Danh nhân _ Bergson

BERGSON (HENRI)
(1859-1941)  
Triết gia Pháp rất danh tiếng, cha đẻ học thuyết “Trực giác”  
TIỂU SỬ VÀ CÔNG NGHIỆP
Sinh tại Paris. Lúc nhỏ học rất giỏi Văn chương cũng như Toán. Được giải thưởng luôn cho cả 2 môn. Đỗ thạc sĩ Triết học (2è), rồi làm giáo sư tại Đại học Sư phạm, tạo Cao đẳng Học viện Pháp (Collège de France).
Năm 1912, tiên sinh qua dạy tại Nữu Ước, năm 1914, được cử vào Hàn lâm viện Pháp. Đại chiến I chấm dứt, tiên sinh phải đi dự nhiều hội nghị văn hóa tại Hội Quốc Liên.
Từ năm 1922, tiên sinh đã bắt đầu bị bệnh phong thấp, không thể hoạt động được như trước, đành ở nhà mà sáng tác.
Năm 1928, tiên sinh được giải thưởng Nobel về Văn chương.
Nhưng từ ngày này về sau, tiên sinh bại hẳn, không ra khỏi nhà nữa và tạ thế năm 1941. Đám tang của tiên sinh cũng đơn sơ vì nước Pháp lúc bấy giờ bị Đức chiếm và hơn nữa, gốc của tiên sinh là Do thái.
TÓM TẮT TRIẾT HỌC CỦA BERGSON
Gồm có 3 phần chính:
Phần thuộc Trực giác thuyết (Intuitionnisme) – Trực giác thuyết cho rằng nơi ta có một đồng cảm (sympathie) giúp chúng ta có thể trực tiếp bắt gặp được tuyết đối chân lý. Thuyết này gồm những điểm sau đây:
-          Phải gạt bỏ ra ngoài những bộ óc đã được nhồi bằng những tư tưởng sắp sẵn thành hệ thống rồi (esprit de système).
-          Muốn biết rõ sự vật, phải căn cứ trên “trực giác” tức là “đồng cảm” nói trên.
-          Trực giác này do lương tri của chúng ta cho chúng ta liền (données immédiates la conscience) mỗi khi chúng ta đứng trước một sự vật, không cần phải lý luận nhiều.
-          Những điều do trực giác cho chúng ta, chúng ta phải bắt lấy trong thực chất của chúng nó chứ không phải xuyên qua những kiến thức mà chúng ta đã lãnh hội được của giác dục, tôn giáo, tập quán,…
Nói tóm lại và nói một cách cụ thể hơn thì như sau đây:
Bạn đứng trước một bức tường trắng (chân lý). Nếu bạn mang kính đỏ thì thấy tường màu đỏ, mang kính vàng thì thấy tường màu vàng… nghĩa là thấy không đúng màu bức tường. Kính đỏ, kính vàng… đây là óc hệ thống.
Vậy muốn thấy cho đúng màu trắng của bức tường thì phải vứt bỏ những kính đi và chỉ ngó bức tường trực tiếp với cặp mắt của bạn mà thôi. Chỉ với điều kiện ấy thì may ra bạn mới thấy được chân lý.
Phần thuộc Đạo đức – Tiên sinh phân biệt Đạo đức làm 2 loại:
Đạo đức kín (morale close) hay đạo đức tịnh gồm bằng những mệnh lệnh, những điều bắt buộc mà ai cũng phải theo. Đạo đức này thay đổi tùy theo sự cấu tạo của xã hội.
Đạo đức mở (morale ouverte) hay là đạo đức động gồm những đà (élan) hồn nhiên để tiến tới điều hay, để thực hiện điều hay. Đạo đức này được cụ thể hóa bằng những hành động của những vị anh hùng, vị thánh. Đạo đức này không có mệnh lệnh, không có điều bắt buộc…
Phần thuộc Tôn giáo – Tiên sinh cũng phân biệt làm 2 loại như trên:
Tôn giáo tịnh (religion statique) gồm bằng những thói quen và nhiều lễ nghi cúng tế,… đã được quy định sẵn và được lặp lại, lặp lại bất di bất dịch. Tôn giáo này đặt đức tin vào những vị thần linh do óc tưởng tượng của người tạo ra mà thôi.
Tôn giáo động (religion dynamique) đòi hỏi ở kẻ hành đạo cả một chương trình hoạt động tích cực, đặt đức tin vào một đấng vô biên và vào sự tiến bộ không ngừng.
TÓM TẮT NHỮNG TÁC PHẨM CẦN BIẾT
Những tác phẩm chánh của tiên sinh viết bằng một lối văn rất hàm súc và rõ ràng là:
Khảo luận về những dữ kiện trực tiếp của lương tri (Essai sur les données immédiates de la conscience) viết năm 1889 là luận án thi Tiến sĩ trong đó tiên sinh trình bày thuyết Trực giác nói trên.
Chất liệu và trí nhớ (Matière et Mémoire): tại đây tác giả giải thích sự hợp tác nhất của linh hồn và thể xác (1896).
Sự biến hóa sáng tạo (L’évolution créatrice): vì phải sống nên con người cũng như muôn vật phải biến hóa và cứ mỗi lần biến hóa như vậy là có sáng tạo thêm một cái gì mới (1907).
Hai nguồn gốc của đạo đức và tôn giáo (Les deux sources de la Morale et de la Religion): viết năm 1932.
Trích tác phẩm DANH NHÂN THẾ GIỚI
của Trịnh Chuyết