “Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông”?
Nhưng sao có thể nói cho hết được sự ngạc nhiên và hạnh phúc cho mỗi người khi nhìn lại và thấy rằng ‘người Samaritanô’ của mình chính là Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng chỉ vì tình yêu thương mà đã đến gần con người, nên trưởng tử mọi tạo vật, và nên anh em của mỗi người.
Một nhà truyền giáo suốt đời vất vả hy sinh đem Tin Mừng đến cho mọi người. Lúc đau nặng gần chết, ngài được một số tín hữu đứng quanh an ủi: “Xin Cha yên tâm vì Cha sắp được về với Chúa. Cha đã không từ chối Chúa một hy sinh nào. Chúa sẽ ban thưởng Cha trọng hậu vì cả đời Cha là yêu mến Chúa với bao hy sinh”. Nhưng nhà truyền giáo đáp rằng: “Anh em đừng nói tôi sẽ được hạnh phúc vì cả đời tôi là yêu mến Chúa, mà đúng hơn phải nói là tôi được hạnh phúc vì Chúa đã yêu tôi suốt đời”.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là thấy mình được Thiên Chúa yêu thương: “Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng” (Cl 1,12); và lời đáp trả đẹp nhất cho tình yêu Chúa chẳng có gì khác hơn ngoài việc thực hiện cho người khác điều Chúa đã làm cho tôi: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.       
Lm. HK